Thứ Ba, 01/10/2024 22:41 CH
Ước mơ cháy bỏng chưa thành của một chàng trai khuyết tật
Thứ Hai, 22/10/2007 15:00 CH

Vượt lên những đau đớn của bệnh tật, những khó khăn của cuộc sống, chàng trai tật nguyền ấy đã lấy được tấm bằng cao đẳng tin học. Từ bỏ những công việc ở Sài Gòn, chàng trai trở về quê hương, ngồi trên chiếc xe lăn chạy vạy vay tiền để mở một cơ sở dạy nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Một cơ ngơi để mở cơ sở dạy nghề đã có nhưng khát khao cháy bỏng của chàng trai ấy đang vướng phải nhiều trở lực. Chàng thanh nhiên ấy là Châu Đình Hưởng, 26 tuổi, ở khu phố 3, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa.

 

071022-Huong.jpg

Anh Châu Đình Hưởng ngồi trên chiếc xe lăn lặng lẽ nhìn những chiếc máy vi tính đang bám bụi - Ảnh: TẤN LỘC

 

NUÔI ƯỚC MƠ TRÊN CHIẾC XE LĂN

 

Năm lên ba tuổi, sau một trận sốt bại liệt, hai chân và tay phải cậu bé Châu Đình Hưởng bắt đầu teo dần, không vận động được. Dù chỉ ngồi một chỗ, chỉ còn tay trái có thể ngọ ngoạy, Hưởng vẫn khát khao đi học. Ước mơ ấy chỉ thực hiện được khi Hưởng lên chín tuổi. Suốt những năm học phổ thông, dù mưa hay nắng, hàng ngày Hưởng vẫn nhờ bạn bè cõng đến trường. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp phổ thông, người nhà cõng Hưởng lên chiếc xe đò ra tỉnh Bình Định thi vào Trường đại học Qui Nhơn nhưng ước mơ vào đại học không thành. Một năm sau, Hưởng thi đỗ vào ngành Tin học Trường cao đẳng Công nghệ quản trị doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh. Suốt ba năm liền, ngày ngày Hưởng vừa chống chọi với bệnh tật, vừa tự đến trường trên chiếc xe lăn và tự lo cuộc sống cho mình. Bà Cao Thị Lan- mẹ Hưởng- nghẹn ngào kể lại: “Mỗi lần vào Sài Gòn thăm con, thấy Hưởng vật vã trên chiếc xe lăn để đi học và tự lo cuộc sống hàng ngày, tôi khóc suốt nhưng không biết làm gì vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không thể vào chăm sóc Hưởng”.

 

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp, Hưởng xin vào làm ở khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Dù có được việc làm ổn định nhưng đến tháng 3/2007, Hưởng quyết định trở về quê hương. Hưởng quả quyết: “Ngay khi học phổ thông, mình đã quyết tâm phải học được nghề, lấy bằng rồi về dạy nghề lại cho những trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh như mình”. Hưởng nói rằng xã hội này còn rất nhiều người khuyết tật thiệt thòi hơn anh. Những năm tháng ngồi trên chiếc lăn đi học với bàn tay rướm máu, Hưởng luôn ước mơ được dạy nghề cho những trẻ em khuyết tật. Hơn ai hết, anh thấu hiểu nỗi khát khao được học của những người có hoàn cảnh khốn khó như anh.

 

SAO NỠ TỪ CHỐI ƯỚC MƠ CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT?

 

Ngay sau khi về lại quê nhà, ngày ngày Châu Đình Hưởng ngồi trên chiếc xe lăn đi khắp các gia đình người thân vay mượn tiền để mua sắm thiết bị dạy nghề. Gom góp được 20 triệu đồng, anh mua được bảy chiếc máy vi tính cũ cùng một số thiết bị khác để dạy tin học ứng dụng và Anh văn giao tiếp miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Mục đích của anh Hưởng là vừa dạy nghề vừa tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật bằng dịch vụ vi tính văn phòng, internet tại cơ sở này. Từ đó sẽ có nguồn thu để trang trải cho cơ sở hoạt động. Hiểu tâm nguyện của con mình, bà Lan thu dọn lại nhà, dành hẳn hai căn phòng trong ngôi nhà không mấy rộng rãi để cho con trai mở cơ sở dạy nghề.

 

Tháng 5/2007, sau khi anh Hưởng nộp hồ sơ xin mở cơ sở dạy nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật, sở Lao động thương binh xã hội Phú Yên đến kiểm tra và bảo rằng chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cần bổ sung trang thiết bị, giáo viên. Thương con, bà Lan- mẹ anh Hưởng- bấm bụng chạy vạy thủ tục xin vay ngân hàng 40 triệu đồng để Hưởng mua thêm máy móc, trang thiết bị dạy nghề. Anh Hưởng kể: “Có bao nhiêu tiền, tôi mua hết máy móc, thiết bị rồi làm đơn xin Sở Lao động thương binh xã hội cho mở cơ sở dạy nghề. Thế nhưng, chờ đợi mãi không thấy cơ quan này trả lời, đến đầu tháng 8/2007 tôi nhờ người chở đến hỏi thì họ đưa tôi cho tôi một văn bản photocoppy trả lời rằng bây giờ thực hiện theo quy định mới nên cơ sở của tôi không đủ điều kiện”.

 

“Anh Châu Đình Hưởng là một tấm gương về ý chí vượt lên tật nguyền. Ý nguyện của anh là dạy nghề cho trẻ em khuyết tật rất đáng được cả xã hội trân trọng, góp sức. Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Phú Yên sẽ làm việc với các cơ quan chức năng tìm biện pháp để tạo điều kiện cho anh thực hiện nguyện vọng đáng quý đó”.

 

(Ông LÊ HOÀN- Phó chánh Văn phòng Hội cứu trợ trẻ em tàn tật tỉnh Phú Yên)

 

Giải thích sự việc này, ông Nguyễn Tài Soa- Phó phòng Dạy nghề sở Lao động thương binh xã hội Phú Yên- nói rằng anh Châu Đình Hưởng lập đề án thành lập cơ sở dạy nghề cho trẻ em khuyết tật vào tháng 5/2007. Lúc đó, chúng tôi đến kiểm tra và thấy rằng cơ sở của anh Hưởng chưa đủ các điều kiện theo quy định. Sau khi anh Hưởng tiếp tục đầu tư thì đã sang tháng 7/2007, thời điểm đã thực hiện theo quy định mới về thành lập cơ sở dạy nghề. Đối chiếu quy định này, cơ sở của anh Hưởng chưa đủ các điều kiện để tuyển sinh dạy nghề. Quy định mới mà ông Soa đưa ra là “quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trung tâm dạy nghề” do bộ Lao động thương binh xã hội ban hành ngày 29/5/2007. Ông Soa bảo rằng trở ngại của anh Hưởng là do anh thành lập cơ sở trong giai đoạn “giao thời”!. Nếu áp dụng quy định này, với điều kiện khó khăn của một người khuyết tật như anh Hưởng, không biết đến bao giờ cơ sở dạy nghề của anh mới được phép thành lập?.

 

Không nản chí, anh Hưởng làm đơn xin mở dịch vụ internet vừa để tận dụng số máy móc trên vừa tạo nguồn thu để tiếp tục đầu tư cơ sở dạy nghề. Thế nhưng cơ quan chức năng cũng đã thẳng thừng từ chối vì cho rằng cơ sở của anh không đủ điều kiện. Lý do mà họ đưa ra là cơ sở của anh cách một phân trường tiểu học 150m, trong khi theo quy định phải cách xa trên 200m.

Bây giờ, hàng ngày anh Hưởng ngồi trên chiếc lăn buồn bã nhìn những chiếc máy vi tính và đống thiết bị dạy nghề đang bám bụi. Anh nói xót xa: “Từ lúc kiểm tra điều kiện thành lập cơ sở dạy nghề đến khi áp dụng quy định mới, họ không hề thông báo với tôi một lời!”. Bà Cao Thị Lan nghẹn ngào: “Hưởng là con út nhưng cuộc đời nó thiệt thòi. Do đó, dù khó khăn nhưng gia đình vẫn chạy vay mượn tiền mua sắm máy móc, thiết bị để Hưởng thực hiện khát khao của mình. Ấy vậy mà ngay cả ước mơ được dạy nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật cũng không thực hiện được. Bây giờ, gia đình không biết lấy gì để hàng tháng trả lãi cho ngân hàng?”.

 

TẤN LỘC

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đêm cuối cùng bên mẹ
Thứ Sáu, 19/10/2007 07:07 SA
“Luyện cơ” trong bida máy lạnh
Thứ Ba, 09/10/2007 09:00 SA
Hấp dẫn “gà chỉ”
Thứ Ba, 02/10/2007 07:17 SA
Có những người già không nghỉ
Thứ Ba, 25/09/2007 07:22 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek