Lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ, chị Châu Thị Thanh (SN 1976, quê ở Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) kiệt sức với cuộc hôn nhân không tình yêu và đầy bạo lực suốt 13 năm nay. Thế rồi sau một vụ “bắt quả tang” khó hiểu, người vợ bị bạo hành phải mang tiếng xấu “ngoại tình”.
BI KỊCH CỦA CUỘC HÔN NHÂN GƯỢNG ÉP
Chị Châu Thị Thanh đang kể chuyện bạo hành trong gia đình mình với phóng viên. - Ảnh: MINH NGUYỆT
Vì nghĩ rằng người đàn ông lớn tuổi sẽ biết lo làm ăn và thương yêu vợ con, nên bà Võ Thị Gủm, mẹ của chị Thanh, đã một mực ép gả con gái cho ông Nguyễn Văn Hòa, người mà Thanh vẫn gọi bằng chú ở xã Sơn Giang huyện Sông Hinh, lớn hơn chị đến 20 tuổi!
Theo lời chị Thanh, khi mang thai đứa con gái đầu lòng được hai tháng, chị đã bị chồng đánh chảy máu mũi. Càng về sau, những trận đòn càng thường xuyên hơn. Những lần ông vòi tiền uống rượu nhưng chị không đưa, vợ chồng lời qua tiếng lại, vậy là chị bị chồng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Có lần trong trạng thái “sần sần” ông Hòa đánh vợ tại nhà mẹ vợ, trước mặt cô bác họ hàng! Chị Thanh nói: “Trải qua bao đắng cay khổ nhục, tôi sống được đến giờ là vì con. Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng mình chết thì bỏ con cho ai nuôi?”
Để nuôi ba đứa con, chị Thanh đã làm không biết bao nhiêu việc, từ cắt lúa, cấy dặm thuê, đi bán cá, thịt ở chợ đến lén lút buôn bán than. 13 năm chung sống, chị chưa bao giờ được chồng chăm sóc, yêu thương. Có lần chị bệnh nặng, không đi làm được. Ông Hòa nói chị giả vờ, vì vậy sau khi ăn xong, còn bao nhiêu cơm trong nồi ông đổ hết cho chó ăn!
Bây giờ, bà Gủm rất hối hận khi thấy con sống dở chết dở với người chồng vũ phu. “Thằng Hòa đánh nó chết đi sống lại, bất tỉnh không biết bao nhiêu lần” - bà kể - “Nhà tôi phải đi bổ thuốc võ cho nó uống. Tính đến nay, nó uống cũng gần 4-5 lít thuốc võ rồi”. Ông Võ Văn Phúc, thầy thuốc nam ở thôn Hội Cư, xã Hòa Tân Tây xác nhận: Ba bốn năm nay, vợ chồng bà Gủm tìm đến tôi để bốc thuốc võ cho con gái uống.
NGOẠI TÌNH HAY BỊ VU KHỐNG ?
Mâu thuẫn giữa chị Thanh với chồng (và cả gia đình chồng) lên đến đỉnh điểm, với “sự kiện” “bắt quả tang ngoại tình” có một không hai.
Chị Thanh kể: “Chiều hôm đó, khoảng 6 giờ rưỡi, tôi đi xuống nông trường Sơn Thành để lấy quần áo mới may cho con, nhưng tiệm may đóng cửa. Khi về tôi có gặp ông Trần Văn Đức ở thôn Vĩnh Giang. Tới nhà, tôi kinh ngạc khi thấy trước cửa đông nghịt người. Người ta nhìn thấy tôi, cũng rất ngạc nhiên. Có người nói: Ủa, sao nghe nói mày chạy lên đồi rồi đi tự tử mà? Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi bước vào nhà, thấy mọi thứ bị đập vỡ, dưới nền có nhiều vết máu… Bà con nói rằng gia đình chồng tôi lôi một người đàn ông vào nhà đánh và nói tôi dan díu với người này.”
Đêm hôm đó, chị Thanh lại hứng chịu đòn. Theo lời chị, ông Hòa lấy đá đập vào đầu, bóp cổ, khiến chị phải sang nhà hàng xóm “tị nạn”. Sau đó chồng chị sang, bảo về nhà ngủ. Thế nhưng khi về nhà, chị Thanh lại tiếp tục bị đánh. Chị nói: “Tôi sợ ổng giết chết rồi nói là tôi tự tử thì oan uổng.”
Mấy ngày sau khi sự việc xảy ra, chị Thanh bỏ trốn về nhà cha mẹ.
Đến lượt những đứa con bị đòn thay mẹ. Ông Hòa đã dùng dép “cá sấu” đánh vào mặt đứa con gái học lớp 7 để tra hỏi, đe dọa buộc cháu nói sai sự thật về mẹ. Hàng xóm thấy xót xa quá nên điện cho chị Thanh. Xót con, không còn cách nào khác, chị đành lòng để chúng tạm nghỉ học và tìm cách đưa đi “tị nạn”.
Chị đi rồi, tin đồn càng lan nhanh như gió, rằng chị “quan hệ” với Đàm Xuân Tiến, rằng ngoài Tiến, chị còn bồ bịch với anh Đàm Xuân Tùng, anh Dũng Rèn và vài người khác nữa…
LỜI KỂ MÂU THUẪN VÀ NHỮNG ĐIỀU VÔ LÝ
Đàm Văn Tiến, người bị gia đình ông Hòa cáo buộc là “quan hệ bất chính” với chị Thanh, kể: “Lúc ấy gần 6 giờ chiều. Tôi đi tìm anh Đàm Xuân Nhã. Băng qua sân nhà chị Thanh, tôi thấy ông Bảo mặc đồ công an thôn và ông Nguyễn Văn An, phía sau còn có mấy người nữa, đi tới phía mình. Khi bước qua hàng rào, chiếc dép bị rớt, tôi cúi xuống lấy thì họ rọi đèn pin vô mặt. Tôi nói sao lại rọi đèn pin vô mặt? Vậy là họ tấp vô đánh. Đầu tiên là dùng đèn pin đánh vô thái dương. Rồi họ lấy dây điện trói tay, kéo tôi vô nhà. Khi kéo lên hàng ba, do tôi nặng nên ngực đập xuống bậc cấp, chân đập vào cánh cửa. Sau khi họ đưa vô phòng, tôi mở mắt, chùi máu trên mặt. Tôi hỏi: “Bảo, sao mày đánh tao?” Lúc đó ông An lấy dao kê vào cổ tôi, nói: “Mày la lên là chết!”
Theo lời Đàm Văn Tiến, khi đưa anh từ ngoài sân vô nhà, nhóm người này (gồm Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Văn An, Lê Thế Dũng, Trần Văn Dũng và Dũi ở thôn Nam Giang) lập tức lục túi, lấy 1.460.000 đồng cùng một số tiền lẻ, cà-vẹt chiếc xe suzuki mới mua, cả giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, giấy tờ gỗ… Sau khi đẩy được anh Tiến vô phòng ngủ, họ tiếp tục dùng đèn pin và cây để đánh. Bảo cầm cây có đinh đập vào đầu, vào lưng Tiến. Lúc đó anh Tiến nghĩ, chắc mình chết. Nhưng không ngờ bà Nguyễn Thị Ngũ (láng giềng của chị Thanh) đã nhìn thấy sự việc từ ngoài sân.
Bà Ngũ kể: “Chiều hôm đó tôi ngồi bên hiên nhà anh Chung (hàng xóm của chị Thanh - PV), tôi thấy khi anh ấy (Tiến) bước sang, hắn ùa lại đánh. Tôi kinh quá, chạy vào nhà gọi con tôi: Chúng nó đang đánh nhau bên kia…”. Anh Trịnh Ngọc Long, con trai bà Ngũ, kể: “Tôi chạy sang, thấy Bảo mặc đồ công an, đang đẩy thằng Tiến lên chiếc giường đặt trong phòng. Lúc đó thằng Tiến đã máu me đầy đầu. Tôi chỉ mặt Bảo: “Mày là công an, chuyện đâu còn có đó, mắc mớ gì mà xông vào đánh con người ta? Giờ mày đến gây rối trật tự ở xóm tao, tao đánh mày!”.
Nguyễn Văn Bảo, công an viên thôn Nam Giang, một trong những người tham gia “tích cực” vào vụ việc, kể: Khoảng 6 giờ, khi anh ta cùng mấy người bạn ngồi chơi tại nhà thì ông An nói: “Chiều nay thấy nhà Hai Hòa có một người đàn ông trong đó, đèn thì tắt, còn bà vợ Hai Hòa chở con tới trường mẫu giáo nhận quà.” Sau khi thấy chị Thanh đi về, Bảo bố trí ông An tới cửa trước đứng, anh ta và Lê Thế Dũng (Dũng dân quân) cùng với Ly, con gái ông An bọc cửa sau. Theo lời anh ta, lúc đó chị Thanh đã dắt xe máy vô dựng ở trong nhà bếp. Anh ta vô nhà, hai lần vạch tấm ri-đô che cửa phòng và thấy hai người đang “này nọ”. Sau một hồi chần chừ, anh ta xông vào giữ Tiến lại, vật lộn, định cột nhưng không có dây. Chị Thanh chui qua chân anh ta (?!), trần truồng chạy lên đồi.
Ông Nguyễn Văn Hòa (SN 1956), chồng chị Thanh, trở về nhà sau khi sự việc xảy ra. Ông nói: “Trước đây hai vợ chồng tôi sống rất hạnh phúc, chỉ mới mâu thuẫn 6 tháng đổ lại đây thôi, vì nó ngoại tình với thằng kia”. Ngạc nhiên hơn, ông Hòa khẳng định rằng trước đây, ông không bao giờ đánh đập vợ. Trong khi đó, theo chúng tôi được biết, cách đây mấy năm, do không chịu nổi thói vũ phu của chồng, chị Thanh đã gởi đơn ly hôn đến tòa. Sau đó hai người được cơ sở hòa giải. Thông tin này được chính bà Ngô Thị Liên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Giang, em dâu ông Hòa xác nhận. Việc ông nói chị Thanh chỉ biết lấy tiền của chồng, theo chúng tôi cũng không đúng, vì nhiều bà con mà chúng tôi gặp đều khẳng định chị Thanh làm việc rất vất vả để nuôi 3 đứa con. Đêm đêm chị lén lút đi chở than. Cách đây hơn một tháng, chị đã bị cơ quan chức năng bắt, tịch thu chiếc xe máy.
Theo chúng tôi, câu chuyện “ngoại tình” có quá nhiều điều khó hiểu. Thứ nhất, anh em Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Bảo “huy động” Dũng dân quân cùng 2 thanh niên khác (Trần Văn Dũng và Dũi) rắp tâm bắt quả tang, nhưng lại không giữ nguyên hiện trường, “nhân đạo” đến mức để cho Đàm Văn Tiến mặc quần áo vào, thậm chí còn “đóng thùng” hẳn hoi, sau đó lại đòi cắt dây nịt của Tiến để làm tang chứng (?!) Thứ hai, chị Thanh không một mảnh vải trên người chui qua chân Bảo (?!) chạy lên đồi, sau đó làm thế nào mà “tàng hình” để vào nhà mặc quần áo, dắt xe đi, khi trong nhà ngoài sân đã đông nghịt người? Nhà chị Thanh được xây theo kiểu nhà ống, chỉ có hai cửa, cửa trước nhìn ra đường, cửa sau dẫn lên đồi. Từ nhà bếp ra đường chỉ có hai lối đi: Hoặc đi trong nhà, từ phía sau lên phía trước, ra cửa chính; hoặc theo lối đi nhỏ bên hông, sát nhà bên cạnh, dẫn ra sân trước đã chật cứng người hiếu kỳ. Thứ ba, những người chứng kiến vụ ngoại tình đều là những người bị Đàm Văn Tiến tố cáo đánh “hội đồng” anh ta. Người khẳng định nhìn thấy chị Thanh trần truồng chạy lên đồi là Ly, con gái ông An bà Liên và Lê Thế Dũng (Dũng dân quân), bạn trai của Ly! Còn Trần Văn Dũng, theo lời dân địa phương, từng cắt trộm dây điện thoại, mới đi tù về, em trai bà Trần Thị Oanh, cũng là một nhân chứng mà bên ông Hòa đưa ra.
TỰ GÂY THƯƠNG TÍCH HAY BỊ GÂY THƯƠNG TÍCH?
Giấy chứng nhận thương tích của bệnh nhân Đàm Văn Tiến: * Chẩn đoán: Chấn thương đầu do bị đánh * Ghi nhận thương tích: Bệnh nhân tỉnh, đau đầu; một vết thương chột vùng cạnh cột sống ngực 2, đường kính 0,5 cm; một vết thương xây xước da ở mặt trước cẳng tay phải, dài khoảng 10 x 0,2 cm. Hai vết thương chột vùng đỉnh và thái dương bên trái, mỗi vết khoảng 0,5 cm. (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên)
Sau khi công an xã có mặt, Đàm Văn Tiến đã cầm cái ấm điện dọa ném, sau đó đập lên đầu. Rất có thể, hành động bộc phát trong lúc thần kinh bị kích động này đã giúp cho bên ông Hòa củng cố lời khai là Tiến tự gây thương tích. Song y sĩ Nguyễn Văn Đô ở trạm y tế xã Sơn Giang, người đã xử lý vết thương cho Đàm Văn Tiến nhận định: “Nếu nói tự gây thương tích thì khó. Vết thương trên thái dương của nạn nhân được gây ra bởi một vật sắc nhọn, vết thương nhỏ và sâu. Đặc biệt, vết thương ở lưng không thể do chính anh Tiến gây ra được.”
Bác sĩ Hoàng Cao Nhã, người đã khám cho Đàm Văn Tiến khi anh được chuyển xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh và điều trị từ ngày 6/9 - 19/9 cũng suy nghĩ như vậy. Anh nói: Dựa vào vị trí thương tổn, thì khả năng Đàm Văn Tiến bị đánh nhiều hơn là khả năng anh ta tự đánh.
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc trên, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Giang Phạm Quốc Thông nói: Vụ việc này cơ quan cảnh sát điều tra huyện Sông Hinh đang thụ lý, chưa có kết quả. Chúng tôi có nghe thông tin công an viên Nguyễn Văn Bảo đánh anh Tiến, nhưng thật sự có đánh hay không thì chưa rõ. Địa phương đang chờ kết quả của cơ quan điều tra. Quan điểm của địa phương là nhanh chóng làm rõ vụ việc này sớm chừng nào hay chừng ấy.
Chúng tôi cũng mong rằng cơ quan điều tra sẽ làm việc thật khách quan, sớm tìm ra sự thật, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và trả lại danh dự, uy tín cho những người bị hại!
HOÀNG LAN – THỦY VĂN