Mùa mưa bão đến, hàng ngàn hộ dân sống dọc triền sông Bàn Thạch và sông Ba lại đau đáu nỗi lo nước cuốn mất làng. Tuy nhiên hiện nay, tất cả các biện pháp khắc phục đề ra phần nhiều chỉ mang tính chất đối phó.
Một điểm xói lở nặng nề tại bến sông thôn Phú Đa, xã Hòa Tân Đông - Ảnh: XUÂN HUY |
NĂM NÀO ĐẤT CŨNG ĐỔ XUỐNG SÔNG
Ông Nguyễn Văn Ca, trưởng thôn Vĩnh Xuân, xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa) chỉ cho chúng tôi xem những cây tre, cây bạch đàn bị sông “bứng” gần như trụi lủi, nằm trơ gốc bên bờ nước. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong 5 trọng điểm về sạt lở thuộc xã Hòa Tân Đông thì bến 17 (thôn Phú Đa), bến Soi (thôn Vĩnh Xuân) là nặng nhất. Nước lấn đến đâu là đất “rụng” đến đó. Hằng năm trung bình sông “nuốt” từ 3 – 4m đất, có chỗ mất hơn 10m. Nguy cơ sạt lở đất ở xóm Mới thôn Cảnh Phước, khu nghĩa địa thôn Đồng Thạnh và bến sông thôn Phú Lương cũng khá lớn. Con sông Bàn Thạch đoạn qua xã Hòa Tân Đông khi chảy đến địa phận thôn Cảnh Phước thì bị núi chắn khiến dòng chảy thay đổi đột ngột, lưu lượng nước dồn lại, mực nước tăng cao gây nên vòng xoáy thẳng vào phía bờ Bắc, lấn sang cả phần đất ở và đất sản xuất của những hộ ven sông.
Trưởng thôn Phú Đa Nguyễn Tấn Hùng cho biết: “Hơn chục, năm trước, bề ngang dòng sông rất hẹp, chỉ khoảng 8m, nơi rộng nhất chừng 25m, nhưng nay thì chỗ hẹp đã hơn 40m còn chỗ rộng nhất lên hơn 100m”. Anh Huỳnh Trác ở thôn Vĩnh Xuân thì bảo: “Nhiều nhà ven sông khi mùa mưa bão đến đều chuẩn bị sẵn sõng lớn để lỡ nước ập vào nhà còn thoát được. Còn anh Nguyễn Phú Sam lắc đầu ngán ngẩm: “Suốt chục năm nay, chúng tôi lúc nào cũng sống trong cảnh lo sợ sông cuốn trôi làng, nhưng nếu bỏ đi thì biết đi đâu, trong khi đa phần là dân nghèo. Đợi thêm vài năm nữa thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra bởi tốc độ xói lở hiện nay là rất đáng lo ngại”.
Tại những vùng đất ven sông Ba thuộc các thôn Liên Thạch, Thạch Bàn, Lạc Mỹ (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa) người dân ở đây khẳng định: Nhiều năm trước, đất sản xuất trải rộng đến ngoài bãi sông, giờ thì đã sát bên làng. Cứ mỗi năm, sông lại lấy đi một khoảng đất. Bây giờ, khu dân cư xóm Thổ, thôn Liên Thạch đã cận kề bờ sông. Người dân lo lắng với đà này, chẳng bao lâu nữa, dòng sông sẽ “nuốt” cả làng. Ông Nguyễn Công ở xóm Thổ Dục nói rằng: Gió bấc thổi xốc nước đập vào bờ làm xói tầng đất dưới (từ mặt nước trở xuống). Đất bị hổng chân, mùa mưa lũ tới, đất đổ ào ào. Bà Trần Thị Hòa, một người dân khác ở xóm Thổ nói: “Nước moi chân đất quanh năm. Đất vườn nhà cứ mất dần mất dần theo dòng sông này. Không lâu nữa, chúng tôi chẳng những mất đất sản xuất, mà có thể còn mất luôn chỗ ở”.
BIỆN PHÁP ĐỐI PHÓ: CHỈ LÀ CẤP THỜI
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 9.038 hộ dân đang sinh sống trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, lũ quét, sạt lở và triều cường. Số hộ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở, lũ lụt là 7.108 hộ, bao gồm: Đông Hòa 2.517 hộ, TP Tuy Hòa 918 hộ, Phú Hòa 760 hộ, Tây Hòa 591 hộ, Tuy An 547 hộ, Đồng Xuân 460 hộ, Sông Cầu 340 hộ, Sơn Hòa 565 hộ và Sông Hinh 410 hộ. Nguồn: BCH PCLB&TKCN Phú Yên
Hiện nay, người dân ở những khu vực sạt lở chỉ có biện pháp duy nhất là trồng cỏ, tre và bạch đàn để hạn chế mức độ xói mòn đất. Nhưng xem ra biện pháp này không ăn thua gì với sự tàn phá của dòng nước. Cách đây gần chục năm, người dân có kiến nghị xây bờ kè dọc theo những điểm có nguy cơ sạt lở cao nhưng cho đến nay, dự án trên vẫn không thể tiến hành được do thiếu kinh phí.
Ông Dương Tấn Trung, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Đông Hòa, cho biết: Khi UBND xã gửi văn bản lên, Phòng Kinh tế huyện phối hợp với người của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên nhanh chóng xuống kiểm tra. Tình trạng xói mòn, sạt lở ở đây đúng là rất đáng lo ngại. Hiện nay, biện pháp tốt nhất là xây bờ kè hay làm mỏ hàn để nắn lại dòng chảy của sông mới có thể khắc phục được tình trạng trên. Nhưng để làm được điều đó thì phải có nguồn kinh phí lớn và tốn không ít thời gian.
Trong khi chờ đợi, UBND xã Hòa Tân Đông có ý tưởng cho xe lấy cát ở phía bờ nam (không có dân cư) để đổ dọc theo bờ bắc, nhất là những vùng trọng điểm về sạt lở nhằm điều chỉnh dòng chảy để sông không khoét sâu thêm vào bên trong. Vậy nhưng hiện nay, dự án cầu Đá Cối vẫn còn treo, dù chỉ còn một nhịp cuối cùng nên giải pháp trên không biết bao giờ mới thực hiện được.
Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông Lê Tấn Khanh cho biết: “Phương án ứng phó hiện nay của xã chỉ là tăng cường kiểm tra những nhà ven sông về mức độ chắc chắn, an toàn. Những nhà thuộc vùng nguy hiểm, có khả năng bị đổ xuống sông sẽ được di dời kịp thời”. Xã cũng yêu cầu người dân chặt hết những cây cao, to vì khi lũ lụt đến khả năng những cây này đổ ngã, gây thiệt hại cho người dân là rất cao. Xã cũng đã tập trung 5 - 6 chiếc xuồng lớn tại bến sông thôn Cảnh Phước thường xuyên ứng trực để kịp thời cứu nạn cho dân khi cần.
XUÂN HUY – LY KHA