Thứ Hai, 25/11/2024 10:38 SA
Hò khoan Phú Yên trước nguy cơ mai một
Thứ Ba, 11/09/2007 07:42 SA

Hò khoan (HK) - những câu hát bóng bẩy, dí dỏm đẩy đưa đầy ẩn ý đã từng làm say mê biết bao người dân Phú Yên chất phác. Những đêm trăng thanh gió mát, người ta hẹn nhau đến sân hò và HK đã làm cho tài trí sáng tạo đang tiềm ẩn trong mỗi con người bỗng vụt sáng. Đã từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người bình dân, song giờ đây, HK Phú Yên đang đứng trước nguy cơ mai một.

 

NÊN DUYÊN NHỜ... HÒ KHOAN

 

070911-ho-khoan.jpg

Ông Nguyễn Khiêm ngày nào cũng ghi lại những câu hò khoan để giữ gìn cho con cháu Ảnh: K.CHI

Bây giờ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, thế mà ông Nguyễn Khiêm (dân địa phương hay gọi là ông Mười Đạo) ở thôn Dân Phước, thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu), thành viên Câu lạc bộ HK Sông Cầu vẫn không bỏ được “máu” mê hát HK vào mỗi tối trăng thanh gió mát. 87 tuổi, tóc đã bạc nhưng tâm hồn ông vẫn còn tươi trẻ. Ông nói: Nhờ “máu” văn nghệ, mê hò đó mà tui thấy mình trẻ hoài. Lúc trai trẻ, tui cứ đi nghe người ta hát rồi tìm thầy học, bữa nào gặp câu hò khó quá thì tìm thầy hỏi câu trả lời, cứ như thế tích luỹ dần thành vốn. Cũng nhờ mê hát hò mà tui quen và cưới được bà nhà.” Rồi ông kể, hồi đó tối đến là ông và bạn bè rủ nhau ra sân hò. Họ hát hay lắm, làm nhiều cô gái mê mẩn, có khi tới khuya mà vẫn chưa chịu về, cứ hát đưa đẩy mãi… Hát một vài lần, ông được một cô gái để ý, tối nào có sân hò mà chưa thấy ông tới là người ấy cứ ngóng trông hoài. Và rồi hai người hò dò hỏi ý lẫn nhau. Kể đến đây, ông Mười Đạo hò những câu mà nhờ đó ông với bà thành vợ thành chồng cho đến ngày bà qua đời.

 

Nữ: - Anh thương em cha mẹ hay chưa?

 

Hay là thương đón thương đưa ngoài đàng

 

Nam: - Anh về thưa mẹ với cha

 

Thưa cùng trong họ để sang qua kết quyền

 

Lựa ngày lưỡng thánh tề thiên

 

Lựa giờ trong sạch giao nguyền kinh tân

 

Lễ nghi đưa đón một lần

 

Kẻ ở xa cũng biết, người ở gần cũng hay

 

Mấy lời anh đã tỏ bày

 

Chữ can thường thiếp giữ, anh đây không phụ phàng.

 

Đó là chuyện hồi trước. Còn bây giờ, ông nói: “ Mấy bà ở bên xã Xuân Thịnh, Long Bình cứ rủ tui qua hát hoài. Họ nói tui hát hay, giọng ngọt ngào, đối đáp thông minh.

 

Họ cứ hò đưa đẩy:

 

- Em gặp anh đây em hỏi đôi lời

 

Con gà nằm trong tối sao nó biết mặt trời hừng đông

 

Nam: - Trách thay con gà mái đổi dời

 

Con gà cồ không yên giấc nên mới biết mặt trời hừng đông

 

Vừa nói ông vừa cười. Quả thật ở cái tuổi này, hiếm có người nào còn được giọng hát HK như ông Mười Đạo.

 

MÓN ĂN TINH THẦN KHÔNG THỂ THIẾU

 

Phú Yên có rất nhiều loại HK như: Hò đi cấy, đi cày, đạp mía, kéo vải, giã gạo, lảy bắp, kéo gỗ, chèo thuyền… Có thể nói mỗi hình thức lao động có một loại hò khác nhau. Theo một số nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian (VHDG) của Phú Yên, tên HK xuất phát từ đặc điểm diễn xướng. Câu hò thường mở đầu bằng nhóm từ hố khoan, khoan hò, hố hố khoan hoặc khoan khoan khoan hố… và những từ ấy được lặp lại nhiều lần. Những điệu HK từng lôi cuốn rất nhiều người, có người mê hò đến nỗi quên ăn quên ngủ, có người đến sân hò tìm bạn tri kỷ rồi nên duyên vợ chồng. Nói đến HK, ai ai cũng nghĩ ngay đến vùng biển Sông Cầu. Nơi đây đã hình thành nên một câu lạc bộ HK với vài chục thành viên gồm những người lớn tuổi để những tối trăng thanh, các cụ già vẫn hay rủ nhau đến xóm trên xóm dưới ở các xã, thôn trong huyện để hát hò.

 

HK từng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân sống ven biển. Là một loại hò đối đáp mang tính tập thể giữa nam và nữ, HK có luật chơi riêng của nó. Người chơi không chỉ thông thuộc nhiều câu hò, nhiều điển tích, có tài ứng đối nhanh và chính xác mà phải nắm vững vận hò để hò đúng luật. Bà Trịnh Thị Dữ (thôn Vạn Phước, thị trấn Sông Cầu) năm nay gần 80 tuổi nhưng mê hò đến nỗi con cháu “kình” hoài, bởi cái chân không chịu yên, cứ đi hát miết rồi “mến chiếu”. Trong căn nhà lụp xụp, những điển cố, điển tích được bà “kể” cho cháu chắt của mình nghe bằng HK. Bà nói: Hồi còn trẻ, nhiều trai tráng hát không lại tui đâu. Vì nhiều khi, câu hát HK được nghĩ ra trong một thời gian ngắn, người không có tài ứng biến sẽ không hát được. Đối phương dứt câu hát, trong khoảng hai phút phải có câu đối đáp, nếu bí thì đành bỏ cuộc ra về.

 

Theo nhà nghiên cứu VNDG Nguyễn Đình Chúc, tác giả cuốn sách Hò khoan Phú Yên, nét độc đáo của HK Phú Yên là sản sinh trên vùng đất mới, có kế thừa và chọn lọc, hoà nhập vào cuộc sống, là món ăn tinh thần của người lao động, để rồi cũng từ cuộc sống lao động lại sáng tạo ra những câu hò mới. HK Phú Yên khác với dân ca HK Bình Trị Thiên và Nam Trung bộ trước đây là ở cung bậc, giai điệu và giọng hò. Câu hò rất trữ tình, linh động và sáng tạo, nhất là trong hò đối đáp, giao duyên, hò xỏ, hò biếm. Mỗi câu hò đều mang ý nghĩa riêng của nó. Ví dụ như câu hò giao duyên bày tỏ tình cảm nam nữ:

 

- Trăng lên có chiếu sao chầu

 

Hỏi thăm đào liễu có ăn trầu ai chưa?

 

- Mận hỏi thì đào xin thưa

 

Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

 

Hay như những câu hò xỏ, trêu chọc bông đùa đối phương:

 

Nữ: - Tôi đến đây để hỏi hết mấy trò

 

Đường đi vô bếp có qua đò hay không?

 

Nam: - Anh là nam tử ăn học cũng đã thông

 

Đường đi vô bếp đâu phải qua sông qua đò

 

Thấy lời em nói cười no

 

Đường đi lên bụng không đò lội bơi.

 

Một buổi hò thường kéo dài từ chập tối đến khuya. Thời điểm này, những câu hò đưa tiễn cất lên mang theo bao niềm thương nỗi nhớ:

 

- Ra về bẻ lá cắm cây

 

Đến mai ta nhớ chốn này ta qua

 

- Trăng khuya soi bóng anh đi

 

Thấy chân anh bước ruột em thì quặn đau.

 

LÀM SAO GÌN GIỮ HÒ KHOAN?

 

Tìm hiểu HK Phú Yên là một công việc lý thú nhưng cũng không kém phần khó khăn vì hiện nay, làn điệu dân ca này đang dần mai một. Nhiều thầy hò, con hò hiện đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, không còn mấy người tỏ ra lạc quan về sự tồn tại của loại hình hát bình dân này nữa. Những buổi tát nước dưới trăng hay hẹn hò giã gạo đã dần phai trong cuộc sống đời thường. Nếu không có kế hoạch bảo tồn, nếu chậm trễ, những người lưu giữ HK trong tâm trí rồi sẽ không còn. Bà Dữ cho biết, mấy năm trước, huyện Sông Cầu cũng có mời bà lên truyền lại những làn điệu HK, bài chòi cho lớp trẻ của huyện. “Nhưng tụi nó học có mấy bữa rồi bỏ hết. Lớp trẻ không hát được vì tụi nó bây giờ chỉ mê nhạc trẻ thôi” - bà nói, giọng ưu tư. Còn ông Khiêm, vì sợ thất truyền nên cố gắng ghi chép đến mấy quyển vở, thu mấy cuộc băng cát-xét về HK của quê mình. Ông bộc bạch: Ghi như thế để sau này con cháu có muốn thì lấy ra mà đọc cho vui. Còn băng, ngày nào tôi cũng mở ra nghe hết.

 

Về vấn đề gìn giữ và phát huy vốn HK Phú Yên, nhà nghiên cứu VNDG Nguyễn Đình Chúc cho rằng: Nên tiếp tục sưu tầm những câu hò, phổ biến những tác phẩm, công trình về HK, đầu tư củng cố một số câu lạc bộ hát dân ca, HK trên địa bàn tỉnh đồng thời kết hợp với các hội diễn để lôi cuốn người thưởng thức.

 

KIM CHI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Angkor Thom - Đế Thích
Thứ Sáu, 07/09/2007 07:00 SA
Về già đánh cá chơi vơi...
Thứ Bảy, 01/09/2007 07:29 SA
Biệt thự dưới tán rừng
Thứ Hai, 27/08/2007 08:32 SA
Sinh viên và... lô đề!
Thứ Bảy, 25/08/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek