Thứ Tư, 02/10/2024 00:41 SA
Có những người già không nghỉ
Thứ Ba, 25/09/2007 07:22 SA

Về già được vui vầy bên con cháu, được chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ là ước mơ của không ít cụ ông cụ bà. Song thực tế hiện nay, ngay tại TP Tuy Hoà, không ít người dù đã bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn phải chạy ăn từng bữa.…

 

NẶNG GÁNH GIA ĐÌNH

 

070925-dap-xich-lo.jpg

Vắng khách, cụ Lê Nho đạp xe không đi về - Ảnh: XUÂN HUY

Ngày nào cũng vậy, dù nắng hay mưa, cụ Lê Nho, 90 tuổi, sống trong một con hẻm trên đường Lê Trung Kiên (phường 2, TP Tuy Hoà) cũng phải đạp xích lô đi đón khách. Vì tuổi đã cao, mắt kém, cụ Nho không đủ sức giữ thăng bằng tay lái nên chiếc xe cứ chệnh choạng, chỉ chực đổ nghiêng. Khách của cụ chủ yếu là những người buôn lẻ thường cất hàng ở chợ Tân Hiệp. Nhưng dạo này, cụ đạp xe chệnh choạng quá nên khách thưa hẳn, có chăng chỉ còn một vài người già đồng niên cám cảnh trước sự nhọc nhằn nên gọi một “cuốc” ủng hộ. “Hồi trước, sức tôi đủ “cày” gần chục chuyến chỉ trong một buổi sáng. Còn giờ thì “bết” rồi, cháu ơi!” – giọng cụ rầu rầu. “Nhiều lúc khách hàng thương tình nên cũng gọi xe. Nhưng thồ cả người lẫn hàng, quá tải, nên chiếc xe chổng  ngược lên trời, làm cả tài lẫn khách đều lăn kềnh ra đất, hàng hoá rơi vãi khắp nơi. Những lúc như vậy, khách không nói gì nhưng tuyệt nhiên không bao giờ họ đi nữa” cụ Nho nói. Khách ít, thu nhập của cụ giảm đi trông thấy. Trước đây, mỗi “cuốc” chí ít cụ cũng kiếm được hơn 5.000 đồng, đạp một buổi có khi kiếm được 50.000 đồng. Nay, cụ hạ giá xuống còn 3.000 đồng rồi 2.000 đồng một “cuốc”, nhưng khách vẫn cứ vắng. Nhiều hôm, dãi nắng dầm mưa cả ngày mà cụ chỉ kiếm hơn 10.000 đồng! Cực là vậy nhưng nghĩ đến 5 miệng ăn ở nhà, cụ vẫn phải cố.

 

Bà Võ Thị Miễn, 79 tuổi, quê ở thôn Hoà Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An) đã gia nhập “đội quân” mót lúa trong thôn từ nhiều năm nay. Bà tới những nơi đang thu hoạch rồi xin phép chủ ruộng cho nhặt những gié lúa còn sót lại sau khi gặt.  Tôi gặp bà tại cánh đồng thôn Minh Đức (Bình Kiến, TP Tuy Hoà)  lúc bà đang lúi húi mót những hạt lúa cuối cùng sau khi tuốt.  Vì sức yếu, không “cạnh tranh” nổi với những phụ nữ khoẻ mạnh khác, nên dù có cố lắm thì cả ngày bà cũng chỉ mót được từ 3 – 5 kg, bán khoảng 12.000 - 15.000 đồng. Hai bữa ăn cho một ngày lao động của bà chỉ là hai suất cơm trắng (mua với giá 1.000 đồng/ suất) chan nước mắm (xin tại quán ăn). Số tiền còn lại, bà cất kỹ để cuối tuần đem về nuôi mấy đứa cháu. Bà tâm sự: “Làm nghề này không chỉ cực cái thân mà còn tủi lắm, cậu ơi! Gặp chủ ruộng tử tế còn đỡ, chứ gặp những người ba trợn thì họ bắt mình vào làm không công một buổi trời rồi mới cho mót. Những lúc như vậy cũng chỉ biết cắn răng than trời thôi!”. Nói rồi bà chìa cho tôi xem cánh tay mà cách đây ít lâu bị chủ ruộng “lỡ tay”  đánh gãy khi vào mót mà không xin phép trước. Chỗ ấy giờ đây vẫn còn sưng lên như trái chanh và nhức nhối mỗi khi trái gió trở trời…

 

BAO GIỜ BỚT CƠ CỰC?

 

070925-mot-lua.jpg

Bà Võ Thị Miễn đang mót lúa trên một cánh đồng ở thôn Minh Đức (Bình Kiến, TP Tuy Hòa) - Ảnh: XUÂN HUY

Căn nhà của bà Võ Thị Miễn tại thôn Hoà Đa cũng “ốm yếu” không kém chủ của nó: Trống trước hở sau, mái tranh thủng lỗ chỗ, bốn bức vách  được vá chằng vá đụp bằng đủ loại các – tông không đủ tránh cảnh mưa tạt, gió lùa.  Kê một chiếc giường thôi cũng đã chiếm đến 2/3 diện tích toàn bộ căn nhà. Vậy mà, đây lại là nơi trú ngụ của bà và 5 đứa cháu, đứa lớn nhất mới lên 8, đứa nhỏ nhất vừa chập chững biết đi. Đứa nào đứa nấy ốm o gầy còm bởi bữa ăn hằng ngày chủ yếu là rau và mắm. Thấy bà về với nhúm thịt thừa mới mua rẻ ở chợ, mắt bọn trẻ sáng rực lên. Mặc dù đang chơi  trước sân nhà nhưng chúng cứ thay nhau chạy vào nhìn “nồi thịt” đã chín hay chưa. Bà Miễn phân bua: “Mấy tháng nay, tôi không có tiền để mua thịt”. Rồi với giọng buồn buồn, bà kể cho tôi nghe chuyện nhà mình: “Trước đây, con cái tui đứa nào cũng gia thất đàng hoàng, nghề nghiệp ổn định. Nhưng rồi, đứa thì rượu chè, đứa đề đóm đến tan gia bại sản, phải bỏ quê vào Nam sinh sống, để lại cho tui  một đàn cháu thơ khát sữa”. Thương cháu, bà vắt kiệt sức già vào việc giặt quần áo thuê, làm “ô sin”, rồi đi mót lúa. Ước mơ lớn của bà Miễn là có đủ tiền để sửa lại căn nhà cho vững chãi  hơn khi mùa mưa bão đang đến gần.

 

Gia cảnh cụ Lê Nho cũng chẳng khá hơn. Hai  con  trai của cụ,  người thì bị tai nạn mất khả năng lao động, người khi sinh ra đã dở dở ương ương nên không thể làm bất cứ việc gì. Cụ bà mới mất năm ngoái, cô con dâu thường ngày buôn thúng bán mẹt ở chợ nhưng suốt một tháng nay bị ốm nằm liệt ở nhà, giờø vẫn chưa khỏi. Trong hai đứa cháu nhỏ có một đứa khi mới chào đời đã bị tai biến mạch máu não, giờ chỉ  nằm yên một chỗ.  Vậy là mọi việc từ nhỏ đến lớn trong nhà đều do một thân cụ gánh vác. Căn nhà gỗ ọp ẹp đang bị mối mọt ăn thủng lỗ chỗ, thấp tè và dù trời sáng bưng nhưng trong nhà cứ tối om. Mùi gỗ mục trộn lẫn với không khí ẩm thấp làm những ai mới đến đây không tránh khỏi cảm giác khó chịu. Trong nhà không có lấy một vật dụng gì đáng giá,  ngoại trừ chiếc lư đồng và bộ gỗ thờ do ông bà để lại.  Cụ than: “ Cả những thứ ấy cũng chẳng giữ được lâu vì mấy hôm nay, tôi đã kêu người đến trả giá để lấy tiền chạy chữa cho đứa cháu bất hạnh. Dẫu biết làm vậy là có tội với ông bà tổ tiên và dù có bán cũng không thể giải quyết được gì, nhưng được đồng nào hay đồng ấy…”

 

LỜI KẾT

 

Chưa thể thống kê hết  số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đang  có hoàn cảnh tương tự như  cụ Lê Nho, bà Võ Thị Miễn.  Những người này hiện đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức từ thiện và những tấm lòng vàng. Do điều kiện kinh tế phát triển, nhiều nước trên thế giới đã có viện dưỡng lão, những người già vào đây đều được chăm sóc khá chu đáo về mặt vật chất lẫn tinh thần. Ở ta còn nghèo, nhưng có truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách”. Hội Người cao tuổi từ trung ương đến cơ sở đã được thành lập. Thế thì Hội cần có những hoạt động để đánh động từ tâm của cộng đồng để cùng giúp những người già cực khổ có chút niềm vui trong những tháng ngày sắp xa trời gần đất…

 

Phóng sự của XUÂN HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hò khoan Phú Yên trước nguy cơ mai một
Thứ Ba, 11/09/2007 07:42 SA
Angkor Thom - Đế Thích
Thứ Sáu, 07/09/2007 07:00 SA
Về già đánh cá chơi vơi...
Thứ Bảy, 01/09/2007 07:29 SA
Biệt thự dưới tán rừng
Thứ Hai, 27/08/2007 08:32 SA
Sinh viên và... lô đề!
Thứ Bảy, 25/08/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek