Trên đoạn đường Quy Nhơn - Sông Cầu, nhiều quán ăn mọc lên chuyên bán các món gà, từ luộc, nướng, xào sả ớt, xáo măng đến chiên mắm, bóp gỏi, cháo đậu xanh nấm rơm… khá hấp dẫn. Và cái tên “gà chỉ” ngồ ngộ đã trở nên quen thuộc với thực khách gần xa.
Các quán “gà chỉ” trên đoạn đường Quy Nhơn – Sông Cầu – Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
QUÁN NỐI TIẾP QUÁN
Trên Quốc lộ 1D (thường gọi là đường mới Quy Nhơn - Sông Cầu) qua xã Xuân Hải đến địa phận phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, có một đoạn đường khoảng hơn cây số nhưng có đến mười mấy quán đặc sản “gà chỉ” mọc lên liên tiếp: Hữu Lai, Tre Xanh, Suối Phương, Vườn Xoài, Vườn Đào, Dương Quá, Sông Đồng 87…
Ông Bốn Lai, chủ quán “gà chỉ” Hữu Lai cho biết nguồn gốc của từ “gà chỉ”: Lúc mới kinh doanh, khách ít. Chúng tôi nhốt gà trong chuồng, ai muốn làm thịt con nào cứ việc ngắm nghía và… chỉ, chúng tôi sẽ “thịt” ngay con đó. Cái tên “gà chỉ” xuất hiện từ đó.
Chủ quán “gà chỉ” Hữu Lai người ở Quy Nhơn, hội viên Hội Sinh vật cảnh của TP này. Năm 2003, ông đến đây mua 2.500m2 đất để mở điểm bán cây và cá cảnh. Nhưng khu đất này chưa có qui hoạch, TP Quy Nhơn không cấp phép xây dựng, vì vậy ông mới tạm mở quán “gà chỉ” này, gọi là “lấy ngắn nuôi dài”. Trước, ở đây đã có một người mở quán bán các món gà nhưng không thành công, đành dẹp tiệm. Ông Bốn Lai rút kinh nghiệm từ khâu phục vụ, chọn lựa nguyên liệu đến chế biến, giá cả lại bình dân nên mới thành công. Thấy khách đến với quán “gà chỉ” ngày càng đông, nhiều người khác cũng mở quán. Đến nay, cả khu vực này từ trên đường xuống dưới xóm có hơn hai mươi quán chuyên bán các món gà. Cũng như quán Hữu Lai, các quán ở khu vực này không được phép xây dựng kiên cố mà chỉ dựa vào địa hình sẵn có để bố trí cây cảnh tạo nên nét riêng.
Món gà với nhiều loại muối - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
HẤP DẪN “GÀ CHỈ”
Quán ở đây bán các món ăn chế biến từ gà “ta” được chọn lựa một cách cẩn thận. Gà thả vườn do chủ quán tự nuôi hoặc mua từ các chủ vườn ở Sông Cầu, Tuy An. Họ chỉ mua gà tơ chuẩn bị đẻ, lông vàng, chân vàng bởi loại này thịt nhiều, mềm và ngọt hơn các loại gà khác. Một chủ quán cho biết, bà chỉ chọn mua gà thả vườn, người nuôi chỉ cho ăn gạo, cám và rau, không được cho ăn thực phẩm công nghiệp. Theo kinh nghiệm của bà, gà ăn thực phẩm công nghiệp khi làm thịt rất nhớt. Nhất là khi luộc, thịt sẽ bở và nhớt hơn gà bình thường.
Điểm đặc biệt khiến khách nhớ lâu món “gà chỉ” ở đây chính là sự cầu kỳ của các loại muối ăn với thịt gà. Có không dưới bốn loại, như muối tiêu vắt chanh, muối ớt giã lá chanh, muối ớt xanh giã nhuyễn, đặc biệt là muối ớt đỏ được chế biến sền sệt có vị chua chua, mặn mặn, ngọt ngọt rất khó tả.
Đến với các quán “gà chỉ”, thực khách nào bị ám ảnh bởi cúm gia cầm cũng có thể yên tâm. Ông Phạm Hiển, kiểm dịch viên Trạm kiểm dịch động vật Quy Nhơn - Sông Cầu đóng chốt ngay trên cung đường này, cho biết: Khu vực này an toàn, từ trước đến giờ chưa xảy ra dịch cúm gia cầm lần nào. Nhưng vào thời điểm dịch xảy ra ở các tỉnh lân cận, địa phương vẫn đóng cửa các quán gà ở đây nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân. Gà thả vườn do các chủ vườn nuôi ở đây đều được tiêm phòng. Gà mua ở Sông Cầu, Tuy An cũng phải qua kiểm dịch mới được nhập đàn.
Do quán nào cũng bán món gà nên các chủ quán cạnh tranh bằng cách chế biến những “món ruột” để thu hút thực khách. Khách đến quán Tre Xanh có thể gọi món gà xáo măng; quán Hữu Lai có món gà luộc với đầu hành, món đậu bắp chấm với muối ớt đỏ có vị khác lạ… Riêng món cháo gà nấu đậu xanh và nấm rơm hấp dẫn thì khách phải gọi trước và chờ đến cuối bữa.
Đến đây với quán “gà chỉ”, khách không những được thưởng thức cái ngon của các món ăn “chuyên gà”, mà còn được thư giãn bởi phong cảnh hữu tình. Con đường rất đẹp đi ngang qua, phía tây là dãy núi Cù Mông cao vời, phía đông là biển xanh thẳm với những gành đá và bãi cát mịn màng, trắng tinh tạo nên khung cảnh thật thơ mộng.
PHÚ VINH