Thứ Hai, 25/11/2024 12:53 CH
Sinh viên và... lô đề!
Thứ Bảy, 25/08/2007 14:00 CH

Thay vì tập trung học hành, lên thư viện kiếm tài liệu để  “dùi mài kinh sử” thì gần đây, một bộ phận sinh viên (SV) các trường cao đẳng, đại học ở Phú Yên  lại mê mải lao vào  những lô đề...

 

070825-anh-so-de.jpg

Đánh đề, ghi đề tại góc đường Lê Trung Kiên – Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa)  – Ảnh: T.HẢO

 

K, sinh viên hệ tại chức của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Phú Yên, có vẻ ngoài đầy chất thư sinh, nhưng ít ai ngờ  đây là một “con nghiện” lô đề thứ thiệt. Vừa từ quê xuống TP Tuy Hòa, cầm số tiền gần 2 triệu đồng mà gia đình mới cho để nộp học phí học kỳ sắp tới, K chạy thẳng tới một quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi. Gọi ly cà phê đen với mấy điếu thuốc, K vẫy một người bán vé số đến. Sau một hồi “nghiên cứu”, K quyết định theo “con” 79. “Chơi số đề không phải muốn đánh con gì thì đánh, mà phải nghiên cứu và theo dõi kết quả xổ số ra hàng tuần mới dám đầu tư. Đánh theo kiểu “hên xui” không ăn thua đâu!” – K nói khá “chuyên nghiệp”.

Sau khi nghe tôi có ý định  đánh đề, lúc 17 giờ 45 phút, K chở tôi đến chỗ một chị bán vé số kiêm ghi đề ngay góc đường Lê Trung Kiên -  Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hoà).  Nhìn thấy K, chị này vui ra mặt, vội lấy ra một tập giấy bé xíu. Không để phí  thời gian, K lập tức đọc các con số mà mình đã dày công tìm hiểu:  79 – “đầu” 50 ngàn, “đuôi” 50 ngàn. 79 -  “bao lô” 100 ngàn. 179 -  “bao lô ba chân” 10 ngàn, tất cả theo Đài Khánh Hòa”. Nhìn mảnh giấy nhỏ chi chít những con số  với tổng số tiền hơn 1,6 triệu đồng mà K vừa mới “thả” vào con đề, tôi tái cả mặt. Trên đường về,  K lạnh lùng giải thích: “Tui phải “dô” lần này để lấy “con” N73 về! Nó đang đi “nghỉ mát” ở tiệm cầm đồ 3 tháng rồi. Số tiền còn lại để đãi mấy  đứa  bạn đã cứu mình trong lúc hoạn nạn. Chơi đề mà không có máu liều thì không “thu hoạch” được gì đâu!”.

 

Lúc 19 giờ 30 phút, tôi gặp lại K ở góc đường Nguyễn Trãi -  Trần Hưng Đạo. Nhìn bảng thông báo kết quả xổ số, K chỉ thấy “thần tài nhỏ (39) về ngay số “đuôi”!”. Với vẻ mặt buồn bã, K trầm ngâm một lúc rồi nổ xe chạy biến.

 

Tìm cách liên lạc với các  “chiến hữu” của K sau đó, một người trả lời tôi với giọng trấn an: “K không có chuyện gì nghiêm trọng đâu, mày đừng lo!”. Cũng từ bạn bè của K, tôi được biết trước đây, sinh viên này đã “cầm cố” chiếc Nouvo mà gia đình trang bị làm phương tiện đi học để nuôi “con” 35 trong 10 ngày. Do chán đời trong những lần nuôi số thất bại ấy, K đã không ít lần bỏ thi học phần cuối kỳ…

 

Cứ nghĩ sinh viên chơi đề như  K thật khó tìm, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn la cà tại các khu nhà trọ dành cho SV nằm gần các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Tuy Hòa, tôi đã làm quen với nhiều SV lô đề khác rất có “máu mặt”. D, sinh viên Trường Đại học Phú Yên là một trong số đó. Gia đình vốn khá giả nên D không hề thiếu thốn gì về vật chất so với bạn bè. Do có giọng hát khá nên sang năm học thứ 2, D đã là ca sĩ của nhiều phòng trà ca nhạc lớn, nhỏ tại TP Tuy Hòa. Những tưởng khoản tiền chu cấp 1,2 triệu đồng/tháng từ gia đình cộng với tiền cát–sê gần 1,5 triệu từ các phòng trà sẽ giúp D dư sức trang trải mọi chi phí học tập. Nào ngờ, nghe lời bạn bè rủ rê, D chơi thử vài lần cho biết, nhưng bây giờ sinh viên này đã chính thức trở thành “đệ tử” quen thuộc của lô đề.

 

“Của thiên” rồi cũng “trả địa”, đó là hoàn cảnh chung của các “chuyên gia số đề”. Có hôm trúng mánh vào “lô”, D mở tiệc chiêu đãi suốt đêm cho tất cả đám bạn cùng ở trọ. Nhưng cũng chỉ vài ngày sau, D lại phải gom góp từng đồng, vừa đủ  “bao lô” một con để tiếp tục nuôi hi vọng và ăn mì gói! 

 

Sau những lần nuôi đề không thành, biện pháp để dân chơi đề gỡ gạc vẫn là cầm cố những vật dụng sinh hoạt. Theo lời của những người từng sống cùng dãy trọ, D thường mang điện thoại di động cầm cố để “chữa cháy”, thậm chí đến cà vẹt xe máy, giấy phép lái xe, chứng minh nhân dân cũng bị D “gởi” vào tiệm cầm đồ.

 

Hậu quả buồn của những “chuyên gia nghiên cứu số đề SV” thường là những khoản nợ “nóng” mượn từ bạn bè, “cắn” vào tiền học phí hoặc là khách quen của những tiệm cầm đồ với lãi suất cao. Đi kèm với các khoản nợ ấy thường là những đêm thức trắng không phải vì học bài, mà là suy nghĩ xem làm thế nào để giải quyết êm thấm các khoản nợ đang gần đến hạn trả và tiếp tục nghiên cứu lô đề.

 

L, một bạn học cùng lớp với D, mạnh miệng: “Tui chỉ chơi cho vui! Đời nào lại dính vào con đường đề đóm cho nó khổ cái thân. Không ít sinh viên trong ký túc xá này tối nào cũng nhốn nháo cả lên vì số đề đấy thôi”. Những sinh viên như L đâu có biết rằng những người như K, D trở thành “tù nhân” của nạn đỏ đen cũng bắt đầu từ câu nói cửa miệng “Chơi cho vui ấy mà!”.

 

Phóng sự của NHẬT HUY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cơn “sốt” săn tìm gỗ huỳnh đàn
Thứ Tư, 22/08/2007 07:12 SA
“Tuần tra” bảo vệ cá sấu Xiêm
Thứ Hai, 20/08/2007 14:00 CH
Tay không nối xương
Thứ Hai, 13/08/2007 07:28 SA
Thao thức với tôm hùm
Thứ Ba, 31/07/2007 07:00 SA
Sắc màu cá cảnh biển
Chủ Nhật, 29/07/2007 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek