Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Đoàn Cựu chiến binh (CCB) Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên vừa có chuyến về nguồn thăm lại chiến trường xưa. Trong ký ức của họ, những năm tháng xẻ dọc Trường Sơn, mở đường cho xe ra mặt trận vẫn còn sống mãi.
Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của những thanh niên xung phong (TNXP), bộ đội Trường Sơn năm xưa vẫn còn nguyên vẹn về tình đồng chí, đồng đội khi trở lại với những cung đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, với Thạnh Mỹ, Khâm Đức (Quảng Nam), A Lưới, Khe Sanh, Làng Vây (Quảng Trị)…
Sống lại thời hoa lửa
Đoàn CCB Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Phú Yên về nguồn, thăm lại chiến trường xưa lần này gồm 10 người, trong đó có 2 nữ, hầu hết là người quê từ Hà Tĩnh trở ra. Người cao tuổi nhất đoàn là cựu binh Võ Luyện (SN 1933, phường 1, TP Tuy Hòa); trẻ tuổi nhất là cựu nữ TNXP Phạm Thị Liên (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) cũng đã qua “60 mùa xuân xanh”. Tất cả đều đã lên “chức” ông, bà, thậm chí “chức” cố, nhưng ai cũng hừng hực khí thế khi tham gia cùng đoàn về nguồn.
Đoàn dừng chân chụp hình lưu niệm tại ngã ba Thạnh Mỹ - Đường Hồ Chí Minh - Ảnh: XUÂN HIẾU |
Theo thông báo triệu tập, 4 giờ 45 mọi người tập trung để 5 giờ xe xuất phát, nhưng mới 4 giờ 30 nhiều người đã có mặt tại điểm hẹn. Cựu binh Nguyễn Quốc Chỉnh (70 tuổi, ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) cho biết về lại Trường Sơn là điều mong ước của ông từ bao năm qua, nay mới có dịp. Để kịp giờ khởi hành cùng đồng đội, ông đã đón xe buýt xuống Tuy Hòa từ chiều ngày hôm trước. Tự mình đi xe máy từ làng biển Đa Ngư - Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) ra thành phố từ 4 giờ sáng, cựu binh Nguyễn Văn Lẫn, phấn khởi bày tỏ: “Được về thăm lại chiến trường xưa nên trong tôi rất háo hức và xen lẫn hồi hộp. Mặc dù năm nay đã gần thất thập cổ lai hy rồi nhưng tôi vẫn còn đủ sức để vượt Trường Sơn lần nữa”. Còn bà Nguyễn Thị Xinh (phường 8, TP Tuy Hòa) đã bước sang tuổi 75, cho biết hàng ngày bà vẫn quán xuyến công việc sản xuất của gia đình, chăm sóc trang trại 5ha với 2ha trồng tiêu ở Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. “Thật khó có dịp nào khác để về lại những nơi mà tuổi xuân của mình đã gắn bó, từng vào sinh ra tử. Vì vậy tôi giao công việc nhà và trang trại lại cho chồng con để tham gia cùng đoàn về nguồn. Đoàn đi đến đâu là tôi đi đến đó”, bà Xinh thổ lộ.
Đúng “giờ G”, chiếc xe 12 chỗ chở đoàn CCB bắt đầu lăn bánh. Cùng là bộ đội, TNXP của Đoàn 559 từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn nhưng vì mỗi người một đơn vị, mỗi nhiệm vụ khác nhau nên trước đây hầu như chưa ai quen biết ai. Nhưng chỉ sau khi xe chạy qua khỏi địa phận Tuy An, cả 10 người như hòa làm một. Những tên đất, tên làng, tên sông, tên suối, tên đơn vị lần được các CCB nhắc đến xen lẫn với những mẩu chuyện chỉ có trong thời chiến tranh “cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn” giữa mưa bom, bão đạn. Đó là, câu chuyện về tấm gương mưu trí, dũng cảm của chiến sĩ lái xe Đoàn 559 Nguyễn Quang Hạnh (Hải Hậu, Nam Định), người đã lái chiếc xe bị trúng bom đang cháy ra xa hàng cây số dụ địch để 35 chiếc xe còn lại về điểm tập kết an toàn. Đó là chuyện kể về Chính ủy Binh trạm 36, Binh đoàn 559, thiếu tá Lê Phụng Kỳ (quê xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa). Đêm 13/5/1969, lợi dụng lúc địch ngừng thả bom, Chính ủy Lê Phụng Kỳ xuống mép nước thăm dò tình hình để chuẩn bị chỉ huy bộ đội vượt sông Bạc từ hào nam sang bờ bắc (tức từ tỉnh A-tô-pư đi tỉnh Sa-la-van nước bạn Lào), nhưng không may, đúng lúc máy bay của địch bất ngờ quay lại quần phá và đánh bom nên đồng chí đã hy sinh. Anh em trong đơn vị đã dùng vỏ hòm đạn B41 đóng làm quan tài chôn người chỉ huy cũng là đồng đội của mình tại chân đèo bản Long. Sau khi Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn được thành lập, hài cốt liệt sĩ Lê Phụng Kỳ được đưa về an táng tại đây”. Đó là câu chuyện về Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh, gồm 40 cô gái tuổi mười tám đôi mươi ra đời ngày 18/12/1968 tại Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là đội nữ lái xe duy nhất trong kháng chiến chống Mỹ và được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2014…
Bà Phạm Thị Liên nhớ lại: “Từ quê hương Nghệ An tôi tham gia Đoàn 559, làm nhiệm vụ cứu thương, phục vụ chiến đấu khi mới 16 tuổi. Tôi nhớ nhất là bữa ăn đầu tiên ở Trường Sơn chỉ có rau luộc chấm muối, còn cơm thì độn với sắn. Chính xác là mỗi củ sắn chỉ bám vài hạt cơm. Người lính già tóc hoa râm, là người Hà Tĩnh ngồi bên cạnh lấy những củ sắn cho vào bát nước luộc rau cho cơm lắng xuống, nhường cho tôi còn ông chỉ ăn sắn. Ông bảo “cháu còn trẻ phải ăn cơm mới có sức mà tham gia chiến đấu”. Tôi bưng bát cơm ông nhường cho mà nước mắt cứ chảy dài, không tài nào nuốt được. Khuôn mặt phúc hậu của người lính già ấy đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in”.
Đồng hành cùng với những CCB suốt dọc đường đi là những khúc ca hùng tráng của một thời hoa lửa: Rừng xanh vang tiếng ta lư, Cô gái mở đường, Nổi lửa lên em, Đường Trường Sơn xe anh qua…, làm cho đoạn đường như ngắn lại.
Đường vào huyện A Lưới - Ảnh: XUÂN HIẾU |
Về chiến khu xưa
Sáng sớm hôm sau, từ cầu vượt Hòa Cầm (Hòa Vang, Đà Nẵng) ngược về hướng tây đến ngã ba Thạnh Mỹ, điểm tiếp giáp với đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, đoàn dừng chân. Đây là vùng trọng điểm đánh phá và ngăn chặn ác liệt của không quân và bộ binh Mỹ - ngụy trong những năm 1969-1975. Rẽ qua cầu Thạnh Mỹ theo đường Hồ Chí Minh - Đông Trường Sơn, đoàn ngược lên Khâm Đức dọc theo tuyến đường ống dẫn xăng dầu và hệ thống đường dây thông tin tải ba Bến Giằng hướng về chiến khu A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Theo các thành viên trong đoàn, từ năm 1968, bộ đội Trường Sơn bắt đầu xây dựng đường ống xăng dầu từ Nam Đàn (Nghệ An), đến năm 1973, dòng xăng đã bơm tới Bù Gia Mập (Bình Phước). Hệ thống đường ống xăng dầu với 1.400km đường ống, 113 trạm bơm, 33 trạm cấp phát xăng dầu lớn, nhỏ, đưa dòng xăng từ miền Bắc đến các chiến trường chỉ cách Sài Gòn hơn 100km. Tiếp đó, từ mùa khô 1971-1972, để đối phó với máy bay AC.130 được trang bị hồng ngoại, có khả năng phát hiện mục tiêu ban đêm, bộ đội Trường Sơn đã mở các tuyến đường ở những cánh rừng lớn có cây che phủ. Ở những nơi không đủ cây che, bộ đội chặt cành cây hoặc làm giàn phong lan ngụy trang kín đường cho xe chạy ban ngày, nâng tốc độ vận chuyển lên gấp 2-3 lần so với tốc độ đi trong đêm tối. Riêng đường thủy, bộ đội Trường Sơn đã tận dụng các sông, suối để vận chuyển hàng bằng thuyền, bè, hoặc thả hàng trôi sông để trạm phía dưới đón nhận. Đặc biệt, bộ đội đã sử dụng công binh để chinh phục những dòng thác dữ, sử dụng vận chuyển cơ giới (thuyền máy) trên sông.
Tuyến đường ngoằn ngoèo nằm vắt vẻo trên lưng chừng của dãy Trường Sơn mà đoàn đi qua chính là xa lộ Hồ Chí Minh, bám sát gần với đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, xuyên qua 4 thị trấn nhỏ của miền Tây Quảng Nam là Prao (Hiên), Thạnh Mỹ, Nam Giang và Khâm Đức. Phần lớn chiều dài tuyến đường này không có dân ở, cắt qua những vùng đồi núi hiểm trở, cây cối chỉ mới mọc lại sau những trận rải chất diệt cỏ của Mỹ hơn 40 năm trước. Theo các thành viên trong đoàn, những cánh rừng này nhiều lần phải hứng chịu những đợt rải thảm chất độc da cam và bom các loại của quân đội Mỹ, nhưng từng đoàn xe từ miền Bắc chở vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn ngày đêm lăn bánh.
Từ Thạnh Mỹ đi Khâm Đức, xa lộ Hồ Chí Minh chạy dọc sông Cái - nhánh chính của sông Vu Gia. Đây là con sông lắm ghềnh đá và những đoạn ngoặt dòng đột ngột. Các vạt phù sa nhỏ hẹp bám sát theo dòng nước, không đủ độ rộng cho những vạt bắp, đậu khoe sắc màu. Bám trên lưng chừng núi là những rẫy lúa đang đến mùa thu hoạch. Đến đoạn này mới gặp những khoảnh rừng già may mắn còn sót lại qua thời kỳ chiến tranh và chưa bị lâm tặc chặt phá. Thấp thoáng trong những cánh rừng bạt ngàn là bản làng của người Cơ Tu với những mái nhà gươl rất đặc trưng.
Sau một ngày rưỡi hành trình, đoàn dừng chân nghỉ trưa ở A Lưới. Đây là một cung đường quan trọng trong hệ thống “đường dây Thống Nhất” nối liền Khu V với miền Bắc. Ở vùng cao thung lũng A Lưới này trước kia cũng như hiện nay là nơi sinh sống của đồng bào Tà Ôi (Pa Kô), Cơ Tu, Vân Kiều. Theo ông Trần Thành Chính, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh, sau khi có Nghị quyết 15, Binh đoàn 559 thành lập và được giao nhiệm vụ tổ chức đường dây vận tải quân sự đặc biệt để đưa người và tiếp tế vũ khí cho cách mạng miền Nam. Lúc này ta đã có “đường dây Thống Nhất” của Trung ương đi qua Trị Thiên nối với Khu V. Chính tại A Lưới, Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559, đại tá Võ Bẩm đã gặp trực tiếp Bí thư Đảng ủy Miền Tây Kôn Meo (tức Ăm Beo, Ama Lộc, Đào Tấn Ngoạn - thân sinh của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đào Tấn Lộc) và Khu ủy V để bàn bạc, thống nhất kế hoạch tổ chức đường hành lang chiến lược qua miền Tây Thừa Thiên. “Kôn Meo là người tiên phong cùng tập thể Đảng ủy Miền Tây Thừa Thiên huy động trên 500 thanh niên miền núi tham gia lực lượng mở đường của Đoàn 559 và bổ sung lực lượng mở đường cho Khu ủy V. Hệ thống giao liên qua chiến khu A Lưới đã đưa đón hơn 1.000 cán bộ từ các tỉnh, Liên khu V ra Trung ương và ngược lại trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng miền Nam”, ông Chính cho biết.
KỲ CUỐI: Về nơi “địa chỉ đỏ”
Ghi chép của XUÂN HIẾU