Thứ Sáu, 10/01/2025 19:30 CH
Tác nghiệp ở biên đảo Lý Sơn
Thứ Bảy, 09/07/2016 10:14 SA

Tác giả (bên phải) đang phỏng vấn một nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn - Ảnh: CTV

Bây giờ, Lý Sơn là điểm đến không thể thiếu của dân du lịch, kẻ thích xê dịch, người yêu biển đảo Việt, những người làm báo... Có những vùng đất mà tôi biết chắc: khi đã đến đó thì những “lăn tăn” thường nhật chẳng còn là gì…

 

Chuyện trên tàu ra đảo tiền tuyến

 

Alo ông bạn ở Quảng Ngãi, hỏi “đường về” Lý Sơn thì nghe ông ấy nói “cứ đi, ắt đến”. Tới Quảng Ngãi, ông bạn làm nghiên cứu văn hóa còn cung cấp nhiều thông tin về Lý Sơn, cách ra đảo, những điểm cần ghé, những điều cần trải nghiệm…

 

Lý Sơn trước đây được gọi là Cù Lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây ré”. Đây là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía đông bắc, cách đất liền 15 hải lý, khoảng 25km đường chim bay. Lịch sử đảo Lý Sơn gắn liền với các khối cộng đồng cư dân đã sinh sống trên đảo từ hàng nghìn năm trước. Ba lớp cư dân Sa Huỳnh - Chăm pa - Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn. Họ đã bảo vệ chủ quyền hòn đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy. Ngày 1/1/1993, huyện đảo Lý Sơn được thành lập. Tuy nhiên, vai trò đặc biệt quan trọng của đảo Lý Sơn về kinh tế - xã hội và chiến lược an ninh - quốc phòng được khẳng định từ lâu…

 

Ngủ lại TP Quảng Ngãi một đêm, tôi bắt xe ôm thẳng hướng cảng Sa Kỳ (Sơn Tịnh) để theo tàu ra Lý Sơn. Theo anh xe ôm, chỉ vài năm nay, nhờ có tàu cao tốc, việc đi huyện đảo Lý Sơn đã khỏe hẳn, chỉ mất khoảng 1 giờ, chứ trước đây đi bằng tàu cá phải mất 3 giờ mới tới. Tàu khách cao tốc khoảng 200 ghế, trước đây đi Lý Sơn 2 chuyến/ngày thì thừa chỗ, nay đi một chuyến/ngày thì hơi thiếu, thế nên phải tranh thủ ra cảng sớm để có vé…

 

Cảng Sa Kỳ dành chung cho tàu cá và tàu khách, khá bề bộn nhưng gần gụi. Phòng vé chưa mở cửa, tôi tranh thủ ăn sáng, cà phê. Thấy khấp khởi trong lòng. Tiếng ai đó nói: “Lấy số, lấy số…”; tôi chạy đến thì cửa phòng vé đã chật kín người. Thì ra, muốn mua vé tàu đi Lý Sơn phải qua thủ tục lấy số trước. Tôi lấy số 24 và cùng mọi người quanh quẩn chờ đợi. Một lát sau thì vé mới được bán. Vé tàu khách cao tốc đi Lý Sơn (110.000 đồng/người) được bán kèm với một phiếu kiểm soát (5.000 đồng). Lại đến tiếp một phòng cạnh đó để làm thủ tục khai báo tên họ, nơi thường trú. Xong, thế là lên tàu.

 

Chưa đầy nửa giờ, chiếc tàu cao tốc QNg0045 đã đầy ứ khách. Khách mua vé đều có số ghế, nhưng khác với xe chất lượng cao, người ngồi lộn số ghế khá nhiều, có người không mua vé nhưng vẫn lên và trả tiền sau. Tôi tranh thủ bắt chuyện với vợ chồng anh Đỗ Văn Khải - Trần Thị Hiền (ở xã An Hải, Lý Sơn) đang cùng ba con trở lại đảo, sau khi về đất liền dự đám cưới họ hàng. Chồng đánh cá, vợ buôn bán tỏi. Chị Hiền bảo: “Ở Lý Sơn dễ làm ăn hơn nhiều so với đất liền. Vả lại, ở đảo quen rồi, giờ chẳng muốn đi đâu. Lý Sơn bây giờ chẳng thiếu thứ gì, môi trường lại rất tốt”. Theo chị Hiền, chỉ có một số hàng hóa công nghiệp là phải chở từ đất liền, còn lại lương thực, thực phẩm hầu hết đều được sản xuất tại đảo.

 

Anh Khải thì nói chuyện nghề biển Lý Sơn: “Vùng biển Hoàng Sa là ngư trường truyền thống của dân Lý Sơn, cá nhiều lắm. Tàu tôi đã mấy lần đối mặt với tàu của Trung Quốc, đã từng bị chúng cướp hải sản. Ban đầu cũng ngại nhưng rồi chả sợ gì tàu lớn của chúng, bởi đây là biển của mình và chúng tôi thường đi theo đoàn để trợ lực cho nhau. Vừa rồi, lực lượng biên phòng có phát tờ rơi hướng dẫn ứng xử trên biển và số điện thoại nóng; chúng tôi mong lực lượng chức năng cần đầu tư mạnh phương tiện, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa để cho ngư dân yên tâm bám khơi làm ăn. Nếu được bảo vệ tốt thì ngư dân không còn sợ bị bắt, bị cướp, dọa đuổi vô lý và đỡ mất công tốn tiền chuộc người, trợ giúp…”.

 

 

Một góc huyện đảo Lý Sơn giữa biển Đông nước Việt - Ảnh: HÙNG PHIÊN

 

 

Lý Sơn không chỉ có tỏi

 

Thoáng chốc, tàu đã gần kề Lý Sơn. Nhìn từ xa, đảo Lớn và đảo Bé (Lý Sơn) như hai con rùa nổi thong dong giữa biển Đông. Cầu cảng Lý Sơn tấp nập khác hẳn suy nghĩ ban đầu của tôi; người lên, kẻ xuống, hàng hóa, buôn bán sầm uất. Khách sạn Lý Sơn nằm cách cầu cảng khoảng 300m; chủ khách sạn là ông Võ Văn Tráng cho biết: “Lý Sơn mới có vài khách sạn từ hơn 2 năm nay. Ban đầu ít khách, nhưng năm nay khách tăng đột biến”.

 

Cách khách sạn không xa là Di tích lịch sử cấp quốc gia Âm Linh Tự và mộ lính đội Hoàng Sa (thuộc thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn). Đây là nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa, được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, là di tích lịch sử quan trọng minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ đã khiến cho rất nhiều lính Hoàng Sa bỏ mình trên biển. Tưởng nhớ họ, người dân trên đảo Lý Sơn xây dựng nên đền Âm Linh Tự để thờ phụng. Từ đó cho thấy dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa là bộ phận không tách rời đối với đất liền; triều đình đã giao trọng trách khai thác và bảo vệ cho đội Hoàng Sa ở Lý Sơn…

 

Phía trước di tích vẫn còn đó những ngôi mộ gió (dân địa phương gọi là mộ liếp) để tưởng nhớ những cảm tử quân đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Hàng năm, từ ngày 10-20 tháng 2 âm lịch, hầu hết các tộc họ ở Lý Sơn có người đăng lính Hoàng Sa, Trường Sa đều thực thi lễ thức khao lề thế lính Hoàng Sa, hay khao lề tế lính Hoàng Sa. Lễ thức này chỉ có khi đội Hoàng Sa gánh vác sứ mệnh lịch sử thiêng liêng trên biển Đông mà chúa Nguyễn và sau này là nhà Nguyễn giao phó. Lý Sơn là nơi có nhiều mộ gió nhất ở vùng biển miền Trung nước ta.

 

Buổi chiều, tôi thuê xe máy đi thăm chùa Hang. Đây là ngôi chùa độc đáo được xây dựng trong hang động lớn nhất đảo Lý Sơn, nằm dưới chân núi Thới Lới. Hang này được tạo thành từ những vách đá dựng đứng, do nước biển xâm thực. Hang có chiều rộng khoảng 30m ăn sâu vào núi khoảng 25m theo kiểu hàm ếch. Chùa Hang thờ Phật và các vị tiền hiền họ Trần đã có công khai phá, xây dựng vùng đất này vào thế kỷ XVI; trong chùa có bệ thờ được tạo từ thạch nhũ tự nhiên rất đẹp; không khí trong chùa luôn mát lạnh, dẫu ngoài trời Lý Sơn đang nắng gắt. Một lối mòn sát mép biển, xuống theo bậc đá để vào chùa; phía trước chùa là những dãy bàng vuông và cây phong ba lộng gió...

 

Rời chùa Hang, tôi lang thang theo cánh đồng tỏi ngút ngàn ở An Vĩnh. Trồng tỏi là một thế mạnh của Lý Sơn, chỉ xếp sau kinh tế biển. Với trên 500ha đất nông nghiệp, mỗi năm nông dân Lý Sơn trồng xen canh một vụ hành, một vụ tỏi và một số cây ngắn ngày khác như bắp, dưa hấu, mè… Nông sản ở đây có chất lượng và thương hiệu mạnh, góp phần làm cho người nông dân trên đảo có cuộc sống khấm khá.

 

Tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Cửu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Vĩnh, ngay trên đồng tỏi của gia đình. Mỗi năm, nhà ông Cửu làm 3 sào đất xen canh nhưng thu chủ lực vẫn là vụ tỏi, bắt đầu xuống giống từ tháng 9 năm nay và thu hoạch vào tháng 2 năm sau. Một mảnh ruộng “chuẩn” để trồng tỏi ở Lý Sơn là một lớp đất đỏ bazan, một lớp phân và cuối cùng là lớp cát san hô. Theo ông Cửu, mỗi gia đình làm tỏi ở Lý Sơn kiếm lãi ròng hàng trăm triệu đồng mỗi vụ là chuyện bình thường. Thế nhưng, cây tỏi Lý Sơn cũng phải vượt qua bao nắng gió, bão bùng của vùng đảo giữa biển Đông và giá điện vẫn còn quá cao nên chi phí cho việc tưới nước đang chiếm tỉ lệ lớn trong giá thành củ tỏi. Dân Lý Sơn đang khấp khởi trước dự án kéo điện ra huyện đảo.

 

Mỗi năm Lý Sơn cung cấp cho thị trường hơn 2.000 tấn tỏi. Bình quân mỗi hécta cho thu hoạch 8 tấn tỏi. Tỏi Lý Sơn gắn với nhiều câu chuyện về cuộc sống mưu sinh của người nông dân, đồng thời tạo cho đảo này có được một loại sản vật đặc biệt. Củ tỏi săn chắc, tép nhỏ nhưng thơm, lại kèm thêm vị ngòn ngọt rất riêng; tỏi Lý Sơn dùng ăn sống không để lại mùi hăng nồng như một số loại tỏi khác. Tỏi Lý Sơn càng nổi tiếng khi các nhà nghiên cứu cho rằng, lượng tinh dầu trong củ tỏi khá cao. Các loại tinh dầu từ tỏi Lý Sơn có tác dụng hạn chế nguy cơ tắc động mạch vành và giảm nồng độ cholesterol có hại cho người, tốt cho tim mạch, chống xơ vữa, tăng sự dẻo dai của mạch máu..

 

Nhắc đến chuyện những thiệt hại, áp lực thường trực do Trung Quốc gây hấn đối với dân Lý Sơn và biển Đông, ông Cửu nói: “Có thể ở đâu đó ngại ngần những hành động vô lối của Trung Quốc đối với biển, đảo ta nhưng dân Lý Sơn thì chẳng ngán gì. Bao đời nay, biển đảo đối với người Lý Sơn đã là miếng cơm manh áo, là nhà mình nên mọi người đều một mực sống chết bảo vệ là chuyện đương nhiên”…

 

Đến Lý Sơn, có quá nhiều điều để tìm hiểu đối với một người làm báo, bởi sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của một vùng biển đảo tiền tuyến của Tổ quốc, với nhiều nét khác biệt nao lòng. Những di tích lịch sử chưa chịu sự can thiệp quá sâu của kiến trúc hiện đại, những bãi biển trong veo, sản vật dồi dào, giá cả phải chăng. Và nhất là con người Lý Sơn luôn chân chất, nghĩa khí, luôn nồng nàn với khách phương xa.

 

Tự nhiên trong tôi thanh thản lạ, cuộc cơm áo như chỉ còn quá nhỏ; cảm thêm sức nặng ân tình từng thước đất, thước nước của biển đảo quê hương. Một Lý Sơn đầy nội lực, an nhiên trước phong ba, thế sự. Lý Sơn mùa này không chỉ có tỏi…

 

HÙNG PHIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lạ lẫm xóm 12
Thứ Bảy, 02/07/2016 13:00 CH
Tìm về thức món hồn nhiên
Thứ Bảy, 25/06/2016 09:09 SA
Cuộc chơi mới của cha con ông Bình SVC
Thứ Bảy, 11/06/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek