Thứ Sáu, 18/10/2024 20:23 CH
Một đất nước kỳ lạ
Kỳ cuối: Xứ sở của sự trung thực và dân chủ
Thứ Hai, 06/06/2016 14:00 CH

Giao lộ Shibuya - ngã tư đông người đi bộ nhất thế giới - Ảnh: H.NGUYÊN

Đi lên từ hoang tàn sau chiến tranh, thường xuyên đối mặt với động đất, sóng thần và bước sang dân chủ từ chế độ phát xít, chỉ sau nửa thế kỷ, Nhật Bản trở thành đất nước rất hiện đại, văn minh. Người Nhật đã làm nên một quốc gia hùng mạnh. Và những trò đe dọa của bọn bành trướng không làm người Nhật Bản run sợ mà chỉ trở thành trò cười cho họ.

 

AN NINH VÀ TRỘM CẮP

 

Mỗi buổi sáng chúng tôi thức dậy vào gần 9 giờ, balô trên vai và lên đường đến 12 giờ đêm mới về nhà nghỉ. Đường phố, bến xe, ga tàu điện, chợ, trung tâm mua sắm, nơi tham quan du lịch..., đâu đâu cũng nườm nượp người qua lại; nhất là trên những chuyến tàu điện ngầm chật ních người đứng chen chân nhưng không ai phải lo giữ ví hay đồ dùng cá nhân. Tôi hỏi Hiromi: “Đi trên tàu điện ngầm đông người chen nhau như thế có khi nào bị mất ví không?”, cô cười: “Không đâu! Ở Nhật, em chưa bao giờ quan tâm đến chuyện đó nhưng khi ra một số nước ngoài, em đã bị móc túi nên lo lắm, sợ mất cả tiền bạc và hộ chiếu thì vô cùng khổ sở”.

 

Vào siêu thị, khách cũng không phải gửi lại túi xách của mình, kể cả hàng hóa vừa mua ở những cửa hàng khác vẫn cứ tự nhiên xách theo vào siêu thị. Khi ra thanh toán, thứ nào đưa ra thì họ tính tiền, cái nào không thì cứ việc xách về, không ai hỏi han hay kiểm tra. Các bạn người Việt sống ở Nhật nhiều năm cho biết: “Tất nhiên là có camera nhưng không thể theo dõi hết được, vấn đề ở đây là họ không nghĩ ra là có ai đó lại đi trộm cắp!”.

 

Các bạn trẻ còn chỉ cho tôi xem một cửa hàng nho nhỏ bán rau xanh gần đó với những gói rau có sẵn bảng giá, khách mua và tự trả tiền vào hộp tiền bên cạnh, người bán không nghĩ ra là có ai đó gian dối!

Tôi hỏi các bạn sinh viên:

 

- Có tình trạng mất mát do trộm cắp không?

 

- Dạ không, người Nhật không trộm cắp, nên rất ít khi mất mát xảy ra. Cũng có một vài vụ mất trộm thì cảnh sát tìm ra ngay và tất cả là do người nước ngoài trộm cắp.

 

Anh chàng kỹ sư người Việt kể rằng, cậu ta bị mất chiếc xe đạp, báo cảnh sát thì ngày hôm sau cảnh sát gọi điện tới cho biết là đã tìm được chiếc xe bị mất, mời cậu ta đến nhận lại vào giờ làm việc buổi chiều. Tuy nhiên, do bận họp ở công ty nên cậu không đến được. Họp xong, vừa về đến nhà thì cậu bất ngờ nhìn thấy hai cảnh sát đã dắt chiếc xe đạp đứng chờ. Họ bảo: “Chúng tôi đã kiểm tra, xe tốt, chúc mừng anh!” rồi họ lên xe buýt ra về. Cậu nhận xét: “Không thể chu đáo, lịch sự hơn!”.

 

Ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, mà cũng có thể nói là hầu hết các quốc gia, cuộc sống hạnh phúc của người dân đều đòi hỏi phải đạt ba yêu cầu về an toàn. Một là an toàn xã hội, tức là không trộm cắp, cướp giật và các tệ nạn xã hội; hai là an toàn giao thông, đi lại thuận tiện và hết sức an toàn; an toàn thực phẩm, yên tâm ăn uống thoải mái không sợ hóa chất, nhiễm độc, nhiễm bẩn... Với ba yêu cầu đó thì hình như Nhật Bản đã đạt ở mức số một thế giới!

 

DÂN CHỦ VÀ QUYẾT ĐỊNH

 

Dân chủ hóa là quá trình dịch chuyển quyền lực từ phía nhà nước về phía người dân, là quá trình chuyển từ bộ máy độc tài sang thể chế được hình thành trên cơ sở tôn trọng ý chí của nhân dân.

 

Thế giới đánh giá, Nhật Bản là nước có quá trình dịch chuyển quyền lực từ phía nhà nước sang nhân dân khá tốt. Nhật Bản cũng là quốc gia có nền dân chủ đầy đủ (full democracies), một đất nước dân chủ về chính trị, phát triển về kinh tế, đa dạng về văn hóa trên cơ sở của văn hóa truyền thống Nhật Bản và tạo cho mình chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế. Một buổi sáng, tình cờ chúng tôi gặp trước cửa sân ga tàu điện ở Tokyo một người đang thuyết trình về những việc sẽ làm khi đắc cử. Lúc chúng tôi vừa đến thì các em sinh viên dịch lại là ông ta đang say sưa nói về chính sách chăm sóc những bà mẹ đang mang thai và đang nuôi em bé. Lúc đó, một số người khác trong đảng của ông ta đi phân phát truyền đơn vận động cho ứng cử viên của mình. Hình như đó là một cuộc vận động tranh cử một chức vụ ở địa phương, ai thích nghe thì dừng lại nghe, ai thích chất vấn thì cứ tự nhiên không ngần ngại... Các bạn Nhật kể rằng khi Thủ tướng Shinzo Abe chủ trương vận động để thông qua dự luật phòng thủ tập thể, mở đường cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài, hỗ trợ đồng minh khi bị tấn công, cả nước đã có nhiều diễn đàn tranh luận sôi nổi, dân chủ, nhiều cuộc thăm dò dư luận xã hội công khai, minh bạch. Đáng chú ý là đã có những cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia chống đối thủ tướng, phê phán chính phủ. Lúc đó, cảnh sát làm nhiệm vụ chặn xe cộ, bảo vệ… đoàn biểu tình bất kể giờ giấc, đảm bảo an toàn cho người dân đi biểu tình nói lên ý chí, nguyện vọng của mình như một nhiệm vụ của cảnh sát đối với nhân dân. Sau một thời gian cả nước thể hiện ý chí (cả ủng hộ lẫn chống đối), hạ viện đã biểu quyết và thượng viện thông qua. Mọi người đều xem đó là nhiệm vụ quốc gia đã được quyết định.

 

CHÚ CHÓ HACHIKO VÀ GIAO LỘ ĐÔNG NGƯỜI

 

Ở Tokyo không có nhiều tượng đài, đi dạo quanh chúng tôi chỉ gặp một vài bức tượng nhỏ về Samurai, tượng về võ sĩ Sumo, một tượng nữ thần Tự do lớn do Hoa Kỳ tặng dựng ở bên bờ eo biển - nơi có trung tâm mua sắm lớn của Tokyo. Nhưng chúng tôi bất ngờ được chiêm ngưỡng tượng chú chó Hachiko đặt trang trọng ở ngã tư Shibuya, một ngã tư đông người đi bộ nhất thế giới. Máy camera điện tử cho biết trung bình cứ mỗi khi đèn xanh bật lên là có 2.500 người đi bộ qua đường. Những dòng người đối diện tràn qua đường như nước vỡ bờ cuốn vào nhau, đan xen, kẻ qua, người lại nhưng hết sức trật tự, không va chạm, không chen lấn, không ùn tắc, khi đèn đỏ cho người đi bộ bật lên thì đường phố đã thoáng đãng dành cho xe cộ lưu thông.

 

Pho tượng chú chó được đặt trên bệ đá cao. Chú nhìn mọi người qua lại hơn nửa thế kỷ qua, mong gặp lại người chủ yêu quý của mình. Chuyện kể rằng một giáo sư Khoa Nông nghiệp Trường đại học Tokyo có nuôi một chú chó tên là Hachiko. Cứ mỗi sáng chú chó tiễn chủ ra đến ngã tư Shibuya rồi dừng lại chia tay và mỗi chiều chú lại đến ngã tư này để đón người chủ đi làm trở về. Một hôm người chủ đi làm rồi chẳng may bị đột quỵ và không bao giờ trở về nữa. Kể từ đó, chiều nào chú chó cũng ra nơi này ngồi dõi mắt về hướng ga tàu điện ngầm chờ đón chủ. Đôi mắt nó buồn, sức vóc yếu dần trong một thời gian dài. Rồi chú chó kiệt sức và gục chết. Cảm động trước sự trung thành của con vật, người ta đã cho tạc tượng chú chó Hachiko bằng đồng ngay nơi nó nằm xuống bên ngã tư Shibuya, và hình ảnh của chú chó cũng được in nổi trên những nắp cống gần đó. Câu chuyện cảm động này đã được dựng thành phim, viết thành sách cho trẻ em đọc để nuôi dưỡng tình thương đối với loài vật và để dạy về lòng trung thành cho con người.

 

Tôi có được may mắn là đã đi đến nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước ở châu Âu. Nhưng đến với Nhật Bản, tôi thật sự kính phục về một đất nước kỳ lạ. Đi lên từ hoang tàn sau chiến tranh! Thường xuyên đối mặt với động đất, sóng thần! Và bước sang dân chủ từ chế độ phát xít. Chỉ sau nửa thế kỷ, Nhật Bản đã trở thành một đất nước rất hiện đại, văn minh. Họ chỉn chu từ cái nhỏ nhất và cũng làm được những thứ to nhất mà thế giới muốn làm. Về kinh tế, khoa học và đời sống, họ đã sánh vai với các cường quốc phương Tây, nhưng về văn hóa họ vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống rất Nhật Bản không lẫn với bất kỳ dân tộc nào, trong lúc họ đã tiếp thu được nhiều từ những văn minh của thế giới. Người Nhật đã làm nên một đất nước hùng mạnh. Và những trò đe dọa của bọn bành trướng không làm người Nhật Bản run sợ mà chỉ trở thành trò cười cho họ. 

 

HOÀNG NGUYÊN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Đất nước Chùa Vàng
Thứ Sáu, 13/05/2016 14:00 CH
“Chuyên gia” diệt chuột Năm Bước
Thứ Bảy, 09/04/2016 08:37 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek