Chả hiểu sao, kỳ này tôi gặp khá nhiều bạn bè làm nghề báo chuyển sang “giấc mơ” nông sản, thực phẩm sạch. Càng chợt lạ khi nghe tin một số cô bạn đồng nghiệp rời TP Hồ Chí Minh về quê thuê nhà để kinh doanh bằng việc… đi chợ, nấu ăn.
Bánh canh Cô Tám Trảng Bàng tại quán Đu Đủ Xanh - Ảnh: Đ.TUẤN |
BẾP CỦA CỰU NỮ NHÀ BÁO
Đó là nhóm bạn nguyên nhà báo: Thi Ngôn (Tuổi Trẻ), Trần Mỹ Hằng (Tin tức Yahoo) và Lê Tiểu Phước (Đài Truyền hình Phú Yên). Trong đó, Phước vốn quê Phú Yên, sau khi rời truyền hình tỉnh, cô vào TP Hồ Chí Minh học thêm ngành Du lịch, rồi phụ trách trang ẩm thực cho vài tờ báo. Năm 2012, Phước bỏ hẳn nghề báo để lập cơ sở nấu và cung cấp món ăn tận nơi đặt hàng; phương tiện tương tác với khách là trang facebook “Bếp của Phước” khá nổi tiếng. Mùa nào thức nấy, Phước bươn bả đặt mua nông sản từ nhiều vùng, rồi tự tay nấu nướng, thuê người giao món tận nhà.
Mưa nắng Sài thành, mấy nàng “bỏ báo” gặp nhau, tâm đầu ý hợp với đam mê kinh doanh ẩm thực “quê và sạch”. Lần này, họ làm đề án kinh doanh hẳn hoi, phương thức quản lý tài chính hiện đại, phân công nhiệm vụ rạch ròi. Cùng với trang facebook “Bếp của Phước”, Trần Mỹ Hằng được phân nhiệm marketing, xây dựng và chăm sóc trang web bepcuaphuoc.info. Với ý tưởng tìm về tận các vùng quê để tìm mua thực phẩm sạch, chế biến tại chỗ và cấp đông chuyển đến tận tay khách hàng, đối tượng mà “tổ hợp” hướng đến là những người bận rộn nơi phố thị, không có thời gian nấu nướng, ngán cơm “bụi” và muốn có bữa ăn mặn mòi chất quê. Thức ăn nấu sẵn được giao tận nhà, gia chủ chỉ cần hâm nóng và “cắm” nồi cơm là có ngay bữa vừa miệng.
“Dân nông thôn về TP Hồ Chí Minh làm việc rất nhiều. Mà cái nết ăn thì luôn “bảo thủ”, cứ muốn đúng khẩu vị… ngày xưa. Nhiều người càng thêm tuổi, càng thích ăn uống kiểu nhà quê. Lúc đặt Bếp của Phước ở TP Hồ Chí Minh, chúng mình cũng có nhiều cách giám sát chất lượng nguyên liệu. Thế nhưng các nơi cung cấp, đôi khi thấy mình ở xa nên đã “trà trộn”. Bây giờ, bếp đặt tại Phú Yên nên có thêm điều kiện để lựa chọn, yêu cầu bà con cung cấp nguyên liệu sạch, thuận tự nhiên. Ví dụ, cam kết hải sản đầu vào đánh bắt bằng thuyền nhỏ đi về ngay trong ngày, không cần dùng hóa chất bảo quản; gà ta, vịt đồng phải nuôi bằng thức ăn tự nhiên… Với heo thì mình mua nguyên từng con cỡ choai choai (khoảng 40-50kg). Heo quê nuôi trong gia đình, được cho ăn hèm rượu, tôm cá vụn, cơm canh nên thịt chắc và thơm. Nguồn gốc nguyên liệu đều được ghi rõ trên bao bì sản phẩm”, Phước cho hay.
Mùa nào thức nấy, khi có nguyên liệu đầu vào và hoàn thành chế biến thì chào hàng ngay trên mạng. Khi khách đặt hàng hết món nào thì người trực online sẽ rút mục giới thiệu món đó. Cứ thế, xe khách chuyển món nấu sẵn cấp đông từ Phú Yên vào TP Hồ Chí Minh trong đêm. Sáng ra, nhân công giao hàng sẽ đem đến tận nơi khách đặt món yêu cầu…
Ông Trần Văn Mỹ - ngư dân làng Yến (xã An Hòa, huyện Tuy An), nhận xét: “Ban đầu, nhiều người thấy hơi lạ về cách mua hải sản có cam kết của mấy cô Bếp Phước. Giờ thì ở đây đều hiểu và ủng hộ cách làm này, với giá cả có nhích hơn người khác. Các cô rất chịu khó khi đến mua tận nơi, ngay khi ghe vừa về bến. Rồi đặt hàng nước mắm thủ công theo quy trình sạch. Nể các cô, bà con ngư dân ở đây cũng nhắc nhau làm ăn bài bản để giữ uy tín làng nghề”.
Ghẹ biển tươi đang đưa hấp để lọc lấy thịt, tại bếp của Phước - Ảnh: Đ.TUẤN |
“HẺM” ĐU ĐỦ XANH
Vào TP Hồ Chí Minh kỳ rồi, tôi gặp “chiến binh làng báo” Lê Anh Đủ đang khệ nệ… đi chợ. Hỏi ra mới biết, anh vừa mở hội quán Đu Đủ Xanh tại hẻm 19 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Điểm nhấn của quán lúc này là cà phê và bánh canh Cô Tám Trảng Bàng. Một hạng mục khác của hội quán là Nguyễn Thanh Nhã, quê Bình Định đang ráo riết khởi động chương trình Gánh Hàng Quê, với bộ sưu tập các đặc sản ngon - lạ - sạch khắp mọi miền nước Việt.
Đây là nơi hội tụ của những người bạn một thời làm báo Sài Gòn Tiếp Thị và những người “đồng mộng”. Với nghề báo, có người vẫn đang “chóc chách cày cuốc” nhưng có người đã bỏ hẳn. Họ gặp nhau ở tình yêu ẩm thực quê hương xứ sở. Họ tạo dựng dòng sản phẩm “Thổi hồn quê vào phố thị”. Họ lãng mạn nhưng rất biết mình đang làm gì và làm như thế nào...
“Nếu không… cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…” - Lê Anh Đủ cười với tôi khi đang “lụm cụm” thu tiền khách ăn bánh canh. Theo anh, bánh canh Trảng Bàng đang hội đủ “nỗi nhớ niềm thương” của mảnh đất nắng gió Tây Ninh. Để có những sợi bánh canh trắng ngần, Đu Đủ Xanh đã ký kết đặt hàng với cơ sở sản xuất sạch tại Trảng Bàng. Rau gia vị được đặt mua từ đối tác trồng rau an toàn tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Tiêu gia vị được đặt hàng tại các trang trại VietGAP ở huyện Chư Sê (Gia Lai). Đặc biệt, nước mắm nhỉ được đặt hàng từ các lò muối mắm thủ công đất Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)… Tất nhiên, việc tuyển chọn và giữ chân các đầu bếp uy tín, đã được Đu Đủ Xanh đầu tư bài bản. Thế nên tô bánh canh xương hầm ở hội quán luôn đúng điệu “thanh” và “sắc” mặn mòi, chua ngọt, với những lát ớt tươi xè, rau thơm man mác...
Cơm trưa của khách đến với Đu Đủ Xanh còn với các món “quốc hồn” như: cà dái dê cắt mỏng chấm mắm ruốc kho ba rọi, bánh tráng thịt phay, giòheo chiên chấm mắm tôm, giò hầm đu đủ xanh, cùng các món rau sạch hảo hạng... Cùng các loại rượu đặc sản, được tuyển chọn đặt hàng từ nhiều vùng “thâm sơn cùng cốc”…
Tại Đu Đủ Xanh, chương trình Gánh Hàng Quê còn bán đối chứng các đặc sản cho khách mua về nhà, tặng người thân. Đó là các loại mắm nước, mắm cái, mắm ruột, mắm thu, muối hầm, cá tươi… từ biển miền Trung. Các đặc sản sông nước Nam Bộ: khô cá lóc, cá tra, cá sặc một nắng, tôm khô Cà Mau, khô cá trê Mộc Hóa (Long An), mắm tép ủ đu đủ, lạp xưởng heo Bến Tre… Phong vị núi rừng Tây Bắc như: nấm hương, gạo nương, nếp nương, rượu táo mèo, thịt trâu gác bếp, thịt ngựa sấy… Các loại trà đặc biệt như: Tà Xùa Sơn La, Thái Nguyên, Ô Long Bảo Lộc… Tất nhiên, Nhã Bình Định không quên giới thiệu những đặc sản “khét tiếng” đất võ, như: bánh ít lá gai, bánh tráng Tam Quan, nem Chợ Huyện, rượu Bàu Đá, dầu dừa tinh khiết, chả ram tôm đất đầm Thị Nại…
Nguyễn Thanh Nhã cho biết thêm, Gánh Hàng Quê đang đặt vấn đề làm đối tác với Công ty Ba Sương Sông Hậu để tiếp tục “thổi hồn” nông sản, thực phẩm sạch về phố thị…
ĐÀO ĐỨC TUẤN