Xóm 12 thuộc thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp (huyện Tuy An) trải dài từ đỉnh đèo Quán Cau xuống mé đầm Ô Loan. Cái lạ của vùng này là người dân dựng nhà trên đất rẫy nhưng lại làm ruộng, nuôi tôm. Ruộng bậc thang nằm giữa xóm nhà thưa thớt, yên bình nơi đây đã được đạo diễn Victor Vũ đưa lên phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh nổi đình nổi đám…
Xóm rẫy làm ruộng, nuôi tôm
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp, cho hay: Thôn Mỹ Phú 1 có 6 xóm, bắt đầu từ xóm 8 trải dài từ đền thờ Lê Thành Phương trở ra. Riêng xóm 12 “thượng” trên đỉnh đèo Quán Cau rồi xổ xuống đầm Ô Loan, với hơn 140 ngôi nhà. Còn từ xóm 1 đến xóm 7 thuộc thôn Mỹ Phú 2. Trước đây xóm 1 đến xóm 13 thuộc thôn Mỹ Phú, sau này dân cư đông đúc nên địa phương tách ra thành thôn Mỹ Phú 1, Mỹ Phú 2 cho dễ quản lý. |
Lên đỉnh đèo Quán Cau, chúng tôi lại gần tấm bảng di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan rồi chạy xe theo đường bê tông xổ dốc xuống một đoạn là đến chảng ba Cây Xoài, từ đây nhìn qua núi Đại Hàn thì dãy nhà xóm 12 hiện ra thưa thớt, nhấp nhô. Có nhà dựa lưng vào vách núi cao, có nhà nằm lưng chừng đồi, có nhà chồm ra ruộng. Ông Phan Tấn Liên, nhà ở gần chảng ba Cây Xoài, ra bìa rẫy chặt nhánh cây bạch đàn dài hơn 1,5m vào lui cui “độ” làm gàu tát nước ruộng. Ông xỏ cây bạch đàn vào hai quai cái nồi nhôm buộc chặt, phần còn lại chừa một cán dài, chuẩn bị vác ra cánh đồng trước nhà tát nước ruộng sạ. Ông Liên cho biết: Vùng này từ đỉnh đèo chuồi xuống sát mé đầm Ô Loan là doi đất triên (đất có độ dốc) gọi là rẫy. Người dân ở đây cất nhà phải bỏ công xở đất núi triên ra tạo mặt bằng xây nhà làm sân, vì vậy xung quanh hè hiện nay còn lại toàn là rẫy trồng sắn, trỉa đậu. Ở giữa xóm nhà chảng ba Cây Xoài với xóm núi Đại Hàn có cánh đồng bậc thang gọi là Đồng Đức. Đồng Đức nằm bên dưới chính diện đỉnh đèo Quán Cau, ở đây không có công trình thủy lợi nên gieo sạ bằng nước trời.
Ông Liên thông tin thêm: Bước vào vụ gieo sạ (thường là tháng 5 âm lịch) trời có mưa, nông dân xóm 12 ra ruộng be bờ “hứng” nước trời cày ải rồi gieo khô (vãi lúa trên đất khô rồi cày lấp, chứ không phải ngâm ủ giống sạ). Năm nào gặp mưa to đủ nước thì bừa kéo láng sạ lúa. Khi sạ xong, sáng chiều ra ruộng, người dân trong xóm đi xung quanh bờ tát nước chỗ trũng để lúa khỏi bị ngập úng, nhiều người “độ” cái nồi nhôm tra cán dài múc vũng nước đọng khỏi phải lội trong ruộng.
Trước mặt xóm nhà là nơi đầm Ô Loan ăn sâu vào vách núi, tạo vòng cung hiện ra giống như miệng đầm. Ở đây mười nhà như chục đều xây theo hướng chừa cửa ngửa mặt ra đầm, vậy nên mặt nước đầm rộng mênh mông giống như sân chung của xóm 12. Người dân trong xóm bước chân ra khỏi nhà thì leo dốc lên đỉnh đèo Quán Cau, còn đi xuống là gặp đầm Ô Loan, vì thế, ngoài làm ruộng, một số hộ sống cạnh mé đầm còn làm nghề nuôi tôm. Chị Nguyễn Thị Niềm, một cư dân xóm 12 làm nghề nuôi tôm, cho hay: Mấy nhà cạnh đầm làm nghề nuôi tôm sú. Đến vụ nuôi là dựng chòi, sửa sang lại hồ, thả con giống. Ngày nào tôi cũng túc trực tại hồ mua cá vụn về cho tôm ăn và trông coi hồ tôm…
Nuôi tôm nhưng chị Niềm không quên mình là người dân ở rẫy. Mấy ngày nay diễn ra sự kiện EURO 2016, ban ngày bận nuôi tôm nên tối cả nhà xem bóng đá. Trước màn hình ti vi, chị Niềm đặt thúng đậu phộng, các thành viên trong gia đình mắt xem bóng đá còn tay lột vỏ chuẩn bị rắc mùa đậu tháng 8 (rắc đậu tháng 6, thu hoạch tháng 8) trên đám rẫy sau nhà.
Chị Niềm kể trước đây chị ở chòm Đồng Đức. Sau khi lấy chồng, hai vợ chồng xuống dưới này cất chòi nuôi tôm, cứ năm mười ngày hoặc nửa tháng lại về thăm má chị một lần, có khi “đùm” trong cái vợt mấy con cua đầm, có khi bưng rổ tôm đất lên cho má. Vụ nuôi tôm năm nay, tôm đất sinh sản tự nhiên trong hồ ít, trong khi đó cua lại nhiều. Cua cũng sinh sản tự nhiên trong hồ “ăn theo” thức ăn tôm sú, mỗi lần cho tôm ăn cua kẹp cũng hao mồi. Nhưng hiện cua đang còn nhỏ, chị Niềm chờ cua lớn có gạch đem về cho má. Cua gạch bổ dưỡng bồi bổ sức khỏe cho người già. Không chỉ thế “rổ tôm, đùm cua” còn là ơn nghĩa giữa bà con ở chòm Đồng Đức bao năm gắn bó.
Người dân xóm 12 làm cỏ lúa - Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Xóm 12 “vô” phim
Mùa lúa chín, đứng trên đỉnh đèo Quán Cau nhìn xuống xóm 12, thấy một màu vàng nhấp nhô trải dài trên cánh đồng Đồng Đức, “hậu cảnh” cánh đồng là mặt nước đầm Ô Loan thản nhiên nhìn thật mát mắt. Cạnh đó là những bụi cây đứng một mình tạo dáng giữa đồng vàng rất nên thơ, vì thế xóm này “lọt” vào phân cảnh bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là điều dễ hiểu. Chị Tăng Thị Thu Thảo, nhà ở cạnh đồng Đồng Đức, cho hay: Tôi có đứa con gái lấy chồng sinh sống ở trong Đồng Nai, lâu lắm hôm rồi mới về thăm chơi. Nó đi dạo chếch qua phía hiên nhà rồi hỏi má ơi con xem phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, thấy quay cảnh ruộng lúa chín vàng, cây trâm bột trước nhà mình, cạnh đó là vạt ớt chín đỏ, nhưng sao nay không thấy vạt ớt đâu. Tôi trả lời bộ phim quay lúc đó là mùa mưa nên có vạt ớt. Còn nay là mùa nắng nên ớt khô chết hết rồi.
Chị Thảo cho biết hồi đó đoàn phim về đây quay cảnh thì ở đây chưa có đường bê tông. Vì thế, các thành viên trong đoàn phải mang giày ống lội bì bõm vì nước suối ngập đường truông tràn qua xóm nhà. Sau khi đoàn làm phim đi thì chính quyền địa phương tiến hành bê tông hóa đường giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, đường bê tông uốn lượn, len lỏi đến từng ngõ nhà rất đẹp, nếu đi vòng theo đường bê tông đến từng hộ thì ngót nghét 7 cây số. Con đường làm “mặt tiền” xóm 12 thêm mỹ quan, khách du lịch, người dân trong xóm đi lại thuận lợi. Ông Trần Văn Phú, một cư dân, chia sẻ: Trước đây khi chưa có đường bê tông này, đường xuống xóm nhà phải qua những suối sâu, xe máy phải gửi mấy nhà gần đường quốc lộ rồi cuốc bộ vào. Còn đi xay gạo thì phải vác bao lúa theo bìa rẫy lên tận đỉnh đèo. Trong xóm có ai xây nhà thì phải gánh gạch, cát, đá từ quốc lộ xuống, nay có đường bê tông, xe chạy thẳng vô hàng ba rất thuận lợi. Hôm rồi nhà tôi ngồi ăn cơm trưa trước hàng ba, khách du lịch đi ô tô nhỏ chạy thẳng vô sân nhà hỏi thăm khỏe re. Đặc biệt là vào dịp mùng năm, khách du lịch đến đỉnh đèo Quán Cau rồi đi bộ theo đường bê tông xuống chiêm ngưỡng làng quê trong phim, có người xuống tận mé đầm mới chịu đi lên. Tốp ngược lên, tốp đi xuống chật đường, vui lắm. “Không những thế, từ ngày có đường bê tông, người dân xóm tôi sắm sửa các vật dụng trang trí nhà cửa thêm khang trang. Trước đây muốn mua tủ thờ nhưng không có đường chuyên chở nên nhiều người chấp nhận để trống phòng khách”, ông Phú nói.
Đường bê tông ở xóm 12 “nên thơ” là bởi có đoạn uốn qua ngã ba, ngã năm, có đoạn “ôm cua” qua mấy bụi duối, đoạn khác thì rẽ qua chòm nhà. Hôm trước chúng tôi theo đoàn khách du lịch đến xóm 12, nhìn khung cảnh trầm mặc, ai cũng khen: Phong cảnh ở đây đích thực là làng quê mộc mạc, yên ả, thanh bình rất ấn tượng, nên “vô” phim là quá phải rồi…
MẠNH HOÀI NAM