Thứ Sáu, 10/01/2025 19:22 CH
Về nguồn Trường Sơn:
Kỳ cuối: Về nơi “địa chỉ đỏ”
Thứ Ba, 26/07/2016 09:43 SA

Tiếp tục cuộc hành trình về nguồn thăm chiến trường xưa, xuyên rừng, vượt đèo cao núi dốc, giữa cái nắng hè như đổ lửa, các cựu chiến binh (CCB) Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tìm đến với những “địa chỉ đỏ”. Nghĩa tình đồng chí đồng đội và ký ức hào hùng năm xưa như tiếp thêm cho họ sức mạnh.

 

Các CCB của đoàn bên Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Cựu binh Võ Luyện, thành viên lớn tuổi nhất đoàn, tâm đắc: Nhờ chuyến đi này mà những CCB, cựu TNXP, dân công hỏa tuyến… từng “xẻ dọc Trường Sơn” tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở tuyến đường Trường Sơn năm xưa có dịp hội ngộ cùng nhau. Ai cũng thấy mình như trẻ lại, được tiếp thêm sức lực để tiếp tục làm tròn trách nhiệm với những người đã anh dũng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Làng Vây - Khe Sanh

 

Nằm trong một thung lũng đất đỏ cao hơn mặt nước biển 400m, bốn bề là đồi núi trùng điệp, cách biên giới Việt - Lào khoảng 20km, Khe Sanh (nay thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được ví là một trong ba “mắt thần” (Khe Sanh, Làng Vây và Tà Cơn) của hàng rào điện tử McNamara. Tổng thống Mỹ Johnson đã từng yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ ký cam kết bằng máu quyết tâm giữ Khe Sanh. Bởi giữ được Khe Sanh, quân Mỹ có một căn cứ tiền phương tốt để thực hiện các cuộc hành quân tiến vào đánh phá đường Trường Sơn. Ngược lại, quân ta cần triệt phá Khe Sanh để tạo hành lang an toàn cho đường vận tải chiến lược.

 

Theo ông Trần Thành Chính, nguyên chiến sĩ lái xe của đoàn vận tải “Mũi Tên Xanh” Đoàn 559, từ năm 1968-1971, tại đây đã diễn ra những trận đánh lớn vô cùng ác liệt giữa bộ đội ta với quân Mỹ. Mặt trận B5 được giao nhiệm vụ đảm bảo công tác hậu cần. Ngày ngày giữa mưa bom bão đạn, từng đoàn xe vận tải vũ khí, lương thực, xăng dầu vẫn xuyên rừng, vượt suối tiến về Nam phục vụ chiến dịch. Đồn trú trong khu vực Khe Sanh có thời điểm lên đến 6.000 lính thủy đánh bộ Mỹ, gồm 1 tiểu đoàn pháo binh và 4 tiểu đoàn bộ binh. Ngoài hỏa lực nội tại, Khe Sanh còn được sự yểm hộ mạnh mẽ của lực lượng không quân hùng hậu và pháo binh từ nhiều căn cứ khác của Mỹ - ngụy.

 

Mặc dù Khe Sanh mạnh như thế, nhưng với tinh thần quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ngày 20/1/1968, Bộ Quốc phòng quyết định mở màn chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, bộ đội ta lần lượt đánh chiếm hết các căn cứ này đến căn cứ khác, như Huội San, Làng Vây, Tà Mây, Tà Cơn… Qua nhiều đợt với 170 ngày đêm bị bộ đội ta vây hãm, quân Mỹ lâm vào cảnh khốn cùng đến mức nước uống và nước rửa phải dùng máy bay tiếp tế. Cuối cùng chúng chấp nhận thất bại, phải rời bỏ căn cứ trọng yếu này.

 

Tại ngã ba Đường 9 - Khe Sanh hôm nay là tượng đài Chiến thắng Khe Sanh sừng sững cao 11,3m, trong đó phần tượng cao 5,7m khắc họa hình ảnh lực lượng tham gia giải phóng Khe Sanh, gồm bộ đội chủ lực và đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Hình ảnh chiến sĩ tăng thiết giáp trong tư thế chuyển động, ngẩng cao đầu hiên ngang, một tay nắm chặt tay cô gái dân tộc Bru - Vân Kiều, lưng đeo gùi tải đạn, dáng nhanh nhẹn, biểu hiện tình đoàn kết giữa tiền tuyến và hậu phương. Nhân vật chiến sĩ giải phóng ở tư thế cầm súng vượt dãy Trường Sơn dũng mãnh, thể hiện ý chí quyết thắng trên mặt trận Khe Sanh. Còn tại Làng Vây, cách đó không xa về phía nước bạn Lào, chiếc xe tăng quân giải phóng lần đầu tiên xuất trận tại đây được đặt trên bệ đá cao 3m. “Tại các di tích lịch sử này, vào các ngày lễ, người dân địa phương thường đến thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Đường 9 - Khe Sanh. Đây là điểm đến của khách du lịch và điểm về nguồn của những CCB, bộ đội Trường Sơn năm xưa”, ông Phan Trọng Minh, cán bộ Khu Văn hóa tâm linh huyện Hướng Hóa cho biết.

 

Đoàn thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ TNXP tại hang Tám Cô - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

24 năm sau, cửa hang Tám Cô mới được mở… Ngày 16/5/2009, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho các TNXP hy sinh tại hang Tám Cô. Đó là các anh chị: Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Mậu Kỹ, Nguyễn Văn Vụ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Mai, Đỗ Thị Loan và Lê Thị Lương (đều quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa). 5 chiến sĩ Binh chủng Pháo binh hy sinh cùng ngày là Mai Đức Hùng, Đinh Công Đính, Nguyễn Văn Quận, Sầm Văn Mắc và Nguyễn Văn Thủy.

Đường 20 Quyết thắng và hang Tám Cô

 

Sáng ngày thứ ba của cuộc hành trình, sau khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) và mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), Đoàn CCB Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh tiếp tục đến với di tích Đường 20 Quyết thắng và hang Tám Cô.

 

Từ bến phà Xuân Sơn (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) ngược đường bộ theo đường Tây Trường Sơn khoảng 2km là đến Đường 20 Quyết thắng. Đi tiếp chừng 15km đến ngã tư Trạ Ang, rẽ vào thêm 2km xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là đến “Di tích lịch sử quốc gia Đường 20 Quyết thắng và hang Tám Cô”.

 

Tại nhà trưng bày của khu di tích ghi rõ: Đường 20 Quyết thắng được bộ đội Trường Sơn (Trung đoàn 4) mở nối giữa Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn từ năm 1966. Ngày ấy với khẩu hiệu “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, dưới nắng nóng bỏng rát, những người lính Trường Sơn làm đêm làm ngày, phá đá đến đâu, đường được san phẳng đến đó. Địch biết ta đang bí mật mở đường, chúng ném bom cày xới liên tục, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Nhờ có tuyến giao thông huyết mạch này, các đoàn xe chi viện cho chiến trường miền Nam không bị ngưng trệ.

 

Qua thời gian, Đường 20 Quyết thắng hôm nay đã thay đổi tầm vóc, được trải nhựa phẳng lì. Bà Nguyễn Thị Xinh, người tham gia thanh niên xung phong (TNXP) từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, nhớ lại: “Ngày ấy, để mở những tuyến đường như thế này, công binh phải treo người lơ lửng trên vách núi, đục từng lỗ nhỏ chứa thuốc nổ, gài dây cháy chậm để phá đá mở đường. Anh em thay nhau làm đường suốt ngày, ăn uống ngay tại chỗ, quyết không để những đoàn xe ùn tắc. Đoàn xe từ ngoài Bắc chạy tới, lính công binh vẫy tay chào đồng đội, hỏi quê quán, tên tuổi của nhau mong ngày gặp lại. Nhiều lái xe còn gửi tặng các nữ chiến sĩ những món quà đơn sơ như: Gói bồ kết, bánh đa của quê hương Kinh Bắc, ớt khô Nghệ An…”.

 

Hang Tám Cô nằm trên cung Đường 20 Quyết thắng. Sau khi xuống một con dốc dài sâu hoắm, một bên là vực thẳm, tài xế chỉ cài số một, không gian mở ra thoáng đãng. Đoàn xuống xe đi bộ một quãng chừng 100m là đến hang. Phía trước mặt hang có nhiều cây cao bóng mát, đặc biệt là cây “mối tình Trường Sơn” gồm hai thân cây quấn lấy nhau và lớn mãi theo thời gian. Trước cổng, ngay lối vào hang là tấm bia ghi danh các liệt sĩ và phía trước cửa hang được đặt một lư hương lúc nào cũng nghi ngút hương trầm. Đứng trước bàn thờ của 8 liệt sĩ hang Tám Cô, bà Phạm Thị Liên bùi ngùi thổ lộ: “Ngày tôi vào TNXP, các chị, các anh đã hy sinh, sau này có nghe kể qua. Hôm nay được có mặt tại đây, tôi vô cùng mãn nguyện và càng thêm xót xa trước sự ra đi của các chị các anh khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi”.

 

Theo anh Phạm Hữu Kỳ, nhân viên khu di tích thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cái tên hang Tám Cô có từ trước khi xảy ra sự việc bi tráng ngày 14/11/1972. Tại hang đá này thường ngày có một tiểu đội nữ (8 người) làm nhiệm vụ phá bom thông đường hay vào nghỉ trưa hoặc trú bom nên người dân địa phương đặt tên là hang Tám Cô. Không ngờ con số tám oan nghiệt ấy lại trùng hợp với sự việc xảy ra sau này. Ngày hôm ấy, trong lúc 8 TNXP đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom và bị nhốt bên trong do một khối đá khổng lồ sập xuống bịt kín miệng hang. Những người bên ngoài chạy đến tìm cách phá cửa hang cứu người nhưng không tài nào phá nổi, trong khi máy bay Mỹ vẫn điên cuồng dội bom. Họ mò tìm những khe hở, đường nứt của khối đá để luồn ống bơm nước, bơm sữa, đổ cháo vào nhưng không thành công. Sau đó, 3 chiếc xe tăng được điều đến với hy vọng cứu thoát những người mắc kẹt trong hang nhưng cũng đành bất lực. “Ở bên ngoài, mọi người chỉ nghe văng vẳng tiếng kêu cứu từ bên trong hang đá cho đến ngày thứ tám thì không còn nghe gì nữa. 8 TNXP gồm 4 nam, 4 nữ đã hy sinh cùng với 5 người khác trước đó”, giọng người thuyết minh chùng xuống. Nghe đến đây, mọi người đều không cầm được nước mắt, nhiều người bật khóc. “Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các anh chị TNXP đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ thông đường Trường Sơn; để cho đồng đội được sống, hai miền Nam - Bắc thống nhất, đất nước nở hoa kết trái như hôm nay”, đốt nén nhang thơm, cựu binh Nguyễn Văn Lẫn thành tâm khấn vái.

 

Vẫn với khí thế nhưngày đầu của cuộc hành trình, trước khi kết thúc chuyến về nguồn thăm chiến trường xưa kéo dài gần 1 tuần, các CCB Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh cũng đã đến với các khu di tích: Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Cột cờ Hiền Lương, Tượng đài Mẹ Thứ, Nhà tưởng niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Với những CCB trong đoàn, đây là chuyến đi hết sức ý nghĩa, để lại những kỷ niệm sâu sắc, khó quên và khó có thể lặp lại.

 

Ghi chép của XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
KỲ 1: Những cung đường Thống Nhất
Thứ Hai, 25/07/2016 07:11 SA
Nghề nấu đường đen
Thứ Bảy, 16/07/2016 11:00 SA
Tác nghiệp ở biên đảo Lý Sơn
Thứ Bảy, 09/07/2016 10:14 SA
Lạ lẫm xóm 12
Thứ Bảy, 02/07/2016 13:00 CH
Tìm về thức món hồn nhiên
Thứ Bảy, 25/06/2016 09:09 SA
Cuộc chơi mới của cha con ông Bình SVC
Thứ Bảy, 11/06/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek