Thứ Sáu, 18/10/2024 21:32 CH
Một đất nước kỳ lạ:
Kỳ I: Cúi đầu để “bay cao trên thế giới”
Thứ Bảy, 04/06/2016 14:00 CH

Một góc hoàng cung Nhật. Cung điện được xây dựng từ khi xóa bỏ chế độ Mạc Phủ (1868), hiện nay vẫn là nơi ở và làm việc của Nhật Hoàng - Ảnh: H.NGUYÊN

Tôi đã được đọc nhiều bài báo và tài liệu nói về một đất nước mà ở đó con người lạnh lùng, khó tiếp xúc. Họ im lặng khi lên xe bus, tàu điện ngầm, đi đường vội vã, lầm lũi, không ai nói chuyện với ai. Trẻ em chỉ biết học, học và học hành căng thẳng, người lớn làm việc dưới áp lực nặng nề dẫn đến stress và tự tử! Cứ loáng thoáng đâu đó cái chất phát xít của một thời còn vương lại cho tới bây giờ trong xã hội công nghiệp hiện đại!... Cuối cùng đọng lại trong tôi đó là một đất nước công nghiệp giàu mạnh nhưng cả nước gần như là một nhà máy và xã hội là một xã hội của những con người hoạt động như robot!

 

Rồi khi đặt chân đến xứ sở mặt trời mọc, tôi ngỡ ngàng trước quá nhiều điều kỳ lạ ở đất nước này.

 

Người Nhật có một phong cách chào khá đặc biệt, họ thường cúi mình rất thấp để chào hoặc để cảm ơn. Người ta kể rằng có một đoàn nước ngoài đến làm việc, khi ra về, chủ nhà tiễn ra đến tận cầu thang máy bay và cúi gập người chào chiếc máy bay đang chạy nhanh trên đường băng để cất cánh. Có người bảo “người Nhật cúi đầu trước thế giới để bay cao trên thế giới”.

 

TRẬT TỰ VÀ CỞI MỞ

 

Tôi tò mò quan sát khi đặt chân đến sân bay quốc tế Haneda tại thủ đô Tokyo của đất nước mặt trời mọc. Có lẽ ấn tượng đầu tiên của tất cả khách nước ngoài đến đây là sân bay rất hiện đại, hoành tráng, sạch đẹp và ngăn nắp. Tất cả đều bóng lộn từ phòng khách cho đến nhà vệ sinh; thái độ của các nhân viên hải quan khá điềm đạm và lịch sự. Đó là một đẳng cấp khác hẳn với sân bay quốc tế Pù Đông của Thượng Hải mà chúng tôi vừa đi qua trước đó 4 giờ đồng hồ.

 

Ba lô trên vai, tôi đi suốt ngày này sang ngày khác với các bạn trẻ là sinh viên và kỹ sư người Việt đang học tập, làm việc ở Nhật Bản cùng các bạn người Nhật của họ. Chúng tôi đã đến từng ga tàu, góc phố, cửa hàng, quán rượu ở Tokyo; đến những đền, chùa, lâu đài cổ ở Kyoto và những trung tâm thương mại, những điểm ăn chơi ở Osaka... Ở đâu chúng tôi cũng gặp những người Nhật tươi cười cúi đầu chào với tiếng “arigato” (cảm ơn) hoặc “shưmimaxen” (xin lỗi). Ở một góc phố nọ, tôi vừa nhón chân bước qua đường, chiếc ô tô đang chạy dừng lại ngay, người ngồi sau tay lái cúi đầu lịch sự: “shưmimaxen”, mặc dù hình như tôi mới là người phải xin lỗi!

 

Người Nhật có một phong cách chào khá đặc biệt, họ thường cúi mình rất thấp để chào hoặc để cảm ơn. Người ta kể rằng có một đoàn nước ngoài đến làm việc, khi ra về, chủ nhà tiễn ra đến tận cầu thang máy bay và cúi gập người chào chiếc máy bay đang chạy nhanh trên đường băng để cất cánh. Có người bảo “người Nhật cúi đầu trước thế giới để bay cao trên thế giới”.

 

Các cô gái Nhật trong bộ kimono truyền thống - Ảnh: H.NGUYÊN

 

Tôi có một cảm nhận là người Nhật giống với người Đà Lạt xưa ở chỗ bước ra đường là ăn mặc nghiêm túc, chỉn chu, không luộm thuộm, bừa bãi; tất cả đều đi giày, không thấy bất kỳ ai mang dép ra đường, trừ trường hợp mặc kimono mang dép Nhựt đúng quốc phục truyền thống của họ. Hầu hết người Nhật, kể cả học sinh các cấp học, đều mặc trang phục theo tông màu đen trắng, nghiêm túc nhưng không kém phần sang trọng. Lướt qua những dòng người trên đường phố, ta nghĩ gần như họ mặc đồng phục. Khi thấy đỏ, xanh, vàng, lục, lam, chàm, tím trên đường phố thì người ta biết ngay đó là khách nước ngoài, nhất là người Trung Quốc.

 

Phụ nữ Nhật Bản ra đường đều trang điểm khá kỹ, những người lớn tuổi càng trang điểm tinh tế hơn. Họ cho rằng mình trang điểm đàng hoàng là tôn trọng người khác. Cầu kỳ nhất là khi họ mặc quốc phục kimono, có thể nói là chỉn chu đến từng milimét!

 

Bất cứ đâu, hễ có hai người trở lên là họ tự động xếp hàng hết sức trật tự, trật tự đến mức kỷ luật, nhất là ở các ga tàu điện ngầm. Tàu đến tàu đi đúng giờ không sai một giây; nhiều người phải xách valy chạy đua qua nhiều bậc thang và thang cuốn cho kịp chuyến tàu, nhưng đến nơi cũng tự giác xếp vào cuối hàng không chen lấn lên trước, cho dù mình sẽ phải rớt lại chuyến sau! Vào giờ cao điểm, tàu chật ních, họ vẫn nhích ép sát vào nhau để nhường chỗ đứng cho người lên sau. Báo chí Việt Nam và quốc tế vẫn thường nhắc lại sự khâm phục của cả thế giới về sự bình tĩnh, trật tự xếp hàng chờ phát thức ăn, nước uống sau trận động đất và sóng thần Fukưshima làm tan nát ở miền Đông Bắc Nhật Bản, trong đó một em bé 9 tuổi đã từ chối nhận một mẩu bánh cho riêng mình “vì nhiều người còn đói hơn cháu”, chứ không chen lấn giành giật như lễ hội xin ấn đền Trần, báo chí nói nhiều, nói mãi mà năm nào cũng thế!

 

Thủ đô Tokyo có 13 triệu dân, là một trong những thành phố đông dân nhất nhì thế giới nhưng vô cùng sạch. Từ đường phố, góc phố, sân ga, bến tàu, trường học… đến các cửa hàng, ta có cảm giác sạch như phòng khách. Chúng tôi đã đến chợ cá quốc tế Tokyo để xem phiên đấu giá cá từ nhiều nước đưa tới, trong đó nghe nói có cá ngừ đại dương của Việt Nam. 9 giờ sáng, chợ hoạt động rất nhộn nhịp; khách du lịch đi tham quan làm cho chợ càng đông đúc thêm. Người ta xếp hàng ngoằn nghoèo rất dài trước các cửa hàng để chờ được vào ăn sáng với món cá sống. Chợ đông nhưng vẫn sạch, không rác, không bụi, không bẩn. Singapore từ lâu nổi tiếng là quốc đảo sạch nhưng đến Nhật Bản, chúng tôi có cảm nhận như còn hơn một bậc.

 

Không chỉ ở Tokyo mà cả ở Kyoto và Osaka cũng đều sạch sẽ ngăn nắp như thế, ngăn nắp từ trong kiến trúc đô thị cho đến từng viên đá lát đường, từng cửa hàng, bảng hiệu... Sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp nhưng không đơn điệu, trái lại khá đa dạng, phong phú tạo nên nét mỹ quan đô thị bắt mắt!

 

Xếp hàng trật tự, kỷ luật, đúng giờ được thể hiện ở mọi lúc mọi nơi; tôn trọng cộng đồng, quan tâm đến người khác, giữ gìn vệ sinh sạch đẹp của thành phố, của đất nước… tất cả như đã thấm vào máu của người Nhật từ lớp mẫu giáo, tất cả đã trở thành nét văn hóa đẹp của họ.

 

HIỆN ĐẠI VÀ TRUYỀN THỐNG

 

Monorail và tàu điện ngầm là những phương tiện hiện đại, giúp cho việc đi lại trong thành phố rất tiện lợi. Phần lớn các dịch vụ phục vụ cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản đều được tự động hóa. Cuộc sống hiện đại của nước Nhật đứng hàng nhất nhì thế giới. Du khách thích thú nhất là đi trên chuyến tàu cao tốc nối liền những thành phố. Những con tàu màu trắng, dài hút tầm mắt, đầu tàu hình viên đạn, chạy với tốc độ trên 300km/giờ, nội thất sang trọng thoải mái; ngồi trong toa tàu êm như trên máy bay nhưng không có cảm giác áp suất thay đổi khi máy bay cất hạ cánh. Theo các tài liệu, ngay từ năm 1868, khi Minh Trị Thiên Hoàng thực hiện chính sách mở cửa đã tiếp nhận các mô hình xã hội hiện đại của phương Tây, từ tổ chức hành chính đến tòa án, quân đội… Riêng lĩnh vực giáo dục, nước Nhật đã cử những sinh viên giỏi đi học ở nước ngoài và mời hàng trăm giáo sư nước ngoài vào giảng dạy tại các đại học Nhật, trả lương rất cao so với công chức trong nước. Minh Trị Thiên Hoàng khuyến khích tiếp thu khoa học - kỹ nghệ - thương mại phương Tây thay cho việc học thuộc lòng kinh sử.

 

Nhật Bản đã xóa bỏ những đặc quyền, đặc lợi của tầng lớp Samurai nhưng cho đến ngày nay, tinh thần Samurai vẫn được gìn giữ và phát huy, nhất là trong quân đội. Tất cả di tích văn hóa lịch sử đều được gìn giữ và trùng tu, ngày nào chúng tôi cũng thấy các thầy cô giáo đưa từng đoàn học sinh đi thăm và tìm hiểu văn hóa, lịch sử của đất nước như một hoạt động chính khóa. Đến các đền, chùa, người Nhật và du khách đều phải rửa tay, súc miệng từ ngoài cổng để bước vào làm lễ cầu may mắn một cách nghiêm trang và thành tâm. Đây đó có một vài thầy bói đang xem tử vi. Các bạn trẻ ở đây cho hay, người Nhật đã vượt lên bao thử thách, làm nên cuộc sống của chính mình, nhưng họ vẫn tin vào số mệnh và sự linh thiêng của trời đất, của thần phật.

 

Kiến trúc Nhật Bản, phong cách người Nhật và cả văn hóa ẩm thực truyền thống được gìn giữ tạo thành nét văn hóa đặc trưng nổi bật rất Nhật Bản trong cuộc sống hiện đại và trước những du nhập của văn hóa phương Tây.

 

Kỳ 2: Xứ sở của những điều khác biệt

 

HOÀNG NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ cuối: Chuyện đời và chuyện đạo
Thứ Bảy, 14/05/2016 14:00 CH
Kỳ 1: Đất nước Chùa Vàng
Thứ Sáu, 13/05/2016 14:00 CH
“Chuyên gia” diệt chuột Năm Bước
Thứ Bảy, 09/04/2016 08:37 SA
Hai vai vui gánh duyên trần
Thứ Bảy, 26/03/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek