Hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Bước (người trong xóm quen gọi là Năm Bước) ở khu phố 5, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) chỉ làm nghề duy nhất là… diệt chuột. Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên tổ chức hội thảo về biện pháp diệt chuột, đã mời ông ra ruộng làm “chuyên gia” truyền đạt bí quyết đặt bẫy bán nguyệt để tóm “ông Tý”.
“ĐÓN ĐẦU CHUỘT”
Dạo quanh mấy bờ đất, nhìn trước ngó sau một lúc, Năm Bước lội vô ruộng đặt bẫy. Bờ ruộng có nhiều hang chuột nhưng Năm Bước không đặt bẫy ngay miệng hang mà đặt cách bờ 1m. Ông chia sẻ: Muốn đặt bẫy bắt được chuột hiệu quả thì trước khi đặt phải vạch chòm lúa nhìn kỹ dưới gốc lúa để tìm ra đường đi của chuột trong ruộng. Thường chuột nay cắn chòm lúa này mai cắn chòm lúa khác, nên trên đường đi hay có chỗ rẽ, đó là ngã ba và phải đặt bẫy tại đó. Chuột đi lối nào về lối đó nên trên đường đi về thấy mồi, thò đầu vào ăn là dính ngay. Còn đặt ở miệng hang, tính chuột đa nghi nên không ăn mồi liền, trong khi đó vướng đường đi, chuột “đá” (mang) bẫy bị sập. Cũng chính vì chuột đa nghi nên đặt bẫy ở chỗ ngã ba, tối đầu tiên “lạ mắt” chuột không ăn mồi (lúa hoặc cua), đến tối thứ hai “quen mặt” cắn mồi là bị bẫy tóm gọn. Cách đặt bẫy ở ngã ba là hiệu quả nhất, chuột không dính tối nay cũng dính tối mai, vì thế gọi là “đón đầu chuột”.
Bước vào vụ sản xuất lúa, cứ mười ngày như chục, từ mờ sáng, Năm Bước đã lục đục nấu nước pha trà, chế cà phê ngồi uống ở hàng ba rồi gấp làm hai quyển vở cây viết trong túi áo, khom lưng xắn ống quần đi thẳng ra đồng. Cái “tài” của Năm Bước là trong một đám ruộng lúa xanh tốt, lá lúa thả quặt cần câu nhưng chỉ cần nhìn sơ qua là mắt ông “bói” ra đường đi của chuột. Vì vậy, lượng bẫy đi đặt trong ngày nhiều thì đồng nghĩa tối đó số lượng chuột dính bẫy tăng lên.
Đó là đối với ruộng khô, còn ruộng rộc (ruộng trũng) có nước, lúa vẫn bị chuột cắn tanh bành. Năm Bước cho biết: Ruộng rộc nước nhiều, khi sạ, lúa non thường bị chết do ngập úng. Nông dân thuê công cấy dặm, thế nhưng mới cấy dặm xong tối đó, sáng ra chuột đã “hạ” lúa xuống hết. Nguyên nhân là khi cấy dặm, bà con dùng cây ba chia móc sâu dưới đất cho rễ lúa bám theo rồi đặt mạ xuống chỗ cần cấy. Chính cục đất bám theo làm cây lúa mới cấy dặm nhô lên cao hơn mặt ruộng, tạo cơ hội cho chuột lội vào cắn cổ hũ (chỗ rễ tiếp giáp với thân lúa). Cổ hũ cây lúa có vị ngọt nên chuột rất “hảo” và đây là thức ăn dinh dưỡng của chúng.
Năm Bước còn cho hay, không chỉ ruộng rộc mà ruộng vùng cao gần mương dẫn nước, sợ chuột cắn phá, nông dân ép nước lấy vô ruộng làm tràn bờ cho ngập đầu “ông Tý”. Vậy mà chuột vẫn bơi vào tìm những cồn đất cao (do khi bừa kéo láng không bằng phẳng) cắn lúa. Vì thế trước đây, cả sở ruộng trũng ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), đám ruộng nào cũng có “dấu răng” của chuột. Đối với trường hợp này, Năm Bước khuyên nên tập trung đặt bẫy vào thời điểm lúa cấy dặm (25-30 ngày tuổi) và đặt bẫy ở cồn nước vừa rút hoặc còn tráng chân.
Tuy nhiên có trường hợp nhiều người khi ra thăm thấy bẫy hết mồi nhưng không bật. Và cũng có nhiều người đặt bẫy tuy bẫy bật nhưng không dính chuột. Ông Năm Bước tiết lộ phải “độ” (cải tiến) bẫy, vì cấu tạo của bẫy mặt trăng thông thường (chưa cải tiến) gồm 2 cung thép hình bán nguyệt dùng để ép chuột, lò xo tạo lực ép, cần khóa, lưỡi gà (chỗ cắm mồi). Khi đặt bẫy cắm mồi, phải kéo cung thép hình mặt trăng có gắn lò xo căng ra, dùng đầu mút cần khóa cài vào lưỡi gà đang cắm mồi. Khi chuột ăn mồi, lưỡi gà tuột khỏi đầu mút cần khóa, dẫn đến bẫy sập. Tuy nhiên, nhược điểm của bẫy mặt trăng chưa cải tiến là nơi đầu mút của cần khóa có gờ nên độ nhạy của bẫy không cao, chuột ăn hết mồi mà bẫy không bật, hoặc chuột chạy qua bẫy nhưng bẫy cũng không sập. Vì vậy, khi mua bẫy về, mọi người phải mài dũa chỗ đầu mút cần khóa để bẫy nhạy.
Còn bí quyết nữa thì theo Năm Bước, đó là đặt bẫy khi lúa lớn, làm dấu bằng cách cắm cây cọc nhô lên cao như làm dấu trong ruộng, để khi ra ruộng thăm bẫy phát hiện chỗ đặt bẫy đến gom chuột chết rất nhanh. Bên cạnh đó, không nên đặt bẫy chết một chỗ mà phải dời bẫy… Với bí quyết này, năm nào cũng vậy, vụ hè thu ông diệt khoảng 5.000 con, vụ đông xuân khoảng 3.000 con. Sở dĩ vụ đông xuân ít hơn do vụ sạ mới gối đầu qua mùa mưa lụt nên chuột ít hơn. Hơn 10 năm qua, ông đã diệt hàng tấn chuột!
Anh Bước đang tìm đường đi của chuột - Ảnh: L.TRÂM |
ĐẮT ĐƠN ĐẶT HÀNG DIỆT CHUỘT
Tại buổi hội thảo lội ruộng thực hành, ông Huỳnh Minh Cảnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Kiến 2 (TP Tuy Hòa), đưa ra ý định vụ hè thu 2016, HTX sẽ “rước” Năm Bước về cánh đồng xã Bình Kiến diệt chuột. Thế nhưng ông chỉ nhận lời là mời những ai thích học cách đặt bẫy mặt trăng diệt chuột hiệu quả thì vào thị trấn Hòa Vinh, ông sẵn sàng “đài thọ” cơm nước đi thực tế tại ruộng để truyền đạt kinh nghiệm. Vì cả cánh đồng rộng lớn từ thị trấn Hòa Vinh lên đến xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), nông dân đã “đặt hàng” cho ông diệt chuột. Vì thế hàng ngày, “lịch” diệt chuột của ông phân bổ trên các cánh đồng này đã kín đặc, không thể đi sang địa phương khác được.
Ông Trần Văn Nhật, một nông dân ở thị trấn Hòa Vinh, cho biết: Cách đây trên 10 năm, khi Năm Bước chưa ra tay diệt chuột thì không chỉ ruộng nhà tôi mà cả cánh đồng thị trấn Hòa Vinh này chuột cắn xác xơ, không có đám nào không có “dấu răng” của chuột. Những năm qua, gia đình tôi “khoán trắng” cho Năm Bước diệt chuột trên diện tích 2 sào ruộng, nhờ đó không có chuột cắn phá.
Với kinh nghiệm diệt chuột, hiện Năm Bước có trong tay “tài sản” là 1.300 cái bẫy mặt trăng. Hàng ngày, ông đi đánh bẫy rồi thăm bẫy thu gom chuột chết. Lúc nào trong người ông cũng có quyển vở cây viết ghi lại những phát hiện mới và nó thành giáo trình của ông. Ngoài ra, ông ghi lại số chuột dính bẫy trên mỗi đám. Cứ mỗi con chuột là 5.000 đồng, trong lúc thăm bẫy có sao ông ghi vậy. Người nghèo, già cả neo đơn một năm chỉ làm đám ruộng thì ông diệt chuột “khuyến mãi”.
Năm Bước cho hay, Tết Bính Thân vừa qua cũng vì bận rộn với chuột nên ông đón tất niên vào 12 giờ khuya 29 tháng Chạp, sẵn đón giao thừa luôn. “Mùng 3 tết, xuất hành đầu năm là tôi đi thẳng ra đồng diệt chuột, điện thoại liên tục đổ chuông, người từ xa gọi đến “đặt hàng” diệt chuột. Dành thời gian diệt chuột nên gần đây, ban ngày tôi tắt điện thoại vì nhiều người gọi đến, nghe thì trễ nải công việc. Ban đêm tôi mới mở điện thoại nhận lời”, Năm Bước nói.
Chuột là đối tượng gây hại thường xuyên trên đồng ruộng và rất khó phòng trừ. Trong năm 2015, chuột đã cắn phá 53,7ha, tỉ lệ hại 5-20% dảnh trên các cánh đồng lúa trong tỉnh. 2 năm gần đây, do không có lụt lớn nên chuột sinh sôi nhiều, cắn phá mùa màng, vì vậy ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân ra quân diệt chuột xuyên suốt vụ lúa. Mới đây, chi cục tổ chức hội thảo biện pháp diệt chuột hại lúa tại xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) nên mời “chuyên gia” diệt chuột Năm Bước đến truyền đạt cách đặt bẫy bán nguyệt. Ông Năm Bước là người có nhiều kinh nghiệm diệt chuột với lắm cách làm hay, sáng tạo…
ThS Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên |
Phóng sự của LÊ TRÂM