Thứ Sáu, 18/10/2024 21:28 CH
Huyền bí Myanmar:
Kỳ cuối: Chuyện đời và chuyện đạo
Thứ Bảy, 14/05/2016 14:00 CH

Cũng giống như các nước theo đạo Phật khác ở Đông Nam Á, người dân Myanmar rất mộ đạo và tôn kính các nhà sư. Trong cuộc đời mỗi người đàn ông đều phải đi tu một lần, chí ít là để lấy vợ, xin việc làm, báo hiếu với cha mẹ và rèn luyện tính cách. Có thể tu vài tuần, vài tháng hay vài năm, có thể tu thành nhiều đợt (dạng như học tại chức), nếu thành tâm sẽ nhanh đắc đạo. 

 

Thiếu nữ Myanmar trong chiếc váy dân tộc Longyi - Ảnh: Đ.M.HIỆP

 

Ở trong chùa hay ngoài phố, du khách có thể chụp ảnh với các nhà sư nhưng phải được sự đồng ý và không được chạm tay vào người, vào áo các sư, nhất là phụ nữ. Tất cả các sân chùa đều được lát đá bóng loáng, và mọi người, kể cả sư sãi đều phải đi chân trần, giày dép gởi ngoài cổng hoặc cầm trên tay. Chùa ở đây chỉ để tiến hành các nghi lễ tôn giáo, còn các sư sãi thì ở trong thiền viện.

 

Mỗi ngày có hàng trăm tín đồ từ khắp nơi hành hương đến chùa để chiêm bái, cầu nguyện, và có thể ăn nghỉ trên sân chùa nhiều ngày, nhưng không gian trên chùa lúc nào cũng tĩnh lặng, sạch sẽ, đơn giản là du khách có thể ngồi bệt xuống, ngả người ra và ngủ một giấc ngon lành cùng với các tín đồ. Chỉ có một bất tiện duy nhất là giữa trưa hè, nếu du khách đứng lâu trên sàn đá để ngắm cảnh hay chụp ảnh thì sẽ bị nóng bàn chân, nhưng các nhà chùa đã có cách xử lý là trải các tấm thảm nhựa thành lối đi cho đỡ nóng. Hôm vào chùa Phật nằm, lúc ra cổng, tôi tìm mãi không thấy dép của mình đâu. Đang loay hoay không biết phải làm gì thì một người đàn ông Myanmar đứng cạnh liền giơ tay chỉ chỏ, thấy tôi không hiểu, anh ta nắm tay tôi kéo đi đâu đó, đến nơi, tôi nhận ra xe của đoàn mình và thấy ngay đôi dép của mình. Hóa ra các chùa đều nằm trên đồi cao và có bốn cổng rất giống nhau, còn tôi đã xuống nhầm cổng. Tôi quay lại định cảm ơn người đàn ông, thì chẳng thấy anh ta đâu cả.

 

Người theo đạo Phật ở Myanmar không ăn chay, nhưng khi mua thực phẩm chỉ mua thịt cá đã xẻ thịt hoặc đã chết để không mang tội sát sinh, còn nếu phải làm thịt súc vật thì phải cầu nguyện cho linh hồn con vật được siêu thoát. Theo lời cậu hướng dẫn viên, Myanmar có mấy món đặc sản, đó là món bún cá, trà sữa hoàng gia và gỏi trà Laphét. Trong ba món này thì tôi đã dùng món bún cá và trà sữa. Cá được lọc lấy thịt, ướp tẩm với các thứ gia vị rồi nấu thành nước súp, khi ăn chan vào tô bún cùng với rau bắp chuối hay rau sống, nói chung là khá ngon, hợp với khẩu vị người Việt. Còn trà sữa hoàng gia Myanmar thì nổi tiếng đến mức, ra chợ chỉ thấy du khách đổ xô đi mua trà sữa, đóng thành thùng chở theo máy bay. Món này được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đóng thành từng gói nhỏ pha vừa đủ một ly, có mùi vị rất đặc trưng, vừa có mùi thơm, béo của sữa, vừa có hương của trà rất dễ chịu. Riêng món gỏi trà Laphét, làm từ lá trà, muối chua cho đến khi lên men như ta muối dưa cải, cậu hướng dẫn viên khuyên không nên thử vì không hợp khẩu vị.

 

Chiếc váy dân tộc (sarong) của Myanmar, tiếng địa phương là Longyi, là một trong ba nét văn hóa đặc trưng của dân tộc là váy, kem và trầu. Chiếc váy may rất đơn giản, chỉ nối hai mép tấm vải thành cái ống thế là xong, khi mặc quấn chặt vào bụng, phần vải dư ra thì đàn ông cuộn thành một cục như nắm tay trước bụng, còn đàn bà thì nhét ra hai bên hông rất gọn, chẳng cần dây nhợ hay khuy nút mà vẫn chắc. Váy của đàn ông thường sẫm màu, kẻ caro, còn đàn bà thì nhiều hoa văn và màu sắc sặc sỡ hơn. Điều thú vị là váy Longyi được mặc với tất các các loại áo khác nhau, cả nam lẫn nữ, từ sơ mi cho tới áo thun, áo cánh, áo vest, áo khoác… và sử dụng trong tất cả mọi hoạt động của đời sống thường nhật như lễ hội, đi học, đi làm (kể cả trong công sở hay trên đồng ruộng), đi xe máy, xe đạp, ô tô, thậm chí đá bóng hay chạy nhảy mà vẫn không tuột. Ngoài chức năng che phần dưới cơ thể ra, chiếc Longyi còn nhiều công dụng khác như để địu con, quấn lên đầu để đội đồ đạc, mang xách các vật nặng…

 

Thiếu nữ Myanmar với kem dưỡng da cổ truyền Thanakha - Ảnh: Đ.M.HIỆP

 

Đi trên đường phố Yangon, ngoài chiếc váy Longyi ra, người nước ngoài còn hay để ý đến những vệt trăng trắng trên mặt của nhiều người, bất kể tuổi tác, giàu nghèo hay nam nữ. Đó chính là một loại kem dưỡng da cổ truyền của người Myanmar được chế biến từ vỏ cây Thanakha, vừa có tác dụng chống nắng, chống mụn nhọt, bảo vệ da, lại làm trắng da nên được phụ nữ Myanmar rất ưa chuộng. Ngoài ra, kem Thanakha còn là dấu hiệu thể hiện đẳng cấp sành điệu trong trang điểm. Với người bình dân thì chỉ đơn giản là mấy vệt trắng trên má, trên trán, còn với các cô gái thì có thể là hình hoa văn rất cầu kỳ, là hình chiếc lá với các đường gân, hay là những đường tròn đồng tâm… Hiện nay, người ta đã sản xuất đại trà loại kem này bán trong các cửa hàng, nhưng phụ nữ thường tự mình chế biến để sử dụng. Chỉ cần mua cây Thanakha được cưa thành từng khúc 20-30cm và miếng đá mài chuyên dụng bán đầy ở cửa hàng, rồi mài vỏ cây thành bột mịn, pha với nước, bôi lên mặt, thế là xong! Vợ tôi định mua miếng đá mài và mấy khúc cây, tôi oải quá nên cô ấy mua mấy lọ kem Thanakha chế biến sẵn để làm quà cho con gái.

 

Tục ăn trầu của người Myanmar cũng giống như Việt Nam, có điều khác là ở ta chỉ có phụ nữ và người già là hay ăn trầu, còn ở đây, đàn ông ăn trầu nhiều hơn phụ nữ. Chẳng nói đâu xa, ngay trên xe chúng tôi, bác tài cũng nhai trầu bỏm bẻm, còn trên đường phố thì rất nhiều đàn ông miệng đỏ lòm vì nhai trầu. Ở những nơi công cộng, ngoài thùng rác ra còn có thêm cái thùng nữa để dân chúng nhổ bã trầu.

 

Hôm đầu tiên khi vừa lên xe buýt, mọi người rất ngạc nhiên khi thấy xe tay lái nghịch nhưng vẫn chạy bên phải đường. Hỏi ra mới biết, xe tay lái nghịch là hàng viện trợ hoặc nhập khẩu từ Vương quốc Anh, và người Myanmar cứ để nguyên tay lái nghịch chạy chung với các xe tay lái thuận. Vốn là một nước thuộc địa của Đế quốc Anh từ năm 1824-1948, nên trong đời sống xã hội Myanmar còn để lại nhiều dấu ấn của văn hóa Anh, nhất là trong giáo dục, kiến trúc, tôn giáo. Tiếng Anh được sử dụng khá phổ biến, đối với các công chức nhà nước, phải nói tiếng Anh lưu loát mới được nhận vào làm việc. Giáo dục phổ thông ở Myanmar cũng có hai hệ: dân lập (cấp 1) và công lập (từ cấp 2 trở lên). Người Myanmar có tục chỉ thờ Phật ở nhà chứ không thờ ông bà cha mẹ, đám cưới tổ chức đơn giản, chỉ đãi bà con hai họ, người chết thì hỏa táng, còn con cú mèo thì tượng trưng cho sự may mắn.

 

Về kinh tế, Myanmar mới mở cửa được vài năm nay nên nhìn chung vẫn còn nghèo. 6 giờ sáng, tôi bước ra ban công khách sạn ở ngay trung tâm Yangon mà đường phố vẫn tĩnh lặng, thi thoảng mới có chiếc xe chạy qua, 9 giờ các cửa hàng, siêu thị, chợ búa mới bắt đầu hoạt động, nhưng 8 giờ tối thì cả thành phố đã đóng cửa đi ngủ hết. Điều dễ nhận thấy nhất là những chiếc ô tô cũ nát chạy nườm nượp trên phố, còn xe máy ở Yangon đã cấm hơn chục năm nay. Hàng hóa trong các siêu thị, chợ búa cũng rất nghèo nàn, chủ yếu là hàng Thái Lan, Trung Quốc, có cả hàng Việt Nam nữa, và du khách đông nhất cũng từ Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia… chủ yếu là đi viếng chùa. Nông nghiệp Myanmar kém phát triển, năng suất, chất lượng không cao, nhưng theo lời cậu hướng dẫn viên, bù lại là nông sản sạch vì không dùng thuốc trừ sâu và chất kích thích. Công nghiệp, dịch vụ cũng mới bắt đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, mà Hoàng Anh Gia Lai là một trong số những người tiên phong, vừa khánh thành tổ hợp dịch vụ nhà hàng khách sạn 5 sao được xây theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

 

Hiện tại, Myanmar gợi cho người ta liên tưởng đến nhịp sống bình lặng của Việt Nam những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nhưng những biến đổi sâu sắc về chính trị những năm gần đây, nhất là từ khi ông Htin Kyaw, đồng minh thân cận của bà Aung San Suu Kyi - một lãnh tụ đấu tranh vì dân chủ - được bầu làm tổng thống dân sự đầu tiên của Myanmar vào tháng 3/2016 sau hơn 50 năm dưới sự cai trị của quân đội, chắc chắn sẽ đưa đất nước Chùa Vàng này nhanh chóng tiến rất xa trên con đường hội nhập.

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Đất nước Chùa Vàng
Thứ Sáu, 13/05/2016 14:00 CH
“Chuyên gia” diệt chuột Năm Bước
Thứ Bảy, 09/04/2016 08:37 SA
Hai vai vui gánh duyên trần
Thứ Bảy, 26/03/2016 14:00 CH
Mưu sinh trên đọt dừa
Thứ Bảy, 30/01/2016 09:31 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek