Thứ Sáu, 18/10/2024 23:23 CH
Từ nông dân nghèo trở thành chủ công ty dược liệu
Thứ Bảy, 20/02/2016 10:00 SA

Bà Dung chuẩn bị sấy thuốc - Ảnh: H.AN

Từ một nông dân nghèo quanh năm cắm mặt trên ruộng, chật vật mưu sinh, nhờ tình cờ tìm thấy bài thuốc nam chữa bệnh thận của cha chồng, một phụ nữ mới học đến lớp 7 ở Bình Định đã cứu được con gái mình thoát chết, sau đó trở thành chủ một công ty dược liệu.

 

CỨU CON BẰNG THUỐC NAM

 

Con gái út của bà Đoàn Thị Dung và ông Trần Xuân Hưng (thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) tên là Trần Thị Thanh Tuyền, từ khi sinh ra đã không khỏe như những đứa trẻ khác. “Cháu thỉnh thoảng lại bị phù. Hồi đó nhà nghèo lắm, không có tiền mua sữa. Khi cháu bệnh nặng, tôi mới dám mua cho cháu lon sữa bò. Lên 3 tuổi, cháu bị phù thường xuyên rồi nôn mửa, bú cũng nôn ra. Tôi đưa cháu xuống Quy Nhơn, vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám thì mới biết cháu bị thận, bệnh nặng lắm rồi” - bà Dung kể - “Sau khi bệnh viện “trả” về, tôi lần lượt đưa cháu tới nhà hai bác sĩ tư, đến khi cháu trợn mắt, nằm xụi lơ thì bác sĩ hối ẵm cháu về. Con bé bị phù đến nứt da, không đi tiểu được, bụng căng như cái bong bóng, nằm thở thoi thóp, không cựa quậy được nữa”.

 

Chiều hôm đó, bà ngoại bé Tuyền đến thăm cháu. Thấy tình cảnh đó, cụ nghĩ rằng có lẽ con bé không qua khỏi đêm nay. Bà Dung cũng nghĩ vậy nên nhờ người quen báo tin cho chồng đang làm rẫy trên An Khê (Gia Lai), còn mình thì lo chuẩn bị hậu sự. Trong khi mẹ ngồi xếp quần áo, bà chạy sang nhà cha chồng, tìm trong lẫm lúa món đồ chơi của bé Tuyền mà hôm trước mình tiện tay thảy vô trong đó, nghĩ khi nào con “đi” thì chôn đồ chơi theo cho con. “Thò tay vô lẫm lúa, tôi đụng phải một tập giấy mềm mềm, cầm lên thì thấy dấu mối gặm lam nham, bìa tập giấy cũng bị mối ăn. Tôi lật ra, thấy dòng chữ “Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc”, đọc thì thấy trong đó ghi tên những cây thuốc chữa bệnh thận”, người mẹ này kể lại.

 

Cầm tập giấy về nhà, bà Dung nói với mẹ: “Hồi trước ông nội con Tuyền làm thuốc, để sổ sách trong lẫm lúa, giờ con thấy tập giấy này, trong đó có nói cách chữa bệnh thận. Má có biết mấy loại cây ghi trong tập giấy này không má?”. May quá, bà ngoại bé Tuyền biết và chỉ cho con gái mình. Lúc đó trời đã tối. Bà Dung cầm cây đèn pin, xăng xái đi lên núi ở gần nhà tìm mấy loại lá đó. Hái được mỗi thứ một nắm, bà đem về rửa sạch, băm ra, sao vàng, khử thổ rồi sắc lấy nước cho con uống. Người mẹ nhớ lại: “Lúc đó con bé rất yếu, cứ hực lên, uống gần 5 phút mới được một muỗng cà phê thuốc. Má tôi nói kiểu này thì biết chừng nào uống hết chén thuốc. Tôi đành bóp miệng con, trầy trật đổ thuốc vô. Gần 3 tiếng đồng hồ, con bé mới uống xong chén thuốc. Con bé cứ hực hực, tôi nghĩ kiểu này chắc là không xong rồi. Nhưng gần một tiếng đồng hồ sau, con bé tiểu cả bô. Trước đó nó không tiểu được, bụng căng như cái trống. Trưa hôm sau, nó cục cựa được, chớ trước đó thì nằm im không động cựa gì. Tôi mừng quá, sắc thuốc cho con uống tiếp. Con bé tiểu ra 3, 4 hột màu trắng như mắt con cá. Tôi không biết đó là thứ gì. Sau này hỏi thăm, người ta nói đấy là sỏi trong thận, mình mới tin rằng con bé bị sỏi thận thiệt, chớ lúc trước cứ nghĩ con mình chút xíu mà hà cớ gì lại có sỏi”.

 

Theo lời bà Dung, mấy ngày sau, sức khỏe của bé Tuyền khá hơn. Bà rang gạo, nấu cháo cho con ăn. Rồi bà bán một con heo, mua lon sữa bột to cho con uống. Thấy con khỏe khoắn, người mẹ mừng húm, lại lo làm ruộng, làm mướn chứ không hề nghĩ đến chuyện đưa con trở lại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe cho kỹ càng. Đơn giản là hồi đó, gia đình bà nghèo rớt mồng tơi. Vợ chồng bà quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lúc nông nhàn thì ai mướn gì làm nấy. Gần tới ngày sinh con, bà Dung vẫn còn đi lượm phế liệu về bán kiếm tiền.

 

“Sau trận bệnh đó, con Tuyền khỏe mạnh cho tới nay. Giờ nó đã 24 tuổi rồi, tốt nghiệp cao đẳng Kế toán. Hồi học trong TP Hồ Chí Minh, thỉnh thoảng nó cũng đi kiểm tra sức khỏe, thận không bị làm sao cả”, bà Dung mỉm cười sung sướng.

 

BÀI THUỐC NAM LAN TỎA

 

Hiệu quả của thuốc nam

 

Bà Phạm Thị Húc ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Chồng tôi - ông Mai Văn Chút, 69 tuổi - bị suy thận. Gia đình đưa vào bệnh viện ở Huế chạy thận một lần rồi xin về Quảng Bình điều trị. Sau khi biết tin về bài thuốc chữa bệnh thận của bà Dung ở Bình Định, ông mua uống 2 tháng, giờ đã khỏe mạnh”.

 

Ông Nguyễn Thanh Hùng ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cho hay: “Bài thuốc chữa bệnh thận của bà Dung rất công hiệu. Nó chữa được chứng thận hư, phù thận, sỏi thận. Thuốc nam thì phải uống trong một thời gian dài mới có kết quả”.

Sau khi cứu được con, người đầu tiên mà bà Dung chia sẻ bài thuốc là cụ Đinh Thị Giàu ở cùng xã. Cụ Giàu cũng bị bệnh thận. Nghe ai đó “điềm chỉ”, con gái cụ Giàu tên là Đinh Thị Anh tới nhà bà Dung hỏi thăm về bài thuốc để chữa bệnh cho mẹ. “Chiều hôm đó, tôi vừa đi làm ruộng về. Tôi nhờ con gái bà Giàu giữ bé Tuyền rồi cầm đèn pin lên rừng hái thuốc. Bà Giàu uống thuốc, bớt bệnh trong bảy, tám năm liền. Bà đi làm, đi chợ bình thường, sau đó thì qua đời vì bệnh tim”, bà Dung cho biết.

 

Bà Đinh Thị Anh kể: “Hồi đó thận của má tôi bị ứ nước, phù. Má uống vài thang thuốc của cô Dung thì bớt, sau đó uống tiếp. Má sống thêm được 8 năm rồi mất vì bệnh tim năm 76 tuổi”.

 

Rồi người này, người kia hay tin, tới nhà xin thuốc, bà Dung đều hái cho. Nghĩ tới cái công hái thuốc, người ta cho bánh cho quà, có người cho tiền, bà nhận, không đòi hỏi gì. Sau này người ta tới đông quá, bà hái thuốc không kịp, phải mướn người làm và bắt đầu tính tiền thuốc với khách.

 

Chuyện bà nông dân ở Mỹ Hòa bán thuốc mà không có lấy một cái chứng chỉ hành nghề “lận lưng” đến “tai” ngành Y tế. Bà nhớ lại: “Bên y tế tới kiểm tra, biểu phải đình chỉ. Tôi nói: “Nghe luật của Nhà nước tới là em rớt tim ra ngoài. Em mới học tới lớp 7, giấy tờ thì em không biết. Nói sao em nghe vậy, cho làm thì em làm, biểu nghỉ thì em nghỉ”.

 

Bà nghỉ bán thuốc ngay sau đó. Khi thân nhân của những người bệnh gọi điện tới, tiếp tục hỏi mua thuốc, bà Dung kể lại đầu đuôi sự việc và nói họ thông cảm, chớ bây giờ liên quan tới cơ quan nhà nước, bà không biết đường nào mà lần. Có người hỏi lại: Bệnh nhân đang “theo” thuốc của bà, bây giờ bà nói không bán nữa là sao, chẳng lẽ để cho người ta chết?

 

Sau đó bà Dung được hướng dẫn làm đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề dược, trầy trật đủ đường bởi người nông dân này không biết, không rành rẽ.

 

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân ở Bình Định - Ảnh: H.AN

 

THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH DƯỢC LIỆU

 

Ngày nọ, khi bà Dung đang ở trên rừng thì có một người đàn ông lạ tìm đến nhà. Đó là lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP Hồ Chí Minh. Là người tâm huyết với thuốc nam nên khi hay tin về bài thuốc của gia đình bà Dung, lương y Đinh Công Bảy lặn lội đường xa, tìm đến tận Mỹ Hòa. Con bà Dung đưa lương y lên rừng gặp mẹ. “Ổng xin 5 thang thuốc đem về TP Hồ Chí Minh tìm hiểu, sau đó ổng lấy thuốc trong vòng một tháng cho bệnh nhân uống và đạt kết quả. Rồi ổng hướng dẫn tôi mở công ty. Tôi nói: Cha mẹ em từ gốc rạ đi lên, sáng em ra ruộng làm, trưa về ăn hột cơm rồi nghỉ, em đâu có biết chuyện giấy tờ thủ tục liên quan tới Nhà nước. Ổng nói: Cứu người là việc quan trọng chớ không phải là chuyện kinh doanh. Ổng khuyên tôi dữ lắm. Rồi ổng đích thân ra Bình Định lần nữa, dẫn vợ chồng tôi đi làm thủ tục. Có ổng, công việc trôi chảy, mau lẹ. Ổng giúp vợ chồng tôi xong xuôi đâu đó rồi mới trở về TP Hồ Chí Minh. Nói thiệt, nếu không có ổng nhiệt tình giúp đỡ thì tôi đã bỏ cuộc. Ổng nói có được bài thuốc hay là cơ duyên của mỗi người. Sống trên đời, giúp được ai thì cố gắng giúp cho họ. Ổng rất tâm huyết với thuốc nam”, bà Dung kể về lương y Đinh Công Bảy với lòng cảm kích.

 

Năm 2011, Công ty TNHH Dược liệu Hưng Dung ra đời. Sau rất nhiều khó khăn, được sự giúp đỡ của lương y Đinh Công Bảy, bà Dung mới có thể danh chính ngôn thuận đưa thuốc nam đến với người bệnh thận khắp nơi. Không chỉ ở Bình Định, người mắc bệnh thận từ ngoài Bắc, trong Nam đã liên lạc, tìm bài thuốc quý của gia đình bà.

 

Trong rất nhiều người mắc bệnh thận đã uống thuốc của gia đình bà Dung có ông Nguyễn Xuân ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ông Xuân trải qua 2 lần phẫu thuật, một lần để lấy sỏi thận, sau đó thì cắt luôn quả thận hư bên phải, chỉ còn lại quả thận bên trái và bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối, được chỉ định chạy thận nhân tạo. Trong thời gian nằm viện để theo dõi, khi được đề cập đến chuyện mổ cơ để chuẩn bị chạy thận nhân tạo, ông Xuân xin bác sĩ cho về nhà “chạy” thuốc nam trước. Ông kể: “Nghe người ta truyền miệng rằng bà Dung ở Phù Mỹ có bài thuốc chữa bệnh thận rất hay, tôi ra Phù Mỹ, tìm tới nhà bả, kể sơ qua cho bả biết bệnh của mình. Bà Dung nói: Mười người uống thuốc này thì bớt từ năm đến bảy người chớ không phải ai cũng bớt, cũng hết bệnh. Tùy chú, muốn uống thì hốt uống thử trong một tháng, mà phải uống liên tục, hàng ngày, không được bỏ thuốc bữa nào. Tôi nghĩ thôi thì phước chủ may thầy, mình cứ uống thử trong một tháng coi ra sao, nếu có hiệu quả thì uống tiếp, không thì thôi. Mới uống được 4 thang, tôi thấy người nhẹ đi, ăn ngủ được. Trước đó hai chân bị phù, chỗ mổ cũng phù. Uống hết 30 thang thuốc, tôi khỏe ra, nghỉ một tháng rồi mua thêm 15 thang nữa, uống tiếp… Thấy khỏe lại, lao động bình thường nên tôi không đi khám làm gì. Tuy nhiên, những khi tôi làm việc nặng thì thấy đau lưng, bởi vậy tôi không làm việc nặng nhọc nữa”.

 

Khi thân nhân người bệnh tìm đến ngày càng nhiều, để công việc bớt nhọc nhằn, vợ chồng bà Dung mua máy cắt, máy sấy thuốc. Có máy móc hỗ trợ nhưng vợ chồng bà vẫn tất bật từ sáng cho đến tận đêm. Người phụ nữ 49 tuổi này thổ lộ rằng, mình thật may mắn khi tình cờ tìm thấy bài thuốc của cha chồng và cứu được con, rồi có duyên khi gặp Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP Hồ Chí Minh và được ông ấy nhiệt tình giúp đỡ. Bởi vậy vợ chồng bà cố gắng giữ bài thuốc này. “Coi vậy chớ làm thuốc cực lắm, vợ chồng tôi bận rộn suốt từ sáng tới tối, 9, 10 giờ đêm mới ăn cơm chiều. Con cái thấy tôi cực quá, nói thôi mẹ nghỉ đi. Tôi nói đây là cái duyên trời định. Mình có bài thuốc cứu được nhiều người thì mình phải giữ gìn”, bà Dung chia sẻ.

 

“Nên tham khảo ý kiến của lương y, bác sĩ; không tự ý dùng thuốc”

 

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Khi biết được thông tin về bài thuốc của cô Dung, tôi muốn tìm hiểu xem nguyên dược liệu như thế nào, hiệu quả ra sao. Bài thuốc này có ích cho người bệnh thận. Nguyên liệu của nó không độc hại gì, lại vừa với túi tiền của người nghèo, họ có thể sử dụng lâu dài được, chớ thuốc đắt quá thì người nghèo không dùng được. Tuy nhiên, người mắc bệnh thận muốn sử dụng thuốc thì cần được bác sĩ hoặc lương y khám và hướng dẫn cụ thể, không nên tự ý dùng thuốc”.

 

Cũng theo lương y Đinh Công Bảy, bài thuốc nam của bà Dung gồm cây nổ, cây quýt gai, cây muối và cây mực. Bốn loại cây trên kết hợp lại chữa bệnh thận rất hiệu quả, ít gây dị ứng.

 

HÀ AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Mưu sinh trên đọt dừa
Thứ Bảy, 30/01/2016 09:31 SA
Sống sót sau 4 giờ vật lộn với sóng lớn
Thứ Bảy, 12/12/2015 10:00 SA
KỲ CUỐI: Chuyện đời
Thứ Tư, 04/11/2015 14:00 CH
KỲ 2: Buồn vui ở Bangkok và Pattaya
Thứ Ba, 03/11/2015 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek