Thứ Sáu, 18/10/2024 21:36 CH
Huyền bí Myanmar:
Kỳ 1: Đất nước Chùa Vàng
Thứ Sáu, 13/05/2016 14:00 CH

Trong số các nước Đông Nam Á, có lẽ Myanmar là miền đất ít được người Việt Nam biết đến nhất. Những năm trước, dưới thời của chính phủ quân sự, Myanmar bị phong tỏa kinh tế, cấm vận nên các mối quan hệ với thế giới bên ngoài, nhất là về thương mại, du lịch không phát triển. Chỉ mãi đến năm 2011, một cựu tướng lĩnh quân đội được bầu làm Tổng thống dân sự và tiến hành hàng loạt cải cách dân chủ, trong đó có việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, đã mở cánh cửa cho Myanmar bước lên con đường hội nhập. Từ đó, nhiều nước đã dỡ bỏ cấm vận, các nhà đầu tư bắt đầu đến đây tìm kiếm cơ hội làm ăn.

 

Chùa Vàng Shwedagon vào đêm - Ảnh: L.DIỆP

 

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đất Myanmar là không khí thanh bình, yên tĩnh và thân thiện trong nhịp sống có thể nói là “chậm” với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Trên đường phố, công viên, chùa chiền, khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan du lịch… không nghe tiếng còi ô tô, tiếng la hét, chửi rủa, cãi cọ, không thấy người ăn xin, và dĩ nhiên cũng không gặp cảnh đánh lộn hay tai nạn giao thông, còn chim bồ câu thì mặc sức bay lượn và kiếm mồi bên con người.

 

Cậu hướng dẫn viên, một người đã có thâm niên rong ruổi trên đất nước Chùa Vàng này, bảo, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần và văn hóa của người dân Myanmar. Bật tivi lên thấy có khoảng 20 kênh truyền hình cáp, thì có tới 3 kênh chuyên đề về Phật giáo. Ở Myanmar, khoảng 90% dân số theo đạo Phật, còn lại là đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Hindu, đạo Do Thái… Đạo Phật ở Myanmar theo dòng Theravada, tức là Phật giáo nguyên thủy - Tiểu thừa. Cả nước Myanmar có khoảng 12-13 ngàn ngôi chùa và tất cả đều được mạ vàng hay sơn son thếp vàng. Chính vì vậy mà người ta gọi Myanmar là đất nước Chùa Vàng, và du khách đến đây chủ yếu là để vãn cảnh chùa hoặc đi cầu nguyện, nhiều người Việt cũng sang đây tu hành. Hàng ngày, buổi sáng các sư thầy mặc quần áo nâu hoặc vàng, sư cô thì mặc áo hồng đi khất thực và phải đi theo đoàn trên bốn người gọi là tăng đoàn, đồ ăn hay tiền xin được phải dành một phần cho người nghèo, nếu dùng không hết thì để hôm sau, nhưng từ 12 giờ trưa đến sáng hôm sau, các sư không được ăn gì nữa, chỉ uống nước. Myanmar có hai ngôi chùa rất nổi tiếng về sự linh thiêng và độc đáo, thu hút không chỉ người hành hương mà rất nhiều du khách, đó là chùa Kyaikhtiyo và chùa Shwedagon.

 

Chùa Kyaikhtiyo (còn gọi là Golden Rock - Chùa Đá Vàng) nằm cách thủ đô Yangon gần 200km, được xây trên đỉnh một tảng đá to hình quả trứng trên đỉnh núi Kyaikhtiyo vào thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn sống, tức là trên 2.500 năm, là một trong những di tích rất nổi tiếng của Myanmar và được xếp vào một trong số rất ít những kiệt tác của thiên nhiên. Chuyện kể rằng, ngày xưa có hai vị hoàng tử rời bỏ cuộc sống xa hoa nơi cung điện lên núi Kyaikhtiyo đi tu. Một lần họ tình cờnhặt được hai quả trứng, mang về nở thành hai đứa trẻ khôi ngô tuấn tú và trở thành con nuôi của họ. Khi vua cha băng hà, triều đình mời hoàng tử anh về cung kế ngôi, nhưng người anh từ chối và nhường ngôi báu cho con nuôi. Để ghi nhận tấm lòng mộ đạo của hai hoàng tử, Đức Phật ban cho mỗi người một sợi tóc. Hoàng tử anh luôn giữ sợi tóc trên đầu mình, và trước khi qua đời, ngài giao lại xá lợi của Đức Phật cho người sau với điều kiện sợi tóc phải được cất giữ trên đỉnh một tảng đá to nằm trên đỉnh núi như nó đã từng nằm trên đầu ngài. Vậy là sợi tóc của Đức Phật được cất giữ trong ngôi chùa nhỏ xây trên đỉnh tảng đá to như ngôi nhà hai tầng nằm cheo leo trên đỉnh núi Kyaikhtiyo. Người ta bảo, chính nhờ sợi tóc của Đức Phật, mà trải qua hàng ngàn năm, với bao trận động đất mà tảng đá vẫn nằm yên bên mép vực, không bao giờ rơi xuống. Ngày nay, toàn bộ tảng đá và ngôi chùa nhỏ bên trên được mạ một lớp vàng nên có tên là Chùa Đá Vàng. Ấy là theo truyền thuyết, còn với cái nhìn của nhà địa chất như tôi, rất có thể tảng đá và ngọn núi vốn là một khối đá đồng nhất, nhưng trải qua hàng ngàn năm bị mưa gió làm cho phong hóa, bào mòn nên có hình dạng như ngày nay. Tuy nhiên, dù là lý do gì thì công trình này vẫn là một tuyệt tác vĩ đại và bí hiểm của thiên nhiên.

 

Nói về Chùa Đá Vàng mà không đềcập đến con đường lên tới đỉnh núi thì sẽ là một thiếu sót lớn. Nhà văn Nga Aleksei Tolstoi có cuốn tiểu thuyết “Con đường đau khổ” rất hay về quá trình nhận thức bản thân, còn con đường lên núi Kyaikhtiyo cũng thuộc loại “đau khổ”, nhưng theo một cách khác. Từ chân núi, hành khách được đưa lên những chiếc xe bán tải, không mui. Với độ cao hơn một ngàn mét so với mực nước biển, chặng đường gần 15km liên tiếp các khúc cua cùi chỏ dựng đứng, vậy mà các bác tài cứ nhấn ga lao vun vút vì nếu để mất trớn, dừng xe hay tuột dốc thì trôi xuống vực là điều không tránh khỏi. Các du khách ngồi trên ghế băng phải giữ chặt tay nắm để không bị ngã hay văng ra khỏi thành xe. Suốt chặng đường, hầu như mọi người đều phải phơi nắng vì muốn đội mũ phải có dây buộc chặt dưới cằm. Nếu có cáp treo thì sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian (chạy xe khoảng một giờ) và du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng phong cảnh hai bên, nhưng có thể người ta cố ý làm vậy là để cho du khách cảm nhận được nỗi gian truân khi đến với cửa Phật. Cùng ngồi trên những chiếc xe tải đó, những người hành hương Myanmar được chở miễn phí, còn du khách phải trả tiền. Vốn là dân địa chất, từng ngồi trên các loại xe chạy từ mũi Cà Mau tới Điện Biên, Sa Pa, rẽ ngang rẽ dọc trên các ngọn đèo cao thấp, nhưng tôi chưa gặp con đèo nào tạo cảm giác mạnh như thế, đúng là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Lên tới đỉnh núi, bước xuống xe, thơ thẩn trên sân chùa rộng mênh mông như cái sân vận động Olimpic, ngắm cảnh mặt trời lặn sau khối đá vàng cùng với hàng trăm tín đồ hành hương tới đây, thức với họ một đêm để nghe họ rì rầm cầu nguyện và cùng đón ánh bình minh ló dạng, tôi có cảm giác như mình được siêu thoát, rũ bỏ mọi bụi trần, tâm hồn trở nên thanh thản. Vợ chụp cho một pô ảnh, xem xong, bảo, sao bữa nay trông mặt anh hiền khô à!

 

Tác giả trên Chùa Đá Vàng Kyaikhtiyo - Ảnh: L.DIỆP

 

Trên chùa có bán nhiều đồ tế lễ, có cả những miếng vàng lá dát mỏng. Hàng đoàn người bưng các khay đồ ăn, đồ vàng mã vào khu cúng viếng, cầu nguyện và dán những tấm vàng lá bằng bàn tay lên tảng đá như một cách cúng dường. Chỉ sau một đêm, toàn bộ phần dưới của tảng đá dán kín vàng lá trông như một lớp vảy vàng. Ngắm nhìn hàng đoàn người lặn lội từ khắp nơi đến đây thành kính cầu nguyện, tôi tự hỏi, có bao nhiêu nguyện vọng, ước muốn mà người đời muốn giãi bày với Đức Phật để mong tìm được sự bằng an trong lòng?

 

Chùa Shwedagon (hay còn gọi là Chùa Vàng) ở thủ đô Yangon, xây trên đồi Singuttara cao 105m, được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất, là trái tim của Phật giáo Myanmar vì ở đây lưu giữ 4 báu vật thiêng liêng đối với các tín đồ Phật giáo. Đó là 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cây gậy của Đức Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Đức Phật Câu Na Hàm và một mảnh áo của Đức Phật Ca Diếp. Ngôi tháp (stupa) là nơi cất giữ các xá lợi đó cao tới 98m, được dát 90 tấn vàng bao phủ toàn bộ từ chân tới đỉnh, ở phần hình vương miện được nạm 5.448 viên kim cương và 2.317 viên hồng ngọc, còn ở đỉnh tháp gắn một viên kim cương 76 carat (15g). Ngoài tháp chính ra, còn có hàng trăm ngôi tháp khác cũng được mạ vàng để tiến hành các nghi lễ tôn giáo. Điều quan trọng là tất cả số vàng bạc, đá quý để trang trí cho hàng vạn ngôi chùa tháp ở Myanmar đều do các tín đồ đóng góp.

 

Ở Myanmar, ngày sinh không tính theo tháng mà theo tuần, và mỗi ngày trong tuần đều có một ông Phật hộ mệnh cho người sinh vào ngày đó, riêng ngày thứ tư có hai Phật, một cho sáng và một cho chiều. Ngày sinh có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống của người Myanmar, nên ai cũng phải biết ngày sinh của mình, và dựa vào đó để chọn vợ gả chồng, dựng xây nhà cửa, tìm đối tác làm ăn, buôn bán. Trên Chùa Vàng có tám điện thờ các ông Phật với nhiều kiểu dáng khác nhau, cùng với tám con vật cầm tinh cho những ngày đó. Chủ nhật là con vật nửa người nửa chim, thứ hai là con cọp, thứ ba là sư tử, thứ tư, buổi sáng là voi có ngà, buổi chiều là voi không ngà, thứ năm là chuột, thứ sáu là chuột lang, thứ bảy là rồng. Xung quanh các điện thờ, người xếp hàng đông nghịt để vào cầu nguyện, rồi múc nước tưới lên tượng Phật và linh vật bên dưới để cho dòng nước cuốn đi mọi nỗi lo âu phiền muộn và những bất an trong cuộc sống. Tôi cũng dừng lại bên tượng Phật phù hộ cho ngày sinh của mình là thứ sáu, cũng muốn vào cầu nguyện nhưng ngẫm lại, ở cái tuổi xế bóng như mình còn ham hố gì nữa mà cầu với xin, nên chỉ đứng ngoài cúi đầu lạy Phật mấy cái.

 

Kỳ cuối: Chuyện đời xã chuyện đạo

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Chuyên gia” diệt chuột Năm Bước
Thứ Bảy, 09/04/2016 08:37 SA
Hai vai vui gánh duyên trần
Thứ Bảy, 26/03/2016 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek