Thứ Hai, 25/11/2024 14:50 CH
Một lần tiễn con đi...
Thứ Sáu, 27/07/2007 08:40 SA

Trong người mẹ có một “khối u” mà ngày còn chiến tranh nó là “khối căm thù”, sau chiến tranh nó là “khối yêu thương” được san sẻ cho tất cả. Những khi nhắc đến liệt sĩ Nguyễn Thị Thạch, đứa con gái duy nhất của mẹ, thì khối u ấy lại trở dậy nhói đau tận cùng gan ruột. Dù vậy, với mẹ nó là niềm tin để vượt qua mọi sóng gió sống một cuộc đời thuỷ chung với cách mạng, trung liệt với chồng con. Ngày UBND xã khánh thành nhà bia tưởng niệm, mẹ lụm khụm mang hai trăm nghìn tiền tiết kiệm được đến thắp nhang cho các liệt sĩ. Bà là mẹ VNAH Lê Thị Liễu (thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang II, huyện Đồng Xuân). Năm nay mẹ Liễu đã bước sang tuổi 81.

 

070727-me-chi-tay.jpg
Mẹ VNAH Lê Thị Liễu đang kể lại quãng đời hoạt động cách mạng của mình - Ảnh: TQ
Ngôi nhà của mẹ đơn sơ đến trống vắng. Một chiếc tủ thờ ông bà, một chiếc phản, một cái bàn tròn, 1 chiếc giường và một chiếc võng bện bằng dứa, tất cả đều cũ kỹ. Tài sản lớn nhất của mẹ là tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì của liệt sĩ Nguyễn Thị Thạch, người con gái duy nhất của mẹ.

 

Từ lúc lấy chồng là bộ đội trên núi, 2 mẹ con thiếu phụ Lê Thị Liễu luôn  nằm trong tầm “răn đe” của địch. Năm con gái lên 3 tuổi (1952), ông Nguyễn Nghiêm, chồng mẹ đi tập kết miền Bắc. Không nhớ bao nhiêu lần mẹ bị bắt đi quản thúc, lao động cải tạo và cũng không biết bao lần đã chứng kiến sự hi sinh của những chiến sĩ cách mạng. Sự nhục nhã của người mất nước, lòng căm thù bom Mỹ đã cướp đi mạng sống của những người yêu nước đã thấm sâu vào suy nghĩ của cô bé Nguyễn Thị Thạch. Năm 1966, 17 tuổi đang ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, gạt qua những tình cảm yêu đương thường tình, Nguyễn Thị Thạch xin mẹ nối bước cha lên núi… làm cách mạng. Dù biết tính con gái, đến một lúc nào đó nó cũng đi theo con đường của cha, nhưng bà không nghĩ quyết định đó lại đến sớm thế. Người mẹ trẻ vừa mừng vừa lo. Mừng vì con gái đã lớn, biết suy nghĩ. Nhưng lo là lo thân gái liễu bồ, mà bom đạn chiến tranh thì… hơn nữa mẹ chỉ có một mình… Nhưng rồi mẹ cũng dằn lòng đồng ý.

 

“Tuổi mười bảy những ước ao

Buổi đầu cầm súng biết bao là mừng

Mẹ ơi súng đẹp quá chừng

Con đi đánh giặc mẹ đừng lo chi…”

 

Con đi. Mẹ lại lo đối phó với sự nghi ngờ lùng sục và quản thúc dữ dằn hơn của quân cướp nước và bè lũ bán nước. Hết bắt mẹ tập trung ở thôn, đến xã rồi lên huyện. Bằng đủ đòn tâm lý chiến, nhưng bọn địch chẳng có được thông tin gì từ mẹ. Ra khỏi nhà quản thúc huyện là mẹ lại tìm cách quay về làm ruộng, rẫy để có gạo tiếp tế cho con trên núi. Mẹ kể: “Trốn chui, trốn nhũi bọn phản động việt gian, hễ bắt được là nó đánh đến chết đi sống lại, nhưng mẹ chẳng sợ, cứ nghĩ đến con và đồng đội đói cơm lạt muối, rồi còn thông tin, tài liệu cho cơ sở… là cái chân mẹ lại đi. Chúng nó nhiều tai mắt thì mình nhiều mưu kế, nên lần nào mẹ cũng trót lọt” – Mẹ cười móm mém, làn da đồi mồi đầy vết chân chim giãn ra tràn đầy hạnh phúc.

 

Nhưng rồi…

 

Đó là đêm 6/8/1968, nhóm công tác của Nguyễn Thị Thạch có Nguyễn Văn Sa và Lê Hoà trên đường vào ấp đến suối Ngang thì gặp mìn phục kích, cả 3 đều hi sinh tại chỗ. Nghe tiếng nổ trong ấp, mẹ cứ bồn chồn không yên, nhưng cũng không dám nghĩ điềm xấu nhất đến với con mình. Sáng hôm sau, mẹ nhận một mẩu giấy nhỏ báo tin: Nguyễn Thị Thạch đã hi sinh trong lúc đi công tác, ở suối Ngang!

 

Ông Nguyễn Trọng cán bộ phụ trách công tác TBXH xã Xuân Quang II (huyện Đồng Xuân)

 

Mẹ Lê Thị Liễu là đối tượng được ưu tiên trước nhất, nhưng mẹ chẳng đòi hỏi chi quyền lợi. Mẹ nói: “Những người khó khăn hơn thì nên ưu tiên làm trước, mẹ còn khỏe, nhà còn ở được”. Đến năm 1998 (mẹ 62 tuổi) ngôi nhà của mẹ đã xập xệ quá, mùa mưa bão cứ lắt lay, đến lúc ấy mẹ Liễu mới chịu vào ngôi nhà cấp 4 do UBND xã xây. Mẹ Liễu sống có tình có nghĩa với xóm làng, ai cũng quý trọng. Những việc lớn của đời người, gia đình nào cũng mời mẹ đến dự.

Như sét ngang tai, mấy ngày liền, mẹ cứ sống đi chết lại trong vòng tay của những người hàng xóm. Không biết bao nhiêu nước mắt của mẹ đã chảy rồi khô, rồi lại chảy, ruột gan mẹ quặn đau từng khúc. Đứa con gái duy nhất của mẹ dứt ruột đẻ ra đã không thể tiếp tục ước mơ cầm súng chiến đấu, chờ đến ngày giải phóng.

 

Nén nỗi đau thương mất con, mẹ Lê Thị Liễu lại tiếp tục sống và tiếp tục hoạt động cách mạng.

 

Ông  Nguyễn Nghiêm, chồng mẹ vẫn biền biệt ở miền Bắc. Ngày qua ngày, trong nỗi cô đơn tột cùng, mất con, xa chồng, mẹ Liễu chỉ biết lấy công việc làm niềm khuây khỏa.

 

Mẹ kể: Những ngày chuẩn bị giải phóng, mẹ đi sau đám lính ngụy nghe chúng bàn tán “Cộng sản đang đánh ở khắp nơi rồi”, nghe mà rộn ràng. Đêm về mẹ mừng thầm, nghĩ đến ngày đất nước được giải phóng. Rồi sẽ không còn sống chui nhũi, rồi mẹ lại gặp ba con Thạch… rồi mẹ khóc. Khóc vì sắp đến ngày vui thống nhất, khóc vì nhớ con không có mặt trong giờ phút ấy. Giấc ngủ cứ chập chờn trên gương mặt người phụ nữ vừa hạnh phúc, vừa khổ đau.

 

Đất nước hoàn toàn giải phóng, mẹ Lê Thị Liễu về lại quê chồng ở thôn Triêm Đức (xã Xuân Quang II) trong ngôi nhà nhỏ. Sau chiến tranh, mẹ chợt nhận ra mình không có một kỷ vật gì của đứa con gái duy nhất. Bao lần giặc đốt nhà, tản cư, quản thúc những vật nhỏ nhất cũng không còn. Một bức ảnh để thờ cũng không có. Điều duy nhất mẹ luôn giữ hình dáng của đứa con gái bé bỏng dấu yêu trong đầu. Những lúc ấy, hai giọt nước mắt đặc quánh lại lăn trên má mẹ.

 

Bao năm chờ chồng, đến một ngày mẹ nhận được tin: Chồng mẹ đã ở lại luôn miền Bắc và có vợ sinh con! Mẹ không khóc, nhưng đau, đau lắm.

 

Ở cái tuổi 81, mẹ Lê Thị Liễu vẫn còn minh mẫn, đi lại, tự chăm sóc mình được. Nhưng mẹ đã bắt đầu lo. Lo rồi ai sẽ giỗ con Thạch, mai mốt yếu rồi những ngày trái gió, đêm hôm tối lửa tắt đèn?… Nhưng mẹ không bi quan. Mẹ nói với chúng tôi: “Mẹ muốn một lần đến ở chung với các cụ ở trung tâm chăm sóc người có công cho vui bạn già trước khi về với ông bà và  muốn một lần vào TP Tuy Hòa để biết sự đổi thay thế nào”.

 

Chia tay mẹ VNAH Lê Thị Liễu, tôi cầu chúc mẹ nhiều sức khỏe sống lâu để vui cùng con cháu chứng kiến sự đổi thay của quê hương và thực hiện những ước muốn của mẹ.

 

TRẦN QUỚI

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cả làng đi... chắt nước
Thứ Ba, 17/07/2007 14:00 CH
Hành hương về đất thiêng Trường Sơn
Thứ Hai, 16/07/2007 15:00 CH
Tình ca giữa đời thường
Thứ Sáu, 13/07/2007 07:41 SA
Lên núi gác cu
Thứ Hai, 09/07/2007 07:26 SA
Đãi sạn dưới lòng sông Ba
Thứ Hai, 02/07/2007 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek