Thứ Tư, 02/10/2024 07:27 SA
Lên núi gác cu
Thứ Hai, 09/07/2007 07:26 SA

Chú Sáu Cờ, năm nay đã bảy mươi tuổi, là người chơi chim có tiếng ở xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa). Phàm người chơi chim có tiếng là người cực kỳ... mê chim, nên khi nghe tôi đề nghị đi gác (nhử) cu là ông đồng ý ngay. Buổi sáng cuối tuần, dù mùa này bắt đầu có gió nam săn, nhử chim không phải dễ dàng gì, nhưng chú Sáu quyết định gác công việc thường nhật (nghề sửa trật đả) để cùng tôi lên đường đến hòn Bà Hộ, một hòn núi nằm trong dãy đèo Cả, thuộc xã Hòa Tâm, để gác cu.

 

070709-gc1.jpg

Vào núi nhử cu. - Ảnh: M.ĐỨC

 

CHỌN NƠI TREO BẪY

 

Từ trung tâm xã Hòa Tâm, chúng tôi phóng xe máy băng qua những đám ruộng khô khốc ở xứ Đồng Bé, đến sát chân núi. Cả vùng này chỉ có 3 ngôi nhà nhỏ. Gởi xe tại đây, chúng tôi men theo lối nhỏ do những người đốt than chạy mòn, chỉ đủ một người đi, bắt đầu lên núi. Trong khi tôi... bùng tai vì leo dốc thì chú Sáu chỉ tay về phía hóc Môn, cách nơi chúng tôi đứng khoảng 50-60m, bảo: “Có tiếng cu gù phía đó”. Chúng tôi lội qua con suối Cái nước trong vắt và mát lạnh, tiến theo hướng chú Sáu vừa chỉ. Tiếng cu gù càng lúc càng gần hơn. Dọc đường, chú Sáu bẻ những nhánh lá của một loài cây có tên khá lạ: cây đủng đỉnh, để thay vào lớp “áo” đã khô bên ngoài chiếc lồng, nơi mà chú cu cườm mồi của chúng tôi đang lặng yên lơ đãng nhìn rừng núi.

 

Cũng nên nói một chút về chú cu mồi của chú Sáu. Nó có bộ lông vi dày, trên cổ rất nhiều cườm, vảy chân chữ nhân kéo dài liên tục đến gối, thấy người lạ không sợ, không sận. “Đặc biệt, khả năng giữ và gù câu con mồi của nó rất khá. Đấy mới là đòn quyết định!” - Chú Sáu nói vậy và cho biết thêm, con cu mồi này có giá đến 1 triệu đồng. Nhiều cu mồi liệt vào hàng “hay đặc sắc” thì có giá cao hơn nhiều, đến 5 triệu đồng.

 

Khoảng 8 giờ sáng. Mùa hè nên mới quãng này mà mặt trời đã lên khá cao. Chú Sáu nghiêng ngó rồi chọn một vị trí mà ông cho là “đắc địa”. Đó là một cây duối cao khoảng 6m, có bóng râm mát, xa lối mòn mà chúng tôi đã đi để cả cu mồi lẫn cu bổi (chú cu bên ngoài) tự do “nghênh chiến” mà không phải phân tâm vì người qua lại. Lúc này, tôi mới để ý kỹ chiếc sào móc lồng. Đúng là dụng cụ của dân chơi chim chuyên nghiệp! Cây sào này làm bằng inox, có thể kéo dài các phần phía trên giống như chiếc anten của radio. Ở phần trên cùng đính một lưỡi liềm nhỏ mà tôi biết ngay “nhiệm vụ” của nó khi chú Sáu dùng để rong các nhánh cây cho thoáng đãng khu vực chuẩn bị móc chim mồi. Chú Sáu cho biết: “Phải rong bớt những nhánh cây rậm rạp, tạo thế dễ dàng để con cu bổi nhanh chóng “tấn công” cu mồi và nhào vào bẫy. Nếu mình để nguyên thì con chim bổi cứ chuyền mãi, chờ lâu lắm!”.

 

HỒI HỘP CÙNG CU “BỔI”

 

Chừng sau 10 phút thì mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Chú Sáu gài bẫy xong, móc chiếc lồng có chú cu mồi lên nhánh cây cao. Chú chọn vị trí phía sau tảng đá lớn nằm dưới một cây da thấp, cách nơi treo lồng chừng 5-6m. Đó là nơi mà chúng tôi ẩn nấp để theo dõi “trận chiến” sắp diễn ra.

 

070709-gc3.jpg

Chú Sáu Cờ chuẩn bị lồng chim mồi. - Ảnh: M.ĐỨC

 

Thật lạ, chú cu mồi nín thinh khi tung tẩy cùng chúng tôi trên đường, nhưng vừa “an vị” trên cành cây giữa rừng là cất tiếng khiêu khích đối phương ngay. Chú bắt đầu gióng chậm rãi, “cúc cù cu... cu”. Phía bên kia cũng đáp trả bằng những tràng “cúc cù cu... cu” tương tự. Chỉ chừng vài phút sau đó, từ xa, một chú cu bổi bay về phía chúng tôi. Chú đậu trên một cây da cách lồng chim mồi chừng 7-8m. Chú chim mồi của chúng tôi, với “kinh nghiệm” từng khiến trên 10 “kẻ thù” sập bẫy, phát hiện ra đối phương và ngay lập tức vào giai đoạn “lèo”, hay còn gọi là gù đấu. Ban đầu, chú đứng yên, mặt hướng về phía con cu bổi, gù “cục cúc cu”. Cứ bên này gù một, bên kia lắng nghe xong mới đáp trả một. Nhưng rồi sau đó, cả chú cu mồi lẫn chú cu bổi “đấu” nhau bằng những tràng “cục cúc cu, cục cúc cu, cục cúc cu” liên hồi mà chẳng ai chịu nhường ai. Chú cu mồi của chúng tôi vừa gù vừa nhảy nhót trong lồng, trong khi con cu bổi – bây giờ thì tôi thấy rõ là một chú cu cườm rất đẹp - xáp lại gần hơn và cũng nhảy nhót, nghiêng ngó. Cả hai chú thi nhau gáy, gù. Dường như chú nào cũng cố hết sức để rướn cổ lên, muốn âm thanh của mình lấn át đối phương. Cũng có lúc, hình như thấm mệt, chú cu bổi “tạm nghỉ” vài phút để chỉ cu mồi “làm việc”. Khi đó, chú cu mồi của chúng tôi chuyển sang “dặm”, cùng với “cục cúc cu”, chú kéo thêm hai âm tiết “cù cụ” nữa. Chú Sáu cho biết đó là dấu hiệu nghênh chiến cuối cùng để thu hút đối phương vào bẫy.

 

Chú cu bổi sau một thời gian nghỉ ngơi bắt đầu gù lại. Sau khi nhảy chuyền liên hồi từ cành này sang cành khác khiến chú cu mồi cũng nhảy tưng tưng, chú cu rừng nhảy đến cành cây gần với chiếc lồng, đôi mắt chú như có lửa! Vào thời điểm đó, chúng tôi như nín thở. Không dám cụng cựa dù là một động tác nhỏ, dù là kiến đất bò nhột nhạt dưới chân và cắn nhoi nhói. Ngay cả thời gian dường như cũng tạm dừng để chờ thời điểm quyết định: dây bẫy sẽ tung đánh “phựt” và chú chim bổi bàng hoàng giãy giụa trong lưới lồng.

 

Nhưng, dù chú cu mồi của chúng tôi tăng nhịp độ khiêu khích, chú cu bổi vẫn không sập bẫy! Có vẻ như trước khi quyết định chiến đấu, chú cũng suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng lắm! Lúc đó, tôi cho là chú nửa muốn đánh, nửa muốn thoái. Và, thật thất vọng khi chú cu bổi nhảng ra cành xa hơn, tiếp tục gù. Nghỉ. Lại gù. Tiến gần. Lùi xa. Rồi lại gần... Tâm trạng của tôi cũng diễn biến theo chú cu bổi, lúc căng thẳng, lúc hồi hộp, lúc thất vọng. Nhưng chú Sáu Cờ thì không. Chú lặng gần như tuyệt đối với một vẻ mặt bình thản. Cũng đúng thôi, tôi mới đi gác cu lần đầu, còn chú đã có “thâm niên” trên 30 năm theo cái thú này rồi.

 

Cuối cùng, mọi sự hồi hộp, căng thẳng của hai chú cháu tôi kết thúc bằng một sự... thất vọng tổng hợp. Tôi không chịu nổi sự tấn công của lũ kiến đất, đã thình lình đứng dậy giũ áo giũ quần. Chú cu bổi lập tức vụt bay. Con cu mồi thất vọng như chúng tôi, nó gù thêm vài hồi rồi... nghỉ. Tôi ân hận vì tiếc công tiếc sức mình thì ít mà tội cho con cu mồi thì nhiều. Nó đã làm việc liên tục, đổ sức lực ra để nhử đối phương, vậy mà... Tôi đành tự xoa dịu mình bằng một suy nghĩ khác, rằng con cu mồi hót nhiều vì nó... sung sướng khi trở về rừng và gặp lại đồng loại, rằng nó cũng không buồn vì “bạn” của nó không mắc bẫy...

 

Lúc đó, đã hơn một giờ chiều...

 

CU CƯỜM CÀNG NGÀY CÀNG HIẾM

 

Chú Sáu bảo: “Có khi mới treo lồng chừng một giờ là bẫy sập. Nhưng cũng lắm lúc đi cả ngày lại xách lồng trở về. Không nhử được cu cũng là chuyện bình thường thôi”. Như lần này, tôi và chú Sáu quảy lồng xuống núi. Ngồi trong chòi của ông Năm dưới chân núi uống nước, chúng tôi gặp hai người là anh Khoa và anh Vụ, cũng lên hòn Bà Hộ nhử cu cườm. Hai anh cũng như chú cháu tôi: thất bại. Anh Vụ là người Hòa Tâm, khá am hiểu vùng rừng núi này. Anh bảo: “Ngày trước ở vùng chân núi này cu cườm nhiều lắm, nhưng giờ thì càng ngày càng hiếm. Lũ cu còn lại thì cũng nhát cáy nên những người có thú gác cu thất bại là lẽ thường tình”.

 

070709-gc2.jpg

Gác cu ở rừng Bà Hộ (Hòa Tâm, Đông Hòa) - Ảnh: Minh Đức

 

Vì sao như thế? Anh Vụ cho hay, những năm gần đây, cứ vào vụ thu hoạch lúa, đỗ, đội quân rập cu “phục kích” khắp nơi. Mỗi khi bẫy rập sập xuống là hàng chục chú cu xấu số “chuẩn bị tinh thần” để trở thành... “cu các món” mà thực đơn của các nhà hàng đã nêu sẵn!

 

QUỐC KHƯƠNG – MINH ĐỨC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đãi sạn dưới lòng sông Ba
Thứ Hai, 02/07/2007 10:00 SA
Rừng Dinh Bà bị tàn phá
Thứ Tư, 27/06/2007 15:00 CH
Đi bắt ong rừng
Thứ Hai, 25/06/2007 07:20 SA
Những “cô Tấm” đến đảo xa
Thứ Bảy, 16/06/2007 07:11 SA
Thầy “bắt” dời
Thứ Hai, 11/06/2007 08:13 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek