Thứ Hai, 25/11/2024 16:31 CH
Cả làng đi... chắt nước
Thứ Ba, 17/07/2007 14:00 CH

Để có được nước uống, bà con trong làng phải thức dậy từ lúc 2-3 giờ sáng, đi xa đến gần 2 cây số, cho đến khi mặt trời lên mới chắt được một đôi nước gánh về. “Khát nước” đang là vấn đề nóng bỏng nhất ở nhiều nơi thuộc xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu.

 

NĂN NỈ MỚI XIN ĐƯỢC NƯỚC

 

Trưa tháng 7. Nắng hầm hập. Gió nam quất ràn rạt đến rát bỏng. Những cánh đồng muối ở Lệ Uyên, Trung Trinh bốc hơi nhanh chóng. Năm nay, bà con được mùa muối chưa từng thấy nhờ... thời tiết quá khắc nghiệt đó. Nhưng, đi kèm với niềm vui được mùa muối là nỗi buồn thiếu nước sinh hoạt. “Từ tháng 2 âm lịch là các giếng nước bắt đầu cạn dần, kéo dài cho đến tháng 8 âm lịch, khi chuyển qua mùa mưa thì tình trạng này mới chấm dứt. Tôi ở đây cả đời mà chưa thấy có năm nào nước hiếm, nước quý như năm nay!” – bà Lương Thị Thanh, 74 tuổi ở vùng 1 thôn Trung Trinh, thốt lên như vậy.

 

070716-ganhnuoc.jpg

Chị Trần Thị Hoa gánh nước giữa nắng trưa khô khốc

 

Bà Thanh cho biết, những ngày này, để có nước sinh hoạt, bà và những người trong làng phải thức dậy từ lúc 3 giờ sáng, quảy gánh đi xuống xóm Gành cách đó hơn 2 cây số để xin nước vì tất cả các giếng ở vùng 1 đều bị khô cạn, trơ đáy. “Nhưng dưới đó nước cũng đâu phải nhiều nhõi gì. Nước mạch ra chậm lắm, thòng cái gàu xuống phải chờ để chắt từng chút một. Một cái giếng có đến hàng chục người đến chờ như thế nên phải đi lúc ban đêm thì đến sáng mới được đôi nước quảy về, phải tằn tiện mới đủ xài trong ngày, khổ lắm” – bà kể. Còn chị Trần Thị Hoa, đi gánh nước giữa trưa nắng chang, quệt mồ hôi than thở: “Không biết tới chừng nào cái cảnh này mới chấm dứt! Không chỉ có chắt nước thôi đâu, phải năn nỉ hôm nay nhà này, ngày mai nhà khác mới có nước mà gánh, bởi nếu cho mình hết thì mấy nhà có giếng cũng không còn nước mà sử dụng!”.

 

Số nước xin ít oi này các hộ ở vùng 1 Trung Trinh dành riêng cho việc ăn uống. Còn tắm táp, giặt giũ... thì hầu hết các gia đình ở đây đành xài nước nhiễm mặn bởi không còn chọn lựa nào khác hơn. “Chỉ một số hộ kinh doanh, buôn bán thì mới có tiền vô trong thị trấn Sông Cầu mua nước. Mỗi xe ba gác nước (khoảng 2 phuy) giá đến 25.000 – 30.000 đồng, dân lao động lấy tiền ở đâu mà mua cho nổi!” – ông Phạm Xuân Hưng nói thế.

 

ĐÀO GIẾNG TOÀN GẶP... ĐÁ!

 

Có khá nhiều nhà trong số hơn 80 hộ dân thiếu nước sinh hoạt ở vùng 1 thôn Trung Trinh không có giếng nước. “Kết cấu địa chất ở xã Xuân Phương phần lớn là có nền đá tảng và san hô. Đào xuống đất vài mét là gặp đá ngay, nước lại nhiễm mặn nên dù có tiền, không phải muốn có giếng nước là có!” – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương Ngô Đồng Tâm nói vậy.

 

070716-daogieng.jpg

Ông An đang đục đá làm giếng cho gia đình anh Nguyễn Văn Thương – Ảnh: K.DUY

 

Anh Nguyễn Văn Thương ở vùng 2 Trung Trinh làm nghề thợ hồ, vợ anh ở nhà sắm máy xay bột kiếm sống. Vậy nhưng, vì thiếu nước, cái máy xay bột nhà anh phải nghỉ việc, còn anh thì được vợ “cử” đi chắt nước hàng ngày. Dành dụm được ít tiền, anh quyết định đào giếng. Hôm chúng tôi đến, ngạc nhiên khi thấy bên hông nhà anh trổ đến... hai cái miệng giếng, tưởng anh này đào giếng bán nước. Nhưng không, anh cười như... mếu: “Tôi mướn thợ đào giếng, chọn vị trí sau nhà đào trước, nhưng xuống khoảng 1m thì hết đất, gặp toàn đá. Đục mấy ngày, xuống 1m nữa mà vẫn chưa thấy hết mạch đá nên chuyển vị trí đến trước cửa nhà, mong may mắn ở đó không có đá tảng. Nhưng phía trước đào cũng chỉ hơn 1m là vướng phải đá, thành ra phải quay lại cái giếng cũ để đào tiếp”. Cái giếng của anh Thương đào, phải nói chính xác là đục, đã được 10 ngày, sâu cỡ 5m mà toàn là đá tảng, thợ phải đục từng chút một. Anh bảo chắc phải 10 ngày nữa “công trình” này mới xong, vì đến độ sâu này nước mạch mới bắt đầu rỉ ra. “Nợ cũng phải làm, vì nợ trả được chứ không có nước uống thì khổ triền miên” – anh Thương nói vậy.

 

Không riêng Trung Trinh, ở nhiều thôn khác của Xuân Phương cũng đang gặp khó khăn về nước. Đó là khoảng 120 hộ dân ở vùng 5 thôn Lệ Uyên, 20 hộ ở thôn Phú Mỹ... Ngoài ra, việc hệ thống nước tự chảy ở thôn Dân Phú 2, xây dựng cách đây đã 7 năm, hiện đã hư hỏng và hết nguồn nước cũng khiến cho hàng chục hộ dân ở đây gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Tiền mướn thợ đục giếng khá cao: 3m thì 100.000 đồng/ngày, xuống sâu hơn thì 120.000 đồng/ngày. Vậy mà ông Nguyễn An, thợ đục giếng cho nhà anh Thương, thổ lộ: “Tui muốn “chạy làng” (bỏ việc) quá! Đục từng chút đá thế này, đến khi xong cái giếng thì mình cũng bã người ra”. Nói vậy, nhưng ông An là người đục giếng có tiếng ở thôn Trung Trinh này. Ông đã đục gần chục cái giếng đá như thế. Tuy nhiên, ông cho biết, ở khu này có đến 4-5 cái giếng đục đến 11-12m đá mà vẫn không thấy chút nước nào, đành phải bỏ.

 

“CÓ NƯỚC MÁY, TỐN BẠC TRIỆU CŨNG BẮT!”

 

Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Phương Ngô Đồng Tâm nói rằng có khá nhiều dự án đến các vùng thiếu nước sinh hoạt trong xã khảo sát, nghiên cứu, đo đạc... nhưng đến nay chưa thấy có dự án nào triển khai. Hiện xã đang đề nghị Trạm cấp thoát nước Sông Cầu thuộc Công ty Cấp thoát nước Phú Yên kéo ống cấp nước từ vùng 1 thôn Lệ Uyên đến vùng 1 thôn Trung Trinh. Ông Lê Văn Ngọc, cán bộ văn phòng UBND xã Xuân Phương cho biết đây là cách làm khả thi nhất bởi độ dài toàn tuyến chỉ 3,4km, mỗi hộ dân chỉ phải đóng góp từ 1-1,5 triệu đồng cho tuyến ống chính, còn tuyến ống đến tận nhà thì bà con tự đầu tư. Nghe phong phanh thông tin trên, chị Trần Thị Hoa nói: “Tụi tôi mong phương án này sớm triển khai để tình trạng đói nước như bây giờ không còn nữa. Bà con trong thôn bàn rồi, nước máy mà về đây thì dù có tốn 3 triệu bà con cũng bắt “cái rẹt” liền!”.

 

Chúng tôi rời Xuân Phương khi nắng đã sắp tắt. Cái khô khốc và hơi muối mặn đắng của vùng đất này như vẫn theo chúng tôi trên suốt quãng đường trở lại thành phố và ngay cả khi tôi ngồi trước máy tính thực hiện bài viết này. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của địa phương và đơn vị chức năng, sự khô khát ấy của người dân Trung Trinh cũng như xã Xuân Phương sẽ sớm được giải quyết.

 

NGUYỄN KHƯƠNG DUY

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tình ca giữa đời thường
Thứ Sáu, 13/07/2007 07:41 SA
Lên núi gác cu
Thứ Hai, 09/07/2007 07:26 SA
Đãi sạn dưới lòng sông Ba
Thứ Hai, 02/07/2007 10:00 SA
Rừng Dinh Bà bị tàn phá
Thứ Tư, 27/06/2007 15:00 CH
Đi bắt ong rừng
Thứ Hai, 25/06/2007 07:20 SA
Những “cô Tấm” đến đảo xa
Thứ Bảy, 16/06/2007 07:11 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek