Ở đó, tình yêu không nói lời có cánh, mà là sự san sẻ cho nhau, về ánh sáng và bước đi, để tự mỗi người vững chãi hơn trên con đường đời. Chính sự lạc quan, không ngừng nỗ lực vượt lên hoàn cảnh đã giúp chị Nguyễn Thị Yến và anh Lê Hồng Hải vượt qua bệnh tật, vượt qua những ngày tháng khắc nghiệt của cuộc sống.
Vợ chồng chị Yến - anh Hải.
CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Vinh Ba (xã Hoà Đồng, huyện Tây Hoà) nên mới 12 tuổi, chị Nguyễn Thị Yến đã tham gia cùng với cha mẹ nuôi giấu cán bộ cách mạng ở xã Hoà Đồng. Năm lên 15 tuổi, chị thoát ly gia đình đi tham gia cách mạng. Trong một lần đi công tác không may chị vướng phải mìn của địch. “Thời gian đó là tháng 9 năm 1972”- chị Yến nhớ lại. Sau khi tỉnh dậy, chị biết mình vĩnh viễn bị mất chân phải, còn trong người thì “dính” đầy những mảnh đạn. Nhiều người ứa nước mắt khi nghĩ đến ngày mai của cô gái chỉ mới 22 tuổi.
Sau 3 năm an dưỡng ở miền Bắc, chị Yến trở về công tác tại Sở Lao động thương binh tỉnh Phú Khánh. Tại đây, chị đã gặp anh Lê Hồng Hải- “một nửa” của chị hiện giờ. Sự sẻ chia, thông cảm và những tình cảm chân thành của người lính khiến họ xích lại gần nhau, giúp họ vượt qua mặc cảm “gánh nặng tàn phế” xây dựng hạnh phúc. Năm đó, chị 27, còn anh 31 tuổi. Cả hai đều là thương binh hạng 2/4, nhưng tình yêu và niềm tin cuộc sống thì tràn đầy trong họ. Tài sản lớn nhất của hai vợ chồng lúc bấy giờ chỉ có căn phòng tập thể 20 m2 của cơ quan dành riêng cho đôi vợ chồng trẻ.
Lúc đó để cuộc sống thoát khỏi cảnh túng bấn, vợ chồng chị phải luôn suy tính cách làm ăn để dành dụm cho con cái. Bên cạnh những đồng lương ít ỏi hàng tháng, vợ chồng chị đi vay mượn tiền của bạn bè để chăn nuôi heo tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chịu khó chăm làm, cần kiệm mà hai vợ chồng mua sắm được những vật dụng sinh hoạt trong gia đình và một chiếc xe máy để đi lại.
…Có ai đó nói rằng: “Sống là phải không ngừng nỗ lực vươn lên, luôn hướng về phía trước để tồn tại”. Câu nói này như dành riêng cho chị Yến và anh Hải. Hơn 30 năm sau chiến tranh nhưng vết thương cũ luôn tái phát. Anh Hải phải mổ đi mổ lại 4 lần, còn chị cũng đã 8 lần bước lên bàn mổ. Nhưng bằng ý chí, nghị lực của người chiến sĩ cách mạng đã giúp họ vững tâm vượt qua.
Chị Yến (bên phải) hướng dẫn phụ nữ trong thôn đan giỏ hoa bằng cọng dừa. - Ảnh: THỦY VĂN
ĐIỂM TỰA CỦA NHAU
Bây giờ, hai cô con gái của anh chị là Lê Thị Hồng Vân và Lê Thị Hồng
Ngoài ra, thực hiện chủ trương của tỉnh khôi phục các làng nghề truyền thống, chị còn đi học cách đan giỏ hoa bằng cọng dừa (thay thế sản phẩm đan bằng mây tre truyền thống) truyền nghề cho 20 phụ nữ và các cháu khuyết tật ở trong thôn, với mức thu nhập từ 20.000-30.000 đồng/ ngày/người. Chị Huỳnh Thị Tuyết, một trong những phụ nữ đó nói: “Nhờ có chị Yến mà chúng tôi mới có công ăn việc làm. Một tháng thu nhập được 600.000- 700.000 đồng, có tiền chi tiêu những lúc ngặt nghèo, góp phần giải quyết được một số khó khăn trong cuộc sống”. Chính sự gần gũi, nhiệt tình, tốt bụng luôn giúp đỡ bà con chòm xóm nên vợ chồng chị Yến được mọi người dân ở Phú Diễn luôn dành những tình cảm yêu mến đặc biệt.
Vợ chồng chị Yến bảo: “Điểm tựa để họ vượt qua những tháng ngày gian khó là nhờ sự sẻ chia, thương yêu lẫn nhau và hai cô con gái luôn song hành bên cạnh mình. Ở đó, tình yêu không nói lời có cánh, mà là sự san sẻ cho nhau, về ánh sáng và bước đi, để tự mỗi người vững chãi hơn trên đường đời”.
NGỌC DUNG