Thứ Tư, 02/10/2024 07:22 SA
Chuyện về một chiến sĩ đặc công năm xưa
Thứ Ba, 24/07/2007 14:00 CH

Từ một chiến sĩ tình báo hoạt động ở 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, nhờ lập nhiều thành tích, ông đã trở thành chỉ huy của Đại đội đặc công 201. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đặc trách công tác cải tạo sĩ quan chế độ cũ. Ông trở về cuộc sống đời thường, là thương binh hạng 1/4 với tỉ lệ thương tật 81% vì 5 lần bị thương ở các chiến trường Phú Yên, Quảng Ngãi. Bằng ý chí của mình, ông tiếp tục cuộc chiến chống đói nghèo, trở thành tấm gương sáng trong lao động sản xuất, được mọi người cảm phục. Ông đã làm nhiều việc cực kỳ gian khó chỉ bằng một cánh tay với 4 ngón tay còn lại mà khó có người lành lặn nào làm được. Ông là Lê Văn Tánh, hiện đang sinh sống tại xã An Cư, huyện Tuy An.

 

070723-Ong-Tanh-nuoi-tom.jpg

Thương binh Lê Văn Tánh thăm tôm nuôi trên đầm Ô Loan -  Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Tôi tìm đến thương binh Lê Văn Tánh trong những ngày cả nước đang dấy lên nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nơi ông đang ở là một chiếc lều tạm, dựng trên một hòn đảo nằm giữa đầm Ô Loan của huyện Tuy An. Con thuyền nan chòng chành trong gió Nam mấy lần chao nghiêng, sau gần 30 phút chèo tay rồi cũng cập đến Đồng Gò Xóm Đá - nơi ông đã gắn bó gần 15 năm nay.

 

MỘT CHIẾN SĨ QUẢ CẢM

 

Ông Lê Văn Tánh sinh năm 1944 trong một gia đình nông dân nhưng sớm giác ngộ cách mạng. Khi vừa tròn 19 tuổi, ông nhập ngũ. Từ một chiến sĩ xuất sắc, ông được chọn đào tạo tình báo và được phân công hoạt động trong 9 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Năm 1967, ông được cấp trên cử đi đào tạo nghiệp vụ đặc công tại tiểu đoàn 32 Quân khu 5 và sau đó được rút về làm chính trị viên đại đội C 201 đặc công Tỉnh đội Phú Yên.

 

Trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến như năm 1967, ông chỉ có một bữa cơm, thời gian còn lại là ăn trái và lá cây rừng để chiến đấu và cầm cự với kẻ địch. Năm 1969, khi đơn vị K62 đang đứng trước khó khăn do thiếu lương thực, mỗi đơn vị chọn 2-3 người lo công tác lương thực. Riêng đơn vị K62, một mình ông đảm trách. Một lần, bất chấp hiểm nguy, ông thân chinh thọc sâu vào đội xe bọc thép của địch để lấy lương thực, giúp tham mưu trưởng tư lệnh Quân khu 5 Nguyễn Hoài Nhơn và đồng đội có lương thực cầm cự qua cơn nguy biến.

 

Ngay sau khi giải phóng, việc cải tạo đội ngũ sĩ quan ngụy, được xem là gian nan nhất, thì ông lại nhận nhiệm vụ và đã hoàn thành xuất sắc. Cũng thời gian này ông vướng mìn và mất một cánh tay. 12 năm chiến đấu, 5 lần bị thương nặng và 3 lần đồng đội tưởng đã vĩnh biệt ông, nhưng khi vết thương chưa khỏi hẳn thì ông lại xin cấp trên cho trở lại đơn vị. Ông bảo, với ông hay bất cứ người lính nào, nhất là lính đặc công, thời bấy giờ đều coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

 

CÔNG CUỘC “ĐÀO NÚI LẤP ĐẦM”

 

Trở về đời thường với chứng nhận thương binh loại 1/4, ông tiếp tục tham gia công tác địa phương với các nhiệm vụ mới như xã đội trưởng, rồi chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành và nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của cán bộ, nhân dân địa phương. Trong thời kỳ vận động thanh niên đi bộ đội, bằng tấm gương của mình, ông đã thuyết phục thanh niên địa phương tham gia hoàn thành tốt nghĩa vụ quân sự tại chiến trường K.

 

Chỉ nhận lương thương binh, ông Tánh nhận thấy nuôi vợ con đã là điều khó khăn, khó có thể thoát nghèo được. Không cam chịu, ông bắt tay vào việc tháo gỡ bom mìn trên đồi Chi Khu - căn cứ quân sự trước đây - để làm rẫy. Mỗi ngày, từ khi con gà cất tiếng gáy là ông đã cuốc bộ hàng chục cây số lên đồi Chi Khu, lần gỡ từng băng đạn, tháo ngòi nổ từng quả mìn và dỡ từng viên táp lô đến tối mịt. Công việc này kéo dài hơn 2 năm. Tháo mìn xong, ông lại lên rừng chặt cây táo mang về đồi để cải tạo đất. Sự kiên trì của ông rồi cũng có kết quả. Đồi Chi Khu sỏi đá sau hai năm đã biến thành hai đám rẫy 8 sào.

 

Nhưng nghề trồng trọt nay được mai mất, lại thêm chim chuột phá hoại, ông quay sang làm nghề mua bán nhôm nhựa để kiếm sống. Với bản tính hay lam hay làm, biết cách tiết kiệm, gần 10 năm sau đó, ông cũng đã tích luỹ được lưng vốn kha khá. Ông quyết định xây nhà, bởi chỉ an cư mới lạc nghiệp được. Ngôi nhà đúc đầu tiên ở thôn Tân Long, xã An Cư do ông tự tay xây, kéo dài đến... 10 năm (từ năm 1982 đến 1992). Tường nhà là đá táp lô ông tháo dỡ từ đồi Chi Khu, hàng ngày kéo chiếc cộ cải tiến vượt con dốc dựng đứng mang về. Xi măng được mua từ hiệu quả của việc khai hoang trồng mía đường trên đồi Chi Khu đầy sỏi đá.

 

Năm 1993, từ gợi ý của một người bạn, ông Tánh xuống Đồng Gò Xóm Đá đào đất đắp đìa tôm. Một năm ròng, ông một mình chèo thuyền ra giữa đảo, khiêng từng viên đá, vét từng bao đất dưới lòng đầm Ô Loan để đắp đìa tôm, cho đến khi hình thành hồ tôm rộng hơn 1ha. Nhờ những vụ đầu thắng lợi của ông, phong trào nuôi tôm trong khu đầm bắt đầu phát triển. Cho đến bây giờ khi Ô Loan vẫn đang báo động về tình trạng dịch bệnh do nuôi tôm hồ hở, thì ông đã có hơn 1ha hồ tôm kiên cố với những hàng đước xanh mượt. Ông cũng chính là người đầu tiên đưa cây đước - một loài cây ngập mặn trồng để cải tạo môi trường trên đầm Ô Loan, mở ra hướng khôi phục môi trường bền vững.

 

Cả đời gắn bó với ông, bà Phạm Thị Xuân Mỹ rất tự hào khi nói về chồng mình. “Từ trước đến giờ ổng chẳng nghe ai, khi đã quyết tâm làm việc gì là kiên trì cho đến cùng, bất chấp gian khổ”. Mấy năm nay, tuy các vết thương cũ từ hồi chiến tranh hành hạ, ông đau bệnh liên miên, nhưng bà bảo nghỉ ông không chịu. Ông giải thích: “Cả đời làm lụng, chiến đấu gian khổ còn qua hết, bây giờ vì ba cái bệnh vặt mà không đụng tay đụng chân là tôi không chịu được”.

 

NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI

 

Ông Nguyễn Xuân Khiêm, chủ tịch UBND xã An Cư:

 

“Đồng chí Tánh là một thương binh tiêu biểu của địa phương. Trong lao động sản xuất, đồng chí đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm và vận động nhân dân làm theo, tham gia xây dựng và phát triển Hội Cựu chiến binh địa phương và có công lớn giúp chính quyền xây dựng xã An Cư ngày càng phát triển”

Ròng rã nhiều năm liền, ông Trần Anh Tuấn, nguyên là thủ trưởng của ông bị đau nặng. Xúc động trước gia cảnh ấy, ông đưa hẳn người con trai út của mình vào TP Tuy Hoà  nuôi bạn nằm liệt giường và lo từng miếng ăn giấc ngủ gần 2 năm liền, cho đến ngày bạn qua đời. Giờ đây ông và con ông lại thay phiên nhau hương khói cho ông Tuấn trong ngôi nhà nhỏ ở phường 2 vì vợ con bạn ông ở xa không về thường xuyên được. Mỗi bữa cơm, bàn tay còn lại của ông thắp hương mời cơm người bạn từng chiến đấu. Ông bảo ở đời, nghĩa tử là nghĩa tận. Ông chỉ tiếc là không có nhiều thời gian hơn để bù đắp cho bạn. Cho đến bây giờ, khi đã bước sang tuổi 64, cả người liên miên đau nhức, hai lần bị sa ruột do làm việc quá sức, cuộc sống của ông tuy có tạm ổn nhưng vẫn chưa thật sung túc. Nhưng ông tâm sự, ông còn hạnh phúc hơn vạn lần những đồng đội của ông đã hy sinh và hiện giờ chưa biết đang nằm nơi nào.

 

Gặp chúng tôi, ông không nói nhiều về thời trai trẻ xông pha trận mạc, cũng không kể về những thành tích thời bình mà ông đã đóng góp cho địa phương, ông chỉ nói: Phần thưởng lớn lao nhất của đời ông là lòng tin, tình cảm của những đồng đội, của bà con xóm làng...

 

LÊ BIẾT

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cả làng đi... chắt nước
Thứ Ba, 17/07/2007 14:00 CH
Hành hương về đất thiêng Trường Sơn
Thứ Hai, 16/07/2007 15:00 CH
Tình ca giữa đời thường
Thứ Sáu, 13/07/2007 07:41 SA
Lên núi gác cu
Thứ Hai, 09/07/2007 07:26 SA
Đãi sạn dưới lòng sông Ba
Thứ Hai, 02/07/2007 10:00 SA
Rừng Dinh Bà bị tàn phá
Thứ Tư, 27/06/2007 15:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek