Suốt mấy hôm liền tôi theo chụp hình những con đò dọc trên dòng sông Ba, để rồi phát hiện bến về của chúng nằm giữa lòng sông mênh mông cát trắng. Và khi đến đây, những con đò thơ mộng chợt biến mất. Thay vào đó, là hình ảnh những người đội sạn nhô lên từ dưới mặt sông, như bốc khói trong nắng trưa.
KHÔNG CÒN NHỮNG CÁNH BUỒM
Cào sạn dưới lòng sông - Ảnh: H. NGỌC |
Bến cát sạn Đông Bình (Hòa An), mùa khô, xe máy có thể chạy ra đến sát mép sông, vì xe tải xe công nông chạy ra bến đã làm thành đường. Thuyền về bến, sạn lập tức chuyển lên xe và tập kết vào bãi phía sau.
Bình “cát”, mọi người gọi anh như vậy, vì anh ta thầu khai thác cát ở bến sông này, nói với tôi về sự đi về của những con đò: “ Họ thường đi vào 2 chuyến chính: 4 giờ sáng đi, 6 giờ về; rồi quay lại ngược dòng đi tiếp 8 giờ về. Làm như vậy là để tránh nắng. Thế nhưng có những người tham công tiếc việc, thì đi cào sạn luôn cả trưa. Song, sau đứng bóng thì không ai làm nữa, vì không cách nào chịu nắng nổi”
Tưởng như chuyện gì diễn ra ở nơi này, đều nằm lòng trong bụng cái ông thầu bãi trẻ trung trắng trẻo này. Anh ta giảng giải về nghề đãi sạn: “Sức người là chính, nhưng phải sắm một con đò và cái cào. Cào họ tự làm, có cán chắc chắn, còn phần rổ cào thì đan bằng lưới sắt để móc từng miếng cát dưới sông đãi lấy sạn. Cứ từ đây lên cầu Đà Rằng mới, đò họ cứ chạy dọc dọc bờ, chỗ nào cạn, xuống giậm giậm thấy có sạn thì làm. Bây giờ chiếc đò nào cũng gắn máy chạy vô tư, chứ không như mấy năm trước phải làm buồm đón gió mới ngược dòng được”
Tôi nhìn ra mặt sông loang loáng trong nắng. Đúng là đã vắng bóng những cánh buồm lâu rồi, không còn biết chính xác từ lúc nào. Những cánh buồm trên sông Ba, không nơi nào có được, giờ chỉ còn trong ký vãng.
Nhớ lại hôm trước, khi đến bến sạn phường 4 bên bờ Sông Chùa, hỏi thử ở đây còn chiếc đò nào còn giăng buồm không, thì một người đàn ông vừa cho đò sạn cập bến vừa trả lời:” Chỉ còn mấy con đò nhỏ đi đánh cá thi thoảng giăng buồm để chèo cho nhanh hơn. Còn đò đãi sạn thì hết rồi. Chớ hồi trước, sáng sáng ở đây, đò về buồm cuốn lại mà chật hết cả bến, trông như đám hoa lay- ơn đấy chứ”
Tôi hơi thất vọng, như cũng buồn cười:” Ông này đúng là dân Bình Ngọc…”
CỰC NHỌC DƯỚI LÒNG SÔNG
Cực nhọc với nghề - Ảnh: H.NGỌC |
Bến sạn to nhất giờ không phải ở phường 4, mà chuyển lên Đông Bình. Thế nhưng, những người đãi sạn không phải ở Hòa An hay trong thành phố Tuy Hòa, mà đa phần là người Phú Lộc, Hòa Thắng- Anh Bình lại đảm bảo với tôi như vậy. Đổ sạn về bến Đông Bình có gần 30 người Phú Lộc. Vào lúc nông nhàn không có việc làm, thì họ đi đãi sạn.
Bước lên từ con đò nhỏ, người đàn ông đội sạn quần áo dính bết vào người ròng ròng nước chảy. Phía dưới đò là vợ anh, vừa xúc cát vào rổ vừa giữ cho con đò khỏi chòng chành.
Anh là Ba Đạt, dân Phú Lộc, lúc nghỉ hút thuốc nói: “Không có chuyện gì làm, thì đãi sạn. Chứ 2 vợ chồng dan nắng ngâm mình dưới nước mấy tiếng đồng hồ, đãi chưa được một khối, chỉ bán được hơn năm chục ngàn. Hai chuyến, được hơn trăm ngàn, trừ tiền dầu, còn lại công vợ chồng, mỗi người chưa đến bốn chục”.
Lúc đổ sạn lên xe xong, kéo thuyền lên bến nghỉ, chị Ba Đạt cũng góp chuyện:” Làm không có mấy đồng. Mà dan nắng ngâm nước miết, bệnh một cái, tiền thuốc thang cũng như trả lại xuống sông. Làm riết, đàn ông còn chịu được, chứ chị em phụ nữ thì cực lắm, nhưng cũng chịu thôi chứ sao bây giờ”.
Ảnh: H. NGỌC |
Tôi nhìn lại những người bước lên từ những con đò, ai cũng quấn quần áo kín mít từ chân lên đầu. Có những người quấn khăn che cả mặt trông như người Hồi giáo. Nhưng không ai tránh được vẻ đen đúa do dầm nước giãi nắng. Có người ngâm nước lâu ngày, làm việc cực nhọc quá, nên nước da tái nhợt.
Hỏi chuyện với những người thu mua sạn cát nơi đây thì được biết: Giá sạn những người thu mua với khối lượng lớn bán cho các công trình xây dựng cao hơn giá bán của những người đãi sạn bán tại bến từ 10.000đ- 20.000đ/m3. Đó là vào mùa nắng. Còn mùa mưa, nước sông dâng ngập hết bến bãi, không thể đi lấy sạn được, thì giá sạn còn cao hơn nhiều. Những người đãi sạn không ai tính chuyện làm mùa nắng để bán vào mùa mưa, chỉ làm kiếm tiền mỗi ngày mà thôi.
Đứng ở bến sạn, nhìn không xa về phía thành phố, hàng loạt công trình đang được xây dựng, nhiều ngôi nhà cao tầng ngạo nghễ trên nền trời xanh. Ở đấy, công nghệ xây dựng không ngừng được cải tiến càng lúc càng hiện đại. Còn ở đây, trong công việc khai thác vật liệu xây dựng vẫn thủ công nhọc nhằn với những con người như ngụp lặn trên sông.
Công việc ấy thật đáng để quí trọng, khi mồ hôi họ lẫn vào nước sông để các công trình từng ngày được mọc lên.
HIẾU NGỌC