Thứ Hai, 25/11/2024 18:53 CH
Những “cô Tấm” đến đảo xa
Thứ Bảy, 16/06/2007 07:11 SA

Tôi cứ nhớ về câu nói của chuẩn đô đốc Trần Thanh Huyền khi đoàn chuyển quà lên tàu chuẩn bị rời cảng Cam Ranh ra quần đảo Trường Sa: “Với những người lính đảo thì những món quà này là quý lắm, nhưng có một món quà mà không có món quà nào thay thế được...”. Ông bỏ lửng câu nói rồi phá lên cười sau khi để rơi cái nhìn trìu mến về phía đội văn công của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội cùng đi với đoàn.

 

MỖI TIẾNG HÁT LÀ MỘT MÓN QUÀ

 

070616-cung-hat.jpg

Các nữ Văn công với chiến sĩ ở đảo Tốc Tan - quần đảo Trường Sa - Ảnh: X.HIẾU

Cũng đã từng nghe về chuyện văn công biểu diễn trên đảo, nhưng có cùng đoàn đi đến 8 đảo của quần đảo Trường Sa mới hiểu hết cái quý của “món quà” ấy. Đối với đoàn thì văn công và báo chí luôn là hai lực lượng được ưu tiên số một trong việc sắp xếp lên đảo. Trên hành trình, có những đảo rất khó cập xuồng, lại bị sóng to, không thể đưa cả đoàn 204 người vào thăm đảo, nhưng bao giờ cũng thế, văn công và báo chí luôn được ưu tiên trên chiếc xuồng đầu tiên vào với đảo. Và họ, 4 chàng trai và 6 cô gái còn rất trẻ, đều dưới 25 và hầu hết là sinh viên, đã mang nhiệt huyết của tuổi trẻ làm bừng sáng không gian của mỗi đảo. Có những hôm gió cấp 5 cấp 6, sóng lớn, cả đội nằm bẹp dí vì say sóng, nhưng khi nghe thuyền trưởng thông báo tàu sắp đến đảo nào đó, bước lên boong đã thấy họ ríu rít như chim. Và khi bước chân lên đảo, những khuôn mặt rũ rượi vì say sóng biến đâu hết, thay vào đấy là nét hồn nhiên, nhí nhảnh và tiếng hát như thắp lửa trong mỗi trái tim người chiến sĩ. Họ đã hát như chưa bao giờ được hát, hát như đốt chính mình trong mỗi ca từ. Họ đã thổi vào trái tim những người chiến sĩ ngọn lửa của sự tự tin và niềm lạc quan yêu đời bằng tiếng hát của mình. “Em không biết vì sao nữa. Chưa bao giờ em hát như thế này. Em như được trải lòng cùng các anh ở đây. Và hình như các anh cũng đợi chúng em lâu lắm rồi” - cô ca sĩ trẻ Ánh Phượng tâm sự sau đêm biểu diễn ở đảo đầu tiên, Trường Sa Lớn.

 

Những người lính đảo ở đây cho biết: Mỗi năm thường có 3 đợt tàu ra với đảo vào tháng 4, tháng 7 và tháng chạp, nhưng chỉ có mỗi một đợt của tháng 4, sóng yên mới có văn công ra biểu diễn. Họ đã đợi đội văn công từ rất nhiều ngày trước, khi đảo trưởng thông báo có tàu ra. Và như thế, cảm động biết bao khi chứng kiến cảnh chia tay của những người lính đảo với đội văn công. Những câu chào cứ nghèn nghẹn, gãy khúc, những dòng địa chỉ viết vội để còn liên lạc nhau, những cái nắm tay rất chặt như sợ vụt mất mà không dám nhìn mặt nhau. “Thủ trưởng quán triệt là không quá bịn rịn, nhưng sao…”. Câu nói bỏ lửng của anh lính trẻ Nguyễn Hữu Đạt làm người bạn của anh là Đinh Thế Trung ở đảo Trường Sa Lớn cũng vội quay mặt đi.

 

VẪN BIẾT “GẦN LẮM TRƯỜNG SA”

 

Có một bài hát rất hay về Trường Sa của Hình Phước Long nhưng chẳng bao giờ được chọn để thể hiện trong các buổi giao lưu, biểu diễn. Nói đúng hơn thì chẳng ai dám chọn để hát vì dường như sẽ bị nghẹn lại ngay trong đoạn điệp khúc. Bài hát “Gần lắm Trường Sa” chỉ để hát lúc chia tay. Và mỗi khi cất lên câu hát đầu tiên, không chỉ những người lính quay mặt đi để giấu những giọt nước mắt mà ngay cả người hát cũng rưng rưng khi nghĩ đến giờ phút phải rời đảo. Thu Huyền, người dẫn chương trình của đội cũng là người được chọn để bắt nhịp bài hát này vì có khả năng nén cảm xúc, nhưng cũng đã bộc bạch: “Tự nhiên nó nghẹn thôi à! Em nghĩ rằng chúng em cũng như các anh, người này hát không nổi thì người khác sẽ hát tiếp, nhưng khi bài hát được bắt lên thì chẳng ai hát được câu thứ hai”.

 

070616-vcts3.jpg

Các nữ văn công hát cùng chiến sĩ hải quân trên đảo Phan Vinh - Ảnh: HỒNG ÁNH

 

Ấn tượng lớn nhất trong hành trình đến với quần đảo Trường Sa là ở đảo An Bang. Đây là đảo cuối cùng trong hành trình. Mọi người đều háo hức khi có thông báo tàu sắp đến đảo. Nhưng đây lại là hòn đảo quanh năm sóng vỗ trắng xoá, ngay cả những khi biển yên, xuồng cũng khó cập đảo, huống chi hôm tàu đến biển lại động với gió cấp 5, cấp 6. Lệnh của trưởng đoàn: “Vì tình hình thời tiết không ai được vào đảo, ngoại trừ 15 sĩ quan hải quân có khả năng bơi giỏi có nhiệm vụ mang quà vào đảo” được ban ra, làm cho cả tàu như lắng xuống. May cho tôi được các sĩ quan thương tình cho theo, mặc dù đã phải chịu cảnh sóng đập tối mặt tối mũi. Nói là may vì có như thế tôi mới chứng kiến được một cảnh cảm động: Cả đảo ngồi xoay vòng bên chiếc máy bộ đàm nhỏ xíu như bàn tay để  nghe đội văn công hát tặng cũng từ chiếc máy bộ đàm trên tàu đã được neo chỉ cách không quá nửa cây số. Tưởng chừng như có thể nắm được tay nhau, ôm chầm lấy nhau mà lại xa vời vợi! Cảm giác ấy đã làm cho tiếng hát cả đội văn công trên tàu lẫn  những người lính dưới đảo cứ chòng chành trong từng câu hát. Chỉ hát được 4 bài, cả đội đã chạy ùa về phòng nằm khóc vì xúc động không thể cầm lòng được nữa. Ngay cả khi chúng tôi từ đảo trở về, những cô gái trong đội văn công vẫn còn thút thít. “Sao Mai - Điểm hẹn” Ngọc Dung từng biểu diễn khắp nơi, nhưng chưa bao giờ có cảm xúc này. “Lúc ấy bọn em đứa nào cũng thế. Tình cảm tự nhiên trào lên thôi à, không đứa nào kìm nén nổi. Tụi em thấy mình như có lỗi với các anh”- Ngọc Dung thút thít.

 

NHỮNG “CÔ TẤM” NƠI ĐẢO XA

 

Tôi không định viết về họ trong hành trình đến với quần đảo Trường Sa, nhưng tôi đã thay đổi dự định của mình từ một việc rất nhỏ. Một việc không nằm trong giọng hát mà trong chính cách sống hồn nhiên như cô Tấm của các cô gái trong đội văn công. Cứ sau thời gian giao lưu với các chiến sĩ ở mỗi đảo, tôi lại thấy những cô gái trong đội lau chùi, cầm chổi quét dọn trên đảo, như chính ở ngôi nhà của mình. Thoáng chốc tôi lại nghĩ và thương đến những ca sĩ thi thoảng về quê tôi để biểu diễn. Không biết có phải là “sao” hay không mà trông cứ õng à õng ẹo. Những “cô Tấm” nơi đảo xa, tôi thầm gọi những cô gái của đoàn văn công Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội như thế khi dự định viết về họ. Không biết đây có phải là một trong những điều gây cảm động đối với trung tướng Bùi Văn Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, là trưởng đoàn hay chăng mà khi tổng kết chuyến đi, ông đã gọi họ là “những chiến sĩ tuyệt vời”.

 

Đôi khi tôi cũng thầm ghen với họ vì dường như có bao nhiêu cành san hô trúc, có bao nhiêu con ốc đẹp trên đảo, các chiến sĩ đều dành cho họ để làm kỷ niệm, mà không hề mảy may đoái hoài đến chúng tôi. Nhưng nghĩ lại cũng là điều dễ hiểu, họ đã mang đến, đã gieo ươm cho những hòn đảo bão tố này sức sống và tình yêu. Nghĩ vậy nên cũng bớt “ghét” đi cái ông nhà thơ Đỗ Hoàng của Hội Nhà văn Việt Nam, chẳng có món quà nào để gọi là kỷ niệm trong chuyến đi Trường Sa mà lại có thể “mượn” niềm vui của người khác ứng khẩu bài thơ “Quà biển” trước khi tàu cập bờ:

 

“Anh tặng em con ốc biển Trường Sa

Để về đất liền em hằng nhớ

Tâm hồn anh luôn luôn rộng mở

Hướng về phía con tàu hướng em đi…”

 

HỒNG ÁNH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thầy “bắt” dời
Thứ Hai, 11/06/2007 08:13 SA
Ly cà phê Buôn Mê
Thứ Sáu, 08/06/2007 14:39 CH
Thượng Hải - Hàng Châu
Thứ Năm, 31/05/2007 08:53 SA
Người “săn” đá
Thứ Ba, 29/05/2007 15:17 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek