Thứ Hai, 25/11/2024 18:31 CH
“Làm việc nghĩa cũng hạnh phúc như tình yêu”
Thứ Sáu, 15/06/2007 07:20 SA

Cứ mỗi độ hè về, từ đất nước Thụy Sĩ xa xôi, tiến sĩ Peter Schmutz (40 tuổi) bay qua Việt Nam để rồi cùng với người vợ sắp cưới của mình là Võ Ngọc Như Uyên (26 tuổi, quê ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), để tiếp sức cho những sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện đề tài máy lọc nước sạch, và rong ruổi trên khắp nơi để làm công tác từ thiện, giúp đỡ cho những đứa trẻ tàn tật, nạn nhân chất độc da cam... Peter nói: “Mình muốn san sẻ một ít của mình cho người khác, điều đó làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn!”

 

TIẾP SỨC CHO NHỮNG NGƯỜI NGHÈO, NGƯỜI TÀN TẬT....

 

070615-peter1.jpg

Peter và Như Uyên thăm, tặng quà cho em Lê Trọng Ý ở thôn Long Phụng, xã Hòa Trị (Phú Hòa) bị nhiễm chất độc da cam.

 

Trên chiếc xe máy cà tàng, Peter và Như Uyên lặng lẽ đội nắng lặn lội qua từng ngõ ngách ở các vùng nông thôn Phú Yên để giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những người tàn tật, những em thơ đang sống trong bệnh tật dày vò vì di chứng tàn khốc của chất độc da cam (CĐDC). Peter và Như Uyên đã rơi lệ, lòng quặn đau như cắt, khi chứng kiến hai anh em Lê Văn Cúm (21 tuổi), Lê Thị Chính (17 tuổi) ở thôn Tân An, xã An Hòa (Tuy An) chưa một lần có giấc ngủ nằm vì mắc những khối ung bướu tai ác bám lấy toàn thân. Peter nắm lấy bàn tay nhỏ bé của Cúm và trao món quà 3 triệu đồng, tâm sự: “Tôi thật sự xúc động vì chưa bao giờ gặp trường hợp đáng thương tâm như hai em Cúm, Chính. Các em ý thức được bệnh tật, khao khát muốn được chữa khỏi bệnh, để được sống một cuộc sống bình thường như bao người khác… Các em có hoàn cảnh gia đình quá nghèo, không được chăm sóc kỹ, không có tiền mua thuốc chữa trị, nên ngày càng kiệt quệ tinh thần, thể xác. Các em luôn sống trong nỗi đau đớn do bệnh tật và đang rất cần những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ của mọi người để cứu lấy mạng sống mong manh từng ngày”.

 

Ròng rã suốt hơn một tuần lễ trước và sau ngày làm lễ đính hôn hồi tháng b a năm nay, Peter và Như Uyên chạy như con thoi đến thăm, tặng quà, hỗ trợ gạo trị giá hàng chục triệu đồng cho những đứa trẻ bị nhiễm CĐDC ở phường 6, phường 7, xã Hòa Kiến, Bình Kiến (TP Tuy Hòa), xã Hòa Trị (Phú Hòa), cho những em bị bệnh hiểm nghèo ở các huyện Tuy An, Sơn Hòa… Đến đâu, Peter và Như Uyên cũng vỗ về, an ủi, động viên để các em tàn tật có được niềm tin, niềm hy vọng được sống. Hai trái tim ở hai quốc tịch khác nhau nhưng rất tâm đầu ý hợp, cùng nhau thầm lặng trải lòng mình để thắp lên những hy vọng, những vầng sáng hạnh phúc, dù nhỏ nhoi trong các gia đình vốn rơi vào thất vọng, gánh chịu những nỗi đau vô hạn khi sinh ra hết đứa con này đến đứa con khác bị dị dạng, tật nguyền. Như Uyên giãi bày: “Xa quê hương gần 10 năm để đi học Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đi dạy học, rồi học thạc sĩ tại Colonge (Đức), một vài lần mình đã về thăm quê hương và chứng kiến nhiều những đứa trẻ bất hạnh bị tật nguyền vô tri, vô giác, cào cấu đời cha, bấu víu đời mẹ, đau cả một đời không xoa dịu được. Hầu hết người tàn tật đều có sức khỏe yếu, có đời sống kinh tế nghèo khổ nhất. Song, bản thân mình chỉ mới góp sức chia sẻ, đem lại niềm vui nho nhỏ trong đời cho một số trường hợp mà thôi…”.

 

Không chỉ ở Phú Yên, từ năm 2002 đến nay, Peter và Như Uyên đã đến nhiều nơi ở Việt Nam để làm công tác từ thiện. Peter tự bỏ tiền túi đến hỗ trợ cho dân nghèo ở Bến Tre đào kênh dẫn nước sản xuất, ủng hộ xây dựng nhà cho người mù ở TP Hồ Chí Minh, tặng quà cho trẻ em ở Trường nuôi dạy trẻ mồ côi Việt Nam… Peter cho hay: “Ngày trước, một người bạn Việt Nam tên Trinh sinh sống ở Thụy Sĩ luôn kể cho tôi nghe về đất nước Việt Nam anh hùng, tươi đẹp, nhưng còn có nhiều người nghèo bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em vô tội bị nhiễm CĐDC dị tật do chiến tranh để lại. Giờ đây, sau bao tháng ngày gắn bó với Việt Nam, tôi luôn tâm niệm rằng Phú Yên nói riêng, Việt Nam nói chung là quê hương thứ hai của mình. Do vậy, tôi và Như Uyên cố gắng thu thập nhiều hình ảnh, câu chuyện đã nghe và thấy về những người dị tật để đưa lên trang web của mình là www.proasia.ch, nhằm vận động, kêu gọi mọi người dân trên thế gian này cùng chung tay tiếp sức cho người tàn tật, các nạn nhân CĐDC có điều kiện phục hồi chức năng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng xã hội…”

 

TIẾP SỨC CHO NHỮNG SINH VIÊN LÀM MÁY LỌC NƯỚC SẠCH

 

Tiến sĩ Peter Schmutz: “Tôi và Như Uyên đọc được những thông tin về các địa chỉ cần giúp đỡ trên Báo Phú Yên điện tử và quyết định đến thăm, tặng quà cho các trường hợp tàn tật, nhiễm CĐDC có hoàn cảnh khó khăn nhất trong đợt này ở Phú Yên. Chúng tôi đã biên dịch một số địa chỉ cần giúp đỡ trên Báo Phú Yên điện tử sang tiếng Đức rồi in thành tờ bướm để tuyên truyền và vận động bạn bè, người thân ở Thụy Sĩ và Đức hỗ trợ nguồn kinh phí để giúp đỡ cho những đứa trẻ bất hạnh nhất”.

Là tiến sĩ hóa sinh, chuyên nghiên cứu phát triển phương pháp sản xuất các sản phẩm thuốc tại Công ty dược CSL Behring ở Bern (Thụy Sĩ), ông Peter nảy ra ý tưởng thiết kế được máy lọc nước sạch, rồi ngày đêm mày mò tìm ra một loại hạt lọc nước sạch, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bắt đầu từ mùa hè năm 2002, ngoài hoạt động từ thiện ở VN, ông Peter đã tranh thủ thời gian trợ giúp công nghệ, kỹ thuật cho một nhóm sinh viên Trường Đại học quốc gia TP HCM thực hiện đề tài thí nghiệm máy lọc nước sạch; đồng thời hướng dẫn sinh viên Trường Đại học này làm luận văn tốt nghiệp về máy lọc nước sạch. Ông Peter cho hay: “Hiện nhóm sinh viên đã sản xuất hoàn thiện được 20 máy lọc nước sạch theo thiết kế của tôi. Ưu việt của loại máy này là nhỏ, gọn, phù hợp với sử dụng ở gia đình, không tốn năng lượng vận hành và chi phí rất thấp. Hệ thống lọc chỉ dùng loại hạt thực vật ở Thụy Sĩ có tên gọi là “Moringa oleifera lam” để thay thế cho phèn khử trùng, lọc bất cứ nguồn nước bẩn trong thời gian ngắn là có thể uống được. Tôi đang nhờ những người quen tìm loại hạt này ở VN để khai thác, sử dụng lọc nước được dễ dàng và ổn định lâu dài…”

 

Theo ông Peter, nhiều người dân đang rất cần có hệ thống nước sạch tại hộ gia đình. Nếu chương trình máy lọc nước được ứng dụng thành công ở Trường Đại học quốc gia TP HCM, trong thời gian tới, ông sẽ vận động các tổ chức phi chính phủ tài trợ kinh phí để đầu tư sản xuất hàng loạt loại máy này để hỗ trợ cho nhu cầu sử dụng của người dân Việt Nam. Riêng tỉnh Phú Yên sẽ được đầu tư sản xuất máy lọc nước tại chỗ để hỗ trợ cho người dân nghèo ở vùng sâu vùng xa…

 

*       *

*

Người Châu Âu luôn tận dụng kỳ nghỉ hè (một tháng) quý giá để cùng gia đình đi tham quan, du lịch ở nhiều nơi trên thế giới, tận hưởng cái đẹp, niềm vui sướng, hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng đã 6 năm nay, ông Peter dành trọn thời gian ấy đến VN để làm công tác từ thiện, xã hội. Hạnh phúc của ông Peter là mỗi lần ở VN đều có người bạn gái Như Uyên chăm sóc, chia sẻ và đồng hành với những công việc ông làm. Như Uyên luôn ở bên cạnh để làm thông dịch viên cho Peter (Như Uyên nói thành thạo cả hai tiếng Anh và Đức - PV) hướng dẫn cho sinh viên làm máy lọc nước, thăm hỏi những đứa trẻ bất hạnh…. Bây giờ, ở TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị biết về tấm lòng nhân ái, nghĩa cử vô cùng cao đẹp của ông Peter và mời ông tham gia các tổ chức từ thiện, làm chuyên gia về y dược… Năm 2006, Viện Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh đã mời ông Peter giúp đỡ về kinh nghiệm chế biến dược phẩm, quản lý dược phẩm….

 

Trước khi chia tay tôi để cùng Như Uyên bay qua Đức rồi Thụy Sĩ, ông Peter tâm sự: “Làm việc nghĩa cũng hạnh phúc như tình yêu! Tôi và Như Uyên muốn san sẻ một ít của mình cho người khác, điều đó làm cho cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn”.

 

NGUYÊN LƯU

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thầy “bắt” dời
Thứ Hai, 11/06/2007 08:13 SA
Ly cà phê Buôn Mê
Thứ Sáu, 08/06/2007 14:39 CH
Thượng Hải - Hàng Châu
Thứ Năm, 31/05/2007 08:53 SA
Người “săn” đá
Thứ Ba, 29/05/2007 15:17 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek