Thấy tôi tới cơ quan với khoé miệng xanh lè thuốc, cô bạn đồng nghiệp kêu lên: “Bị dời phải không? Lên trên Đông Phước, gần quán Hoa Sứ hỏi nhà ông Chừ, nhờ ổng “bắt” cho, hay lắm!”. “Hay đến cỡ nào?” - Tôi hỏi, và nhận được câu trả lời rất ngạc nhiên “Chỉ cần tới nói tên tuổi, chỗ ở của người bệnh, mấy ngày sau thì hết”.
Bán tín bán nghi, tôi đem chuyện này hỏi một vài người từng bị dời leo, họ xác nhận: Có những người chữa dời mà không cần bôi thuốc, chỉ cần nắm được đôi dòng “sơ yếu lý lịch” của bệnh nhân.
Thầy Ba - một trong những người “tay không bắt dời” được nhiều bà con biết đến - Ảnh: LÂM VY
Thế là, mặc dù chỗ “dời ăn” đã khỏi, tôi vẫn hăng hái tìm đến nhà thầy “bắt” dời để xem thực hư thế nào!
Buổi tối, theo sự hướng dẫn của cô bạn đồng nghiệp, tôi lên Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa). Sau mấy lần hỏi thăm, tôi mới tìm thấy nhà ông Năm Chừ - thầy “bắt” dời và ngạc nhiên trước sự tồi tàn của nó. Căn nhà cũ kỹ nằêm trong cái truông nhỏ nhìn ra phía ruộng có tất thảy hai cái bóng đèn, một bóng sáu tấc rọi sáng gian trên, để tôi thấy rõ nền đất gồ ghề, nơi có kê tấm phản bụi bặm và bộ bàn ghế xộc xệch. Bóng đèn thứ hai bằng ngón tay, phát ra thứ ánh sáng màu vàng cáu kỉnh ở gian dưới, để ông Chừ chậm chạp rời khỏi chiếc võng và đi lên nhà trên bằng những bước lom khom khó nhọc.
Năm nay 73 tuổi, ông Bùi Chừ đã có hơn 50 năm “bắt” dời. Ông kể: “Tui học từ một ông thầy ở xóm Ao trên Hoà Trị, quê tui. Phải có lễ có lộc, người ta mới chỉ cho mình”. Sau vài lần được thầy chỉ bảo, ông già học lớp 3 thời Pháp thuộc này đã có thể tự “bắt” dời. Điều mà ông tâm đắc là y tá, bác sĩ Tây y bị dời cũng tìm đến đây cậy nhờ ông, đơn cử như bà bác sĩ có chồng ở xóm Cát. Bệnh nhân của ông đâu chỉ quanh quẩn ở Bình Ngọc, Hòa An, Hòa Trị mà người ở Hoà Mỹ cũng xuống, ở Khánh Hòa cũng tìm ra.
Về chuyện “bắt” dời, ông Năm Chừ nói: “Nhẹ thì cứ ở nhà, không cần phải đưa tới đây để khỏi mắc hơi. Chỉ cần người nhà tới nói rõ tên tuổi, chỗ ở là được. Còn nếu nặng, như bị dời vắt khăn, thì phải đưa người bệnh tới, để tui hái lá nhai phun chận, không thì dời “nhảy” thêm”. Lá chữa dời có ở ngoài hàng rào, cách nhà chỉ vài bước chân. Ông ra hái cho tôi xem, đi được nửa đường thì dừng lại, thở dốc. Thì ra ông bị suy tim đã lâu. Họa vô đơn chí, đận trước trong lúc đi dọn mương, ông dậm trúng cây gai, bị uốn ván suýt chết. Không mất mạng, nhưng đôi chân giờ bị tật, đi đứng lom khom cứ như người đi cấy.
Tìm hiểu thêm, mới hay số người “bắt” dời qua “sơ yếu lý lịch” cũng không ít. Ở thôn Ngọc Phước (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) có một “bà thầy” khá nổi tiếng về lĩnh vực này. Tìm tới nhà, tôi hết sức ngạc nhiên khi đối diện với một “bà thầy” da trắng, tóc nâu, xinh tươi hơn tuổi 46. Chị tên là Phan Thị Thu Sê.
Trong ngôi nhà nhỏ của mình, “bà thầy” - vốn là một thợ may - kể chuyện “bắt” dời xen lẫn những tiếng cười giòn giã. Chị nói dứt khoát: “Người bệnh ở đâu mặc kệ, chỉ cần nói đúng tên tuổi, chỗ ở là tôi “bắt”. Quen rồi, biết rồi thì không cần tới, ở nhà gọi điện là xong. Ở tận Sài Gòn, Hà Nội cũng “bắt” được. Mà chỉ “bắt” thôi, không cho xức thứ gì hết.”
Chị Sê được cha mình truyền cho “nghề” này, và chị bắt đầu “hành hiệp” từ năm 24 tuổi, khi về Ngọc Lãng làm dâu. Thời gian sống ở đây, chị được nhiều người biết đến nhờ tài “bắt” dời. Gia đình chuyển về thôn Ngọc Phước đã hơn 10 năm, vẫn có nhiều người hỏi thăm, tìm tới hoặc gọi điện tới nhờ chị giúp. Chị Sê nói: “Nếu đúng là dời thì chắc chắn hết. Tôi đảm bảo.”
Hơi tò mò, tôi muốn biết “sư phụ” của chị là ai.
Thì ra đó là lương y Phan Thanh mà nhiều người quen gọi là thầy Ba ở khu 18 gian (Quốc lộ 1A, TP Tuy Hoà). Nhà của ông cũng dễ tìm, nhờ có tấm bảng học trò gắn trên tường ở phía trước, ghi nắn nót mấy chữ Thầy Ba bắt dời.
Thầy Ba là một ông già 72 tuổi trông rất đẹp lão với nụ cười cởi mở và mái tóc bạc trắng. Cũng như con gái mình, ông nói như đinh đóng cột: “Nếu đúng bệnh dời thì “bắt” hết đến chín chín phần trăm!” Một phần trăm còn lại, theo ông, đó là do người ta nôn nóng nên không tuân theo hướng dẫn mà lại dùng thuốc khác.
“Bắt” dời là “nghề” cha truyền con nối ở gia đình thầy Ba. Ông cho biết: Ba bốn ngày kể từ khi thân nhân hoặc người bệnh cung cấp thông tin, điểm dời phồng rộp bắt đầu êm, không còn nóng, đau nhức, nhưng phải mất 7 ngày (đối với đàn ông) và 9 ngày (đối với phụ nữ) thì chỗ bị dời mới tróc vảy, lành hẳn. Ông tươi cười kể: Có người được người ta giới thiệu tới, sau khi ghi tên tuổi, địa chỉ đưa cho tôi liền nói: “Ủa, ông hỏi sơ sài, không rờ tay vô thì làm sao hết được? Vậy mà hết, mới nói”.
Thầy Ba đoán chắc về hiệu quả “bắt” dời bằng uy tín của hơn 50 năm trong nghề, và bằng minh chứng từ rất nhiều bệnh nhân, trong đó có cả bác sĩ. Cần phải nói thêm là thầy Ba - lương y Phan Thanh từng có hơn 10 năm gắn bó với Trạm Y tế phường 2, hiện là hội viên Hội Đông y TP Tuy Hòa. Ngoài tài “bắt” dời, ông còn được biết đến với “chiêu” chữa mắc cổ xương cá.
“BIẾT THÌ GIÚP NGƯỜI TA”
Theo sách y khoa, dời leo (zona) là bệnh do một loài Herpes virus có tên là Varicella Zoster gây ra. Virus này thường gây bệnh thuỷ đậu (trái rạ) ở trẻ em, sau đó có thể “ngủ yên” trong hạch rễ thần kinh lưng hàng chục năm, để rồi có cơ hội sẽ tái xuất hiện dữ dội hơn, gây ra bệnh zona. Người ta gọi “dời leo” bởi triệu chứng ban đầu của bệnh này là những mụn đỏ, sau đó mưng mủ, xếp thành một vạt dài. Bệnh càng lan rộng thì di chứng càng nặng.
Tôi tìm gặp lương y Nguyễn Hữu Dư, Phó Chủ tịch Hội Đông y Phú Yên để hỏi thêm về dời leo. Ông đưa ra một bài viết nói về các phương thuốc chữa trị dời, trong đó có những cách đơn giản mà dân gian hay làm như đốt nhang trầm, thổi hơi nóng vào chỗ dời phỏng vào lúc sáng sớm và tối; lấy mực tàu loại tốt mài với rượu hoặc nước lọc rồi phết lên; nhai trầu phun vào chỗ dời phỏng…
Có một điều hơi lạ là cả ba thầy “bắt” dời mà tôi gặp đều không biết nguyên nhân gây ra bệnh dời, nhưng lại có thể trị nó một cách đơn giản và hiệu quả đến khó tin! Ngoài việc nắm rõ họ tên, tuổi, nơi ở, người “bắt” dời còn yêu cầu bệnh nhân không được để điểm dời chạm vào nước, nếu không dời sẽ lan ra nhanh chóng. Cũng theo các thầy “bắt” dời, mùa nắng người ta thường bị dời hơn là mùa mưa. Lúc cao điểm, một ngày tại nhà thầy Ba có 5 - 7 người đến nhờ bắt dời cho thân nhân của họ.
Bởi cách “bắt” dời của các thầy khá đơn giản, theo lời họ là khấn vái với một câu chú, cho nên họ không đòi hỏi phải có tiền công. Sau khi hết bệnh, người thì mang đến nải chuối, người thì tạ vài ngàn, có người tạ 20.000 ngàn. Ông Năm Chừ, người hơn 50 năm “bắt” dời, đang sống trong căn nhà tồi tàn nhìn ra ruộng lúa, nói: “Biết gì thì giúp nấy. Ai có tưởng thì họ tạ chớ tui không đòi hỏi”. Chị Sê nói: “Tôi không nghĩ người ta phải trả ơn mình, vì mình đâu có tốn công. Biết thì giúp để họ hết bệnh”.
Tôi đã tìm gặp một số người, trong đó có anh Lê Văn Tùng ở thôn Ngọc Phước, người mà 4 - 5 ngày trước đã nhờ chị Sê “bắt” dời. Anh Tùng cho biết: “Cách này khó hiểu nhưng rõ ràng là hiệu quả. Chỗ bị dời trên người tôi đã héo”. Anh Nhã, người hàng xóm của anh Tùng, có con từng được ông Năm Chừ “bắt” dời bằng cách này, góp chuyện: “Họ làm gì mình không quan tâm, miễn là hết bệnh”!. Bà Huỳnh Thị Nhịp, 82 tuổi, ở thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa), nhớ lại: “Ba bốn năm trước, tui bị dời lửa đầy cổ, nhức lắm! Tui lên nhà cô Sê nói tên tuổi, nhờ cổ bắt dùm. Cổ bắt cách nào không biết, nhưng mấy ngày sau thì tui hết bệnh”. Còn anh Nguyễn Vạn Hùng, Chủ hiệu vàng Kim Tài (TP Tuy Hòa): “Đứa em con ông chú tôi ở Hoà Hiệp bị dời vắt khăn rất nặng. Tôi lên nhà thầy Ba nói tên tuổi, chỗ ở là ổng “bắt” hết. Ông anh tôi ở dưới Long An bị dời, cũng nhờ thầy Ba mà hết bệnh... Chuyện này tôi không hiểu, không giải thích được, nhưng đúng là hiệu quả”.
PHƯƠNG TRÀ