Những ngày đầu tháng 5/2007, Buôn Ma Thuột bước vào mùa mưa. Mưa cao nguyên sụt sùi, réo rắt cả ngày cho thỏa cơn khát mùa khô. Những ngày mưa, ở Buôn Ma Thuột vào quán uống một ly cà phê là điều vô cùng thích thú.
VÌ SAO GỌI “BUÔN MA THUỘT”?
Tôi có thói quen khi đến một địa phương nào đó thì hay tìm hiểu gốc tích về địa danh. Với thành phố Buôn Ma Thuột cũng vậy: Địa danh Buôn Ma Thuột là tên của một buôn đồng bào Êâđê Kpă. Vùng đất này vào cuối thế kỷ XIX chỉ có một buôn với khoảng 50 nhà dài. Mỗi nhà có từ 30-40 người do Tù trưởng Ama Thuột cai quản nằm bên dòng suối Ea Tam. Đến những năm đầu của thế kỷ XX, Buôn Ma Thuột không còn là một buôn đơn lẻ nữa, mà đã qui tụ phát triển thêm hàng chục buôn khác. Tuy nhiên, Buôn Ma Thuột vẫn còn là một buôn lớn, trung tâm của cả vùng lúc bấy giờ và do Tù trưởng Ama Thuột, một người có thế lực và uy tín cai quản. Tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt nguồn từ đó. Buôn Ma Thuột tức là làng của Ama Y Thuột-làng của cha Y Thuột. Buôn Ma Thuột tròn một trăm tuổi vào ngày 22/11/2004.
PHỐ CÀ PHÊ
Tôi thích “Buôn Mê” những chiều trời đổ mưa tầm tã. Mưa Buôn Mê không bất chợt như mưa Sài Gòn, cũng không “nhõng nhẽo” như mưa xứ Huế, mà dữ dội và dai dẳng...Từ Sài Gòn, khởi hành bằng xe chất lượng cao, sau 7 giờ đồng hồ tôi đã có mặt ở thành phố Buôn Ma Thuột. Mùa mưa, Buôn Ma Thuột trời se lạnh, nhưng mọi hoạt động vẫn “nóng” theo nhịp điệu phát triển kinh tế ở xứ sở cao nguyên này. Trên những nẻo đường, xe cộ vẫn nườm nượp. Những khu đô thị mới, trung tâm thương mại cứ hối hả mọc lên, đáp ứng nhu cầu giao thương. Thành phố hiện có cả chợ cà phê, để nông dân có thể bán loại nông sản đặc thù của thành phố này cho các đơn vị kinh tế mà không sợ bị ép giá. Nhà Đày Buôn Ma Thuột nằm ở trung tâm thành phố luôn là điểm du lịch đầu tiên du khách tìm đến. Tiếp theo đó là Viện Bảo Tàng, ngày xưa là Biệt Điện của Bảo Đại. Du khách tham quan hai nơi này có dịp hiểu sâu hơn lịch sử của tòa nhà cũng như ý nghĩa của những đồ vật được trưng bày. Nơi đây, du khách luôn ấn tượng với hai cây cổ thụ hơn trăm tuổi, gốc cây lớn gấp mấy lần vòng tay người ôm và tán thì thật rộng, che bóng mát cả một góc trời.
Tượng đài chiến thắng Buôn Mê thuột
Buôn Ma Thuột nổi tiếng với đợt tấn công giải phóng Tây Nguyên vào ngày 10/3/1975. Hiện nay, ngã sáu “Xe Tăng”, in đậm dấu ấn lịch sử, trở thành nơi thưởng ngoạn thu hút đông đảo du khách. Tuy vậy, nhưng để tìm một đặc thù cho thành phố này thì không dễ. Nhiều người cho rằng, những quán cà phê đầy quyến rũ và đa phong cách của thành phố, đã làm nên một “thương hiệu” Buôn Ma Thuột. Quán cà phê dày đặc trên những con đường như Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, Đinh Tiên Hoàng… đã trở thành điểm hẹn của người dân địa phương, điểm đến thưởng thức thú vị của du khách. Đi vào quan sát ta thấy rằng, mỗi khu phố cà phê đều có đặc trưng riêng và mỗi quán đều có phong cách riêng từ cách đặt tên, trang trí nội thất, âm nhạc... Có những tên quán nghe gợi cảm giác bồng bềnh, mơ mơ-thực thực, man mác-hoài niệm như Uyên Phương, Thương Thương, Thu Thu, Chiều Nhớ, Thung Lũng Hồng, Cảm Xúc… Lại có những cái tên nghe mà có thể cảm nhận cả được vị của cà phê như quán Vị Đắng trên đường Mai Hắc Đế, quán cà phê Đắng trên đường Nguyễn Công Trứ…Theo tôi, không một thành phố cao nguyên nào có nhiều quán cà phê như ở Buôn Ma Thuột.
Với tôi, ngồi uống cà phê ngắm nhìn phố núi bàng bạc trong màn mưa đan xéo dưới ánh đèn vàng là thú vị nhất. Quán Văn được quảng cáo rầm rộ trên mạng phải xuống một con dốc gần như dựng đứng trên đường Đinh Tiên Hoàng. Quán cà phê cũng khá bình thường như những quán cà phê vườn khác. Nơi đây chỉ có phong cách phục vụ cây nhà lá vườn và treo nhiều bức tranh vẽ của người chủ quán là lạ so với các nơi. Buôn Ma Thuột có rất nhiều quán cà phê với phong cảnh tự nhiên, thoáng mát và lồng lộng khí trời như Thung Lũng Hồng, Rainy, Hoapơlang…, Người uống cà phê vừa thưởng thức cà phê vừa thư giãn với không gian yên bình và lắng nghe những giai điệu của nhịp đời trên phố núi.
Thưởng thức cà phê đã trở thành cái “thú” của người dân nơi đây. Với đa số người dân, đi uống cà phê là những khoảnh khắc được thư giãn, giải trí quí giá. Chỉ với ly cà phê, đĩa hạt dưa là đã có thể tạo nên những cuộc hội ngộ.
KHÁT VỌNG NGÀY MAI
Đi trên những con phố thoáng đãng, với vỉa hè rộng và sạch dưới những hàng cây xanh như Nguyễn Tất Thành, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nơ Trang Long… mới cảm nhận hết những đổi thay từ cơ sở hạ tầng của thành phố trẻ Buôn Ma Thuột. Nói Buôn Ma Thuột là thành phố trẻ là chính xác. Trước đây, đến quãng năm 1990, Buôn Ma Thuột còn là một phố núi thị xã nhỏ nhoi. Lúc đó, mỗi kỳ đi công tác đến Buôn Ma Thuột thì anh em đều nói vui là xứ sở “buồn muôn thuở” và “bụi mịt mờ”. Trên những con đường chưa kịp qui hoạch trong thị xã mọc lên đều là nhà không số, phố không tên. Nhưng đến năm 1992-1994, với sự đầu tư mạnh mẽ của chính quyền địa phương và trung ương, Buôn Ma Thuột đã trở thành thành phố loại III. Lúc này, nhiều người cho rằng, Buôn Ma Thuột lên thành phố nhờ công rất lớn từ cà phê. Quả thật, lúc đó, cà phê đột ngột lên giá cao ngất trời, nhiều hộ gia đình bỗng chốc đã trở thành triệu phú, tỷ phú. Ngân sách thành phố được đóng góp lớn lao từ phong trào quần chúng và nhân dân cùng làm đã mở thêm cho thành phố những con đường thoáng đãng và đại lộ Nguyễn Tất Thành mọc lên dẫn về tượng đài chiến thắng-nơi ghi lại chiến công của ngày giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975).
Từ tập quán uống cà phê, người dân Buôn Ma Thuột đã nâng lên thành một nét văn hóa ẩm thực. Về mặt giao lưu hội nhập kinh tế, cà phê Buôn Ma Thuột đã có mặt trên thị trường thế giới qua hoạt động xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, được các nước trên thế giới tiếp nhận do hương vị độc đáo của một sản phẩm có xuất xứ từ vùng đất bazan màu mỡ của Tây Nguyên. Nhiều người đã đưa ra ý tưởng phát triển tour du lịch tham quan thu hái cà phê, tham quan các khu chế tác đồ mỹ nghệ từ gốc cây cà phê… Hiện nay, đối với ngành công nghiệp và thương mại DakLak, cà phê vẫn đang là mũi nhọn chiến lược. Và Buôn Ma Thuột đã trở thành chỉ dẫn địa lý của thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới.
Một mùa mưa nữa lại đến. Mưa Buôn Ma Thuột vẫn sụt sùi và gợi nhớ. Ly cà phê Buôn Mê vẫn tiếp tục tỏa hương khắp các nẻo đường và vươn ra khắp bốn biển. Đây đó, trên các cánh rừng cà phê trổ hoa trắng xóa như bầu trời đầy mây trong ngày nắng đẹp. Và tôi ước muốn thực hiện một tour du lịch mới đầy hấp dẫn: cưỡi voi dạo rừng cà phê đầy hoa trắng.
DUY KHANH