Thứ Tư, 02/10/2024 11:36 SA
Quỳnh Trâm - người kinh doanh bằng ngọn lửa đam mê
Thứ Hai, 04/06/2007 08:40 SA

“12 tuổi, khi những bạn gái khác còn mải chơi búp bê, bé Trâm đã làm ra tiền từ những “hợp đồng” thêu thùa và đan len. Ban đầu, Trâm học theo các chị, tập làm thủ công chấm điểm, rồi say mê lúc nào không biết. Thấy Trâm khéo tay, mọi người nhờ Trâm giúp và cho chút ít tiền ăn quà. Lâu ngày, khách hàng đông dần, Trâm vừa nhận len Đà Lạt về đan gia công, vừa thêu áo gối cho Việt kiều. Mẹ cấm, sợ Trâm ham kiếm tiền, bỏ học. Nhưng rồi, thấy Quỳnh Trâm quá đam mê các môn nữ công, mẹ cũng không nỡ, chỉ nhắc Trâm không được lơ là học tập. Mà Trâm có học... tệ đâu!”  

 

070604-Quynh-Tram4.jpg

Quỳnh Trâm đang thiết kế mẫu - Ảnh: HOÀNG QUYÊN

 

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, nơi chị nói đùa giống quán cà phê hơn là văn phòng, Trần Thị Quỳnh Trâm - nữ giám đốc duyên dáng của công ty TNHH Thời trang Quỳnh Trâm kể về tuổi thơ sớm gắn liền với nghiệp làm đẹp của mình bằng cách nói chuyện rất lôi cuốn.

 

Dì ruột là thợ may chuyên đồ nữ, nhìn dì lên những bộ bà ba, áo kiểu, khi khách thử cứ  ôm khít thân hình, Quỳnh Trâm mê quá. Thế là miệt mài tập may. Và cứ như cái nghiệp, bắt gặp kiểu áo mới, mẫu thêu đẹp, hay kiểu đan lạ, Quỳnh Trâm háo hức mày mò, học cho bằng được. Nhiều đêm, thấy Trâm cặm cụi bên máy may đến 1-2 giờ sáng, anh Hai phải “gầm” lên, cô em mới chịu đi ngủ.

 

17 TUỔI ĐỨNG LỚP DẠY MAY

 

Trâm may rất khéo. Từ những khách hàng thêu đan sẵn có, tiếng lành đồn xa, người tìm đến may ngày càng đông. Có người xin học nghề, Trâm nhận luôn.

 

Năm ấy, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức khoá đào tạo nghề may cho chị em và đề nghị Trung tâm Hướng nghiệp – Dạy nghề giới thiệu giáo viên. Cô Nguyễn Thị Liệu, người phụ trách tổ cắt may của Trung tâm, đã tư vấn cho Hội LHPN mời Quỳnh Trâm đứng lớp.

 

“Lúc đầu Trâm ngỡ ngàng lắm, dạy học trò tại nhà cũng chỉ với tư cách là người đi trước hướng dẫn người sau. Giờ đứng lớp dạy cho các cô các chị, biết nói như thế nào!” Rồi chị cười xoà như muốn thanh minh cho quyết định “bạo gan” ngày xưa. Suy nghĩ kỹ, Trâm cũng quyết thử sức mình và nhận lời.”

 

Lớp học mấy chục người, có công chức, học sinh, phần đông là các dì lớn tuổi muốn làm thêm và cả tiểu thương chuyên mua bán hàng may sẵn. Ai cũng quý “cô giáo” Trâm ở sự nhiệt tình và cách truyền đạt dễ hiểu. Còn Quỳnh Trâm, sau những ngày đứng lớp, phát hiện ra mình rất có năng khiếu sư phạm.

 

MỞ CÔNG TY, RỜI BỤC GIẢNG

 

… Sau khi lần lượt tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Huế và tiếng Pháp Trường CĐSP Phú Yên, Quỳnh Trâm nhận công tác tại Trường THCS Lê Lợi, thành phố Tuy Hoà.

 

Ở trường, Quỳnh Trâm dạy cả hai bộ môn Văn và Tiếng Pháp. Về nhà, Trâm vẫn nhận may và dạy may, cao điểm có khi cả chục người theo học.

 

Nhờ bạn bè, Trâm quen biết và kết hôn với anh Nguyễn Ngọc Châu. Sau đám cưới có lẽ là quãng thời gian vất vả nhất trong đời Quỳnh Trâm. Mang thai đứa con đầu lòng, chị vừa đi dạy, vừa may để nuôi chồng học Đại học GTVT và phụng dưỡng mẹ chồng giàø. Ngày Trâm vượt cạn, mọi người đều hỏi sao không gọi chồng về, Trâm lắc đầu: “Tự lo được”…

 

Năm năm sau, lại một cậu con trai nữa ra đời, bà mẹ trẻ không vì bận bịu gia đình mà giảm bớt sự say mê dành cho nghệ thuật làm đẹp. Tận dụng vốn ngoại ngữ, Quỳnh Trâm tìm đọc các tạp chí mode của Pháp và ước mơ thành lập một công ty thời trang dần nhen nhóm trong chị. Ý tưởng này sẽ mãi là ước mơ, nếu Quỳnh Trâm không may mắn có được người chồng đồng điệu, anh Châu đã động viên vợ bằng cách giúp chị lập kế hoạch dài hơi để có thể biến giấc mơ thành hiện thực.

 

Đầu tiên, Quỳnh Trâm ghi tên theo học lớp Quản trị kinh doanh. Dịp hè, chị lại bôn ba khắp Sài Gòn, Hà Nội tham khảo các mô hình công ty thời trang, tìm hiểu thị trường, tham gia những khóa thiết kế nâng cao và tìm nhà cung cấp nguyên - phụ liệu.

 

Năm 2005, mô hình nhà may nhỏ đã thoái trào, xu thế mới đòi hỏi kinh doanh phải xây dựng thương hiệu, có tư cách pháp nhân được nhà nước bảo hộ mới đủ uy tín để nhận được hợp đồng. Trâm quyết định thành lập công ty TNHH Thời trang đầu tiên ở Phú Yên và thuê giám đốc điều hành, chị đứng sau trực tiếp chỉ đạo và tham gia mọi hoạt động của công ty.

 

Gian truân nhất vẫn là khâu tuyển nhân sự, phải tìm được thợ may lành nghề, làm việc theo tác phong công nghiệp. Trong khi đó, truyền thống của thợ may là ai cũng muốn làm chủ, dù là một hiệu may bé tí xíu. Giải quyết khó khăn này, Quỳnh Trâm đã mở lớp dạy may công nghiệp lẫn may thời trang miễn phí, và lồng ghép vào đó là cách giao tiếp với khách hàng. Cô giáo Trâm bây giờ vững cả về chuyên môn lẫn nghiệp vụ sư phạm, nhờ thế hầu như phần lớn học viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.

 

Huỳnh Thị Lanh, một công nhân đã gắn bó với công ty từ buổi đầu thành lập cho biết: “Lanh mở tiệm ở nhà tại phường Phú Lâm được 3-4 năm, nhưng thu nhập khá bấp bênh. Mấy năm gần đây thì cạnh tranh với hàng may sẵn không nổi nên đã tìm đến đây”. Hiện nay, thu nhập của Lanh từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tháng, chỉ làm theo giờ hành chính nên có nhiều thời gian dành cho gia đình. Đây cũng là tâm sự của hầu hết 70 công nhân đang làm việc tại công ty.

 

Sức ép công việc kinh doanh ngày càng tăng khi Quỳnh Trâm ký được các hợp đồng lớn, lại phải bảo đảm thời gian lên lớp nên thời gian dành cho gia đình ngắn dần. Quỳnh Trâm đành lòng xin nghỉ dạy. Chia tay học sinh, cô và trò đều khóc. Từ đó, Quỳnh Trâm chính thức điều hành công ty.

 

QUỲNH TRÂM- THỜI TRANG ĐẾN TỪNG PHONG CÁCH

 

Công ty ra đời. Thuận lợi nhất là Quỳnh Trâm đã có được bề dày gần 20 năm kinh nghiệm và số khách hàng cũ. Nhờ đó, công ty nhanh chóng giành được những hợp đồng từ khối cơ quan nhà nước như Bưu điện, Điện lực, Thuế, Ngân hàng... Ngoài những hợp đồng may trang phục, công ty nhận thiết kế và may rèm cửa, khăn trải bàn, bọc ghế, vỏ chăn, áo gối, bọc đệm cho các doanh nghiệp tư nhân Thuận Thảo, Hương Sen, Ái Cúc … Chị cũng cho biết, trở ngại lớn nhất để ký được hợp đồng may trang phục công sở là phải vượt qua được đối thủ nặng ký “Việt Tiến”.

 

Lập công ty thời trang song Trâm không bỏ quên những khách hàng lẻ, Quỳnh Trâm vẫn là điểm đến của những phụ nữ lớn tuổi và thành đạt, để được tư vấn miễn phí cách phục trang từ A đến Z. Chị kể, có cặp vợ chồng suýt chia tay nhau cũng vì người vợ ăn mặc quá giản dị. Có người giới thiệu, người vợ tìm đến Trâm và được tư vấn, thiết kế từ nội y đến áo ngủ, trang phục đi làm, đi chơi… Thời gian sau, hai vợ chồng đều trở thành khách hàng thân thiết của Quỳnh Trâm.

 

Hiện nay, sản phẩm của Công ty Thời trang Quỳnh Trâm đã có mặt tại các siêu thị và cửa hàng ở những tỉnh lân cận. Một số Việt kiều cũng đặt hàng với số lượng lớn để mang ra nước ngoài bán. Quỳnh Trâm cho biết, công ty đang trên con đường khẳng định thương hiệu để đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO.

 

Tiếp tục thoả mãn đam mê làm đẹp cho mọi người, “Trung tâm làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ Quỳnh Trâm” sẽ khai trương tại thành phố Tuy Hoà vào đầu tháng 7 này.

 

Vấn đề bận tâm nhất hiện nay của Quỳnh Trâm là chưa thu được chi phí thiết kế từ khách hàng, dù đây là khâu quan trọng để quyết định thành công của sản phẩm. Tiền công cắt may tại công ty thời trang lại thấp hơn một số nhà may. “Nhưng không vì thế mà chúng tôi lơ là chất lượng sản phẩm. Trong kinh doanh, Quỳnh Trâm luôn đặt ba yếu tố chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín và thái độ phục vụ lên hàng đầu”- bà giám đốc 35 tuổi, khéo ăn nói lại rất hay cười, nhấn mạnh.

HOÀNG QUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Thượng Hải - Hàng Châu
Thứ Năm, 31/05/2007 08:53 SA
Người “săn” đá
Thứ Ba, 29/05/2007 15:17 CH
“Đội Hoàng Sa”
Thứ Ba, 15/05/2007 14:23 CH
Cá mương – chuyện xưa, chuyện nay
Thứ Hai, 14/05/2007 07:30 SA
“Không xa đâu Trường Sa ơi!”
Thứ Sáu, 11/05/2007 15:05 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek