Thứ Tư, 02/10/2024 11:19 SA
Người “săn” đá
Thứ Ba, 29/05/2007 15:17 CH

Đó là anh Trần Xuân Cảnh, 43 tuổi, ở khu phố 6, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa, một người bỏ phố vào rừng mở trại tìm đá...

Từ TP Tuy Hòa, mất 5 giờ cưỡi “ngựa sắt” và lội rừng, chúng tôi tìm đến “đại bản doanh” của Hai Cảnh ở xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Lúc này là 12 giờ trưa, trong lán, vài thanh niên đang ngồi trốn nắng, loay hoay chuẩn bị đồ nghề cho buổi làm mới. Nhìn ra con suối phía trước, khoảng gần chục người chốc chốc ngoi lên rồi lặn sâu xuống nước. Hai Cảnh nói ngay: “Không phải họ lặn... bắt cá đâu, xuống dưới tìm đá đó! Anh em quen cái nghề này mấy năm nay rồi”.

XUỐNG SÔNG TÌM ĐÁ

070529-haicanh.jpg
Anh Hai Cảnh - Ảnh: N.Thạnh
Hai Cảnh đến với nghề săn đá cảnh một cách rất tình cờ. Năm 1996, trong một lần đi chơi suối ở huyện Sông Hinh, anh lượm được hòn đá có vân màu rất đẹp, hình thù kỳ lạ nên đem về nhà. Anh nhớ lại: “Lúc đó tôi có nghĩ gì đâu. Nhưng thấy ai đến nhà chơi cũng khen hòn đá đẹp, muốn xin về, nên tôi mới nghĩ: Sao mình không kiếm nhiều đá để kinh doanh”. Thế rồi, năm 1997, trong lần đi thăm em gái học ở TPHCM, tình cờ anh phát hiện nhiều nơi trưng bày buôn bán các loại đá cuội, đá núi tự nhiên, non bộ... Đây cũng là thời điểm phong trào chơi bonsai, non bộ... tại TPHCM phát triển rầm rộ nhất. Từ ý nghĩ ban đầu đến khi thấy nhu cầu chơi đá cảnh là có thật, Hai Cảnh quyết định bỏ nghề buôn bán lặt vặt về tận Suối Trai mở trại làm nghề săn đá, loại đá mà theo anh là đẹp nhất miền Trung.

Thế là cuối năm 1997, bên cạnh việc săn tìm đá, anh dò hỏi địa chỉ một số công ty, cơ sở thiết kế sân vườn tại TPHCM để tiếp thị. Không lâu sau, chuyến hàng đầu tiên với hàng trăm loại đá tự nhiên đủ kiểu dáng được đưa vào TPHCM, trừ mọi chi phí anh kiếm được gần 10 triệu đồng. Dần dần sản phẩm đá Hai Cảnh không những trở nên quen thuộc cho các nhà vườn, doanh nhân địa phương mà cả ở TPHCM và Hà Nội.

HÒN ĐÁ MÀ BIẾT NÓI NĂNG...

Nơi Hai Cảnh săn đá chủ yếu ở những con suối, lòng sông, bìa rừng vì đá đẹp chỉ có ở giữa những dòng nước chảy xiết bị bào mòn theo thời gian. Hai Cảnh cho biết nghề săn đá tuy đơn giản nhưng rất cực, chỉ dành cho những người cần cù, chịu khó vì suốt ngày phải xuống sông, suối lặn mò tìm đá. Khi phát hiện thì lặn xuống cột dây rồi dùng đòn bẩy kéo lên, sau đó di chuyển dần vào bờ bằng bè gỗ (đặt trên chiếc bánh hơi)... Khó nhất là công việc nâng đá đưa lên bờ, vì mỗi phiến đá nặng từ vài chục ký đến vài tạ. “Nặng lắm nhưng phải nhẹ nhàng với nó chứ nếu bị bể, mẻ thì toi công sức”, anh nói.

070529-haicanh1.jpg
Đá cảnh của Hai Cảnh - Ảnh: N.Thạnh

Hai Cảnh cho biết đá suối thuộc loại đá trầm tích nên có sức sống và khác so với các loại đá khác. Vì có tuổi hàng ngàn năm nên mỗi loại đá có vân, màu sắc, kích cỡ khác nhau. Đá đẹp là những viên đá tự nhiên, hạn chế tối thiểu sự can thiệp của bàn tay con người. Khi đưa lên khỏi mặt nước, làm sạch rong, bùn, sau đó bôi một lớp dầu rồi đem phơi nắng đá sẽ bóng đẹp.

Đúng như lời Hai Cảnh nói, tại bãi đá của trại, rất nhiều hòn đá mà ông chủ này sở hữu có hình dạng giống sản phẩm đã chế tác, từ những hình phật, ông địa, hổ, ếch, đại bàng đến những linh vật như long, lân, quy, phụng... Hai Cảnh nói thêm: “Tôi chỉ là người tìm đá. Còn làm cho... “hòn đá mà biết nói năng” thì cần ở người chơi đá, phải biết bài trí hợp lý mới thấy được cái thế, cái thần, cái phần hồn trong từng viên đá...”. Anh Huỳnh Xuân Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phong cảnh Hoàng Điệp (quận Bình Thạnh - TPHCM), cho biết: “Tôi đã thiết kế thi công nhiều công trình, nhưng chưa thấy ở đâu đá cảnh đẹp và có sức hút như của Hai Cảnh. Chúng tôi cũng đang đặt hàng của anh Hai Cảnh cho một dự án xây dựng khu du lịch sinh thái sắp tới”.

ĐƯA ĐÁ LÊN MẠNG

Ông Huỳnh Văn Ngân, hội viên Hội Sinh vật cảnh Phú Yên, nói: “Không ngờ, Hai Cảnh là một tay săn đá cừ khôi, lại có óc sáng tạo, thẩm mỹ, biết tạo cảm xúc từ những viên đá vô tri vô giác”. Hai Cảnh cho hay: “Làm cái nghề này phải thực sự say mê, có chút ít thẩm mỹ. Có cái khác là chúng tôi phải... dùng chân để cảm nhận vẻ đẹp của đá”...

Dù suốt ngày bận bịu với nhưng viên đá, nhưng anh còn là một người chồng, người cha mẫu mực trong gia đình. Phương Trinh, con gái của anh là học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, nói: “Tôi học được ở ba sự siêng năng, chịu khó, nói là làm đến nơi đến chốn”. Đối với những người thợ săn đá, Hai Cảnh luôn xem họ như người nhà, chia sẻ khó khăn cùng họ. Anh Nguyễn Kim Khoa, phường 9, Tuy Hòa, bộc bạch: “Ở quê có việc làm đã khó rồi. Nay được trả lương 3 triệu đồng/tháng còn gì tốt hơn”.

Hai Cảnh phủ nhận mình là người thành đạt và nghề săn đá cảnh là cách giúp anh rèn luyện ý chí, nghị lực, một nghề để kiếm kế sinh nhai, nuôi nấng gia đình, lo cho con cái ăn học nên người.

Nói thêm về nghề săn đá, Hai Cảnh cho biết: “Tôi sẽ liên kết các nhà vườn để thiết kế, thi công công trình du lịch sinh thái, công viên và thiết kế một trang web để giới thiệu đá cảnh, góp một chút công sức quảng bá phong cảnh thiên nhiên, con người VN”. Kết quả ra sao thì chưa biết, nhưng nhiều người tin quyết tâm làm... “doanh nhân chân đất” của người đàn ông này sẽ thực hiện được.

NGUYỄN THẠNH (NLĐ)


BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
“Đội Hoàng Sa”
Thứ Ba, 15/05/2007 14:23 CH
Cá mương – chuyện xưa, chuyện nay
Thứ Hai, 14/05/2007 07:30 SA
“Không xa đâu Trường Sa ơi!”
Thứ Sáu, 11/05/2007 15:05 CH
Huỳnh Long, một đời võ thuật
Thứ Tư, 09/05/2007 07:00 SA
Mong đổi đời ở chốn hoang vu
Thứ Hai, 07/05/2007 07:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek