Ra đảo Lý Sơn rất nhiều lần nhưng lần nào cũng bị cây tỏi, cây hành nó “hành” nên tôi quên mất rằng, ngay tại hòn đảo xinh đẹp này, từ mấy trăm năm trước đã là nơi xuất phát của một đội quân, gọi là “Đội Hoàng Sa” để bảo vệ vùng lãnh hải thân yêu của Tổ quốc. Ngày 20 tháng 2 âm lịch vừa rồi, tình cờ đi ngang qua nhà thờ họ Võ ở thôn Đông xã An Vĩnh-Lý Sơn, nghe vọng một câu ca, tôi mới vỡ lẽ bao điều.
Những hình nhân và thuyền thế mạng trước giờ thả xuống biển
Câu ca ấy được cất lên từ một người mẹ trẻ-điều hiếm thấy ở những vùng quê khác. Bây giờ các bà mẹ trẻ thường hát nhạc pop, nhạc rock chứ mấy khi hát ru. Hát rằng : “Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Giọng ca buồn như một góc biển đảo lúc hoàng hôn. Nếu chỉ nghe 3 câu đầu, người ta dễ lầm tưởng rằng người đàn bà ấy đang ký thác một lời an ủi đến những người đàn ông xấu số đang đánh cá ngoài quần đảo Hoàng Sa chẳng may bị tử nạn. Nhưng nghe đến câu thứ 4, ý nghĩa của bài ca đã khác đi rồi. “Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Tôi định thắc mắc về câu hát này thì anh Nguyễn Đăng Vũ, Chủ tịch Hội nhà báo Quảng Ngãi vỗ vào vai : “Im lặng! Sẽ được nghe tiếp hàng chục câu như thế!”. Thoáng thấy chúng tôi, người mẹ trẻ ngừng hát. Nguyễn Đăng Vũ từng bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ với đề tài văn hóa miền biển nên anh không lạ gì các bài hát này. Và anh đã vô tình thành cái “phao” để tôi bám víu nhằm lý giải ngọn nguồn của bài ca.
NƠI XUẤT PHÁT CỦA ĐỘI HOÀNG SA
Đảo Lý Sơn nhìn từ đỉnh núi Thới Lới
Trong các sách cổ như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Hoàng Việt dư địa chí của Phan Huy Chú hoặc Đại Nam nhất thống chí… đều viết khá rõ về đội quân làm nhiệm vụ canh giữ vùng lãnh hải ở phía nam này. Lúc làm Hiệp trấn Thuận Hóa (1776), Lê Quý Đôn đề cập đến đội Hoàng Sa như sau: “Trước Họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu tư mà ra biển, 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy (…) Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo đến thành Phú Xuân để nộp (các sản vật lấy được từ Hoàng Sa), cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm rồi lĩnh bằng trở về”. “Lĩnh bằng” ở đây có thể hiểu như là “huân, huy chương” hoặc “giấy chứng nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự” như ngày nay. Ngay từ lúc trấn nhậm phương Nam, Chúa Nguyễn đã ý thức rằng, Hoàng Sa không chỉ là nơi có nhiều loại báu vật mà còn là cửa ngõ có tính chiến lược để trấn giữ phần đất liền. Do Hoàng Sa là hòn đảo quá khắc nghiệt nên con người chỉ có thể ở được vào những tháng mùa hè. Vì vậy, hàng năm, cứ sau Tết âm lịch, những trai tráng khoẻ nhất trong vùng Sa Kỳ (sau này chủ yếu là dân đảo Lý Sơn khi hòn đảo này tách thành 2 xã riêng biệt dưới thời Gia Long), lại lên đường ra Hoàng Sa. Ơ Ûcửa biển Sa Kỳ cũng như hai làng An Vĩnh, An Hải trên đảo Lý Sơn còn lưu giữ nhiều di tích liên quan đến những cuộc ra đi của đội Hoàng Sa cách đây đã trên 300 năm. Một Vườn Đồn-nơi đội Hoàng Sa đóng doanh trại, một miếu Hoàng Sa rồi đình làng An Vĩnh (Tịnh Kỳ)-những nơi mà đội quân làm lễ tế thần trước khi lên đường vẫn còn đó dấu vết của một thời. Đó là các di tích trong đất liền, riêng trên đảo Lý Sơn, các dấu tích về đội quân này vẫn còn khá đậm đặc ở hầu khắp xã An Vĩnh: Âm linh tự-nơi có đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong, các miếu thờ một số cai đội từng dẫn quân ra Hoàng Sa, rồi khu mộ gió-nơi người dân trên đảo xây các ngôi mộ giả để tưởng nhớ những người lính “một đi không trở lại”. Sở dĩ các chúa Nguyễn trước đây và sau này là nhà Nguyễn chọn Sa Kỳ rồi đảo Lý Sơn làm nơi xuất phát của đội “thuỷ quân” này có lẽ đây là nơi ra Hoàng Sa (sau này có thêm Trường Sa) được thuận lợi hơn cả. Trai tráng của vùng đất này lại là những tay từng trải sóng gió, có kinh nghiệm trận mạc. Họ đã ra đi, nhiều người trong số ấy đã không trở lại. Lưu giữ hình ảnh của các cuộc ra đi với chiều dài suốt mấy trăm năm ấy không chỉ là các di tích còn lại như đã nói mà người dân trên đảo đã tạc vào lòng mình hình bóng của những chàng “Kinh Kha” qua hàng loạt các nghi lễ cùng những bài ca. Những nghi lễ ấy, những bài ca ấy, mỗi khi cất lên, người ta thấy cả một sự hy sinh lớn lao của những người lính đã xả thân mình cho bờ cõi của Tổ quốc được bình yên trọn vẹn. Cho đến nay, chưa có một sử sách nào xác định rõ ngày tháng thành lập của đội quân này, chỉ biết rằng, từ khi biên giới của nước ta mở về vùng đất phương nam thì cũng là lúc đội Hoàng Sa được thành lập. Đội quân này đã tồn tại xuyên suốt cuộc hành trình mở đất và giữ nước của cha ông từ thời Chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn và có lẽ chấm dứt khi thực dân Pháp xâm lược nước ta.
THÁNG HAI KHAO LỄ THẾ LÍNH HOÀNG SA
Cứ vào khoảng nửa cuối tháng 2 âm lịch hàng năm, là lúc các đợt gió mùa đông bắc bắt đầu thưa dần trên biển Đông, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tiến hành các nghi lễ, gọi là “lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” hoặc “tế lính Hoàng Sa”. Nếu là “tế lính” thì buổi lễ chỉ có phần “tế”. Đây là sự tưởng vọng của con cháu đối với các thế hệ cha ông trong dòng tộc đã hy sinh ngoài đảo Hoàng Sa (sau này có thêm Trường Sa trong “Đội Bắc Hải) trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Còn “thế lính” thì mang tính quy mô hơn. Lễ diễn ra trong 3 ngày, có mời cả thầy pháp về điều hành buổi lễ. Những hình nhân thế mạng làm bằng rơm hoặc bột gạo, những chiếc thuyền tượng trưng được kết bằng bè chuối được thả xuống biển. Bao nhiêu thuyền cùng số lính ra đi là bấy nhiêu thuyền giấy và hình nhân thế mạng. Ông Nguyễn Tịnh ở thôn Đông-An Vĩnh có 5 đời trong họ tộc làm nghề thầy pháp, lý giải về các vật “thế lính” cùng hành trang của người lính khi đi Hoàng Sa như sau : “Thời cha ông mình đi Hoàng Sa-Trường Sa bằng thuyền chèo hoặc dùng buồm nên chuyện chết giữa biển vẫn thường xảy ra. Hành trang của mỗi người lính (thường là con thứ, con cả không phải đi lính) mang theo, ngoài lương thảo đủ ăn trong 6 tháng còn có một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi mây cùng chiếc thẻ bài có ghi tên tuổi, quê quán. Những vật tuỳ thân này dùng để bó xác những người lính chẳng may chết giữa biển. Họ hy vọng, xác của những người lính xấu số ấy dạt vào bờ thì còn biết danh tính và quê quán.
Mộ của Phạm Hữu Nhật - chánh Đội trưởng thủy quân Hoàng Sa - Ảnh: T.Đ
Chính vì chuyện chết sống quá tơ tóc như vậy nên những người ở lại mới “bày” ra việc “thế lính” bằng các con thuyền giấy và những hình nhân này. Thầy pháp có nhiệm vụ “yểm” vào đó. Những người lính ra đi sẽ thanh thản hơn vì nghĩ rằng thuyền mình, con người mình đã được thế mạng. Cũng là biện pháp tâm lý thế thôi, chứ có mấy người quay trở lại”. Những bài văn tế khá não ruột vẫn được cử hành trong các buổi lễ “tế lính”, nghe đến tái lòng. Khu mộ gió hiện vẫn còn trên đảo Lý Sơn đã nói với người đời sau rằng, những người lính đi Hoàng Sa-Trường Sa ngày trước vẫn còn hiện hữu trong đời sống của cả cộng đồng trên đất đảo. Lý Sơn đất chật người đông, thế mà người dân vẫn dành riêng một khu mộ gió (không có xác người ở dưới) cho những người lính thuộc đội Hoàng Sa, đủ biết sự tưởng vọng ấy thiêng liêng biết nhường nào! Những cái tên cai đội như Phạm Hữu Nhật, Võ Văn Khiết, Nguyễn Quang Tám-có người bỏ mạng ngoài đảo Hoàng Sa, có người may mắn trở lại- đã trở thành các “tượng đài” của người dân trên đảo Lý Sơn. Những chức tước, phẩm hàm mà triều đình ban tặng từng được con cháu trong tộc họ gìn giữ và cũng đã bị thất lạc theo thời gian. Nhưng tên tuổi của họ cùng danh tiếng của đội quân được mệnh danh là “hùng binh Hoàng Sa” thì được người dân trên đảo ký gửi vào những bài ca được lưu truyền hết đời này sang đời khác. Bởi chính những bậc tiền hiền ấy đã đặt những cột mốc đầu tiên, khẳng định chủ quyền của nước ta từ 3-400 năm trước. Họ đã hóa thân thành bài ca và những cột mốc biên cương từ thuở nào rồi.
TRẦN ĐĂNG