Chỉ có 15 con người bám trụ nơi vùng núi heo hút lập trang trại. “Có phước làm quan, có gan làm giàu”, vì vậy họ đến chốn rừng núi âm u này khai hoang, người nào ít nhất cũng có 2 ha đất trồng mía nuôi bò. 10 năm trôi qua, họ vẫn bám trụ nơi này để mong được đổi đời.
QUYẾT CHÍ LÊN RỪNG
Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, cây mía lên ngôi, không có loại cây trồng nào sánh kịp. Ở miền quê, ai có đất nhiều trồng mía mới mau giàu. Vùng 13, xã An Nghiệp (huyện Tuy An) là một vùng rừng núi rộng lớn và tương đối bằng phẳng. Nhiều người thấy vậy quyết chí làm giàu, vào đây khai hoang trồng mía lập nên trang trại. Thấy đất rộng,tốt, ai cũng... ham, ra sức khai hoang.
Bà Nga bên đàn bò chăn thả ở vùng đất đồi thuộc vùng 13, xã An Nghiệp, huyện Tuy An - Ảnh: M.H.NAM
Ông Nguyễn Văn Mai, quê ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) kể, cách đây 10 năm, nghe nói nhiều người trồng mía ở Vùng 13 này “trúng” lắm, sau một đêm “bàn qua tán lại” với vợ, sáng ra ông mang 5 kg gạo trên vai, dắt theo con nghé cái, vòng theo đường rừng đến đây lập nghiệp. Ông Mai đang sở hữu trang trại rộng 3 ha, chủ yếu trồng mía, chỗ nào đất xấu thì trồng cây bạch đàn, keo lá tràm, đào lộn hột. Còn trang trại của ông Thọ quê ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) nằm đầu đường. “Nhà tôi ruộng ít thiệt nhưng làm cũng đủ ăn. Hồi còn trai tôi đã vào nơi đây nhử chim cu, thấy đất rộng nên đã “tính sẵn” sẽ đến làm ăn. Khi cây mía lên ngôi, tôi vào đây dựng trại ở luôn tới giờ....”- ông Thọ tâm sự. Chị Bùi Thị Quý quê ở xã An Dân (huyện Tuy An), một chủ trang trại ở đây cho biết: “Ở quê tôi ruộng đất ít lắm, thời gian nhàn rỗi nhiều, con mỗi ngày mỗi lớn đang ăn học, tôi quyết tâm vào đây lập nghiệp”. Lúc mới vào thấy đất rộng, chị ham làm đến mức cuốc đất luôn trưa. Bây giờ trang trại chị rộng cỡ 3 ha. Ban đầu, chị mua con bò gầy vốn, giờ lên đến 9 con.
Sống ở đây, những con người khao khát đổi đời đã quen với sự đơn độc. Người ở trại đầu làng với người có trại ở giữa làng, cả tháng trời có khi không thấy mặt nhau, đừng nói chi người ở đầu người ở cuối làng, vì các trại này cách nhau 2 cây số. Vả lại, ai cũng cặm cụi lo làm công việc của mình. Hết mùa làm cỏ bón phân thì lo chăn bò, đâu có thời gian rảnh. Chỉ những người ở trang trại cạnh nhau thỉnh thoảng mới thấy mặt. Gặp nhau hỏi thăm tình hình mía mật, rồi thôi. Ông Năm Xuân, một người đã bám trụ ở chốn hoang vu này, xởi lởi: “Tiếng là ở trong này, tôi đây với chị Nga ở trang trại đầu dưới kia cả năm đâu có gặp mặt. Công việc mạnh ai nấy làm, một mình lo loay hoay trong trang trại rộng lớn có khi cả ngày không nghe một tiếng người. Mùa ép mía mới nghe tiếng máy nổ xình xịch”.
TƯỞNG DỄ GIÀU...
Đêm xuống. Trong trại, ngọn đèn dầu leo lét phát ra ánh sáng tờ mờ. Những người ở đây ăn một mình đêm ngủ một mình trong trại, lo lỡ trúng gió không biết kêu ai nên lúc nào cũng “thủ” chai dầu gió trên đầu giường. Còn thức ăn “thường trực” chỉ có nước mắm và cá mặn. Có khách, ông Mai đổ nồi nước bắc lên bếp nấu canh chua lá dang. Nước sôi, ông nhỏm người đứng dậy vói tay rút trong mái ruôi gói bột ngọt, tiêu, nêm xong gói lại nhét vô chỗ đó. Ông nói tiếp: “Nhiều lúc tôi nấu bữa trưa, ăn luôn bữa chiều. Có một mình ăn mấy hột, nấu nướng nhiều mất công. Lâu lâu vợ con mua ít thịt heo đem vô ăn một bữa, miệng láng mỡ, rồi thôi. Mấy năm đầu vào đây ai cũng dính căn bệnh sốt rét, da xanh như tàu lá. Có người sốt rét quá, bỏ làng mang “mền rách” về nhà”.
Trại ở đây chỉ kê đủ cái sạp nằm ngủ, cuối sạp để bộ bình chén, ăn cơm xong ngồi bó gối trên sạp rót nước trà uống.
Ông Xuân tâm sự: “Nói thiệt với chú chớ ai vào đây muộn lắm cũng ráng “moi” cho được 1 ha đất trồng mía, nuôi bò”. Hồi ở nhà ông Xuân nghĩ, vô đây làm 5-7 năm sắm được đôi ba cây vàng là “xuống núi”, chớ ở đây rừng núi hoang vu, khổ quá ai chịu nổi. Nhưng rồi giá cả thị trường không biến ước mơ của họ thành hiện thực. Như ông Mai, năm đầu vô trồng mía, đến mùa ép 3 phuy đường trầm (loại 300kg) bán được 900.000 đồng/phuy. Năm thứ hai ráng cuốc đất trồng mía ép được 6 phuy, bán 1 triệu đồng/ phuy. Ông thấy vậy nên ham, lấy vốn lẫn lời thuê công cán cuốc đất trồng mía, mua phân bón cho mía tốt. Ai dè năm đó mía rớt giá, tính ra ép không đủ trả tiền công đành thả bò vô ăn, rồi còn tốn công chặt gốc giải phóng đất…
Chăn nuôi bò cũng chẳng khá hơn. Lúc mới vào gầy giống nuôi 3 năm sinh sản ra 2 con thì bò giá cao 7-8 triệu đồng/ con. Thấy vậy ai cũng ráng nuôi nhiều bán luôn thể. Có người về vay vốn ngân hàng mua thêm bò thả nuôi. 2-3 năm sau, bò hạ giá thê thảm. Mấy năm gần đây bò bị bệnh lở mồm long móng, chết dần chết mòn. Bà Nguyễn Thị Nga nói: “Lúc bỏ tiền ra mua gần 10 triệu đồng một con nghé lai, bây giờ nuôi lớn bán chắc gì được 3 triệu”. Đàn bò của bà ngày trước 8 con, người buôn trả trụm 50 triệu đồng bà không bán, giờ đàn bò lên đến 20 con, nếu bán không tới 50 triệu đồng...
Đã bỏ ra không biết bao công sức cho trang trại, thấy lỗ bỏ về thì ai cũng tiếc. Hiện tại mô hình trồng cây lấy gỗ đem lại hiệu quả cao nên ai cũng ráng nán lại một vài năm nữa đầu tư vào xem sao. Cứ như vậy, họ chấp nhận ở lại nơi hoang vu mơ một ngày đổi đời.
MẠNH HOÀI