Thứ Tư, 02/10/2024 13:35 CH
Lính trẻ ở Trường Sa
Thứ Bảy, 21/04/2007 13:29 CH

Sinh ra và lớn lên ở những vùng, miền khác nhau của đất nước, người quê Thanh Hoá, người ở Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh... nhưng những người lính đảo Trường Sa đều xem đảo là nhà, biển  cả là quê hương.

 

070421-muoi-gio.jpg

Lính trẻ Trường Sa đón nhận niềm vui đến từ đất liền - Ảnh: XUÂN HIẾU

 

Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn có cái tên rất… biển đảo: Nguyễn Đại Dương. Quê anh ở vùng Kinh Bắc, đi bộ đội từ lúc mới 18 tuổi rồi bén duyên với biển đảo cho đến bây giờ. Người đảo trưởng có nước da đen chắc, 40 tuổi mà trông còn rất… thanh niên, cho biết anh luôn coi đảo là nhà, biển cả là quê hương. Theo lối của những người “ăn sóng nói gió”, thượng tá Nguyễn Đại Dương bộc bạch, đặc sệt giọng Bắc: “Cán bộ chiến sĩ Trường Sa là một đại gia đình, gắn bó với nhau rất thân thiết. Tuy sinh ra và lớn lên ở những vùng, miền khác nhau của đất nước, nhưng chúng tôi có chung một ý chí, một nhiệm vụ là bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dù khó khăn gian khổ đến đâu chúng tôi cũng cố gắng vượt qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

 

Từ 2 đến 10/4, đoàn công tác của Bộ Quốc phòng do Trung tướng Bùi Văn Huấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dẫn đầu đã đến thăm bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), đồng thời kiểm tra các mặt công tác trên đảo. Cùng đi với đoàn có nhiều đại biểu trong và ngoài quân đội, đại diện các ban ngành của Trung ương và địa phương. Phóng viên Báo Phú Yên cũng tham gia chuyến đi này.

Trường Sa chỉ có hai mùa là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, là mùa sóng yên biển lặng. Còn mùa  mưa từ tháng năm đến tháng giêng năm sau, lượng mưa trung bình hàng năm tới 2.575mm, có ngày đo được 198mm. Trong năm  có trên 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Riêng từ tháng 11 năm trước đến tháng 1, tháng 2 năm sau, thời gian của gió mùa Đông Bắc, mỗi tháng có 12 đến 20 ngày gió mạnh và cực mạnh. Nhưng dù là mùa mưa hay mùa khô, nhiệt độ ở Trường Sa lúc thấp nhất  cũng không bao giờ xuống dưới 21 độ. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt khác thường như vậy, nhưng lính đảo Trường Sa vẫn sừng sững như cây phong ba-loài cây mọc tự nhiên trên đảo- vẫn ngày đêm chắc tay súng giữ yên vùng trời, vùng biển đảo thân thương của Tổ quốc. Để thích nghi với môi trường, ngoài nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, các anh thường xuyên rèn luyện thể lực bằng nhiều cách, như tập bơi, tập lặn,  chơi bóng chuyền… Những đảo chìm không có đất, có các anh “phát minh” các môn thể thao mới, như chạy lên xuống cầu thang, bóng bàn mi ni (bàn chỉ bằng 1/2 bàn theo đúng quy cách)…Chiến sĩ trẻ, trung sĩ Nguyễn Văn Cương (quê Hải Phòng, đảo Trường Sa Lớn) tâm sự: Em nhập ngũ năm 2006, ra Trường Sa đã gần một năm nay. Anh em sống với nhau rất chân tình, đoàn kết và yêu thương nhau.  Ở đây vui thì cùng vui, còn nỗi buồn của người này luôn được người khác san sẻ. Vì vậy không có khó khăn nào là chúng em không thể vượt qua. Em tự hào là người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam được làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa”.

 

Trong 8 đảo lớn nhỏ ở Trường Sa mà tôi được đến thăm trong hải trình gần 10 ngày đêm, vượt trên 1.000 hải lý, có 4 đảo chìm (Đá Lát, Đá Tây, Thuyền Chài, Tốc Tan) và 4 đảo nổi (Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Phan Vinh và An Bang). Ở những đảo nổi, nhìn từ xa giống như một viên ngọc xanh nổi lên giữa đại dương mênh mông, vì có rất nhiều cây xanh. Ngoài những loài sinh trưởng tự nhiên phổ biến, có sức sống mãnh liệt trên đảo như phong ba, bão táp, bàng vuông, xương rồng, rau muống biển và một số loài cỏ sắc cạnh, lính đảo còn mang từ đất liền ra nhiều loại cây khác để trồng như dừa, phi lao, bàng, nhàu… Riêng cây bàng trái vuông, ngoài tạo bóng mát, lá của nó còn dùng để nấu bánh chưng, cho hương vị rất đặc biệt, rất riêng của Trường Sa. Trái của nó tuy không ăn được, nhưng là món quà lưu niệm quý giá mà không một ai ra đảo không muốn mang về. “Cũng như nhiều đảo khác trong quần đảo Trường Sa, trước kia đảo Phan Vinh rất trơ trọi. Nhưng từ khi chúng tôi có giao ước “mỗi người khi ra quân hoặc chuyển công tác đi nơi khác phải trồng và để lại ít nhất một cây”, nhờ vậy, trên đảo hiện có trên 120 cây xanh các loại, trong đó có hai cây dừa đã cho trái”- Thiếu tá Phạm Văn Hiến, đảo trưởng đảo Phan Vinh tâm sự.

 

 Ở những đảo chìm, lúc thuỷ triều lên cao chỉ còn đơn độc ngôi nhà nổi trên mặt biển, tuy không trồng được cây xanh, nhưng rau xanh thì không thiếu, như rau muống, cải xanh, cải trắng, mồng tơi, đay, dền, bạc hà… Rau được lính đảo trồng trên những khay đất được mang ra từ đất liền, xung quanh che chắn cẩn thận để ngăn mặn. Vì vậy, rau rất quý, nhưng quý hơn rau là ớt. Chuẩn uý  Phạm Văn Công (quê Thanh Hoá, đảo Tốc Tan) cho biết: “Ớt rất khó trồng trên đảo. Nếu không chịu khó chăm chút thường xuyên mỗi giờ, lá của nó sẽ bị gió biển làm cho quăn lại rồi lụi dần. Trồng hoa cũng vậy.  Hoa mười giờ và hoa phong lan chịu sống ở đảo. Song để nó sống và ra hoa tụi em phải chăm sóc chư chăm con nhỏ”. Ngoài ra, lính đảo còn nuôi cả heo, chó, gà, trồng bầu, bí, mướp…Riêng ở đảo Tốc Tan, các chiến sĩ  trẻ còn nuôi cả chim cu. Trung sĩ Nguyễn Văn Tiến, người đã gắn bó với Trường Sa qua ba cái Tết tâm sự: “Vui lắm anh ạ, giữa mênh mông biển cả không biết đâu là bờ này, mỗi lần nghe tiếng chim cu gáy em thấy như đang được ở đất liền”. Tiến kể, có một lần trong lúc cho chim  ăn, do sơ ý một con sổng ra ngoài bay mất. Sợ lẻ bạn, anh em quyết định thả luôn con kia. Nhưng thật không ngờ, vài ngày sau cả hai lại tìm đường về đảo. “ Sống ở đảo chịu đựng gian khổ, sóng gió với tụi em quen rồi, nên chúng không nỡ bỏ đi !”.

 

Đến thăm các đảo tôi còn được nghe lính hát. Họ hát từ chính trái tim rực lửa của tuổi thanh xuân...

 

XUÂN HIẾU

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Truyền nhân Hùng Kê quyền
Thứ Sáu, 20/04/2007 15:50 CH
Dưới ngọn Chư Prông
Thứ Ba, 17/04/2007 14:00 CH
Khôi phục địa đạo Gò Thì Thùng
Thứ Bảy, 14/04/2007 14:05 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek