Đã mười ngày nay, ngày nào anh Đặng Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã An Xuân (huyện Tuy An) cũng về nhà với một bộ quần áo đỏ quạch đất. Ai hỏi thì anh tươi cười chỉ về hướng Gò Thì Thùng: Do mê chui vào địa đạo để xem anh em thanh niên nạo vét đất, phục dựng địa đạo một thời đánh Mỹ mà áo quần, mặt mũi cứ lấm lem như những ngày xưa đi chiến trường.
Lối vào địa đạo Gò Thì Thùng đã được khôi phục - Ảnh: D.T.X
BÊN TRONG ĐỊA ĐẠO
Đứng trên cửa địa đạo còn đỏ tươi màu đất, nơi ngày trước là một hố bom sâu hoắm, Bí thư Đảng uỷ xã Nguyễn Đình Thành hỏi: “Có ai muốn xuống thử không?”. Chỉ đợi có thế, mỗi người một chiếc đèn pin háo hức xuống địa đạo. Anh
Đắp đất tại cửa ra vào
Nhờ đó mà trong địa đạo vẫn thông thoáng, có đủ không khí để thở. Cứ như vậy, địa đạo chạy xung quanh Gò Thì Thùng như một bát quái trận đồ nên kẻ địch không thể phát hiện được, và dù có phát hiện được cũng không dám chui xuống. Từ cửa địa đạo đi vào khoảng 30m có một ngã ba. Từ đây, một ngách rẽ về hướng tây đi ra rừng, một ngách đi về hướng bắc, vào xóm dân ở vùng 2. Những năm chiến tranh, Bộ chỉ huy trung đoàn quân chủ lực Trần Hưng Đạo đóng ở nhà ông Lê Hữu Đức ở suối Bướm, vùng 2, nên nhiều người khẳng định chắc chắn địa đạo thế nào cũng nối đến đấy. Tuy nhiên, đi khoảng 150m thì gặp quá nhiều đoạn sạt lở từ các giếng cũ chưa khai thông được, có đoạn phải nằm xuống, trườn người qua, nên cả đoàn phải quay lại. Đến ngã ba đã gặp lúc đầu, tò mò, chúng tôi lại đi tiếp ngách ra rừng. Và cũng chỉ đi được khoảng 50 mét thì bị tắc. Tại đây, những người khôi phục đã đào một miệng giếng để đưa đất lên. Chúng tôi tựa lưng vào thành giếng để… thở. Nhìn lên, bên trên là một vòm trời tròn tròn, màu xanh xanh dễ chịu. Mệt. Nhưng “cảm giác” thì thật tuyệt vời! Theo miệng giếng, chúng tôi leo ra khỏi địa đạo. Thật bất ngờ, xung quanh chúng tôi là một rừng hoa sim. Mùa này hoa sim nở tím cả Gò Thì Thùng. Tôi đã hai lần xuống địa đạo Củ Chi (TP HCM), đã từng nghiệm ra “nơi hầm tối là nơi sáng nhất, nơi con nhìn ra sức mạnh Việt
Bí thư Xã đoàn Phạm Văn Ánh cũng vừa chui từ địa đạo lên, áo và mũ lấm đầy đất đỏ. Phía sau anh, bốn năm đoàn viên trong chi đoàn dân quân xã cứ từng cặp một, một người lui một người tới, lom khom chuyển từng thúng đất moi sâu từ trong địa đạo ra rồi đổ dồn vào bao tải chất quanh cửa. Vừa quệt mồ hôi trên trán, vừa phẩy phẩy chiếc mũ vải cho mát, anh Ánh không giấu được niềm hưng phấn: Từ đầu Tháng thanh niên đến nay, đoàn viên thanh niên An Xuân làm được nhiều việc có ích như làm vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ những nơi công cộng và sửa hơn 1500m đường ở các thôn 1, 2, 3. Nhưng ý nghĩa nhất là công trình khôi phục địa đạo Gò Thì Thùng này. Hàng ngày, không thể ra quân đồng loạt, anh em cử 6 người luân phiên vào trong địa đạo tìm theo vách cũ nạo vét đất ở những chỗ bị sạt lở rồi chuyển ra ngoài. Hôm nay đã là ngày thứ mười làm liên tục từ sáng đến chiều, và một đoạn địa đạo dài hơn 200 mét đã được khai thông. Bà con trong xã biết chuyện, rủ nhau đến xem và động viên anh em. Ai cũng tấm tắc khen, rồi ai cũng chui xuống địa đạo để “thử xem sao”.
HUYỀN THOẠI VỀ NHỮNG ĐỘI QUÂN “XUẤT QUỶ NHẬP THẦN”
Đã 43 năm, kể từ ngày 10/5/1964 - ngày những nhát cuốc đầu tiên của đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên bổ vào lòng đất đỏ trên Gò Thì Thùng để hình thành nên một huyền thoại về những đoàn quân xuất quỷ nhập thần, gây cho quân thù kinh hồn bạt vía. Ông Tư Đờn ở vùng 2 An Xuân nhớ lại, hồi ấy “trên” về giao cho dân An Xuân thực hiện một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và tuyệt đối bí mật là… đào hầm. Cứ bốn giờ chiều, mọi người già, trẻ, gái, trai lại mang theo cuốc, xẻng, xà beng, ky đựng đất, đèn lồng… đi đào địa đạo. Lớp người đào bên trên không hề biết rằng lúc ấy, trong lòng đất cũng có một đội quân khác đang nối thông các giếng này lại với nhau. Cứ cách hai giếng lại có một cửa hầm được nguỵ trang khéo léo, vừa để quan sát địch, vừa dễ dàng xuất kích đánh địch mà chúng không thể nào biết được quân ta từ đâu ra. Người ta đào suốt hai năm, cả khu vực có đến 486 cái giếng, nối địa đạo dài ra đến 1948 mét, quanh co trong lòng đất Gò Thì Thùng. Đây là chỗ dựa vững chắc cho trung đoàn bộ đội chủ lực Trần Hưng Đạo lập nên những chiến công thần thánh và bất ngờ.
Ở một ngách có giếng bên trong địa đạo - Ảnh: D.T.X
Sáng 25/6/1966, sau khi bị thất bại ở An Nghiệp, liên quân gồm lính sư đoàn 101 dù của Mỹ, lính thuỷ quân lục chiến “Rồng xanh” của Đại Hàn và trung đoàn 47 ngụy ồ ạt đổ quân xuống các vùng 2, 4, 5 và Gò Thì Thùng, Gò Dũng, Gò Sống Trâu, Gò Sân Cu… ở An Xuân. Cuộc chiến diễn ra ác liệt suốt hai ngày đêm. Bộ đội chủ lực và dân quân du kích tựa vào địa đạo và hệ thống giao thông hào chằng chịt trên mặt đất, len lỏi giữa những trảng hoa sim và lùm bụi rồi bất thần xuất kích, đánh cho quân địch không kịp trở tay. Hễ phát hiện địch ở hướng nào là bộ đội “thò” ra đánh, rồi “biến” mất. Máy bay trực thăng đổ quân cứ nhằm cửa giếng, thường là chỗ bằng phẳng, mà đậu, là điểm ngắm lý tưởng cho các tay súng bắn tỉa. Có 9 chiếc trực thăng đã dính đạn. Chúng không phát hiện được quân ta ở đâu, nhưng cứ bị vây đánh tứ phía nên hoảng loạn, cho rằng VC là… đội quân từ trên trời xuống!
XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC TÔN VINH
An Xuân có năm “đặc sản” mà các nơi khác khó tìm là: khí hậu mát mẻ quanh năm, cây chè phù hợp với đất đỏ bazan, quặng diatomit với trữ lượng lớn, hội đua ngựa dân gian duy nhất trong cả nước vào mùng chín tháng Giêng hàng năm, và địa đạo Gò Thì Thùng vang dội lịch sử. Nhưng An Xuân chưa thể bật lên được, chưa khai thác hết các tiềm năng này nếu đường sá vẫn cứ bụi đỏ mịt mù.
Câu chuyện lại trở về với địa đạo. Làm sao vận dụng tốt nhất giá trị lịch sử của những chiến công của An Xuân ngày hôm qua vào việc phát triển kinh tế hôm nay? Bí thư Xã đoàn Phạm Văn Ánh nói: Lúc đầu, chúng tôi chỉ có ý định khơi cái cửa địa đạo để có chỗ bà con đến tham quan, chụp ảnh thôi. Nhưng khi đào xuống, thấy thông suốt nên làm... tới luôn. Năm nay tạm nghỉ đã. Năm tới, Xã đoàn sẽ đào cho thông toàn bộ địa đạo luôn !
Anh Ninh, Chủ tịch HĐND xã thì phác ra viễn cảnh đưa địa đạo vào khai thác du lịch, sẽ cử người đi học cách thuyết minh, hướng dẫn du khách thăm địa đạo, học cách làm các sản phẩm lưu niệm để bán cho du khách, cho du khách thuê áo, mũ, đèn pin… để đi vào địa đạo.
Ai cũng chờ một ngày gần đây địa đạo sẽ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày ấy, nói như đồng chí Lê Kim Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, là sẽ tổ chức một hội đua ngựa…đột xuất, lớn nhất từ trước đến nay, và bà con khắp nơi sẽ được dịp tham quan địa đạo này.
DƯƠNG THANH XUÂN