“Em muốn sống bên anh trọn đời/ Như núi Chư Prông đứng bên mặt trời”. Hẳn ai cũng nhiều lần nghe Siu Black hát ca khúc của Nguyễn Cường, nhưng chắc ít người biết rằng Chư Prông là ngọn núi nằm trong vùng giáp ranh Phú Yên - Gia Lai và ngày trước người Phú Yên từng sinh sống trên ngọn núi này. Chúng tôi đi về phía mặt trời và đến vùng đất dưới chân ngọn Chư Prông.
Buôn Ma Đao nhìn từ đỉnh đồi
NGỌN NÚI THIẾT THÂN
Cà Lúi là một trong hai xã xa nhất về phía tây của huyện Sơn Hòa, còn buôn Ma Đao là điểm cực tây của Cà Lúi. Con đường đất đỏ mà Chương trình 135 xây dựng nối Trà Kê với Cà Lúi dẫn đến Ma Đao, đụng với sông Cà Lúi là dừng lại. Chỉ cần qua sông là đến Gia Lai. Nắng trưa chan chát, nhưng chỉ cần nhìn dòng Cà Lúi đã thấy mát. Mùa này, nước sông trong xanh, hiền hòa trôi. Ngặt nỗi, ở nơi núi rừng hoang vắng này không tìm đâu ra phương tiện qua sông để đến với ngọn núi “đứng bên mặt trời”. Rẫy của trưởng thôn Ma Đao, ông Ma Bren, nằm “giáp mí” với sông Cà Lúi. Chúng tôi ngồi dưới bóng mát của một cây kơnia trong rẫy, Ma Bren chỉ tay về phía tây, nói: “Muốn đến Chư Prông phải vượt qua dãy Chư Bkhuân trước mặt kia, lội qua các con suối Krông Pông, Bia Rá, Nát Lanh, qua sông Cà Lúi, rồi đi thêm cỡ một cây số đường rừng nữa. Ngày trước, ven sông Cà Lúi này là nơi mà lũ làng buôn Ma Đao ở, chỉ sau ngày đất nước hòa bình mới dời làng xuống ở gần với buôn Ma Lúa. Ngày đó, chúng tôi thường lên núi Chư Prông, một trong những ngọn núi cao nhất trong vùng để săn bắn”. Còn già làng Oi Roan ở buôn Ma Lúa, năm nay đã 87 tuổi, nhớ lại: “Thời kháng chiến, cả hai buôn Ma Lúa, Ma Đao và nhiều vùng khác của Cà Lúi bị địch lập ấp chiến lược. Bà con trong buôn của tụi mình cũng đã từng vượt núi vượt sông, lên núi Chư Prông, núi Cà Te sinh sống, nuôi dưỡng cán bộ cho đến ngày thống nhất đất nước”.
Theo lời Ma Bren, ngày trước từng có những người dân Cà Lúi đến núi Chư Prông phát rừng, làm rẫy và sinh sống, lập nên buôn Sáu Hộ ở đó. Hồi ấy, ai cũng nghĩ đó là ngọn núi của Phú Yên, nên nói là buôn Sáu Hộ nhưng cũng có đến hàng chục hộ qua đó để trồng bắp, trồng sắn. Sau này, khi ranh giới hai tỉnh được chỉ rõ thì người Phú Yên sống ở Chư Prông phải dời xuống xã Ea Chà rang. Chư Prông, ngọn núi đã đi vào âm nhạc đó bây giờ thuộc xã Ea Ré, huyện Krông-pa của Gia Lai.
Đã bước qua tuổi năm mươi, Ma Bren không nhớ mình đã đến Chư Prông bao nhiêu lần, nhưng ông biết rõ trên ngọn núi này có những “đặc sản” gì. “Bằng lăng và ké là hai loại gỗ có rất nhiều ở Chư Prông, heo rừng và cả bò tót cũng nhiều, nhưng bây giờ không còn bao nhiêu vì bị lâm tặc phá dữ quá. Song, ở đó bây giờ còn một thứ không phải nơi nào cũng có được, đó là lan rừng tai trâu. Vào cuối mùa mưa, lan tai trâu nở thơm lừng cả Chư Prông. Vài năm gần đây, cỡ giữa tháng Chạp, lúc rảnh rỗi, tụi mình thường lên Chư Prông để tìm loài lan này. Nhiều người ở dưới xuôi cũng thích lắm, họ còn muốn mua lại lan tai trâu của bọn mình lấy từ Chư Prông về để treo trong nhà dịp Tết”.
DƯỚI CHÂN NÚI
Mí Luốt bên bó lúa trĩu hạt trên cánh đồng Krông Pông
Dòng Cà Lúi lượn quanh qua dãy Chư Bkhuân, qua núi Chư Prông không bao giờ cạn nước. Vậy mà hàng chục năm qua, dải đất “bên hông” của nó là Ma Đao vẫn khô khát quanh năm. Già làng Rơ Chăm Hung kể: “Những thế hệ trước cũng không biết phải làm sao để đưa được nước đến rẫy. Đất đai mênh mông vậy mà trồng cây gì cũng không sống lâu được vì không có nước tưới. Cái đói, cái nghèo cứ vây riết buôn làng, đến nỗi ông bà mình phải cắn răng dời buôn về vùng đất thấp hơn là Ma Lúa mong tìm một cuộc sống tốt hơn”.
Sau hơn 30 năm giải phóng, Cà Lúi vẫn là một xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ nhiều nữa mới có thể thoát nghèo, thì việc vùng đất xa nhất xã là Ma Đao gặp nhiều khó khăn cũng không có gì lạ. Thế nhưng, điều bất ngờ nhất đối với chúng tôi là cánh đồng lúa nước Krông Pông đang vào mùa gặt, lúa trĩu nặng hạt đến quặt cả thân. Hôm chúng tôi đến, cả gia đình của Ma Toa đang ra đồng cắt lúa. Mí Luốt, Ma Mi, Ksor Y Dinh... tay cầm câu liêm cắt lúa thành thục như những nông dân đồng bằng. Nâng niu bó lúa trên tay, mí Luốt không giấu được niềm vui: “Chưa bao giờ làm được lúa nhiều như bây giờ. Đám ruộng nho nhỏ này (khoảng nửa sào – NV) mà được 5 bao lúa”.
Đâu chỉ có nhà Ma Toa, nhiều nhà khác ở Ma Đao cũng đang có một vụ lúa đông xuân bội thu mà cả đời họ chưa từng thấy. Lần đầu tiên ở nơi đây, đồng bào Chăm H’roi mới biết được cách làm lúa nước. Đấy là nhờ dự án của Ban Dân tộc Phú Yên. Năm 2006, dự án tiến hành xây dựng một trạm bơm điện, quy hoạch một diện tích rộng đến 70ha. Cuối năm 2006, chính xác là ngày 19/12/2006, trạm bơm hoạt động. Dòng nước sông Cà Lúi lần đầu tiên “leo” được lên bờ qua hai ống bơm lớn, đi qua hệ thống kênh mương xi măng, vươn mình tràn về các chân ruộng được san ủi bằng phẳng cách đó hàng cây số, ngập dần vào từng thớ đất khô ải làm cho chúng tơi xốp ra. Cán bộ nông nghiệp ở tỉnh, ở huyện về hướng dẫn bà con cách làm đất, ủ giống, gieo sạ và chăm sóc lúa nước. Theo lời trưởng buôn Ma Bren, vụ đông xuân này cả buôn mới làm thử nghiệm có 10ha. “Lúa tốt thế này, trúng quá thế này thì nếu làm được hết diện tích đã được Nhà nước quy hoạch, buôn Ma Đao đâu lo lắng gì chuyện đói nữa!”. Ma Bren nói chưa hết lời thì Ma Mi đã tiếp theo: “Điều vui nhất là tụi mình bây giờ đã biết cách làm lúa nước. Những ngày lúa trổ, nước mát về, nhìn thấy bông lúa trĩu hạt là tụi mình mê mẩn, cứ muốn ở lại với lúa, không muốn về nhà”.
Trạm bơm điện được xây dựng sát bờ sông Cà Lúi. Hai nhân công được Phòng Dân tộc huyện Sơn Hòa thuê lên trực canh ở trạm bơm này để vừa lo bơm tưới, vừa giúp bà con làm quen dần với công tác thủy lợi. Anh Văn Long, một trong hai nhân công ở trạm bơm cho biết: “Trạm bơm chạy 24/24, chừng nào nước vào đủ các ruộng thì mới thôi. Suốt vụ vừa qua, ruộng lúa ở đồng Krông Pông không bao giờ “khát nước”. Và sắp tới, vụ hè thu trạm cũng hứa đảm bảo nước tưới cho bà con vì dòng Cà Lúi này đâu bao giờ khô cạn”.
Tôi đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống Ma Đao. Buôn làng với 51 hộ, hơn 250 nhân khẩu này đã có nhiều nhà xây, nhà ngói. Vài năm gần đây, Cà Lúi đã từng bước vượt khó khăn nhờ được đầu tư cơ sở hạ tầng và nhiều công trình dân sinh khá, nhờ vậy đời sống của người dân Ma Đao cũng tiến bộ dần lên. Phân trường mẫu giáo và phổ thông cơ sở Kpá Klơn mở đến tận buôn, chỉ học sinh cấp hai mới phải về trung tâm xã cách đó 5 cây số để học tại trường chính. Điện đã sáng trong nhà, rất nhiều hộ sử dụng chảo để bắt sóng tivi… trông còn hiện đại hơn cả miền xuôi. Ông Ma Ủy, Bí thư Đảng ủy xã Cà Lúi nhận xét: “Cánh đồng lúa nước Krông Pông rồi sẽ làm thay đổi Ma Đao hơn nữa. Đời sống của người Chăm H’roi dưới chân Chư Prông chắc chắn sẽ thay đổi nhiều nữa. Bà con vui một, chúng tôi vui mười bởi vùng khó khăn nhất của xã nay đã phát triển dần lên. Vấn đề bây giờ là phải sử dụng hết diện tích đã quy hoạch để trồng lúa nước và tìm cách nâng cao năng suất”.
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG