Thứ Tư, 02/10/2024 13:33 CH
Người giữ hồn cồng chiêng
Thứ Hai, 30/04/2007 07:00 SA

Già làng So Minh Thứ rít một hơi thuốc dài, rồi nói: “Mình nghĩ chuyện mình làm bình thường thôi, không có gì là to lớn như nhiều người nói. Những người lớn tuổi như mình không dạy tụi trẻ trong làng biết chơi cồng chiêng, biết giữ gìn văn hóa dân tộc thì còn ai dạy nữa... không còn ai hết. Những người già như mình rồi cũng nằm xuống bên ngọn núi Hòn Dù, Hòn Trung. Tụi trẻ lớn lên mà không biết cội nguồn, không biết văn hóa của dân tộc thì không được rồi”

 

GIỮ LẤY TIẾNG CỒNG CHIÊNG

 

070430-cong.jpg

Già làng So Minh Thứ đánh đàn goong cho cháu nghe - Ảnh: N.DUNG

70 tuổi, tóc bạc, da mồi nhưng trông ông So Minh Thứ ở buôn Hà Rai (Xuân Lãnh, Đồng Xuân) rất khỏe mạnh, linh hoạt. Mỗi khi nhắc đến đội cồng chiêng, đội múa xoan của Hà Rai, ông đặc biệt hứng khởi và nói rất “hăng”. Lúc ấy, vết hằn tuổi tác trong ông dường như biến mất! “Buôn làng không thể thiếu tiếng cồng chiêng - Ông nói: Không có cồng chiêng, lễ hội sẽ không vui, không tập trung được nhiều người. Từ thời cha chú của mình đã như vậy rồi. Bây giờ, tới lượt đời mình, đời con cháu mình cũng phải biết chơi, biết gìn giữ chớ!”.

 

Với người Chăm H’roi, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ để giải trí tiêu khiển, mà còn được xem như vật thiêng của buôn làng. Nó luôn có mặt trong các lễ mừng sức khỏe, mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả…. Âm thanh của cồng chiêng còn được xem như là tiếng nói của con người gửi đến thần linh, mang theo những ước mơ, khát vọng và kết nối bao thế hệ dân làng.  Vì thế, già làng Sô Minh Thứ bảo: “Không thể để lớp trẻ lớn lên mà không yêu quý tập tục, văn hóa của dân tộc”.  Nhiều năm nay, tiếng cồng chiêng của đồng bào Chăm H’roi ở Hà Rai không chỉ có người trong tỉnh, mà còn nhiều nơi trên mọi miền đất nước biết đến qua những liên hoan văn hóa các dân tộc cấp khu vực và toàn quốc. Người Chăm H’roi rất tự hào vì tiếng cồng chiêng của buôn làng mình không còn quẩn quanh bên những ngọn núi Hòn Bà, Hòn Dù mà đã bước ra “thế giới bên ngoài”. Nhiều người bảo, tiếng cồng chiêng Hà Rai vang xa được như vậy là nhờ những người như ông già Thứ. Bởi, ông không chỉ là người nghe được “tiếng nói” của cồng chiêng, có khả năng thẩm âm, biết “te” lại cồng chiêng mỗi khi một cái nào đó bị “lệch”, mà còn dạy cho đám thanh niên trong làng biết cách đánh cồng chiêng.

 

Mỗi lần đi trình diễn, một đội cồng chiêng bao giờ cũng gồm cồng ba, chiêng năm, hai trống đôi và hai lục lạc, xập xẽng. Năm chiếc chiêng chơi giai điệu, ba chiếc cồng chơi phần đệm, hai chiếc trống âm bổng, âm trầm như hỏi chuyện, đối đáp nhau. Chiêng đi giai điệu thong thả, nhịp nhàng, khoan thai. Cồng giữ phần nhịp, tiết tấu rộn ràng, sôi nổi hòa cùng với klenh klep (xập xẽng) và krênh nênh (lục lạc). Để biểu diễn hay, không thể thiếu người “đạo diễn” đầy kinh nghiệm như già làng So Minh Thứ. Từ khi còn rất nhỏ, ông đã được cha chú dạy cho cách chơi cồng chiêng và bây giờ “mình phải có trách nhiệm truyền lại những điều này cho lớp trẻ trong làng. Bởi, lớp trẻ không có mấy đứa biết cách đánh cồng chiêng...Đây là cách bảo tồn văn hóa của dân tộc”-ông nói.

 

Những đêm trăng sáng, ông là người đi tập hợp thanh niên chơi cồng chiêng. Trai gái trong buôn kéo đến kết vòng tròn náo nức trong khúc biến tấu của cồng chiêng cùng điệu nhảy aráp rộn ràng. Mái tóc bạc của già làng So Minh Thứ lẫn trong đám thanh niên trai tráng. Ở đó không có sự cách biệt của tuổi tác, không có khoảng cách tôn nghiêm giữa già làng và những người trẻ tuổi, mà chỉ có tiếng cồng chiêng ngân vang theo gió, vượt qua những con suối Đá Mài, suối La Hiên và những cánh rừng…

 

“HỒN” CỦA NÚI!

 

Trưởng buôn Mang Thông bảo: “Ông Thứ không chỉ biết chơi cồng chiêng mà còn biết cách làm và chơi những nhạc cụ dân tộc khác của người Chăm H’roi như:  đàn goong, đàn kơní, đàn pró, sáo, đàn kéo. Bây giờ, cả buôn chỉ còn mình ổng biết làm mấy cây đàn kiểu đó thôi. Ổng giỏi lắm!”.

 

070430-Le-hoi-cong-chieng.jpg

Đêm hội cồng chiêng của đồng bào Chăm H’roi ở Xuân Lãnh -  Ảnh:  LÊ MINH

 

Còn ông Thứ nói mình biết làm những nhạc cụ này là do hồi nhỏ hễ trong làng có tiếng đàn, tiếng trống ở đâu là ông có mặt ở đó. Nghe miết rồi thích, rồi biết cách đánh, rồi một mình lên núi chặt tre về nhà mày mò làm nhạc cụ. Còn bây giờ, ông Thứ làm những cây đàn này, vì trong buôn không còn mấy người lớn tuổi biết cách làm, cách chơi chúng. “Mình không làm thì tụi trẻ sau này làm sao biết được những nhạc cụ của dân tộc. Mình là bậc cha chú trong làng, phải chỉ, phải dạy chớ không thì chúng sẽ quên hết cội nguồn”. Ngồi nghe ông kể chuyện về dòng suối Đá Mài, suối La Hiên, suối Cái, chúng tôi mới hiểu vì sao ông dành nhiều tình yêu cho mảnh đất Hà Rai đến thế. Ông bảo, tổ tiên, ông bà, cha mẹ ông bao đời gắn bó với mảnh đất này và ông tự thấy mình phải có trách nhiệm với nó. 

 

Bà Phan Thị Thu Thảo- Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Xuân: “Những năm gần đây, ngành văn hoá thông tin Phú Yên đã không còn lo lắng nhiều trong việc giới thiệu nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số trong liên hoan văn hoá các dân tộc khu vực hay toàn quốc khi đã có một đội cồng chiêng, đội múa xoan như của Hà Rai. Chúng tôi chọn Hà Rai,  vì ở buôn làng này có nghệ nhân biết yêu quí, trân trọng và gìn giữ nét đẹp, bản sắc văn hoá dân tộc như ông già Thứ”. 

Hôm chúng tôi đến, ông đang ngồi đánh đàn goong. Cô bé Mô Vành (6 tuổi) và hai cậu bé Chơ Vinh (8 tuổi), Chơ Vũ (2 tuổi) tròn lẳn như trái bắp trên nương đang nằm gối đầu lên chân ông nghe ông đàn. Ông Thứ cười: “Đàn goong có 5 dây. Âm thanh của nó mô phỏng theo giai điệu của chiêng năm, chỉ có điều âm của nó không lớn như tiếng chiêng thôi. Mấy đứa cháu mình mê thứ này lắm. Mỗi lần nghe mình chơi đàn là tụi nó chạy tới. Con bé Mô Vành phải có tiếng đàn mới chịu ngủ”.

 

Tình yêu cồng chiêng của già Thứ đã “lây”sang cả ba người con trai So Minh Cư, So Minh Thường, So Minh Thanh. Họ là những thành viên chính thức trong đội cồng chiêng của Hà Rai cùng với cha đi biểu diễn khắp mọi miền đất nước. Anh So Minh Cư nói: “Anh em mình luôn tự hào về cha. Niềm đam mê của ông già giúp cho tụi mình biết chơi và quý cồng chiêng”. Còn anh So Điền Thanh, một thành viên trong đội, tâm sự: “Sau này, mình cũng sẽ có trách nhiệm dạy lại cho con cháu như chú Thứ vậy”.

 

Từ ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân Hà Rai, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Lê Văn Hùng nói rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho đội cồng chiêng Hà Rai để đại diện cho xã, cho tỉnh đi giới thiệu nét đẹp văn hóa của người dân tộc thiểu số Phú Yên với các tỉnh bạn. Vì thế, một chiếc cồng hay một chiếc chiêng ở Hà Rai hư hỏng là xã cho người chỉnh sửa hoặc mua chiếc khác thay vào kịp thời. Một xã miền núi heo hút xa xôi như Xuân Lãnh mà được nhiều nơi trong cả nước biết đến từ một đội cồng chiêng như Hà Rai là điều mà chúng tôi rất đỗi tự hào”.

 

Lâu nay, người ta nói nhiều về những cách bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Những cuộc trình diễn cồng chiêng được tổ chức ở nhiều sân khấu hoành tráng, trang trọng, trước rất nhiều thiết bị điện tử. Nhưng cách lưu giữ bảo tồn văn hóa cồng chiêng tốt nhất là trong không gian của núi rừng, trong cuộc sống của đồng bào miền núi và trong tình cảm yêu quý, trân trọng, giữ gìn của những người như già làng So Minh Thứ.

 

NGỌC DUNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lính trẻ ở Trường Sa
Thứ Bảy, 21/04/2007 13:29 CH
Truyền nhân Hùng Kê quyền
Thứ Sáu, 20/04/2007 15:50 CH
Dưới ngọn Chư Prông
Thứ Ba, 17/04/2007 14:00 CH
Khôi phục địa đạo Gò Thì Thùng
Thứ Bảy, 14/04/2007 14:05 CH
Truân chuyên nghề bốc mía
Thứ Hai, 09/04/2007 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek