Tại Đại hội võ thuật của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN được tổ chức vào năm 1993, lần đầu tiên bài Hùng Kê quyền (bài quyền gồm những chiêu thức hình thành từ thế gà chọi) được đưa vào hệ thống thi đấu bắt buộc đối với các vận động viên tham dự đại hội. Sau đó, người được giao trọng trách truyền thụ, hướng dẫn bài quyền này là võ sư Ngô Bông. Không phải là người con sinh ra và lớn lên từ miền đất võ Tây Sơn huyền thoại - nơi khởi phát của bài quyền Hùng Kê, nhưng ông được giới võ học xem là truyền nhân chính hiệu của bài quyền này...
DANH TRẤN GIANG HỒ
![]() |
Võ sư Ngô Bông |
Sách Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao chép rằng: “Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, tánh nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh (Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ), ông học văn nhiều hơn học võ. Tuy nhiên, ông cũng đã học hết các môn võ và chuyên về môn miên quyền... Nguyễn Lữ đã được thầy Hiến (thầy Trương Văn Hiến, một bậc trượng phu văn võ song toàn, từ xứ Nghệ An lưu lạc vào đất An Thái, nay thuộc xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) chân truyền cho môn miên quyền...”.
LỜI THIỆU HÙNG KÊ QUYỀN
Phiên âm:
Lưỡng kê giao nạp thủy tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như bạch hổ
Thủ quan ngân kiếm tợ thanh long
Xuyên hầu độc tiễn tàng ư trác
Hồi thủ đơn câu thủ tự hung
Khiêu, tẩu, dượt, trầm, thiên sở tứ
Nhu, cương, cường, nhược, tận kỳ trung.
Dịch nghĩa:
Hai con gà chọi nhau để tranh hùng
Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên
Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng
Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh
Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)
Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch
Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho
Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này. |
Năm 2004, tại Liên hoan võ thuật truyền thống thế giới tổ chức tại Chungju (Hàn Quốc), danh trấn giang hồ của Hùng Kê quyền một lần nữa được khẳng định qua sự biểu diễn điệu nghệ của lão võ sư Ngô Bông trước sự chứng kiến của hơn 70 môn phái võ thuật trên khắp thế giới.
CHÂN DUNG TRUYỀN NHÂN
Sự trở lại của bài quyền Hùng Kê trên đấu trường các cuộc thi võ cổ truyền bắt đầu từ năm 1989, đến năm 1993, được đưa vào hệ thống thi đấu bắt buộc đối với các vận động viên. Từ đó, võ sư Ngô Bông được xem là truyền nhân của bài quyền này. Bây giờ, dù đã 78 tuổi, võ sư Ngô Bông vẫn có thể tự mình biểu diễn thuần thục 48 thế quyền của bài quyền Hùng Kê. Sinh ra ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) trong một gia đình có truyền thống võ học, nghiệp võ của võ sư Ngô Bông trải qua lắm thăng trầm và biến cố thời cuộc. Lão võ sư bồi hồi nhớ lại rằng, năm lên một tuổi, hai cụ thân sinh bị giặc Pháp bắt đi đày, giết chết. Lâm cảnh mồ côi, ông sống nương nhờ vào bà ngoại. Chừng năm lên 6 tuổi, ông bắt đầu tập võ do những người thân trong gia đình bà ngoại truyền dạy. 20 tuổi, với niềm đam mê võ học, ông quyết chí tầm sư khắp xứ Trung -
Tôi “lý sự” với lão võ sư Ngô Bông rằng, sau khi thành Gia Định thất thủ về tay Nguyễn Ánh, Đông Định vương Nguyễn Lữ “mây ngàn hạc nội”, không rõ tung tích, bài quyền Hùng Kê nhờ đâu mà vẫn còn lưu truyền cho hậu bối và đến ông là người kế tục? Vị võ sư này nói một cách bình thản như mọi điều đã ngấm sâu vào tâm khảm của mình: “Thời ông cố ngoại trên đường lưu lạc từ Huế vào đã tham gia nghĩa quân Tây Sơn, phò tướng Nguyễn Lữ. Theo lời kể của những thế hệ đi trước, các binh sĩ dưới trướng của Đông Định vương Nguyễn Lữ đều được truyền dạy bài võ Hùng Kê quyền, để đối phó hữu hiệu với kẻ thù. Sau đời ông ngoại, các ông cậu trong nhà tiếp tục thụ giáo loại võ này. Và, ông dượng của tui là võ sư Mười Diệp vốn là truyền nhân của một người lính tin cẩn dưới trướng Nguyễn Lữ, được Nguyễn Lữ truyền lại toàn bộ những chiêu thức tuyệt kỹ của bài quyền Hùng Kê...”.
Lời thiệu của bài quyền Hùng kê phổ biến ngày nay, theo võ sư Ngô Bông không phải là bản gốc để lại từ đời xưa. Những năm chiến tranh lưu lạc, bài thiệu nguyên bản do ông cậu của võ sư Ngô Bông cất giấu trong hòm sắt đã bị lửa đạn thiêu cháy. Đến đời võ sư Ngô Bông, ông phải căn cứ trên những đường quyền và trí nhớ của mình để khôi phục lại. Tâm nguyện cuối đời của ông là sẽ cùng với người con trai của mình - võ sư Ngô Lâm phân định 48 thế của bài quyền Hùng Kê, ghi lại bằng hình ảnh để lưu truyền cho đời sau.
Những năm còn sung sức, lão võ sư Ngô Bông đã truyền thụ bí quyết Hùng Kê quyền cho nhiều võ sinh khắp nơi tụ về thụ giáo. Về sau, họ đều trở thành những võ sư thành danh như: võ sư Thanh Long, Nguyễn Lê Hương... Bây giờ, dù tuổi cao sức yếu, nhưng trong khuôn viên ngôi nhà nhỏ của mình, ngày ngày lão võ sư vẫn đều đặn dạy võ thuật cho những đứa trẻ ở làng quê Điền Chánh và khắp các vùng phụ cận. Ông nói, việc tập luyện không chỉ truyền giữ lại những nét tinh hoa võ học mà điều quan trọng là nâng cao thể lực cho các cháu, giúp các cháu có đủ sức khỏe để học hành.
Giải vô địch võ thuật cổ truyền toàn quốc lần thứ 15 vừa được tổ chức tại Bình Định, võ sư Ngô Bông đã cùng với các võ sinh của đoàn võ thuật cổ truyền Quảng Ngãi vào tham dự giải. Vị truyền nhân này đã để lại một hình ảnh đẹp, một tấm gương sáng cho các vận động viên trẻ đang gắn bó với võ học cổ truyền của dân tộc.
ĐÌNH PHÚ