Thứ Tư, 02/10/2024 15:19 CH
Truân chuyên nghề bốc mía
Thứ Hai, 09/04/2007 14:00 CH

Bốc mía - thoạt nghe cứ tưởng đơn giản, nhưng khi  tận mắt chứng kiến mới thấy hết sự vất vả của công việc này. Mỗi bó mía nặng 40-45 ký, người ta vác trên vai, bước lên cái thang cây để chất lên xe tải. Bốc một tấn mía mới kiếm được 25.000 đồng. Những đồng tiền ướt nhũng mồ hôi.

 

070409-mia-1.jpg

Bốc mía lên xe. - Ảnh: KIM SA

 

LÀM VIỆC KHÔNG GIỜ GIẤC

 

Trưa tháng 4, ở vùng rừng núi xã Sơn Định (huyện Sơn Hoà) nắng như đổ lửa, nhiệt độ lên đến 36 - 370c. Chiếc xe Kama3 đậu giữa đám mía, mấy người đàn ông từ 25 đến 30 tuổi đang hì hục vác mía leo lên thang, chất lên thùng xe. Trong bốn người thì có ba người vác, người còn lại băm mía.Trưa tròn bóng. Trời đứng gió. Nắng trên đầu như sắc lại. Họ vẫn làm việc miệt mài. Mồ hôi ướt sũng quần áo, cứ như họ vừa mới nhúng nước ở dưới sông. Cái xô nước đá để dưới gầm xe, ai khát đến múc một ca, ực một hơi, đưa cùi chỏ quẹt mồ hôi trên trán rồi vác tiếp, không nghỉ một phút nào. “Ráng chất cho xong xe mía!” - một người trong nhóm nói. Tôi lại chỗ bụi cây, nơi anh tài xế đang đong đưa trên chiếc võng ni-lon, lim dim đôi mắt. Sau khi tôi hỏi thăm “năm câu ba sợi” làm quen, anh tài xế tên Vinh, quê ở xã An Định (huyện Tuy An) cho biết: Toàn bộ công bốc mía do tôi thuê tại địa phương. Mùa thu hoạch mía đang rộ, một ngày không dưới 120 xe chở mía đến Nhà máy đường KCP nằm chờ đầy bãi, có khi hai, ba ngày mới cẩu mía được. Dỡ hàng xong là chạy thẳng đến đám mía, gọi công tới bốc liền. Nếu đám mía ở xa, xe đến, tài xế gọi điện thoại. Lúc nào cũng có người ứng trực gọi công đi bốc mía ngay. Thời gian làm việc rất vô chừng, bất kể nửa đêm gà gáy hay trưa tròn bóng.

 

Chất đầy xe mía, họ lại chỗ có bóng mát ngồi nghỉ. Cởi chiếc áo ướt vắt trên bụi cây cho ráo hồ hôi, anh Trần Văn Toàn ngồi thở dốc, nói: “Đã làm nghề này thì phải chấp nhận. Nhiều khi xe đến lúc nửa đêm, chủ xe gọi đi bốc mía mà mình sợ mệt, sợ khổ, không đi thì bữa sau, dù xe về buổi sáng, đừng hòng chủ xe gọi mình đi nữa. Coi như mất việc. Thành thử muốn bám nghề thì phải gọi đâu có đó.” Anh Nguyễn Văn Dũng tâm sự: “Năm ngoái tôi đi bốc mía với băng thằng Thành. Hôm đó mỏi quá tôi ngồi nghỉ, nó nổi quạu, mắng: Không làm thì về nhà nghỉ, chớ “dựa bắp cày ăn cỏ” là không được đâu”. Anh Dũng lau mồ hôi trán, nói tiếp: “Họ nói gì thì nói, mình cũng phải nhẫn nhịn, kiếm tiền trang trải cho gia đình”. Không những bị “đồng nghiệp” cao giọng, người bốc mía còn bị chủ xe nặng nhẹ. “Bốc mía mà đi rề rề vậy làm sao tôi có ăn?” - Anh Vinh tài xế buông lời quở trách anh Toàn vì cái tội đi chậm.

 

Để có thể “chịu nắng”, theo kinh nghiệm của nhiều người, khi đi bốc mía ngoài trùm cái khăn trên đầu còn phải mặc áo dày, mồ hôi đổ ra ướt nhũng cả áo. Vì vậy, ngoài trời nắng như đổ lửa mà người bốc mía lúc nào cũng thấy mát da.

 

ĐỒNG TIỀN ƯỚT NHŨNG MỒ HÔI

 

070409-mia-2.jpg

Vất vả trên những cánh đồng mía -  Ảnh: CHÍ THẠNH

Thời điểm này, bà con nông dân tranh thủ chặt mía. Nếu phơi nắng lâu, mía sẽ khô, nhẹ ký. Các chủ xe tranh nhau chạy từng chuyến để có thu nhập. Do vậy, những người bốc mía cũng phải gấp gáp làm việc. “Có đêm bốc xong xe mía về nhà hai giờ sáng, cởi bộ quần áo dơ, ngả lưng xuống giường là mê man tàng tịch. Sáng dậy xương cốt mỏi như ai dần, trở mình khớp xương kêu răng rắc.” - Anh Toàn kể.

 

Công việc vất vả, nhưng vẫn có nhiều người bám vào để mưu sinh. Anh Nguyễn Kiệm nói: Có bữa nồi cơm vợ bắc trên bếp chưa kịp sôi thì xe đã trờ tới trước ngõ bóp còi tin tin... Đành để bụng đói mà đi bốc mía. Bữa đó chân run, bước lên cầu thang mà đầu gối muốn quỵ xuống, xây xẩm mặt mày. Có hôm anh nhét trong túi áo gói mì tôm, tới chừng thấy đói thì xé ra ăn sống uống nước, lấy sức. Cái thang cây cao bốn mét, sừng sững. Khi xe còn lưng thì người vác mía bước lên khoẻ. Tới lúc xe đầy phải leo mút lên đọt thang, thở dốc…

 

Cứ tính thử, một chiếc xe Kama3 trọng tải 20 tấn, một vác mía nặng 40-45kg thì phải chất cỡ 800 vác mía mới đầy xe. Trung bình một người vác 250 vác mía thì phải leo lên leo xuống cầu thang 500 lần. Còn người băm, với mía đứng thì một vác băm khoảng bốn nhát, mía ngã băm gấp đôi. Xe tải lớn (loại trọng tải từ 15- 20 tấn trở lên) thường có ba người bốc mía, một người băm mía. Nếu kêu công đông quá thì không có ăn. Băm mía là công việc buộc phải làm. Giả sử trọng tải xe 25 tấn, nếu mía không băm dẽ dặt mà chất lên thì khoảng 10 tấn là đầy xe, như vậy cước vận chuyển thấp, tính ra không đủ chi phí.

 

Ở quê kiếm được đồng tiền rất khó khăn. Như anh Toàn, ra ở riêng cha mẹ cho 500m2 đất ruộng và đám gò “đầu thừa đuôi thẹo”. Bao nhiêu đó đủ cho vợ anh làm, còn anh phải đi làm thêm kiếm tiền. “Công bốc mía tính theo tấn, 25.000đồng/tấn, bốc một xe mía kiếm được 60 - 70 ngàn đồng, trong vòng bốn tiếng đồng hồ. So với làm công nhật đúng ngày đúng buổi mà chỉ 30.000đồng, cơm mình ăn thì chịu khổ đi bốc mía có ăn hơn.” - Anh Nguyễn Thành Thật nói.

 

Trên đường về, tôi qua nhiều con dốc, nhiều khe suối, chợt nhớ lại câu nói của anh Toàn lúc nãy: “Nghề này đâu có làm quanh năm suốt tháng, chỉ bắt đầu từ tháng Chạp đến tháng tư (âm lịch) nhưng ngày có ngày không, có lúc 2 - 3 ngày mới bốc một xe mía”. Nghĩ đi nghĩ lại, kiếm được đồng tiền từ công việc này thật là vất vả!

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ướp hương cho “dế”
Thứ Hai, 02/04/2007 09:00 SA
Một thời thanh sắc ấy...
Thứ Ba, 27/03/2007 09:15 SA
Trên sông, cận kề...…cái chết
Thứ Ba, 20/03/2007 07:15 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek