>> Bài 2: Nghịch cảnh ở hai bến cá
Hơn 10 năm qua, nghề câu cá ngừ đại dương khởi đầu ở làng biển Phú Câu (TP Tuy Hòa) đã trở thành điển hình trong cả nước, góp phần giảm áp lực của nghề khai thác ven bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; đồng thời tăng năng suất, sản lượng và giá trị hải sản xuất khẩu, nâng cao đời sống ngư dân và hình thành nghề cá khơi xa kiểu mẫu bậc nhất ở các vùng ven biển miền Trung. Thế nhưng, ở đây hầu như vẫn còn bỏ ngỏ việc đầu tư các bến, cảng gắn với các dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô hiện đại. Trong khi cảng cá phường 6 quá tải và xuống cấp trầm trọng, thì bến cá Đông Tác (phường Phú Lâm) quá nhỏ bé, không tương xứng với nhu cầu phát triển của lực lượng tàu thuyền khai thác khơi...!
CẢNG CÁ PHƯỜNG 6 QUÁ TẢI VÀ XUỐNG CẤP TRẦM TRỌNG!
Đông đúc tàu thuyền chen nhau cập bến cá Đông Tác chỉ rộng 12 mét
Dường như ngày nào cũng vậy, cảng cá phường 6 luôn tấp nập tàu thuyền chen nhau cập thuyền bốc dỡ cá, mua sắm vật tư để kịp chuyến ra khơi câu cá ngừ đại dương. Phường 6 có 335 tàu thuyền (trong đó tàu có công suất lớn câu cá ngừ trên 280 chiếc), đấy là chưa kể hàng trăm chiếc tàu ở các nơi khác đến cập cảng tiêu thụ cá ngừ. Thế nhưng, do cầu cảng quá nhỏ, nên hàng loạt tàu đành phải neo ken dày cách xa cảng để chờ đến lượt vào bốc đá cây lên tàu. Trên cảng cá, hàng chục chiếc máy xay đá, xe ba gác, xe đông lạnh… tập kết làm cho cảng cá thêm chật chội. Trước thực trạng quá tải trong cảng cá, nhiều ngư dân đã hùn vốn xây dựng cầu gỗ tạm bợ nằm dọc ở phía tây của cảng (đối diện cơ quan Hải đội 2 – PV) để cập tàu và vận chuyển vật tư, tiêu thụ sản phẩm. Điều này vừa gây ảnh hưởng đến công trình xây dựng đê kè Bạch Đằng, vừa làm mất mỹ quan khu đô thị ven biển.
Ông Nguyễn Ngọc Hậu, ngư dân ở phường 6, bức xúc: “So với các cảng cá khác trong tỉnh, cảng cá phường 6 là nơi tập trung tàu thuyền lớn nhất vào mùa câu cá ngừ đại dương (từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm). Thế nhưng, cảng cá này không đảm bảo năng lực phục vụ cho nhu cầu hoạt động của tàu thuyền. Hơn nữa, hàng năm cảng luôn bị cát ở cửa sông Đà Rằng bồi lấp (với khối lượng cát bồi lấp lên đến hơn 4.000 – 6.000m3/năm – PV), gây nhiều khó khăn cho tàu thuyền ra vào cập cảng. Ngư dân phường 6 đã nhiều lần phản ánh với các ngành chức năng của tỉnh về thực trạng quá tải tại cảng, song vẫn chưa được đầu tư mở rộng!”.
Không chỉ là quá tải, hiện cảng cá phường 6 cũng đã bị xuống cấp trầm trọng. Trong lúc đông đúc người dân đang hì hục khiêng cá, chuyển vật tư lên boong tàu, chúng tôi thấy ngư dân Nguyễn Thanh Tùng loay hoay tìm nhánh cây xanh găm vào những chỗ bị sụt, lún nứt trên cảng. Ông Tùng cho hay: “Nhiều lần đi bạn tàu về ban đêm, tôi lên cảng bị “vướng” vào những đoạn hư hỏng này làm trật khớp chân, nên tôi muốn đặt nhánh cây để cảnh báo nguy hiểm cho mọi người né tránh!”. Trước mặt chúng tôi, cảng cá với nhiều đoạn mặt kè bị sóng đánh rạn nứt, vỡ vụn và mặt bê tông của cảng bị bong lên hoặc sụt, lún nứt thành từng mảng lớn. Đặc biệt, nhiều đoạn cát nền bị trụt sâu xuống tạo thành những lỗ hổng lớn ở bên dưới mặt nền của cảng cá, gây nguy hiểm cho các phương tiện ra vào bến vận chuyển hải sản đi tiêu thụ. Theo nhiều ngư dân, nếu không sớm gia cố kè, làm lại tầng lọc ngược và đổ bê tông xi măng mặt cảng, thì nguy cơ mặt cảng bị cuốn “trôi” trong mùa mưa bão năm nay là rất lớn! Thêm một số thực tế nữa là, cảng cá này không có hệ thống xử lý nước thải, nên các chất thải từ sơ chế, mua bán hải sản… chảy tràn nhiều nơi trên cảng rồi đổ ra sông gây ô nhiễm môi trường. Toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng ở đây cũng đã bị hư hỏng từ lâu, gây ảnh hưởng cho hoạt động của tàu thuyền vào cập cảng ban đêm.
Điều đáng nói là, UBND tỉnh đã có Quyết định số 740/UB-UB ngày
BAO GIỜ XÂY DỰNG CẢNG CÁ ĐÔNG TÁC?
Làng biển Đông Tác (phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) có truyền thống khai thác thủy sản từ lâu đời. Đặc biệt, lực lượng tàu thuyền khai thác thủy sản xa bờ ở Đông Tác phát triển mạnh trong những năm gần đây. Mỗi ngày có gần 300 lượt tàu thuyền của ngư dân vào cửa lạch Đông Tác. Vậy mà ở đây chẳng được đầu tư một cảng cá hoàn thiện để phục vụ cho hoạt động tàu thuyền và tiêu thụ sản phẩm. Mấy chục năm nay, ngư dân đã tự bỏ vốn làm một bến cá tạm dọc theo lạch sông chỉ dài 12m và mặt sân nền đất rộng khoảng 300m2!
Ông Lê Thế Đọc, khu phố trưởng khóm 6, Đông Tác cho hay, năm 2002, Công ty Công nghiệp Nông thủy sản Phú Yên (thuộc Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam) xây dựng cơ sở đóng tàu ngay cửa sông Đông Tác trên diện tích 6ha, đã san ủi, phá bỏ một phần bến cá tạm này và đầu tư trên 360 triệu đồng xây dựng bến cá mới. Gọi là bến cá mới, nhưng cũng chỉ dài 15m và mặt sân nền đất rộng khoảng 400m2, chỉ đủ cho mỗi lần vài chiếc tàu cập bến và đưa cá lên tiêu thụ! Bến này lại ở cách xa cửa biển, với luồng lạch thường xuyên bị cát, phù sa bồi lấp cạn, nên tàu thuyền ra vào rất khó khăn. Mỗi khi có nhiều tàu thuyền cùng lúc về cập ở cửa sông Đông Tác, thì ngư dân phải chờ đến lượt mình vào bến bán cá hoặc neo tàu nằm rải rác ở ven bãi cát rồi vận chuyển cá, tôm đến các trại thu mua cách xa đến vài trăm mét… Do bến cá tạm bợ, không có đơn vị chức năng quản lý, nên mọi hoạt động trên bến chỉ phục vụ cho quyền lợi của các doanh nghiệp tư nhân mua bán, tiêu thụ hải sản, trong khi đó Nhà nước thất thu khoản thu phí, lệ phí ở đây rất lớn!
Vài ngày trước, chúng tôi có mặt ở bến cá này và chứng kiến, hàng chục tàu thuyền “trúng đậm” cá ngừ đại dương tranh nhau vào cập bến, gây nên cảnh lộn xộn trên bến. Một số tàu phải chuyển sang tận dụng bến cá cũ để bốc dỡ cá và tiếp nhận vật tư. Tuy nhiên, bến cũ này chỉ còn một mỏm kè nhỏ dôi ra sông và nằm sâu trong khu vực của Công ty Công nghiệp Nông thủy sản Phú Yên, nên mỗi lần chỉ cho phép mỗi một chiếc tàu cập bến! Chủ tàu PY90431 Phạm Văn Kính than phiền: “Tàu thuyền ra khơi phải cưỡi đầu sóng để khai thác thủy sản rất gian nan, vất vả, nhưng khi vào bến lại càng vất vả hơn. Nhiều ngư dân phải tiêu tốn thêm chi phí nhiên liệu để chạy tàu vào Vũng Rô tiêu thụ hải sản…”.
Cơ sở hạ tầng phục vụ nghề cá ở Đông Tác hầu như không có gì, nếu không muốn nói là bỏ ngỏ trong suốt thời gian dài. Lâu nay, bà con ở đây luôn thấp thỏm âu lo trước thực trạng lạch Đông Tác bị bồi lấp và bến bãi tạm bợ. Họ phải tự “bơi” để lo cho những con tàu của mình khi vào nơi neo đậu an toàn. Cũng giống như các bến, cảng cá Dân Phước, phường 6,… đã đến lúc tỉnh cần quan tâm sớm đầu tư dự án nạo vét luồng lạch, xây dựng cảng cá Đông Tác với quy mô hiện đại, nhằm đảm bảo đủ năng lực cho tàu thuyền của ngư dân cập bến và phục vụ các dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây.
Phóng sự của NGUYÊN LƯU