Trong khi cảng cá Tiên Châu đầu tư hàng chục tỷ đồng đang bỏ lãng phí, thì bến cá Dân Phước, thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) lại quá tải, không đủ năng lực đáp ứng cho nhu cầu tàu thuyền ra vào cập bến mua sắm nhiên liệu, tiêu thụ hải sản... Ở đây thường xuyên xảy ra tình trạng các chủ tàu tranh giành nhau cập bến, gây va chạm, xô xát lẫn nhau, làm mất trật tự trên bến. Trong khi đó, ở cách bến cá Dân Phước không xa, bến cá Gành Đỏ (xã Xuân Thọ 2) cũng được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2003, nhưng không phát huy hiệu quả và chỉ trong thời gian ngắn bị sóng đánh vỡ tan tác, gây lãng phí gần 1 tỷ đồng...
Quá tải ở bến cá Dân Phước
QUÁ TẢI Ở BẾN CÁ DÂN PHƯỚC!
Chủ tàu PY4086 Nguyễn Văn Nhi, ở thôn Dân Phước bức xúc nói: “Ngư dân ở đây rất phấn khởi, khi Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng bến cá Dân Phước. Nhưng phải nói rằng sự đầu tư bến với quy mô quá nhỏ, chưa tương xứng với phát triển thuyền nghề và nhu cầu hoạt động về dịch vụ hậu cần nghề cá ở vùng biển này”.
Quả thật, trước mặt chúng tôi, vào lúc sáng tinh sương, hàng trăm tàu thuyền khai thác về tranh nhau cập bến ken dày. Tại đây, tàu của ông Ba Hồng va chạm với một tàu khác, dẫn đến xảy ra xô xát lẫn nhau, phải nhờ ban quản lý bến và cán bộ thôn Dân Phước, Vạn Phước đứng ra hòa giải mới ổn định được trật tự trên bến. Nhiều tàu thuyền khai thác về muộn đã không thể vào bến, mà phải neo đậu thành nhiều lớp cách xa cảng. Ngư dân đành phải bơi thúng chai để chuyển cá lên bờ. Ở ngay trên bến cập tàu, đông đúc người chen lấn bốc dỡ, khiêng cá và mua bán cá. Các loại phương tiện xe đông lạnh, xe ba gác cũng tập kết ngay trên bến để vận chuyển hải sản, gây ách tắc và làm bến xuống cấp nghiêm trọng…
Ông Nguyễn Văn Lanh, trưởng thôn Vạn Phước trăn trở, bến cá Dân Phước có dạng bến nhỏ chữ I dài 56,6m, rộng 12,2m, mớm nước sâu 1,20m, được xây dựng mới và hoàn thành đưa vào sử dụng vào đầu tháng 12/2002, chỉ đủ đáp ứng mỗi lượt chưa tới 30 tàu thuyền ra vào cập bến. Trong khi đó, đội tàu của ngư dân Vạn Phước, Dân Phước lên đến gần 300 chiếc. Hơn nữa, đây là bến cá nằm ở ghềnh Cây Sung có địa hình tương đối kín gió, nước sâu, lại gần chợ trung tâm thị trấn Sông Cầu, nên đông đúc tàu thuyền ở các nơi khác trong huyện vào đây cập bến để bán cá, mua sắm vật tư, nhiên liệu, làm cho bến hết sức quá tải. Hiện nay, trên bến này lại xây dựng một nhà máy nước đá có công suất 300 cây đá/ngày, xây dựng trạm cấp xăng dầu, nhà quản lý làm cho diện tích mặt bằng bến vốn đã nhỏ lại càng nhỏ hẹp hơn. Điều đáng nói là bến này không có hệ thống xử lý nước thải, nên hiện nay nước xả thải từ cá gây ô nhiềm môi trường xung quanh. Ngành thủy sản đã đầu tư sang lấp mặt bằng ở ngay bến cập tàu để xây dựng nhà phân loại cá, buôn bán cá, nhưng đến nay các cơ sở dịch vụ hậu cần này vẫn chưa được xây dựng để phục vụ cho nhu cầu phát triển nghề cá ở đây!
Trao đổi với chúng tôi về thực trạng của bến cá Dân Phước, ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng Kinh tế – kế hoạch Sở Thủy sản cho biết: Trước đây Sở Thủy sản đã lập dự án xây dựng cảng cá Dân Phước với quy mô lớn, nhưng không thực hiện được vì không huy động được nguồn vốn đầu tư của Trung ương. Do vậy, UBND tỉnh chỉ đồng ý phê duyệt đầu tư xây dựng bến này, bằng nguồn vốn trích từ ngân sách tỉnh (3,88 tỷ đồng). Hiện nay, ngư dân ở đây đang rất cần nâng cấp bến cá với quy mô hiện đại, có cầu cảng rộng hơn, dài hơn. Tuy nhiên, phải chờ thời gian khá lâu mới huy động thêm được vốn đầu tư nâng cấp thành cảng cá. Trước mắt, để bến cá hoạt động có hiệu quả, ban quản lý bến cá Dân Phước phối hợp với địa phương tăng cường công tác quản lý, điều chỉnh các cơ sở làm dịch vụ hậu cần trên bến; điều tiết tàu thuyền ra vào bến hợp lý; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng chợ cá…
TAN TÁC BẾN CÁ GÀNH ĐỎ
Đối nghịch với cảnh tàu thuyền chen chúc ở bến cá Dân Phước, bến cá Gành Đỏ (xã Xuân Thọ 2) hoang vắng, nằm trơ gan cùng tuế nguyệt. Quan sát bến cá, chúng tôi thấy bờ kè và mặt bến cầu tàu đều bị sóng đánh vỡ, đá lát khan nằm chỏng chơ ở ngay chân sóng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bến này được UBND huyện Sông Cầu đầu tư xây dựng hoàn thành và nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ tháng 9/2003, nhưng đến nay không phát huy hiệu quả sử dụng, bị hư hại nghiêm trọng! Ông Võ Văn Thanh, một ngư dân ở xã Xuân Thọ 2 cho hay: “Ngay sau khi xây dựng hoàn thành, bến cá này đã bị xuống cấp nặng, gây lãng phí rất lớn kinh phí Nhà nước. Hơn nữa, vị trí xây dựng bến cá không phù hợp, nằm xa khu dân cư, nhất là bến cập tàu như mỏ kè nằm ngửa mặt thẳng góc với sóng… Do vậy, đa số tàu thuyền không dám vào neo đậu trong bến, bởi sợ sóng, gió bất thường hất tung tàu vào bờ kè của bến”.
Bến cá Gành Đỏ mới đưa vào hoạt động đã bị sóng đánh vỡ
Làm việc với chúng tôi tại UBND huyện Sông Cầu, ông Đinh Văn Sang, Chủ tịch UBND huyện thừa nhận: “Khi đầu tư bến cá Gành Đỏ, chúng tôi không lường trước được những bất trắc có thể xảy ra. Thực tế, trước đây Sở Thủy sản đã có công văn gửi cho huyện với quan điểm là không đồng tình việc xây dựng bến cá Gành Đỏ. Nhưng lúc đó, UBND huyện vẫn quyết định thi công xây dựng bến cá này, nhằm phục vụ nhu cầu bức thiết về neo đậu, tiêu thụ hải sản của hơn 100 tàu thuyền của xã Xuân Thọ 2 và Xuân Thọ 1. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là bến cá này không thể hoạt động được. Nguyên nhân chủ yếu là do Trường Đại học Thủy lợi 2 khảo sát, nghiên cứu hiện trạng môi trường không kỹ, dẫn đến thiết kế, thi công xây dựng vị trí công trình bất hợp lý, không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, do khó khăn về kinh phí (đến nay, UBND huyện Sông Cầu chỉ mới thanh toán cho đơn vị thi công được khoảng 200 triệu đồng – PV), nên việc đầu tư xây dựng bến cập tàu theo kiểu cầu cảng dạng đặt, không đủ năng lực chống sóng…
Mới đây, các ngành chức năng của tỉnh đã khảo sát, đánh giá và thống nhất cảnh báo: Bến cá Gành Đỏ không thể khắc phục cho ngư dân sử dụng được vì bến cá này tạo thành vật cản so với chiều của sóng, gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào cập bến! Theo ông Đinh Văn Sang, cần phải điều chỉnh lại thiết kế, đầu tư xây dựng mới hoàn toàn bến cá Gành Đỏ nằm dọc theo núi Cấm để đảm bảo phục vụ cho nhu cầu phát triển nghề cá ở đây…
KỲ CUỐI: BAO GIỜ NÂNG CẤP, XÂY DỰNG CÁC CẢNG, BẾN CÁ Ở TP TUY HÒA?
NGUYÊN LƯU