Dân gian gọi chình là thuồng luồng, loài linh ngư được bủa vây bằng nhiều huyền thoại. Theo một chuyến khảo sát tour biển, tôi muốn làm một chuyến câu thuồng luồng đúng nghĩa. "Câu à? Không câu mà săn!"- một tay câu chình chuyên nghiệp nói
Đêm trước, ở hải đăng Hòn Lớn (Nha Trang), chúng tôi cũng đã có một bữa thưởng thức thịt chình nướng và nghe chuyện săn chình. Đến mũi Đại Lãnh (Phú Yên), tôi quyết tâm không bỏ qua cơ hội...
ĐỘT NHẬP HANG “THUÔNG LUỒNG”
Không phải săn mà là bẫy. Hai người phải giằng nhau với con chình ba ký một lúc mới giết được
Hai lưỡi câu ngạnh lớn được buộc bằng cọng dây Mí của đàn guitar, đầu kia quấn chặt vào khoảng giữa hai dùi tre chắc và ngắn, một chiếc khấu (móc thép vuông có chặt ngạnh) cũng được buộc vào một thanh tre chắc và... một đùi gỗ như đoản côn của dân anh chị - đó là tất cả đồ nghề săn chình.
Chiều xế. Ngọn hải đăng Đại Lãnh hắt lên màu trời xanh một dáng phong trần. Sau khi vớt con cá trê nuôi từ trong lòng hồ kiểng cho vào túi mồi, Ngọc Thắng - trưởng trạm Đại Lãnh cùng một nhân viên tên Linh cầm thêm hai cần câu nhỏ nhảy thoăn thoắt xuống từng vách cỏ mép vực như người đi khinh công. Bên dưới đáy vực sâu hun hút, chỉ một chút choáng độ cao là có thể rơi banh xác như chơi!
Bãi đá ngổn ngang. Ngước lên, những vách dựng đứng bất khuất trước sức bào mòn của sóng. Địa thế hóc hiểm, con nước cuộn xiết và nhiều hiểm trở lại là nơi cư ngụ và kiếm thức ăn của loài thuồng luồng đại dương này.
Trong khi Linh thoăn thoắt nhảy trên những hòn đá lớn, nhoài mình quẳng cần câu ra những vũng sóng và liên tiếp giật lên những con nha (cua đá) để làm mồi câu cá nhỏ thì anh Thắng lại vụt xuống những ngóc ngách nước trong hộc đá, "mài" những con cá mồi lên vách đá, tạo mùi tanh, dụ chình đến. Con cá trê bắt trên hồ kiểng đã mài hết nhẵn, chỉ còn lại chiếc đầu xương xẩu. Thắng câu được vài con bống biển, tiếp tục gò lưng mài. Bỗng. Anh Thắng thốt lên: "Có rồi! Coi chừng!". Từ một hốc nước gần đó, một chiếc đuôi vẫy nhẹ, cuộn mình tung bọt trắng cùng một đợt sóng xô vào và một cái đầu như hổ mang đang lừ lừ trồi lên khỏi mặt nước tìm mồi.
GIẰNG NHAU VỚI BIỂN!
Tim tôi đập mạnh như búa trong ngực và tay cứ bấm máy lia lịa dù màu da của con chình đen này trùng với màu của đá nên không hứa hẹn những bức ảnh sẽ rõ nét. Trong khi đó, con chình say mồi quẫy trong đám nước tanh mùi cá mồi và sóng dợn. Nhưng hai người săn chình lại tỏ vẻ bình tĩnh và cẩn trọng vì "không khéo, nó có thể đớp đứt ngón tay!".
Loại chình rất đắm mồi, thợ săn tay cầm một con cá mồi, có thể dụ con chình đưa đầu lên trên mặt nước rất dễ dàng. Anh Thắng móc một con cá vào lưỡi câu lớn và cẩn trọng buông xuống. Con chình hơi thụt đầu vào hốc đá, phóng ra chụp lấy mồi, lôi vào hang. "Khấu!"- Thắng thốt lên, một tay giằng chặt con chình to bằng bắp chân đang cắn phải mồi. Linh dùng khấu cho xuống mặt nước và móc vào thân con chình. Con chình cuộn mình qua hốc đá cố giằng. Bỗng, nước văng tung toé lên tất cả chúng tôi. "Sẩy rồi!"- nét mặt cả hai thợ săn chình toát lên nỗi thất vọng. Chỉ một chút sơ sểnh, lưỡi khấu của Linh đã đâm sượt lên lớp da trơn của con chình và số phận của nó còn ở lại với biển khơi.
Với người săn chình, những sơ sẩy như thế là chuyện thường tình. Thắng kể, có ngày anh em chúng tôi lại "trúng đậm", chiếc khấu lấm máu. Chúng tôi phải vác lên vách đá kia 5 - 10 chuyến chình. Có con to bằng cột nhà, dài 2 m, nặng đến 20- 25 kg; phải 2 người khiêng. "Nhưng làm gì thì làm, đừng để nó đớp vào tay. Nọc độc răng chình có tác dụng chống đông máu. Dân đi biển chẳng may bị chình cắn, phải dùng rong biển chà rồi đắp vào mới cầm máu được. Rất độc!".
Kinh nghiệm đầy mình nhưng sơ suất là chuyện nhỏ. Sau khi để sổng mất con chình, chúng tôi buồn bã muốn quay về trạm hải đăng chuẩn bị chuyến săn ngày mai.
Linh vẫn nhảy thoăn thoắt trên những hòn đá như con sóc rừng. Anh về trạm này được vài năm nhưng kinh nghiệm leo trèo đá và câu chình "lên tay" thấy rõ. Còn anh Thắng, với kinh nghiệm 9 năm làm ở hải đăng Hòn Lớn và 9 năm về mũi điện Đại Lãnh này, săn chình trở thành một kỹ năng khá... cơ bản.
Tìm chình trong hộc đá sâu
Khi tất cả chúng tôi đều chuẩn bị ngụp xuống lặn xem san hô và cá màu dưới những thảm đá rêu này, thì Thắng bỗng giật tay: "Có hai con mới vào!". Chúng tôi lập tức bước lên bủa vây miệng hang xem một phen vật lộn nữa của dân săn chình. Lần này quyết không để sểnh. Một con chình bông màu vàng to bằng bắp tay đang vẫy đuôi qua ngạch đá đầy sóng rồi nhô đầu ra. Thắng thả mồi xuống. Con chình đớp gọn và lần này anh giằng nhau với con chình hơi lâu. Chiếc khấu sắt đã được để sẵn sau một cú ghìm xuống và móc ngược lên, con chình đã nuốt mồi vùng vẫy, bị giật văng lên trên không. Thắng vớ cây đoản côn đánh tới tấp vào đầu, mình con "linh ngư" rồi đưa lên cao.
Chúng tôi nhảy nhót và bấm máy lia lịa khi mục kích được con chình 3,5 kg đã được săn một cách... đúng nghề.
"Bình thường, gặp chình nhỏ khoảng dưới 5 kg, bọn mình không săn đâu. Thả cho nó đi. Nhưng hôm nay muốn mọi người được chứng kiến trước khi trời tối nên kiếm tạm về nhậu!"- Thắng nói trong mồ hôi đầm đìa. Có lẽ với dân săn chình, hôm nay là cuộc săn không thất bại nhưng chưa vừa lòng lắm. Còn với chúng tôi thì đó là một cuộc săn li kỳ thót tim.
HỒN LINH NGƯ
Ở Đại Lãnh, có ba loại chình thường gặp; chình dừa (màu vàng), chình đen, chình bông (có đốm đen trắng). Mỗi ký chình biển giá 50 ngàn đồng. Nhưng ngư dân lại ít đi săn chình vì nguy hiểm phần vì rất tốn công, việc săn chình rất "hên xui" và rủi ro. Có buổi kéo chình đến rã tay. Nhưng đi không về không cũng là chuyện thường.
Đêm Đại Lãnh. Một bếp than được dọn lên bàn và những miếng thịt chình ướp sả bén khói thơm. Khi chén rượu thấm môi, no say thịt chình biển, câu chuyện về chuyến đi săn thuồng luồng đầy run rủi trở nên chủ đề chính.
Ba tia sáng từ đỉnh hải đăng chậm rải quét trên nền trời đen. Gió biển vi vút. Ngoài kia, dưới vực đá sâu, biển vẫn gầm réo như tiếng vọng kêu của linh hồn loài linh ngư huyền thoại đang lần lượt bỏ biển mà đi!
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (SGTT)