Hầu hết đàn ông ở xóm Chợ (thôn Long Hà, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân) đều có “nghề” châm cá bằng xung điện. Từ hai năm nay, công việc này đã trở thành kế sinh nhai của nhiều gia đình ở đây. Xuôi ngược trên sông dòng suối, những người châm cá kiếm được tiền nhiều hơn so với ngày công lao động, song có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình nếu một phút sơ sẩy.
Anh V. đang châm cá trên sông Kỳ Lộ
MƯU SINH TRÊN SÔNG NƯỚC
“Ngồi đây chớ đi đâu xa cho mệt. Lát nữa mấy người châm cá tới liền bây giờ”. Anh Long, một người chuyên thả lưới cá mương trên sông Kỳ Lộ nói với tôi như vậy. Chúng tôi ngồi tại bãi cát Hóc Bướm của sông Kỳ Lộ. Trời nhá nhem tối, hai anh em quơ củi rìu nhóm lửa nướng cá mương chấm muối é, lai rai với rượu. Được một hồi, anh Long đập vai tôi: “Kìa!” Ngoảnh đầu nhìn về phía thác Bằng Lăng, tôi thấy ánh đèn pin lấp loá. Khi người châm cá tới gần, tôi và anh Long tiếp cận bằng cách ra sát mé sông mời anh ta vào uống ly rượu. Người châm cá cảnh giác nên không ghé vô liền mà bơi sõng ra vực sâu. Anh Long lên tiếng xưng tên. Biết là người quen thường gặp trên khúc sông này, người châm cá bơi sõng vào bờ. Dần dà làm quen, người châm cá cho biết anh tên V. 40 tuổi, ở xóm Chợ, thôn Long Hà. Bộ đồ nghề châm cá của anh gồm chiếc sõng câu, hai cái bình ắc - quy, một biến thế. Anh V. cho biết: “Tính “trụm” hết gần ba triệu đồng”.
Để chuẩn bị cho một chuyến đi châm cá, chiều, anh V. khiêng lỉnh kỉnh đồ đạc ra sông. Nối dây nhợ xong, bắt đầu từ Bến Giá (Long Hà), anh chống sõng ngược lên đến bến Chợ Lùng cách đó năm cây số. Trời tối. Ngồi nghỉ ăn cục cơm dỡ xong, anh bật đèn sáng và bắt đầu châm cá.
Trước đây, “bạn bè đồng nghiệp” của anh V. châm cá bằng hai cái vợt nối từ biến thế ra; một vợt dây nóng (điện dương), một vợt dây nguội (điện âm). Người châm cá chèo sõng lướt tới rồi thả sào, hai tay cầm hai cây vợt dí xuống nước, bóp cò. Bộ đồ nghề luộm thuộm cộng thêm nhiều thao tác nên châm “trật duột”. Vì thế, các thợ điện cơ đã “sáng chế”: Quấn một loại biến thế cực kỳ mạnh, chỉ châm bằng một cái vợt thôi, rất thuận tay nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Một dây nguội được mắc trực tiếp vào mạn sõng, dây nóng nối từ biến thế ra cây vợt, cò được đặt dưới bàn chân (phải hoặc trái, tùy thuộc vào việc người đó thuận chân nào). Chiếc sào dài bốn mét kia vừa là cây sào chống sõng vừa là cái vợt châm cá. Trên đầu cây sào uốn những sợi thép chỉ, nơi những tia điện phóng ra. Sau khi chống sào cho sõng lướt tới là lập tức người châm cá trở đầu sào dí xuống nước, chân đạp cò. Với cách mắc dòng điện như thế này, tầm sát thương rất lớn, gấp ba, bốn lần kiểu biến thế trước đây. Ông Lê Thanh T., một thợ điện cơ chuyên quấn biến thế ở Đồng Xuân, nói: “Loại này điện phóng ra cực mạnh. Tôi ngồi quấn lõi theo đặt hàng của họ, nhiều lúc nghĩ mà rùng mình”. Nếu như trước đây, những người châm cá dùng bình ắc - quy 12 V và biến thế 5A, thì nay họ dùng bình 100A (loại bình đề xe tải) và lõi biến thế với cường độ dòng điện 10A. Loại biến thế này có một cái hay mà chính họ cũng không sao giải thích được, đó là khi châm, dù cá ở gần mặt nước hay ở dưới đáy sông đều vọt lên chết nổi trên mặt nước. Vì vậy, dù nước đục hay nước trong đều đi châm được. Còn dạng biến thế mang đi châm bộ thì chỉ bắt được cá nổi chứ cá chìm đành...bó tay.
DỄ CÓ TIỀN NHƯNG CŨNG DỄ...… CHẾT!
Đêm thanh vắng. Anh V. đầu đội đèn pin, tay chống sào theo nhánh sông ngoằn ngoèo và luồn lách qua đám chà để châm cá. “Nghề này đi một mình mới có ăn chớ đi đông, người đi sau không cách nào châm có cá” – anh nói vậy. Ngay tại thác Chảy, anh V. châm, con cá điếc to bằng bàn tay xòe nổi lên. Anh đưa cây sào đến, nghiêng người với tay mới vớt được con cá vào vợt, hắt vào lòng sõng.
Bình ắc qui cỡ lớn dùng để tạo nguồn điện châm cá – Ảnh: M.H.NAM
“Khúc sông này mấy năm trước người ta châm “nát” hết rồi, nay muốn có ăn phải chống sõng lên tận thác Dài, thác Rọ Heo, vực Ông” - Anh Huy, người từng có gần 10 năm trời châm cá ở sông Kỳ Lộ này nói vậy. Trên sõng người đi châm cá lúc nào cũng có xô đựng đá lạnh dùng để ướp tôm, cá; còn thùng sắt có nắp đậy thì đựng chình, ba ba... Cách đây ba năm, có một đêm anh V. châm được nhiều chình, ba ba, bán gần cả triệu đồng. Đó là đêm “trúng” nhất, còn bình thường thì kiếm từ 200 đến 300.000 đồng là cùng. So với ngày công lao động, số tiền trên quả thật không nhỏ. Năm ngoái, có một người ở thôn Long Hà đi châm, “ẵm” được một con trăn 32 kg, “hốt” bạc triệu. Gần đây nhất, trong chuyến châm cuối cùng vào ngày 25 tháng Chạp năm rồi, anh Phúc ở xã Xuân Sơn Bắc lên tận trên Hà Đang, “trúng” con trăn nặng 12 kg, về bán tiêu Tết.
Thu nhập của người châm cá coi bộ khá hấp dẫn, song cùng với những đồng tiền kiếm được, nguy hiểm luôn rình rập họ. Nếu sơ sẩy, họ phải trả giá bằng mạng sống. “Làm nghề này dễ chết lắm. Điện lúc nào cũng có trên sõng, chỉ cần sơ hở là bị điện giật văng xuống sông ngay” - anh Huy rùng mình. Tại vực Ông, cách đây hơn nửa năm, có một người châm cá tên Vinh đã bỏ mạng. Còn anh Huy thì chết hụt hai lần. Lần thứ nhất là vào tháng 3/2006, cũng tại vực Ông, anh bị điện giật cứng tay cứng chân, nhờ thằng em đi sõng theo sau cứu được. Lần thứ hai, đến gần suối Cà Tơn, điện giật làm anh bị méo miệng, người nằm trên sõng một nửa, dưới nước một nửa. Cũng may là sõng nổi, chứ khi bị điện giật mà chìm sõng, kẹt cò thì trời xuống cũng không tài nào cứu sống được, như trường hợp của anh Thành, mới chết vào tháng 1/ 2007. Phải chờ chừng nào bình hết điện thì người khác mới dám lặn xuống sông vớt xác lên.
Loại biến thế mắc dây nguội vào thành sõng chẳng khác nào cái bẫy cho người đứng châm. Muốn châm nhiều cá, họ phải luồn lách vào khe đá, hầm tre, mà luồn vào thì đường nào sõng không chòng chành. Mỗi lần chòng chành, người đứng trên sõng nghiêng theo, quơ tay gượng chân để sõng không bị lật. Chạm một chút là điện giật nảy lửa. Anh V. bị điện giật ba lần, mỗi lần điện giật là người văng ra khỏi sõng bởi điện phóng ra quá mạnh. Anh tâm sự: “Túng tiền quá nên làm liều. Thấy thằng Thành, thằng Vinh mà ớn lạnh”.
NHÌN SÔNG, CHẠNH LÒNG
Theo các tài liệu khoa học, cá, chình, ba ba, cua đinh bị châm điện, có may mắn sống sót thì sẽ bị vô sinh. Lũ cá, chình… bắt được thì bị đem ra chợ bán đã đành, những con sống sót cũng không thể duy trì nòi giống. Cứ đà này, sông suối cạn kiệt dần các loại cá, cua…
Ông Hồ Văn Hải, một người dân ở đất này, kể: “Hồi trước, ra sông Kỳ Lộ tắm mà có mụt nhọt ở chân thì cá đến rỉa đau điếng. Cá bơi trên mặt nước, lấy rổ xúc được bộn”. Rồi ông quả quyết: “Nay, ai mà câu được con cá, thì để trên lưng tôi… nướng”.
Mà thiệt! Cứ bơi sõng dọc theo sông Kỳ Lộ là biết, chỉ thấy nước chảy với cát vàng. Cá còn sót, con nào cũng mất hồn trốn nơi vực sâu hốc đá. Nghe nói hồi trước ở vực Lò, cua đinh có con to bằng cái nia, lúc nổi lên làm lật bè mò o đang đi qua. Nay loại này hình như đã tuyệt chủng. Còn cá đá thì mất luôn từ nhiều năm nay. Nhìn sông mà chạnh lòng, trách bàn tay khai thác vô tội vạ của con người.
MẠNH HOÀI