Thứ Hai, 30/09/2024 18:35 CH
Những bất cập ở các cảng cá, bến cá
Thứ Tư, 04/04/2007 07:18 SA

Thực hiện Nghị quyết 05/TU của Tỉnh ủy (khóa 13) về phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH- HĐH) đến năm 2010, ngành thủy sản và các địa phương ở vùng ven biển trong tỉnh đã nỗ lực huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ cho nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản... Song, việc đầu tư và quản lý một số cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá còn thiếu đồng bộ, kém chất lượng nên chưa phát huy hiệu quả sử dụng, càng không thể đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng nhanh, mạnh của lực lượng tàu thuyền khai thác hải sản trong tỉnh.

 

Phú Yên online đăng tải loạt bài “Những bất cập ở các cảng cá, bến cá” trong tỉnh, với mong muốn ngành thủy sản và chính quyền các địa phương sớm có giải pháp điều chỉnh, khắc phục hợp lý nhằm thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh ủy.

 

 

BÀI 1: Ở CẢNG CÁ TIÊN CHÂU

 

Dự án Cảng cá Tiên Châu lớn thứ 2 (sau cảng cá Vũng Rô), với tổng vốn đầu tư theo giá trị quyết toán hơn 27,9 tỷ đồng, từ nguồn vốn thuộc Chương trình Biển Đông - Hải đảo của Trung ương, đã đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2006. Thế nhưng, đến nay, cảng cá này không phát huy tác dụng và biến thành “công viên” rộng lớn cho ngư dân dạo chơi! Đặc biệt, trong 3 tháng vừa qua, Ban quản lý cảng hoàn toàn không thu được lệ phí tàu, do không có tàu nào vào cập cảng để bán cá! Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những bất cập, lãng phí ở cảng cá Tiên Châu?

 

 

070404-Tien-Chau1.jpg

Cầu cảng phụ cảng cá Tiên Châu quá nhỏ hẹp không đáp ứng cho nhu cầu tàu có công suất 30CV – 150CV cập cảng bốc dỡ hải sản - Ảnh: N.L

 

NGƯ DÂN QUAY LƯNG VỚI CẢNG

 

Tháng ba – mùa khai thác hải sản rất sôi động ở các làng biển. Nhưng chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, khi bắt gặp hình ảnh ở cảng cá Tiên Châu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) quá yên lặng. Ở đây, mỗi ngày, hàng trăm tàu thuyền đầy ắp cá, ầm ào nối đuôi nhau vào cửa Xuân Đài. Thế nhưng, tàu thuyền chỉ dừng lại và neo đậu ở lạch thôn 5 (xã An Ninh Đông) để tiêu thụ sản phẩm và tiếp nhận vật tư, nhiên liệu, chứ tuyệt nhiên không có chiếc tàu nào rẽ dòng nước theo phao tiêu báo hiệu để cập cảng cá Tiên Châu!

 

Tôi còn nhớ tại buổi lễ khánh thành cảng cá Tiên Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Ngọc Chi đã chỉ đạo: Công trình xây dựng Cảng cá Tiên Châu rất hiện đại đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển của huyện Tuy An theo hướng CNH - HĐH. Do vậy, để sử dụng cảng cá này có hiệu quả, phục vụ tốt nghề cá lâu dài, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Thủy sản phối hợp với UBND huyện và các ngành liên quan xây dựng quy chế hoạt động, quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng tốt công trình. Đồng thời, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư các dịch vụ hậu cần phục vụ nghề cá trên cảng, thu hút thêm nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu, nhằm tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống ngư dân ở quanh vùng…

 

Vậy mà, thực tế chỉ mới gần 9 tháng hoạt động, cảng cá này chỉ là một “công viên” rộng lớn cho già trẻ, gái trai… dạo chơi khi về đêm, tập thể dục lúc bình minh(!)

 

070404-Tien-Chau.jpg

Cầu cảng chính cảng cá Tiên Châu cao chênh vênh so với mạn cập tàu từ 2-3m - Ảnh: N.Lưu

 

Hỏi vì sao Nhà nước quan tâm đầu tư cảng cá hiện đại, nhưng bà con lại “quay lưng” không đưa tàu thuyền vào tiêu thụ hải sản trong cảng? Ông Nguyễn Hữu Đức (55 tuổi), chủ tàu PY3033 ở xã An Ninh Tây bức xúc, cho hay: “Ai cũng muốn cho tàu cập cảng để bốc dỡ sản phẩm, nhưng khổ nỗi cảng này xây dựng bất hợp lý, không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi cập cảng”. Ông Mạnh Văn Ánh – chủ tàu PY3501 phân tích cụ thể những bất cập: Vị trí xây dựng cảng không thuận lợi, nằm quá xa cửa biển, ở đây cát sông liên tục bồi lấp làm cho luồng lạch nước dài 1,66km quá cạn. Vì vậy, tàu thuyền ra vào khó khăn, đã có một số tàu khi vào cảng neo đậu bị nghiêng và chìm. Mặt khác, trong khi nước sông luôn ở mức thấp, thì việc xây dựng bến tàu lớn nối với cầu cảng chính (dài 80m, rộng 12m phục vụ cho tàu có công suất từ 150 – 500CV – PV) nằm cao chênh vênh so với mạn tàu từ 2 - 3m, nên không thể bốc dỡ cá, vật tư… Mặt bằng ở bến tàu nhỏ (dài 100m phục vụ cho tàu có công suất từ 33 – 150CV – PV) lại xây dựng chỉ rộng khoảng 2m và thấp hơn mặt bằng cảng chính đến 2m với lối đi bằng các bậc tam cấp thì làm sao bốc dỡ, chuyên chở khi đông đúc tàu thuyền cập bến với số lượng hải sản lớn? Thêm nữa, nước cá ở mặt bến nhỏ không rút ra sông mà chảy đọng lại trong mặt kè xếp đá khan gây bốc mùi hôi thối!…

 

Trong khi ngư dân “quay lưng” với cảng, thì mấy tháng nay, ban quản lý cảng (gồm 5 người) đành phải “ngồi chơi xơi nước” và chỉ phân công nhau “bảo vệ” cảng! Phó BQL cảng Huỳnh Tấn Hải than: “Theo kế hoạch trong năm 2007, cảng Tiên Châu phải sắp xếp ổn định các hoạt động và thu kinh phí 110 triệu để trả chi phí điện, nước…, nhưng đến nay vẫn chưa thu được đồng nào. Trước mắt, nếu không có giải pháp khắc phục những bất cập ở các cầu cảng và nạo vét luồng lạch, thì khó có thể vận động ngư dân đưa tàu vào hoạt động ở cảng cá này!…”

 

BỎ NGÕ CÁC DỊCH VỤ HẬU CẦN NGHỀ CÁ

 

Gọi là cảng cá lớn có quy mô hiện đại, tiếp nhận mỗi ngày khoảng 300 lượt tàu có công suất đến 500 CV cập cảng, với lượng hàng thủy sản từ 6.000 – 10.000 tấn, nhưng đến nay cảng cá Tiên Châu hầu như bỏ ngõ đầu tư các dịch vụ hậu cần nghề cá. Ở bãi tập kết cá rộng 1.620m2 vẫn còn trống hoác, không có nhà phân loại hải sản, khu mua bán cá… Toàn bộ các hạng mục (thuộc nguồn vốn huy động của tỉnh khoảng 2 tỷ đồng, theo tổng mức đầu tư được duyệt - PV) như nhà dịch vụ công cộng, cửa hàng và các thiết bị phòng cháy chữa cháy, thiết bị thông tin liên lạc, xe cần cẩu… vẫn chưa được đầu tư để phục vụ cho hoạt động ở cảng cá Tiên Châu. Giám đốc Ban quản lý cảng cá Phú Yên Nguyễn Hữu Vinh cho biết: “Một số hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá cần thiết như nhà phân loại hải sản, xe cần cẩu… đã được Sở Thủy sản lập thủ tục trình UBND tỉnh bố trí nguồn vốn để đầu tư. Nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt!”.

 

Thực trạng thiếu các dịch vụ hậu cần cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân ở đây không “mặn mà” đưa tàu vào cập cảng. Các doanh nghiệp tư nhân cũng không muốn thuê mặt bằng tại cảng để đầu tư cơ sở sơ chế, tiêu thụ hải sản… Ông Mạnh Văn Hưng than phiền: “Hưởng ứng lời kêu gọi của ngành thủy sản về đầu tư cơ sở dịch vụ tại cảng, tôi là người tiên phong thuê 200m3 mặt bằng trong cảng để xây dựng nhà máy sản xuất đá cây với công suất 200 cây/ngày. Nhưng mấy tháng nay không tàu nào cập cảng mua đá, tôi đành phải chuyên chở xuống tận thôn 5 (xã An Ninh Đông) để tiêu thụ với chi phí “đội” lên cao bình quân 600 đồng/cây đá”.

 

Từ những thực tế trên, đã đến lúc, Sở Thủy sản cùng chính quyền huyện Tuy An sớm kiểm tra xác định rõ những tồn tại ở cảng cá để có giải pháp khắc phục, nhằm khai thác cảng hợp lý, đạt kết quả. Đồng thời vận động ngư dân có trách nhiệm tham gia đưa tàu thuyền vào hoạt động, tiêu thụ sản phẩm trong cảng, nhằm thu hút thêm nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống ngư dân ở đây…

 

Kỳ tới: Nghịch cảnh ở hai bến cá ở huyện Sông Cầu

 

NGUYÊN LƯU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ướp hương cho “dế”
Thứ Hai, 02/04/2007 09:00 SA
Một thời thanh sắc ấy...
Thứ Ba, 27/03/2007 09:15 SA
Trên sông, cận kề...…cái chết
Thứ Ba, 20/03/2007 07:15 SA
Săn "thuồng luồng" biển
Chủ Nhật, 18/03/2007 10:29 SA
Trên mảnh đất này
Thứ Năm, 08/03/2007 14:00 CH
Nước mắm Gành Đỏ
Chủ Nhật, 04/03/2007 08:57 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek