Cái quán nhỏ đìu hiu bên bờ sông Ba hôm ấy vắng khách. Gió cũng thôi không xạc xào lay động những tán cây, chừng như muốn nhường hẳn không gian và sự tĩnh lặng để người phụ nữ thanh sắc một thời thả hồn về những ngày xưa cũ. Những tháng ngày bà dong ruổi cùng Đoàn cải lương Mây Tần, Sông Hàn, Hoa Biển. Và đêm đến, khi hai cánh màn trên sân khấu mở ra, người phụ nữ đó hóa thân thành Lệ Trinh, Triệu Thị Trinh, tuyên phi Đặng Thị Huệ...
26 NĂM DUYÊN NỢ VỚI CẢI LƯƠNG
Diễn những trích đoạn cải lương trong các chương trình văn nghệ chào mừng đại hội, hội nghị, bà Hồng Cúc cảm thấy vui
Gia đình nghệ sĩ Hồng Cúc không có ai theo nghiệp cầm ca. Như phần đông người dân ở miệt vườn
Mới học được ba bốn tháng thì ông Trương Vũ - bầu của Đoàn cải lương Mây Tần - tới. Thấy bà xinh xắn, lại rất giống đào Hà Vân ở Rạch Giá, diễn viên chính của Mây Tần, ông bèn xin thầy Văn Vỹ cho bà gia nhập đoàn. Thầy Vỹ nói “Nhỏ này chưa học xong bài bản”, nhưng ông Trương Vũ trấn an: “Đoàn có người dạy, khỏi lo!” Liền sau đó ông dẫn bà về Thủ Đức, xin phép song thân cho đi theo đoàn. Cha bà không muốn, nhưng chiều theo ý vợ ý con. Vậy là bà gia nhập vào Đoàn cải lương Mây Tần của ông bầu Trương Vũ.
Đoàn hát dong ruổi khắp nơi. Cuộc sống ở đây không như ở gia đình, càng làm bà nhớ nhà quay quắt. Buồn quá, bà tính viết thư đòi về nhà. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại. Mình học hát tốn tiền cha mẹ, giữa chừng bỏ ngang xương sao được. Vậy là quyết tâm ở lại.
Gần nửa năm, cô diễn viên nhỏ tuổi mới hoà nhập với cuộc sống trong đoàn hát và nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Bà được cha của đào Hà Vân nhận làm con nuôi, được nghệ sĩ Hải Thọ - cha của nghệ sĩ Thanh Lý Thu - chỉ dạy. 15 tuổi, Hà Vân là đào chính. Còn bà, 14 tuổi, thường nhận vai tì nữ, ai sai gì làm nấy.
Rất nhiều đêm diễn, “tì nữ” đứng trong cánh gà, dần dà thuộc lòng những vai diễn của đào Hà Vân. Bữa nọ, trục trặc sao đó mà không có đào chính. Kép chính Tài Bửu Bửu nói với ông bầu “Cúc thuộc, hay là cho nó diễn thử.” Ông bầu quay sang hỏi “Thuộc hông?” Bà tự tin “Thuộc”. Ông bầu lại hỏi “Dám hát hông?” Bà thiệt thà “Sợ chị Hà Vân giận”.
Vậy là, sau hai năm theo đoàn, lần đầu tiên Hồng Cúc được làm diễn viên chính. Bà nhớ, đó là vai Lệ Trinh trong vở Con gái hải tặc. Bà diễn, vừa mừng vừa run, không biết mình có làm tròn được hay không. “Lúc đó tôi diễn như cái máy, chị Hà Vân hát sao thì mình hát y chang” - nghệ sĩ Hồng Cúc cười, nhớ lại.
Thấy Hồng Cúc chưa có kinh nghiệm nên sau nửa năm giao vai chính, ông bầu đi kêu một đào chính khác về. Bà đóng vai phụ, vai thứ. Dần dần, nhờ học hỏi, rút kinh nghiệm từ bạn diễn và từ chính bản thân mình, bà vững vàng hơn trong từng vai diễn. “Cũng có lúc mệt mỏi, muốn bỏ ngang nhưng rồi nghĩ tới công sức của cha mẹ, tôi quyết tâm vươn lên” - bà tâm sự.
Nghệ sĩ Hồng Cúc biểu diễn khi còn là thành viên của Đoàn Cải lương Hoa Biển
Năm 1975, Đoàn cải lương Mây Tần đổi tên thành Đoàn cải lương Tân Tây Đô - Út Hậu, đi biểu diễn ở rất nhiều nơi. Sau giải phóng, đoàn “đóng quân” tại Đà Nẵng, đổi tên thành Đoàn cải lương Sông Hàn. Cùng với nghệ sĩ Út Hậu, Hồng Cúc được anh em tín nhiệm bầu làm Phó đoàn. Nghĩ mình mới ngoài hai mươi tuổi, còn quá trẻ so với công việc này nên mấy tháng sau, bà xin trở lại làm diễn viên.
Ở Đà Nẵng, Hồng Cúc “gặp” người bạn đời của mình: nghệ sĩ Vũ Liêm. Ông là người trong đoàn, cũng từng là “quân” của Mây Tần. Vậy mà mãi tới khi đoàn về “đóng đô” tại Đà Nẵng, hai người mới quen nhau. Bà diễn thì ông xem, nhưng khi ông diễn, thấy bà xem là ông diễn không được. Mối tình của hai nghệ sĩ nảy nở rất tự nhiên, và đám cưới được tổ chức.
Quãng 1980 - 1981, hai vợ chồng Hồng Cúc - Vũ Liêm đầu quân về Đoàn cải lương Hoa Biển của Phú Yên. Sở trường của bà là những vai độc, vai lẳng. Nhắc đến Hồng Cúc, khán giả Phú Yên hồi ấy lại nhớ đến vai tuyên phi Đặng Thị Huệ trong vở Vụ án cậu trời. Cô đào thanh sắc này cũng chinh phục người xem với vai diễn trong vở Lấy chồng xứ lạ, ra đường khán giả gọi bà bằng vai diễn thay vì gọi tên.
Cuối thập niên 80, cải lương bị những loại hình nghệ thuật khác lấn át. Những sân bãi không còn chật kín khán giả. Người dân ở vùng quê cũng không còn háo hức mỗi khi nghe tiếng loa oang oang “Đêm nay, tại sân bãi HTX B., đoàn cải lương X diễn vở. ..”
Sau bao năm gắn bó với cải lương, các nghệ sĩ trĩu bước trở về nhà. Đoàn Hoa Biển tan rã. Nghệ sĩ Hồng Cúc cũng khép lại chặng đường 26 năm duyên nợ với cải lương.
VẪN CÒN NHỮNG GIẤC MƠ SÁNG RỰC ÁNH ĐÈN
Mấy ai biết rằng sau khi xem cải lương trên TV, đêm về bà chủ của cái quán nhỏ nằm bên bờ sông Ba lộng gió lại mơ thấy mình diễn trên sân khấu. Có hôm bà mơ thấy mình vẫn còn là diễn viên, người ta đã hóa trang xong mà mình thì chưa nên rất lo. Có hôm bà mơ thấy mình vừa diễn xong, khán giả vỗ tay quá chừng. Sau đó bà giật mình tỉnh dậy.
Không còn khán giả. Không còn sân khấu sáng rực ánh đèn. Chỉ còn duy nhất nỗi buồn mênh mông nhớ tiếc...
Nghệ sĩ Hồng Cúc cho tôi xem một tập ảnh đen trắng mà thời gian đã làm cho chúng ngả vàng. Mỗi bức ảnh gọi về một kỷ niệm. Này là bà trong vai Triệu Thị Trinh. Có hôm vào vai này, bà mang gươm, mặc giáp, mới bước ra thì vấp sợi dây điện té nằm dài trên sân khấu. Lần khác, đang diễn, bà quất dây vào anh kép độc đóng tướng Tàu. Dây chưa quấn vô thanh gươm của anh ta thì bà đã vội vàng giật ra nên bị té... Sau giải phóng, lần nọ đoàn diễn ở Nha Trang. Buổi sáng, bà ra đứng trước rạp, thấy hai em nhỏ, một đứa cầm trên tay cái gói nho nhỏ, cứ nhìn mình hoài. Thấy bà mỉm cười, hai đứa tới gần, hỏi: Cô ơi, có phải hồi hôm cô hát vai đó không? Bà gật đầu. Hai đứa nhỏ dúi cái gói vô tay bà: “Cháu tặng cô cái này”, rồi co giò chạy mất. Bà vào trong, mở ra, thấy hai quả trứng vịt lộn.
Kỷ niệm là tài sản còn lại, sau bao năm gắn bó với cải lương. Nhưng kỷ niệm cũng dần xa xăm, giống như ánh đèn sân khấu. Vì thế, mỗi lần tham gia diễn trong những chương trình tuyên truyền của Đội Thông tin lưu động (Phòng Văn hóa thông tin - Thể thao huyện Phú Hòa), bà Hồng Cúc rất vui. Bà thường đóng vai phản diện, vì vai này ít người nhận. Dù sân khấu giản đơn và phục trang cũng giản đơn, dù tuổi đã lớn song bà vẫn rất thích diễn. Bà kể: Thỉnh thoảng tôi đi theo Đội, khi đội cần. Tôi cũng là thành viên chi hội Văn học nghệ thuật huyêïn Phú Hòa, tham gia đưa sân khấu vào học đường…”
26 năm duyên nợ với cải lương, 13 năm rời xa sân khấu, còn lại trong bà là một tình yêu trọn vẹn.
PHƯƠNG TRÀ