Thứ Tư, 27/11/2024 13:43 CH
Cuối năm trên những con tàu xa bờ
Thứ Ba, 17/01/2006 08:39 SA

Sau những đợt gió mùa đông bắc, sau những ngày biển động dữ dội, tàu câu cá ngừ lại vươn khơi, bắt đầu mùa đánh bắt mới với bao thấp thỏm. Năm hết Tết đến mà biển chưa lặng, nên những con tàu ra khơi chứa đầu lo toan của người đi biển lẫn người ở trên bờ…

 

LAO ĐAO MÙA VỤ MỚI

 

 “Làm biển mà! Cái nghề làm ăn trên nước mặn nên cuộc đời cũng mặn lắm, chát lắm, chẳng bình bình mà ăn chắc như đánh cá nước ngọt đâu cô ạ!”. Tôi nghe nỗi buồn man mác trong câu nói của người đàn ông gần 60 tuổi đang đăm đắm nhìn về phía biển. Trong căn phòng làm việc của trạm kiểm soát biên phòng tại cảng cá phường 6, những câu chuyện ông kể xoay quanh cuộc sống và công việc của người ngư phủ trên những chuyến tàu đánh bắt xa bờ. Trong bản tin thời tiết buổi sáng nay lại nghe có gió mùa đông bắc về. Chỉ sau hai ngày ửng nắng, trời lại mưa phùn, biển đục ngầu và dội sóng. Cảng cá phường 6 vẫn chộn rộn trong sự lo toan bận bịu của những gia đình có người đi biển. Chuyến đi biển cuối năm gửi gắm nhiều ước định, cả những tính toán của người ra biển lẫn người ở bờ cho một cái Tết no đủ sung túc. “Năm nay mưa gió thất thường, giá cả mọi thứ lại tăng vọt đến hãi hùng. Tàu đi cá ngừ đại dương phải câu được kha khá mới tạm ổn chứ không khéo bị lỗ. Chính vì vậy, một vài chủ tàu vẫn còn đang phân vân với dự tính chờ cho biển thật yên để đi cho chắc” binh nhất Phạm Văn Huân, chiến sĩ của Trạm kiểm soát biên phòng Đà Rằng giải thích.

 

Bộ đội biên phòng cứu hộ tàu bị nạn ngoài khơi Anh: Hồng Chiên

 

Được biết, hàng năm mùa đánh bắt trước sẽ kết thúc từ tháng 6 âm lịch. Bấy giờ, nhiều chủ neo ghe thuyền vào bờ để “làm nước” (sửa chữa) lại chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới. Đến 23 tháng 10 âm lịch, công việc khôi phục ghe tàu xem như hoàn tất. Mọi việc đều ở tư thế sẵn sàng. Khi đã chuẩn bị đủ các nguyên liệu cần thiết như: đá xay, dầu, lương thực thực phẩm, nước uống, ngư cụ thì sẽ xuất bến. Năm nay gió mưa kéo dài, tiếp sau nhiều đợt gió mùa đông bắc là áp thấp nhiệt đới, biển động dữ dội. Thế nhưng nhiều chủ thuyền không còn đủ kiên nhẫn để ngồi nhìn cảnh tiền tiêu hết, nợ nần tràn lan nên quyết định rời bến trước ngày biển thật êm. Thiếu úy Nguyễn Ngọc Ry, phụ trách trạm kiểm soát, cho tôi biết: “Từ trung tuần tháng 12, lượt đầu đã có khoảng 20 chiếc thuyền xuất bến. Qua điện đàm, nhiều ngư dân từ biển xa báo về: Ra đến vùng đánh bắt thì gió “săn” quá nên phải cho thuyền chạy đến đảo Bom Bay tránh gió. Nằm đảo gần chục ngày, vừa thấy gió lặng, các thuyền liền chạy ra khu vực đánh bắt nhưng ngay hôm sau lại có tin áp thấp nhiệt đới. Thế là lại phải chạy trốn gió!”

 

Xay đá đưa xuống khoang thuyền chuẩn bị cho một chuyến vương khơi - Ảnh: D.T.X

Mọi năm, vào thời điểm này, tàu đánh bắt cá ngừ đã đi và về được vài ba lượt rồi. Thế mà năm nay, trên 20 chiếc rời bến gần 1 tháng và 220 chiếc ra biển 15 ngày nay chỉ mới có vài chiếc trở về, ghe nào cũng lỗ tổn vì chỉ lo chạy tránh gió đến hai ba đợt. “Tiền lo tổn thì vay nóng vay nguội đủ kiểu còn thuyền cứ chạy vòng vèo tránh gió như kiểu đi “du lịch” chứ chẳng câu được con cá nào. Không biết chúng tôi còn sức gượng đến được bao lâu, chứ đừng nói gì đến tết nhứt!” – ngư dân Bùi Ngọ than thở. Và, dù gượng sức được để có chuyến ra khơi cũng chưa hẳn không còn những bất trắc khó ngờ khiến nhiều chủ thuyền càng lận đận.

 

Tôi tìm gặp anh Lê Thế Sơn, chủ phương tiện PY 90468. Anh buồn bã kể với tôi về hành trình đầu tiên đầy lao đao của mùa vụ năm nay. Hôm ấy là ngày cuối cùng của tháng 12, sau khi đã đủ vật tư nhiên liệu và chuẩn bị xuất bến thì có anh Nguyễn Văn Long (quê ở Hòa Thắng – huyện Phú Hòa) xin được theo đi bạn để kiếm ít tiền về ăn Tết. “Tiếp nhận anh Long đi bạn, tôi có cái lo là anh ấy mới mẻ với nghề biển quá. Nhưng điều nguy hiểm nhất là tôi không hề hay biết anh ấy mắc bệnh tim. Trên đường ra khơi anh Long say sóng vật vã và đã tắt thở ngay khi chúng tôi đi được một ngày đêm. Chúng tôi không thể hiểu được vì sao lại như vậy cho đến khi đưa anh ấy về nhà”. Phần tiêu tốn sau lần ra khơi không thành anh đương nhiên chấp nhận. Thế nhưng sự ám ảnh của chuyến đi bất trắc ấy khiến nhiều anh em bạn không muốn đi biển với thuyền anh. Vậy nên dù mọi việc đã xong đâu vào đó nhưng đến bây giờ thuyền của anh vẫn phải nằm bờ mà không thể rời bến vì thiếu bạn đi.

 

CHỐNG CHÈO VÌ CUỘC MƯU SINH

 

Ông Bùi Ngọ, chủ chiếc thuyền PY 92709 phường 6 kể: Năm 1999 gia đình tôi vay vốn đóng được chiếc thuyền dài 15 mét, lắp máy 90CV. May sao những năm ấy trúng lớn, cá lại được giá nên trả hết nợ nần. Từ 2 năm nay, mưa gió thất thường, sản lượng đánh bắt giảm hẳn, có lúc cá lại rớt giá. Cả năm chỉ được vài chuyến về có chút ít, còn lại nhiều chuyến hòa vốn hay lỗ tổn. Kết sổ chỉ dư ra được khoảng chục triệu đồng, cũng coi là may. Nhưng bấy nhiêu ấy chưa đủ cho cả nhà chi tiêu hết năm. Mãn mùa lại phải chạy ngược chạy xuôi vay vài chục triệu để “làm nước” ghe. Năm nay, giá cả cái gì cũng đều tăng vọt. Nhỏ như thuyền của ông mà tiền dầu nhớt đã “bay” hết gần ba chục triệu. Tính gộp lại tổn một chuyến đi lên đến 40-50 triệu đồng. Không riêng gì gia đình ông, 80% ngư dân trên tàu đánh bắt xa bờ ở đây đều trong tình trạng vay mượn như thế. Song “đã lỡ đổi ghe cộ, mua sắm ngư cụ để theo nghề đánh bắt xa bờ rồi, phải gắng sức với nó. Cũng hy vọng rồi đến lúc đổi đời”. Có lẽ khát vọng này đã giúp cho nhiều bà con ngư dân ở đây có thêm sức lực, dám mạnh dạn vay vốn tiếp tục đầu tư vào nghề đánh bắt xa bờ. Thiếu úy Nguyễn Ngọc Ry cho biết: Năm qua, nhiều ngư dân ở vùng ven biển thành phố Tuy Hòa đã tiếp tục đóng tàu thuyền và mua sắm ngư cụ để hành nghề đánh bắt xa bờ. Trong mùa đánh bắt năm nay đã có thêm 38 tàu thuyền mới vừa được hạ thủy, mỗi tàu có công suất 165CV.

 

Căn phòng 16 mét vuông của trạm kiểm soát tại cảng cá phường 6 đông chật người ngồi. Một số ngư dân đến xuất sổ hành trình để chuẩn bị rời bến. Vài người đến nhờ anh em trạm biên phòng dùng máy điện đàm liên lạc với người nhà trên những chuyến tàu đang đánh bắt ngoài biển xa để “biết được tình hình gió máy ngoài đó cho đỡ nóng lòng!”. Bên ngoài bờ cầu cảng, hàng trăm con người vội vã ngược xuôi chạy lo công đoạn hậu cần cho thuyền mình trước giờ xuất bến. Sau những ngày gió mưa tầm tã, khu vực cảng cá phường 6 bây giờ như một công trình lớn với tiếng máy xay đá xoèn xoẹt, tiếng máy bơm nước rồ rồ ầm ĩ, tiếng người gọi nhau í ới. Những người phụ nữ xoay như chong chóng khi liên tục “nhận lệnh” của cánh đàn ông, chạy đi mua thêm thứ này thứ khác. Tuy chưa hết những lo âu nhưng lúc này không khí trên bờ cầu cảng cũng không kém nhộn nhịp. Những chiếc thuyền đủ tổn đã bắt đầu rời bến trong nỗi vui mừng phấn chấn hiện rõ trên khuôn mặt hốc hác của những người ở lại trên bờ. Sau nhiều giờ hối hả dồn tất cả sức lực cho chuyến đi biển của chồng con, vài người phụ nữ ngồi lại nghỉ chân trên cầu cảng. Dường như để giải tỏa bớt những nặng nề trong lòng, một chị thật thà thổ lộ: “Vài chục triệu đã hết, vừa mượn thêm 500 ngàn bỏ túi, thuyền rời bến thì trong nhà không còn lấy một ngàn đồng. Mong sao ghe về “no” một chút để có cái trả nợ, năm hết Tết đến rồi!”.

 

PHƯƠNG OANH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Ngôn ngữ của điệu xoang
Thứ Hai, 09/01/2006 10:13 SA
Nơi không tròn giấc ngủ
Thứ Sáu, 30/12/2005 19:11 CH
Oằn mình sau mưa lũ
Thứ Hai, 26/12/2005 15:10 CH
Nơi nhân lên phần thiện con người
Thứ Năm, 22/12/2005 09:33 SA
Đi tìm đá cảnh
Thứ Hai, 19/12/2005 10:06 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek