Phóng sự truyền hình: Nguy cơ “xóa sổ” rừng giáp ranh
Mặc dù lực lượng kiểm lâm 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk đã nhiều lần phối hợp ngăn chặn nạn phá rừng, nhưng xem ra chưa hiệu quả. Hiện rừng tự nhiên ở phía huyện M’Đrắk (Đắk Lắk) gần như không còn, vì vậy lâm tặc “dòm ngó” sang lâm phần Phú Yên, khiến dư luận lo ngại: Liệu có cách nào trị được?!
Gỗ tang vật được phát hiện tại tiểu khu 309 thuộc xã Ea Trol (Sông Hinh) - Ảnh: P.NAM
NHIỀU LÂM TẶC VÀO VÒNG LAO LÝ
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, ngoài những vụ vi phạm khác, năm 2012, các cơ quan chức năng huyện Sông Hinh và M’Đrắk phát hiện 2 đối tượng Y Tai Niê (trú buôn Pa, xã Cư Prao, huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) và Đinh Văn Đệ (trú thôn Xuân Hòa, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, Phú Yên), ngang nhiên dùng máy đào, mở đường dài hơn 1,4km, rộng gần 6m, từ tiểu khu 707 thuộc địa phận xã Cư Prao vào tiểu khu 296 thuộc địa phận xã Ea Ly, Sông Hinh (gần các tiểu khu 229, 305, 309), phá hoại gần 7.350m2 rừng. Các đối tượng trên đã bị cơ quan chức năng xử phạt từ 1 đến 2 năm tù do hủy hoại rừng, đồng thời phải bồi thường thiệt hại hơn 171 triệu đồng, trong đó bồi thường cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh hơn 82 triệu đồng.
Mới đây, lâm tặc tiếp tục thâm nhập tiểu khu 309, xã Ea Trol, dùng cưa lốc triệt hạ hàng chục cây gỗ lớn với gần 300m3; trong đó hơn 75m3 đã được chúng phát hộp, chưa kịp vận chuyển ra khỏi rừng tiêu thụ thì bị phát hiện. Vụ việc đã được Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh khởi tố vụ án hình sự, đồng thời chuyển hồ sơ, vật chứng sang cơ quan công an tiếp tục mở rộng điều tra. Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh, trong quá trình phối hợp truy quét, đơn vị này đã ghi lại được một số hình ảnh các đối tượng phá rừng có hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, cùng nhiều phương tiện phá rừng trái phép. Đây là cơ sở để cơ quan điều tra vào cuộc truy bắt, đưa thủ phạm ra xét xử trước pháp luật.
ĐÓNG CỬA RỪNG TÂY NGUYÊN, RỪNG PHÚ YÊN DỄ BỊ XÂM HẠI
Bộ NN-PTNT nhận định, thời gian qua, Tây Nguyên là vùng trọng điểm về vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tại khu vực này, bình quân hàng năm lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn vụ vi phạm. Ở một số trọng điểm, tụ điểm phá rừng nghiêm trọng đã hình thành đường dây phá rừng có hệ thống; tình trạng suy giảm diện tích, chất lượng rừng đang ở mức báo động.
Trước thực trạng trên, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NN-PTNTkhẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án quản lý khai thác rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện để năm 2014 đóng cửa rừng, dừng khai thác rừng tự nhiênmột thời gian. Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh Tây Nguyên phối hợp với các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương vùng giáp ranh tăng cường quản lý Nhà nước đối với rừng và đất lâm nghiệp; tập trung rà soát diện tích rừng hiện có để xác định rõ lâm phần ổn định của từng tỉnh, có kế hoạch quản lý chặt chẽ; tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ, kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến gỗ vi phạm quy định của Nhà nước; thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, hoặc không phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ động xây dựng chính sách phù hợp trong quản lý, bảo vệ nhằm đảm bảo phát triển rừng bền vững.
Theo nhận định của các ngành liên quan và chính quyền địa phương huyện Sông Hinh, khi các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, đồng nghĩa với việc lâm tặc mất “cơ hội” phá rừng trái phép tại đây thì chúng sẽ tràn qua các khu rừng giáp ranh để tàn phá. Thực tế cho thấy, nhiều vụ mở đường sang địa phận tỉnh Phú Yên phá rừng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk vừa qua là một minh chứng.
ĐÂU LÀ GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ?
Ông Cao Hữu Lộc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên thừa nhận, mặc dù UBND 2 huyện Sông Hinh và M’Đrắk, Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk đã nhiều lần làm việc, đưa ra những biện pháp, quy chế phối hợp ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vùng rừng giáp ranh nhưng hiệu quả chưa như mong muốn, nhất là vùng rừng tiếp giáp với đường giao thông, khu sản xuất và khu dân cư của tỉnh Đắk Lắk.
Từ thực tế trên ông Lộc đề xuất, UBND tỉnh Phú Yên sớm làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk để cùng phối hợp ngăn chặn nạn xâm hại rừng ở vùng giáp ranh giữa Sông Hinh với M’Đrắk và Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk); đồng thời đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương khai thác chọn lọc gỗ rừng tự nhiên quá tuổi để lấy kinh phí tái đầu tư bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng trái phép. Đây cũng là quan điểm của ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi liệu tỉnh bạn có “mặn mà” phối hợp ngăn chặn, ông Định cho biết, hiệu quả nhất vẫn là “tự mình bảo vệ rừng mình”. Theo ông Định, ranh giới rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh quá dài, trong khi đó Đắk Lắk cũng rất cần sự phối hợp của Phú Yên để bảo vệ các vùng rừng giáp ranh khác, chứ không riêng gì rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý. Ông Định đề nghị, ngoài việc rất cần sự hỗ trợ thường xuyên, thời gian dài trong tuần tra, kiểm soát của lực lượng kiểm lâm và giải quyết một số chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, bảo vệ rừng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh cũng cần xem xét có chính sách đặc thù rừng phòng hộ khu vực giáp ranh như thành lập Hạt Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ; đồng thời thí điểm giao một số diện tích rừng cho đơn vị quốc doanh quản lý, bảo vệ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Ngày 15/8, UBND tỉnh có công văn chỉ đạo kiểm tra tình hình khai thác gỗ trái phép tại vùng rừng giáp ranh giữa Phú Yên và Đắk Lắk. Cụ thể giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp UBND huyện Sông Hinh, Sở NN-PTNT và các đơn vị liên quan chỉ đạo việc khám nghiệm hiện trường, xác minh điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác gỗ trái phép theo đúng quy định pháp luật.
UBND huyện Sông Hinh chủ trì phối hợp với các ngành chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương thuộc huyện M’Đrắk để nắm thông tin, đồng thời tăng cường năng lực bảo vệ rừng, công tác tuần tra, trinh sát vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh theo quy chế phối hợp, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nhất là khu vực tiếp giáp với các tuyến giao thông, khu vực sản xuất nông lâm nghiệp, khu dân cư của tỉnh Đắk Lắk.
Sở NN-PTNT chủ trì phối hợp UBND huyện Sông Hinh, Công an tỉnh đăng ký lịch làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk trong tháng 9/2013, để thống nhất và phối hợp chỉ đạo quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh (giữa huyện Sông Hinh với huyện M’Đrắk và Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) đảm bảo hiệu quả, bền vững.