Cứ mỗi lần nghe tin đài báo bão lại thấy lo lo. Chằng chống, dằn đè cách chi cũng không yên tâm. Sợ bão tốc mái, bung cửa, xô vách… Sợ nhà sập đè phải người… Sợ ướt chồng sách vở của con, sợ hư mấy tấm ảnh thờ …
Dưới mưa – Phan Minh Giảng
Nhớ ngày còn nhỏ ở chung với bà nội. Cơn bão năm Giáp Thìn được ghi nhận là một trong những cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta. Cây đa Bà Chúa ở giữa làng cũng không chịu nổi, đổ sập xuống như một chàng lực sĩ bị ngã ngựa. Cây mít cổ thụ trước cửa nhà bà bóng toả một góc vườn cũng bị bão nhổ lên quật xuống nằm vật ra chắn cả lối đi. Thế nhưng nhà của ông bà vẫn không bị đổ. Khi đài phát tin bão khẩn cấp, bác và cha tôi đã dùng các cây gỗ, tre chằøng chống rất kỹ, trong nhà cây chống ngang, chống dọc, chống chéo hết cả lối đi, trên mái có đến mươi cây tre dằn ngang dọc, lại có cây bắt chéo từ nóc nhà kéo xuống tận sân rồi đóng cọc buộc chặt. Chằng chống như thế nhưng bác và cha luôn túc trực, khi gió chuyển làn từ đông sang tây (mắt bão đi qua) thường là lúc nhà hay đổ, hai người vội tháo dây buộc, chuyển thế chống. Còn đám trẻ con trong nhà được bà trải chiếu dưới gầm đôn lúa, lùa xuống đó giỡn một chặp rồi ngủ như chết chẳng biết gió bão chi hết.
Lại nhớ cơn bão năm 1984, bão lớn “như B52 tàn phá” suốt dọc dài Bình-Trị –Thiên. Về thăm nhà thấy trống hoác cả một miền quê trù phú. Tre bị tuốt không còn một cái lá, chuối đổ không còn một cây, cả những cây lớn còn sót lại sau chiến tranh cũng bị bão nhổ bật gốc. Vừa phụ giúp mẹ buộc lại mấy tấm phên, nghe mẹ kể: Gió càng lúc càng to. Mẹ và em con ra sức giữ bộ cửa đi nhưng sức yếu không sao giữ nổi. Bỗng cái đòn ngang chèn cửa bị bão giật bật tung, hai cánh cửa mở toang ra, bão như con trâu điên lao thúc vô nhà lồng lộn. Mẹ hét em con, lấy rựa chặt vách sau cho thông gió, không thì đổ nhà. Thằng em vội vơ lấy cây rựa chặt mấy nhát vào mấy nốt dây buộc, vách sau đổ sụp, bão luồn qua, vét luôn những gì có trong nhà tống ra bờ tre sau vườn. Vì thế nhà chỉ bị xiêu một chút nhưng không đổ.
Bão mỗi ngày một lớn.
Trước đây nghe bão cấp mười hai đã “hết nước cản”, nay cấp mười ba, mười bốn, giật cấp mười lăm…Thiên tai chẳng nể chi con người, vì con người cũng có nể chi thiên nhiên, thoải mái tàn phá rừng núi, thoải mái xả khói bụi…vào không trung, xé rách tầng áo giáp ô – zôn bao bọc “mái nhà chung” .
Nghe tin bão số 7 chệch lên hướng bắc, có người vui mừng: Thế là mình thoát nạn! Lòng chạnh buồn, vậy khi nơi khác hoạn nạn mình lại mừng sao?
Mùa bão luôn mang lại những nỗi lo và buồn.
TRẦN HỮU