Ngoài cá, lươn, ốc, ếch… nguồn thực phẩm hiện hữu từ lâu đời trong thiên nhiên, đồng quê còn có con cua, là món ăn thường nhật của bao nhà nghèo khó.
Tôi biết con cua từ khi vừa nói bập bẹ. Cha đi đánh cá đồng bắt chúng mang về. Đối với cha tôi, con cua là kẻ phá hoại, vì chúng xé rách cả mảng lưới để rồi những ngày nước đồng cạn, cha ngồi khòm lưng, dán mắt tỉ mẩn vá lưới.
Bên Sông Ba - Ảnh: D.T.Xuân
Khi mưa kéo về trắng trời, lũ trẻ hàng xóm hò reo, xách cần đi cắm câu, xách lờ đi thả cá. Tôi mê mải nhìn những chú cua màu tím sẫm bò lên bờ cỏ chưa ngập nước, nghe động, chúng giơ càng lên tự vệ. Quãng tháng mười, tháng mười một (âm lịch), thêm đôi cây lụt, những gốc rạ rữa rã trùn và vi khuẩn sinh sôi, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho cá, cua. Tôi và lũ trẻ xách giỏ tre lội ruộng bắt cua. Khi ruộng nước khô dần, cua chiếm lĩnh những bờ ruộng làm nơi sinh sống. Ban ngày chúng trốn biệt trong hang để đêm về lần hồi bò ra ngoài tìm thức ăn. Muốn bắt cua ban ngày chỉ còn cách thò tay vào hang. Cánh tay tôi ngắn cũn, không chạm tới con cua, liền giật ra một cái thật mạnh. Con cua chẳng biết mô tê gì chạy ra theo. Thế là tôi thọc tay vào lần nữa, bắt được ngay chú cua to tướng. Nhiều lúc chọc hết cánh tay vào hang, bắt được con cua dính đầy bùn đất, trông tức cười. Không hiếm người thọc tay vào hang bắt cua, không may gặp rắn cắn cho một phát, ôm tay kêu trời. Cũng may rắn nước cắn không độc hại gì.
Những người đã từng sống ở đồng quê, dù xa quê bao năm cũng không sao quên được những bữa cơm đạm bạc với cua đồng: Cua nướng giằm mắm é, cua rang muối mặn mòi, canh riêu cua ngọt ngào, ấm lòng những ngày đông.
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ: Ngày xưa ở miền quê mà thiếu vắng con ốc, con cua thì chẳng biết lấy gì lo ngày hai bữa cho mùa đông tháng giá? Người miền quê ngày trước nghèo lắm. Mùa mưa, trên những cánh đồng không khi nào vắng bóng lũ trẻ xách giỏ đi bắt ốc, bắt cua. Có người còn bắt cua cột thành xâu dài mang ra chợ bán kiếm thêm đồng mắm, đồng rau. Nghĩ mà thương!
TRẦN QUỐC CƯỠNG