Hết Chanchu rồi lại Xangsane, dông bão bây giờ cũng có tên, những cái tên lạ hoắc đôi khi lại nhớ đời, bởi hậu quả của nó để lại quá lớn. Người thân đi biển không bao giờ trở về; ngôi nhà, thành quả lao động một đời lam lũ chắt chiu phút chốc chỉ còn là đống gạch… Thật không còn nỗi đau nào bằng!
Mấy tháng trước, Chanchu quật tan tành nghề khơi lộng ở Quảng
Ba, bốn mươi năm về trước, mỗi lần nghe đài báo bão xa rồi lại bão gần, đám trẻ háo hức vui ra mặt. Có bao giờ phải chứng kiến cảnh tang thương đâu mà lo âu! Bão tạt vào bờ, bão rớt ngang là được nghỉ học một đôi ngày. Cây cối ngoài vườn có ngả nghiêng nhưng không phải là điều nghiêm trọng. Rồi người lớn sẽ chống dựng chúng lên. Bố mẹ ra chiều lo lắng nhưng lũ trẻ con thì hớn hở. Không hớn hở sao được khi hôm qua, muốn hái trái mận, trái ổi còn phải leo tuốt ngọn cây, hôm nay chỉ một cái với tay là tha hồ chọn trái chín, trái chua đang nằm rạp đợi chờ. Chưa hết, bão rớt ngang qua, mưa to, nước tràn bờ, được đi lội nước đã đời, lại bắt thêm con rô con lóc đang hồi rạch nước lên ruộng cạn, đem về nướng lửa than chấm mắm gừng thơm lựng. Nếu lười ra vườn, ra ruộng thì nằm nhà chực ăn bánh xèo mẹ đúc vừa rời khuôn còn nóng hôi hổi. Nhắc chuyện gió bão năm xưa sao chỉ thấy toàn kỷ niệm. Cũng đúng thôi, hồi đó mấy người được biết thế nào là vùng tâm bão. Có chăng chỉ là những cơn bão rớt thoáng qua để lại chút ảnh hưởng như lời trời đất dặn chừng.
Thời gian thay đổi, cuộc đời thay đổi, phải chăng trời đất cũng đổi thay? Những cơn bão ngày nay đã trở thành nỗi kinh hoàng!
Tự dưng nhớ làm sao những cơn bão rớt từng chứng kiến thời thơ ấu. Mong sao tai họa không trở thành thông lệ giáng xuống vùng quê nghèo mỗi năm như kỳ hạn thiên nhiên đòi nợ, giống nạn đòi sưu đòi thuế thời thuộc Pháp. Mong sao sự bất hạnh và khốn cùng không còn đè lên những con người chất phác còn phải đối mặt bao khốn khó trong cuộc sống thường ngày. Mong sao hàng năm thiên nhiên chỉ gởi đến vùng quê nghèo những cơn bão rớt như một lời nhắc nhở...
ĐOÀN NGỌC THÀNH