Tháng 6 năm 1991, sau hơn mười năm dạy THPT ở huyện Đồng Xuân, tôi chuyển ngành về Tuy Hòa làm phóng viên Báo Phú Yên. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, thấm thoát mà đã mười lăm năm gắn bó với công việc mới…
Hồi mới vào nghề, do không có chuyên môn, mỗi lần viết một cái tin ngắn, tôi phải loay hoay nghiên cứu cách thể hiện của các anh chị đi trước trên báo rồi “vận dụng” theo cách của mình. Cũng may, xuất thân là giáo viên Văn, câu chữ được dạy rành rẽ, cộng với tính chịu khó học hỏi, dần dần, công việc thuận lợi hơn. Trong nhiều lần trực tiếp duyệt bài, Tổng biên tập Tô Phương động viên: “Cậu nhập cuộc bước đầu như vậy là tốt. Cứ cố gắng phấn đấu rồi sẽ tiến bộ thôi!”
Do yêu cầu công việc, được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, cứ thế, tầm mắt và cảm xúc nghề nghiệp cũng ngày càng mở rộng và đầy đặn hơn. Rồi ngày càng thêm thấm thía một điều: làm báo là một nghề thật khó. Trước hết, nó là một nghề như bao nghề bình thường khác trong xã hội, như người bác nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên cánh đồng để làm ra bao mùa vàng no ấm, như người công nhân cần mẫn trong xưởng máy hầu có nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ đời sống ngày càng nâng cao. Khó là ở chỗ, bên cạnh nghĩa vụ công dân như bác nông dân, anh công nhân, người làm báo còn có một trách nhiệm xã hội lan tỏa hơn, chông chênh hơn. Bởi vì, sản phẩm của anh làm ra là những bài viết không chỉ tác động tích cực hay tiêu cực trực tiếp đến một người, một tổ chức cụ thể mà sau nó là bao nhiêu phận đời, phận người với những mối quan hệ đời thường rất phức tạp và vô cùng nhạy cảm. Bên cạnh tôn vinh chân, thiện, mỹ, những tin, bài xuất hiện trên mặt báo, đôi khi chỉ vì sự sơ xuất, chủ quan, phiến diện và cả đạo đức nghề nghiệp không trong sáng của tác giả, sự “canh cửa” chưa chặt chẽ của bộ phận biên tập, có thể đẩy cả một doanh nghiệp, một gia đình, một hay nhiều cá nhân vào “sự cùng quẫn của tinh thần và vật chất” và đi kèm theo đó là bao nhiêu nỗi đau, nước mắt và cả sự căm giận không đáng có…
Mười lăm năm theo nghề, tờ báo thân yêu của tôi nay đã có một diên mạo và tầm vóc rất khác xưa, không ngừng lớn lên trong dòng chảy sáu mươi năm cuồn cuộn bao thăng trầm của quê hương, đất nước. Bây giờ, tòa soạn đã có thêm nhiều cây bút trẻ, được đào tạo chính quy, sát đúng chuyên ngành hơn với công nghệ làm báo hiện đại trong thời bùng nổ Internet. Bây giờ, cơ chế thị trường với hai mặt phập phù sáng tối len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tôi cứ nhớ mãi lời của thầy Nguyễn Cách, cố Giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên, khi đến chào thầy để nhận công tác mới: “Có thể em không viết báo tốt như dạy học lâu nay nhưng bao giờ cũng phải giữ cho được cái tâm của mình. Làm nghề này không đơn thuần như đứng trên bục giảng đâu, em à!”.
Thưa thầy, em luôn khắc ghi lời dạy đó để răn mình trên bước đường tác nghiệp…
THẠCH BI SƠN